Trang

22 tháng 6, 2014

Nguy cơ các dòng sông Việt Nam bị vỡ vụn

Đăng Bởi  - 

Nguy cơ các dòng sông Việt Nam bị vỡ vụn
Theo Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), các con sông Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ vụn, đặc biệt là 10 con sông lớn hiện nay, mang nhiều nguy cơ và thách thức nhất.
Việt Nam có 2.360 con sông, kênh lớn nhỏ, với tổng chiều dài khoảng 41.900 km, nhưng mới quản lý và khai thác được 8.036 km. Cho đến những năm 80 của thế kỷ 20, các dòng sông lớn của Việt Nam vẫn giữ được sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt các công trình thủy điện ở Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua trên tất cả các hệ thống sông của Việt Nam đã và đang gây nên những tổn hại nghiêm trọng đến môi trường, hệ sinh thái và phá vỡ sinh kế của cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này.
Đồng thời, điều này đặt tài nguyên nước nói riêng và hệ sinh thái của các vùng đầu nguồn, các sông suối Việt Nam trong tình trạng báo động về cạn kiệt và suy thoái khó hồi phục.  
Hiện nay, nguồn tài nguyên nước của Việt Nam không được đảm bảo, vì hơn 60% lượng nước bắt nguồn từ các nước khác và đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng, do các tác động của quá trình tăng trưởng kinh tế và tác động của biến đổi khí hậu.
Theo Mạng lưới sông ngòi VN (VRN), các con sông Việt Nam đang đứng trước nguy cơ vỡ vụn, đặc biệt là 10 con sông lớn hiện nay, với nhiều nguy cơ và thách thức nhất.  
Một Thế Giới xin thống kê 10 con sông này, theo nguồn của VRN:
1. Sông Mekong  
Về đến lãnh thổ Việt Nam được gọi là sông Cửu Long, là hệ thống sông lớn nhất Việt Nam; có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, mức độ đa dạng sinh học cao và có vai trò sống còn đối với sự phát triển nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, các kế hoạch và công trình thủy điện trên sông Mekong hiện đang là thách thức lớn nhất đối với môi trường và sinh thái vùng hạ nguồn. Trên dòng chính sông Mekong, Trung Quốc có kế hoạch phát triển 15 bậc thang thủy điện, phía hạ lưu có 12 công trình đang được đề xuất.  
Ở dòng nhánh, theo quy hoạch sẽ có 180 công trình, trong đó 94 công trình đã được xây dựng.
 
2. Hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình
Sông lớn thứ 2 của Việt Nam, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Trên sông có 29 hệ thống thủy nông, 900 hồ chứa lớn và nhỏ, 1.300 đập dâng, hàng nghìn trạm bơm điện lớn nhỏ, hàng vạn công trình tiểu thủy nông như mương, phai…  
Cùng với sự phát triển kinh tế của con người và tác động của biến đổi khí hậu, lưu vực đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn do nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, mâu thuẫn giữa các ngành dùng nước ngày càng phức tạp, nguồn nước sông ngày càng bị suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
Phụ thuộc 48,7% nguồn nước từ bên ngoài, hệ thống sông này chưa có cơ chế hợp tác về chia sẻ nguồn nước công bằng, hợp lý giữa các quốc gia. Sự phát triển thuỷ điện phía thượng nguồn ảnh hưởng đến lượng phù sa và lưu lượng nước, dẫn đến nhiều nguy cơ như: cạn kiệt nguồn nước, gia tăng nhiễm mặn, ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, xói lở bờ sông.  
3. Sông Đồng Nai
Hệ thống sông lớn thứ 3 cả nước, có 911 công trình, trong đó có 406 hồ chứa, 371 đập dâng và cống, 134 trạm bơm và hệ thống thủy lợi.  
Sự phát triển ồ ạt thuỷ điện trên lưu vực sông Đồng Nai đang đặt ra những thách thức lớn cho môi trường, sinh thái, sinh kế và vùng đầu nguồn. Diện tích rừng bị thu hẹp, các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn Quốc gia như khu Nam Cát Tiên, Bù Gia bị ảnh hưởng tiêu cực.
Do lưu vực sông nằm trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của phía Nam, nên vấn đề ô nhiệm nguồn nước tại đây cũng đang ở tình trạng báo động.  
4. Sông Srêpôk
Cung cấp nguồn nước mặt quan trọng cho 4 tỉnh Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai. Địa hình của lưu vực khá phức tạp với những cao nguyên xen kẽ núi cao và núi trung bình, hướng dốc chính thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.  
Nguồn nước đang bị ô nhiễm do chất thải từ các khu công nghiệp nằm ngay bên bờ sông, khiến nguồn lợi thủy sản của dòng sông bị ảnh hưởng và ngày càng thêm cạn kiệt, nhiều loài đang lâm vào tình trạng nguy cấp.
Phát triển thủy điện gây phá rừng, giảm độ che phủ của rừng và ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số.
 
5. Sông Sêsan
Là một con sông lớn ở Tây Nguyên, bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc, một nhánh của sông Mekong, sau đó đổ xuống gần Strung treng - Campuchia. Dòng sông chảy trên địa hình vùng núi, có độ dốc lớn, quanh co, nhiều thác, bờ sông dốc đứng.  
Chất lượng nước vượt quá tiêu chuẩn cho phép về hàm lượng Colifom, COD… do quá trình phát triển các nhà máy chế biến dọc 2 bờ sông.
Phát triển thủy điện vùng thượng nguồn mạnh và ồ ạt làm ảnh hưởng đến hạ lưu, gây ra hạn hán và lũ lụt. Thảm thực vật, hệ sinh thái rừng tại đây bị phá vỡ, cuộc sống người dân bị thay đổi, văn hóa Tây Nguyên dần bị mai một.  
6. Sông Vu Gia - Thu Bồn
Bắt nguồn từ vùng núi cao sườn phía Đông của dãy Trường Sơn, sông Vu Gia - Thu Bồn có độ dài ngắn, còn độ dốc lòng sông lại lớn. Đây là lưu vực có tiềm năng thủy điện lớn xếp thứ 4 toàn quốc, theo quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian qua lưu vực đã không còn giữ được nguyên vẹn do khai thác các công trình thủy điện. Đến nay có 7 công trình thủy điện lớn trên hệ Vu Gia - Thu Bồn đang phát điện.  
Tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý, hoặc xử lý không đúng quy định từ các nhà máy ở các khu, cụm công nghiệp cũng đang khiến nguồn nước tại đây bị ô nhiễm.
7. Sông Ba  
Lưu vực có dạng gần như chữ L, phần thượng và hạ lưu hẹp, giữa phình ra. Vùng thượng và trung lưu sông Ba địa hình biến đổi khá phức tạp bị chia cắt mạnh bởi sự chi phối của dãy Trường Sơn. Đây là nguồn sống của cánh đồng miền Trung và Tây nguyên.
Trên lưu vực sông hiện có 4 công trình thủy điện lớn là An Khê-Ka Nak, Krông Hnăng, sông Hinh và Sông Ba Hạ có tổng công suất 377 MW và 329 công trình thuỷ lợi.  
Nằm trong vùng có khí hậu phức tạp, cộng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu và việc xây dựng các công trình thủy điện đơn mục tiêu, nên hạn hán, lũ lụt đa gây nhiều thiệt hại cho người dân nhiều năm gần đây.
Ngoài ra, sông còn bị ô nhiễm do nguồn nước thải từ các nhà máy chế biến khác nằm trên lưu vực.
 
8. Sông Cả
Sông không có phân lưu, toàn bộ lượng nước về mùa lũ và mùa kiệt đều được chảy ra biển tại Cửa Hội. Trong lưu vực và vùng phụ cận đã xây dựng 3.193 công trình lớn nhỏ trong đó 1.578 hồ chứa các loại, 459 đập.
Thuộc vùng khí hậu khắc nghiệt, địa hình dốc, cộng với việc xây dựng thủy điện trên thượng lưu, việc này đã gây ra các nguy cơ lũ lụt, hạn hán, sạt lở ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
9. Sông Hương
Là lưu vực có sự chuyển tiếp nhanh từ vùng núi xuống thẳng đồng bằng trũng thấp hình thành hệ thống sông không có trung lưu rõ rệt. Hiện có 100 hồ chứa các loại được xây dựng ở vùng trung du, miền núi và vùng cát. 
Việc thiếu sự quản lý và giám sát trong quá trình vận hành hồ chứa dẫn đến lũ lụt, hạn hán bất thường. Vấn đề phát triển thủy điện trên lưu vực đã ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái hạ lưu vực.
10. Sông Mã
Sông nằm trên lãnh thổ 2 quốc gia là Lào và Việt Nam, nhưng không bị phụ thuộc nguồn nước từ nước ngoài, hiện trên sông có hơn 1.800 công trình thủy lợi.
Nằm trên địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt, sông Mã chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kết hợp việc xây dựng nhà máy ở thượng nguồn sẽ khiến vùng hạ lưu chịu nhiều thách thức về lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm.
L.Quỳnh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét