Trang

28 tháng 6, 2014

Đắng lòng người đóng thuế

BTTD: ông chủ tịch Đồng Tháp can đảm nói ra sự thật mà dân đã biết từ lâu về một nền "hành là chính" của VN. Dân nghèo vì nuôi cán bộ.

TT - Nói thật thì mất lòng, ông bà mình nói vậy. Vì sự thật thường mang vị đắng chứ không ngọt, như sự thật mà ông chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã nói ra trước bàn dân thiên hạ hôm 7-5 khiến các sinh viên đầy nhiệt huyết của Trường đại học Đồng Tháp như nhận ngay một gáo nước lạnh.Sự thật mà ông chủ tịch tỉnh nói ra là như thế này: trong guồng máy điều hành nhà nước ở tỉnh Đồng Tháp hiện nay, chỉ 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 30% làm việc cầm chừng, và đặc biệt có đến 30% cán bộ công chức có mặt chỉ để lãnh lương.
Ông còn nói thêm về con số 1/3 công chức đặc biệt này như sau: không có họ cũng chẳng ảnh hưởng gì đến công việc của cơ quan. Nếu hiểu theo tinh thần của các con số, thì chỉ có 30% số cán bộ công chức nhà nước xứng đáng được lãnh lương!
Phải chăng sự thật phũ phàng này chỉ có ở tỉnh Đồng Tháp? Thật ra đây là căn bệnh chung từ lâu nay ở khá nhiều nơi trong cả nước, về đội ngũ cán bộ công chức hưởng lương ngân sách nhưng không làm tròn chức trách.
Và không phải chờ đến khi ông chủ tịch tỉnh này nói ra người ta mới biết, nhưng dù sao cũng phải ghi nhận ông là người có chức quyền hiếm hoi đã cụ thể hóa sự thật đó bằng những con số, những con số làm đắng lòng người đóng thuế!
Thế thì người đóng thuế để nuôi bộ máy (chí ít là ở Đồng Tháp) sẽ đặt câu hỏi: tại sao 70% số lượng người không đáng lãnh lương kia vẫn được lãnh lương, và điều quan trọng là tại sao họ tiếp tục được tồn tại trong bộ máy đó?
Mới đây, Vụ Ngân sách của Bộ Tài chính công bố có 6 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Và số tiền để chi cho khoản tăng lương tối thiểu từ 830.000 đồng lên 1.050.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-5 đến hết năm 2012 là 48.000 tỉ đồng.
Một trong những bài toán nan giải của Nhà nước ta lâu nay là vấn đề tiền lương. Vẫn biết rằng tiền lương công chức luôn không đủ để giúp họ sống một cuộc sống đàng hoàng, thế nhưng qua bao nhiêu lần cải cách, cải tiến tiền lương, tăng lương thì đồng lương vẫn không thay đổi. Với đồng lương đó, dễ hiểu tại sao chỉ có một số ít người làm việc tốt.
Với đồng lương đó, dễ hiểu tại sao tham nhũng, hối lộ, tệ nạn vòi vĩnh phong bì lan tràn; dễ hiểu vì sao với đồng lương không đủ sống mà rất nhiều cán bộ công chức vẫn sống khỏe. Và cũng rất dễ hiểu về một số hệ lụy bất thường mà xã hội đang phải gánh chịu ngày hôm nay.
Bài toán tiền lương dĩ nhiên chưa bao giờ tách rời bài toán về cải cách hành chính và tinh giản biên chế. Thế nhưng nhiều năm nay, những lời kêu gọi và cả hành động trong lĩnh vực này chẳng thu nhận được hiệu quả bao nhiêu.
Ai cũng biết rằng một người ăn một cái bánh sẽ no hơn ba người ăn một cái bánh, thế nhưng làm sao để giúp một người làm việc tốt ăn đủ một cái bánh thay vì phải chia thêm cho hai người không xứng đáng khác vẫn là câu hỏi chưa có lời giải.
Có lẽ nó còn khó hơn bài toán bổ đề của giáo sư Ngô Bảo Châu! Khó nhưng phải giải, giải sớm vì đó là trách nhiệm của một nhà nước vì nhân dân!
 NGUYỄN VỸ DU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét