Trang

5 tháng 4, 2014

Bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng

- BTTD: Chế độ công bằng, dân chủ, văn minh dùng luật pháp để bảo vệ nhân dân.  Chế độ độc tài, phát xít dùng luật pháp  để bảo vệ chính quyền và đàn áp nhân dân.

TT - Trong đa số các công việc, người ta chỉ được nhân danh chính bản thân mình. Cao hơn nữa (và phải được công nhận có những phẩm chất, tư cách phù hợp) mới có thể nhân danh tập thể, đơn vị...

Gia đình nạn nhân nghe tuyên án - Ảnh: D.T

Rất cao mới có thể nhân danh một ngành, một hệ thống, đoàn thể, tổ chức. Còn nhân danh cả đất nước, quốc gia chỉ có thể là hàng nguyên thủ và số rất ít người nếu được ủy nhiệm trong những tình huống cụ thể.
Nếu tôi không lầm, duy chỉ trong công việc xét xử là ở mọi cấp thấp cao đều có thể tuyên lên quyết định của mình, mở đầu bằng lời “Nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam...”.
Bởi lẽ sinh mệnh, quyền tự do, danh dự của mỗi con người là điều cực kỳ quý giá, nên không thể định đoạt với danh nghĩa thấp hơn danh nghĩa quốc gia.
Bởi lẽ công lý là điều thiêng liêng nhất, chỉ có thể nhân danh quốc gia mà tuyên đọc. Ở đây không thể có cái gì là nhân danh cá nhân hay một nhóm người, một đơn vị, một tổ chức, một ngành nghề, thậm chí một hệ thống. Ở đây không chấp nhận áp lực từ một hay nhiều bộ phận, chỉ có áp lực duy nhất, áp lực cao cả: pháp luật của quốc gia và gương mặt lương tâm của quốc gia.
Ông Lương Quang, chánh án Tòa án nhân dân TP Tuy Hòa, người vừa xử vụ án gây xáo động trong dư luận, qua báo chí đã nói rằng chịu nhiều áp lực. Nhưng rõ ràng những áp lực mà ông thổ lộ qua báo chí khác xa với áp lực mà ta nói đến ở trên.
Đọc bài trả lời phỏng vấn của chánh án Lương Quang, mỗi câu đều khiến người ta run lên vì kinh ngạc, bàng hoàng, phẫn nộ và thất vọng, cùng vô số trạng thái khác, chẳng cái nào là dễ chịu.
Không kinh ngạc sao được khi người có trách nhiệm phải phân xử độc lập, chỉ tuân thủ theo pháp luật, lại nói rằng đây là việc “nhạy cảm”, “phải biết chọn giải pháp nào để an toàn” (!).
Không bàng hoàng sao được khi ông chánh án vừa dõng dạc “nghiêm minh là phải đúng pháp luật”, ngay sau đó lại nói ra cái quan niệm “sai - đúng” là: “Có những việc biết lẽ ra là như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để đảm bảo mối quan hệ cho tốt” (!).
Không xót xa, không phẫn nộ sao được khi ông Quang vừa nói rằng sự thật trên đầu nạn nhân có tới 11 vết thương, và “70 vết thương trên người... nhìn thấy kinh” (ai cũng biết rằng người đó đã bị đánh đến chết, rằng phiên tòa ông Quang chủ trì là phiên tòa xử một vụ án mạng), cùng lúc ông lại nói rằng các bị cáo là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”.
Xin nhắc lại, năm thủ phạm làm chết một mạng người ngay ở nơi thừa hành công vụ bằng cách thức không thể biện minh, năm người sai trái lời thề, xúc phạm chức trách của mình - là những người bị “tai nạn nghề nghiệp”, theo lời vị chánh án (!).
Có cách nào để không thấy chua chát và mỉa mai khi vị chánh án của phiên tòa - người phải làm thiên chức là tìm ra cho được phán quyết đúng nhất với sự thật, người phải chỉ mặt tội ác và đem lại công lý - lại kêu than về những “phức tạp”, lại công khai nói rằng chẳng muốn “ôm rơm nặng bụng”, “làm cho hết trách nhiệm thôi”?
Có cách nào để hiểu nổi chuyện người cầm cán cân công lý, biết rằng “diễn biến vụ án còn những việc chưa rõ” nhưng lại chép miệng mà quyết theo kiểu “có cái cũng đành vậy chứ” và “xét xử còn có phúc thẩm”, hay “luật quy định như vậy nhưng trên thực tế tôi thấy không khả thi”?
Nhưng sau khi cảm giác kinh ngạc, đau xót, phẫn nộ và bất bình khi đọc lời bộc lộ của ông chánh án dịu lại, thì âm ỉ trong người ta là sự lo lắng. Lo lắng cụ thể hơn là về ông Lương Quang. Nổi lên ở ông là... sự hồn nhiên.
Tôi đọc thấy trong muôn vàn phản ứng bất bình đang đầy trong dư luận có vài lời nói đến sự “thật thà” của ông chánh án bộc lộ qua những câu trả lời phỏng vấn. Vâng, đó là sự hồn nhiên. Đó là sự thật thà. Nhưng với nội dung vụ án này, đó là sự hồn nhiên và thật thà không thể chấp nhận được.
TRẦN ĐĂNG TUẤN
 ------------------------------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét