Trang

15 tháng 5, 2014

TQ đang cắm đầu đi ngược chiều văn minh?


(PetroTimes) - Từ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cho đến Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC), hay Thỏa thuận những Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dù đã đặt bút ký nhưng Trung Quốc vẫn ngang nhiên vi phạm hoặc tìm cách lươn lẹo biện bạch, lấp liếm cho các hành xử chẳng lấy gì gọi là “đàng hoàng”, đáng mặt nước lớn của mình.
Giàn khoan hải dương 981 của Trung Quốc
Mặc dù là thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, nhưng năm 2006, Trung Quốc đã nộp bản tuyên bố không chấp nhận bất cứ thủ tục nào quy định trong Điều 287 của UNCLOS, dùng để phân xử các vấn đề liên quan đến phân định ranh giới biển, vùng nước lịch sử và hoạt động quân sự.
Có lẽ đó là sự “nhìn xa, trông rộng” của Bắc Kinh. Bởi đến năm 2012, khi vô phương hết cách với sự bành trướng và tráo trở của Bắc Kinh, Philippines mặc dù đã khởi kiện Trung Quốc ra tòa án trọng tài quốc tế được thành lập theo UNCLOS, nhưng Bắc Kinh nghiễm nhiên vẫn có thể từ chối tham gia!
Rõ ràng, Trung Quốc ký kết UNCLOS nhưng lại không muốn bị ràng buộc bởi các thủ tục bắt buộc của UNCLOS, ở đây là việc không muốn giải quyết tranh chấp với Philippines thông qua UNCLOS. Tuy nhiên, nếu nhìn vào câu chuyện năm 2009, Trung Quốc viện dẫn UNCLOS để nộp báo cáo ban đầu về ranh giới ngoài thềm lục địa quá 200 hải lý trên biển Hoa Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc thì sẽ lại thấy, Bắc Kinh chỉ muốn đơn phương lựa chọn quy định của UNCLOS nào muốn tuân thủ và bỏ qua quy định nào bất lợi.
Cũng cùng một luận điệu tương tự, mỗi khi có nước láng giềng nào của Trung Quốc có hoạt động nào đó trong vùng biển nằm trong “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự vẽ ra - nhưng chẳng được luật pháp quốc tế nào công nhận, để làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền phi lý với gần 2/3 diện tích Biển Đông, Bắc Kinh lại nhảy dựng lên, chỉ trích họ vi phạm Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002.
Không những thế, Bắc Kinh cũng vin vào đó như một cái cớ bao biện để nấn ná, thoái thác cùng ASEAN đi tới Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hết năm này qua năm khác, mặc dù Trung Quốc và trước đó các nước ASEAN đã nhiều lần nhấn mạnh việc phải đẩy nhanh tiến trình xây dựng COC nhằm sớm có COC tạo cơ sở cho việc kiểm soát tình hình Biển Đông.
Theo cái lý của Bắc Kinh, DOC còn chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, sao đã vội bàn đến COC? Mà người vi phạm DOC nhiều nhất, đương nhiên, không ai khác - đó là Trung Quốc.
Từ việc thành lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”, chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ tay Philippines, phát hành hộ chiếu điện tử có in bản đồ “đường lưỡi bò”… cho đến việc tổ chức tuần tra trái phép, tập trận ở bãi ngầm James - cách bờ biển Malaysia chỉ có 80km, ngang nhiên kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặt quyền kinh tế của Việt Nam, sử dụng vũ lực để chống lại lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam, Bắc Kinh đã thể hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình để mà hành xử tùy tiện, ỷ vào sức mạnh nước lớn, bất chấp luật pháp quốc tế, UNCLOS hay DOC, coi thường những chữ ký của bản thân các lãnh đạo Bắc Kinh.
Trong vụ hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 trong vùng biển Việt Na, Bắc Kinh đã vi phạm Điều 56 Công ước Liên Hiệp quốc về Luật Biển 1982, mà theo đó, trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý của mình, chỉ có quốc gia ven biển là Việt Nam mới có quyền thăm dò và khai thác dầu khí (tài nguyên không sinh vật). Trung Quốc cũng vi phạm các điểm sau của DOC: (1) Các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật biển 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông - Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và các nguyên tắc cơ bản khác của Luật quốc tế; (2) Các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực … phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982; (4) Các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định; (5) Các bên đồng ý căn cứ vào các nguyên tắc Hiến chương Liên Hợp quốc, Công ước Luật biển 1982… bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin.
Chưa hết, hành động bất hợp pháp của Trung Quốc còn phản bội tinh thần của những thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như những nguyên tắc giải quyết các vấn đề trên biển mà gần đây nhất là Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa được ký ngày 11/10/2011, tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Trong đó, nêu rõ 6 vấn đề sau: (1) Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng; (2) Tôn trọng chứng cứ pháp lý, lịch sử; (3) Tuân thủ nguyên tắc của DOC; (4) Giải quyết trên tinh thần tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi; (5) Giải quyết theo tinh thần dễ trước, khó sau; và (6) Gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán 2 lần/năm.
Trong một thế giới lấy thước đo văn minh là sự tuân thủ luật pháp và các cam kết, thỏa hiệp từ kinh tế cho đến bang giao quốc tế, hành xử của Bắc Kinh rõ là đang đi ngược lại với tiến trình văn minh nhân loại, không xứng với một quốc gia đang vỗ ngực là một “cường quốc phát triển hòa bình”. Tự Trung Quốc, chứ không phải ai khác, mới là kẻ bôi xấu hình ảnh của chính mình!
Linh Linh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét