Trang

5 tháng 4, 2014

Thưởng tiền tỉ cho người tố cáo tham nhũng?


(Tin tức thời sự) - Bên cạnh thưởng lớn, người tố cáo tham nhũng được bảo vệ tối đa với việc áp dụng các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Rất cần thiết!
Tờ Pháp Luật TPHCM đưa tin, tại hội thảo lấy ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định việc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng về phòng, chống tham nhũng (PCTN) do Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng cho rằng, việc khen thưởng cho người tố cáo tham nhũng là hết sức cần thiết trong công tác PCTN hiện nay.
Ông Hùng cho hay ngoài việc khen thưởng theo định kỳ hằng năm, dự thảo này còn quy định hình thức khen thưởng đột xuất cho các đối tượng tố cáo tham nhũng mà số tiền thu hồi được nhiều.
Theo dự thảo thì có ba hình thức khen thưởng gồm: Bằng khen của tổng TTCP; bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huân chương Dũng cảm.
“Khi cần thiết thì có thể khen thưởng bí mật ngoài việc khen thưởng công khai để vinh danh. Thủ tục khen thưởng sẽ được rút gọn đơn giản” - ông Hùng thông tin thêm.
Một phiên tòa xét xử tội danh hối lộ tại TP.HCM.
Một phiên tòa xét xử tội danh hối lộ tại TP.HCM.
Về mức thưởng, đối với người nhận bằng khen của tổng TTCP là 30 lần lương tối thiểu; người nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 60 lần lương tối thiểu và người nhận huân chương Dũng cảm là 90 lần lương tối thiểu.
Đặc biệt, với người nhận huân chương Dũng cảm trong tố cáo tham nhũng còn được trích thưởng thêm 20% phần trăm số tiền thu hồi được, tức số tiền có thể lên hàng tỉ đồng nhưng không vượt quá 10 tỉ đồng.
Ông Ngô Mạnh Hùng cho rằng việc tăng số tiền thưởng sẽ tạo được cú hích trong công tác PCTN sắp tới. Vì thời gian qua, số tiền thưởng cho người tố cáo tham nhũng là quá thấp, không tương xứng với công lao của họ bỏ ra.
Đồng tình với vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (TTCP), nói: “Vừa rồi báo chí cũng có nêu về việc mức thưởng đối với người tố cáo tham nhũng quá thấp chưa tạo nên được động lực cho họ phát hiện, tố cáo. Với việc nâng cao mức thưởng lần này, hy vọng có thêm được nguồn tố cáo tham nhũng trong xã hội”.
Bảo vệ người tố cáo
Bên cạnh việc nâng mức thưởng đối với người tố cáo tham nhũng, các đại biểu tại hội thảo cũng rất quan tâm tới việc bảo vệ những người tố cáo. Theo nhiều đại biểu, việc công khai có khi sẽ ảnh hưởng đến cả sự nghiệp, tính mạng của người tố cáo vì có thể họ sẽ bị trả thù, trù dập.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, cũng thông tin hiện tại các quy định về việc bảo vệ người tố cáo tham nhũng đã khá hoàn thiện.
“Và trong trường hợp cần thiết thì sẽ dùng cả quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước để bảo vệ cho những người tố cáo tham nhũng được khen thưởng” - ông Anh nói.
Theo ông Ngô Mạnh Hùng, hồ sơ khen thưởng người tố cáo tham nhũng sẽ quy định là tài liệu mật. “Vì hiện tại gần như 100% các vụ tố cáo của chúng ta đều lộ người tố cáo. Tố cáo ngày hôm nay thì ngày hôm sau người ta đã biết rồi” - ông Hùng cho hay.
Tung lực lượng hùng hậu, kết quả chả được bao nhiêu
Trước thực tế tham nhũng ngày càng tăng, ngày 7/11, lên tiếng tại Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lo ngại trước tình trạng lãnh đạo các địa phương “vận động” đại biểu QH trước mỗi kỳ họp: “Có thể chất vấn, nói về bất cứ vấn đề gì, trừ tham nhũng ra, bởi việc đó chẳng khác nào vạch áo cho người xem lưng”.
Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng chúng ta đã bài binh bố trận một cách rất hoành tráng, “tung” ra lực lượng hùng hậu, hỏa lực dữ dội nhưng cuối cùng nói tỉ lệ sát thương chẳng được bao nhiêu.
“Kết quả phòng chống tham nhũng cho thấy khâu triển khai thực hiện đang có vấn đề. Tình trạng “nợ xấu lòng tin” và “tồn đọng trách nhiệm” đang ở mức báo động.
Người Việt "ngại" tố cáo tham nhũng
Đầu tháng 7, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố kết quả khảo sát phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu lần thứ 8 đối với hơn 114.000 người tại 107 nước trên thế giới và ở VN.
Kết quả cho biết, 55% người dân VN được hỏi đã “cảm nhận” tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, kết quả này cao hơn mức trung bình là 48% ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có 18% người VN cho rằng tham nhũng đã giảm, 27% cho rằng không thay đổi.
Đặc biệt, chỉ có 38% số người VN được hỏi cho biết sẵn sàng tố cáo tham nhũng, tỷ lệ này thấp hơn mức bình quân ở 6 nước Đông Nam Á là 63%. Trong đó, Malaysia là 79%.
Thái Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét