Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn 15 lần so với Singapore
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố một nghiên cứu của tổ chức này cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Đáng chú ý hơn là tốc độ tăng năng suất lao động tại Việt Nam cũng bị giảm mạnh. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm – mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chỉ còn 3,3%.
Một trong những nguyên nhân của vấn đề chính là kỹ năng, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. ILO cho biết, trong một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền trung, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân là vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.
Ông Phan Danh Dũng - Phó Giám đốc Khách sạn Viễn Đông cho hay, phần lớn người lao động sau khi tốt nghiệp trường nghề còn rất yếu kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ kém, không tự tin khi tiếp cận với khách hàng...Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo tại các cơ sở dạy nghề vẫn chưa thực sự phù hợp với cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động, chưa bổ sung những ngành nghề mới theo nhu cầu của thị trường tuyển dụng.
Thực tế nhiều năm qua, các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” mà chưa chú trọng đào tạo theo “cầu” của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chất lượng dạy nghề còn hạn chế; nội dung chương trình và giáo trình giảng dạy nghề chưa có sự tham gia của doanh nghiệp, thiếu phù hợp với sự thay đổi công nghệ sản xuất của doanh nghiệp dẫn đến chất lượng đào tạo không đáp ứng được nhu cầu...
Trước những lo ngại về chất lượng lao động cũng như sự thiếu hụt lao động ở Việt Nam nói riêng và các nước trong khối ASEAN nói chung, nhằm đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp vào những năm tới, ILO khuyến nghị: Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực, củng cố các chính sách thị trường lao động hợp lý và ổn định. Cùng với đó, cần thúc đẩy người sử dụng lao động và các tổ chức doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội và thách thức của AEC…
Được biết, Quốc hội Việt Nam cũng dự kiến sẽ thông qua Luật Dạy nghề sửa đổi trong kỳ họp vào cuối năm 2014. Dự thảo luật nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo thông qua các chương trình ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp tham gia.
Hy vọng, với những nét mới trong dự thảo Luật Dạy nghề sửa đổi được thông qua vào kỳ họp cuối năm nay sẽ dần xóa bỏ được khoảng cách giữa học và hành nghề, tạo sự tin cậy cho các nhà tuyển dụng.
Theo Thanh Tâm
Báo Công thương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét