TT - Nói về tình trạng “Tham nhũng vặt khắp nơi” như kết quả PAPI năm 2013 (Tuổi Trẻ ngày 3-4), nhiều người dân cho rằng họ cũng phải “lót tay” để không phải bị hành, đồng thời đề nghị phải có những cải cách triệt để nhằm xóa bỏ tình trạng này.
* Bà H.T.H. (TP.HCM):
Bị “hành” quá, tôi phải kẹp tiền vào hồ sơ
Từ cuối năm 2013 đến nay, tôi bán căn nhà cũ và mua nhà mới nên phải liên hệ nhiều lần đến bộ phận nhận và trả kết quả tại một quận trung tâm TP. Sau khi bán căn nhà cũ, tôi giúp người chủ mới làm thủ tục sang tên, đăng bộ. Khi mua hồ sơ đăng bộ có ba mẫu bản khai, tôi đã thận trọng hỏi cán bộ bán hồ sơ ngoài những giấy tờ này còn giấy nào khác nữa không, anh cán bộ nói cứ khai ba mẫu giấy đó.
Đến khi nộp hồ sơ, tôi mới biết phải kèm theo nhiều thứ như bản sao chứng minh nhân dân, hộ khẩu của hai bên, quyết định cấp số nhà, tờ khai và đóng lệ phí trước bạ của tôi khi mua nhà của chủ trước. Sau khi nộp hồ sơ xong, tôi được cấp biên nhận, hẹn 15 ngày làm việc sẽ đến nhận kết quả. Đến ngày hẹn, tôi đến nhận kết quả thì được thông báo hồ sơ của tôi thiếu tờ khai và đóng lệ phí trước bạ của chủ mới, tờ khai và đóng thuế thu nhập cá nhân của người bán là tôi.
Tôi phải nhờ người quen giới thiệu đến chi cục thuế để được đóng lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân sớm. Nhưng nghĩ đến đoạn phải chờ thêm 15 ngày làm việc nữa mới xong thủ tục sang tên cho người mới để nhận đủ tiền bán nhà trong khi tôi đang cần tiền gấp, tôi gọi điện thoại than thở với một người bạn. Người bạn này bày tôi nên “bồi dưỡng” cho cán bộ nhận hồ sơ để được giải quyết nhanh.
Tôi nghe lời bạn và kín đáo kẹp tiền vào hồ sơ. Lần này anh cán bộ nhận hồ sơ vui vẻ trao đổi và chỉ năm ngày sau chúng tôi sang tên, đăng bộ xong!
Có kinh nghiệm nên khi làm giấy tờ cho căn nhà mới mua (cùng quận), tôi cũng kẹp tiền vào hồ sơ. Người nhận hồ sơ lần này là phụ nữ. Vừa bước vào phòng nhận và trả kết quả, tôi đã nghe chị trả lời trống không với một người khác: “chưa có!”, “không biết!”. Nhưng sau khi kiểm tra hồ sơ của tôi, chị này hỏi rất dịu dàng: “Nhà em ở phường mấy, để chị xem hồ sơ có thiếu gì không. Em photo thêm giấy này, làm thêm bản vẽ kia...”. và nhiệt tình hướng dẫn tôi chỗ đi làm bản vẽ.
Thật tình khi bị “hành” một cách vô lý, tôi rất bức xúc, muốn phản ảnh với ai đó, muốn gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến một cấp nào đó của quận hay TP nhưng không biết phải phản ảnh đến đâu để sự việc của mình được giải quyết rốt ráo, danh tính của mình được giữ bí mật để những lần sau liên hệ đến quận làm thủ tục thì mình không bị “đì”?
* Bà Văn Thị Quỳnh Linh (Q.4, TP.HCM):
Phải nhờ dịch vụ
Không biết từ khi nào tôi rất sợ đến làm thủ tục tại các cơ quan nhà nước. Người dân cần thì đông mà chỉ có một, hai cán bộ giải quyết công việc nên dân phải chờ đợi lâu, mất thời gian, bỏ công ăn việc làm. Dân phản ảnh thì cán bộ khó chịu, nại lý do vì hồ sơ nhiều nên sơ sót, làm không kịp...
Gần đây, nhiều người bạn của tôi đi đổi giấy phép lái xe cũng phải chầu chực cả ngày ở những điểm đổi giấy phép. Người có bệnh đi khám cũng phải vật vạ cả ngày ở bệnh viện để chờ được tới lượt mình. Những công dân ngay thẳng ngồi chờ hoài chưa tới lượt phải chứng kiến nhiều người khác đến sau cứ chen ngang và được việc rất nhanh. Dân bức xúc nhưng không biết kêu ai.
Vì vậy, nhiều người quen của tôi khi liên hệ cơ quan nhà nước để làm các thủ tục đã chấp nhận đưa “phong bì” để được cán bộ nhiệt tình hướng dẫn cho đúng thủ tục, giải quyết đúng thời gian. Còn tôi chọn cách nhờ người quen hoặc thuê dịch vụ. Những người làm dịch vụ có “đường dây” lo hết mọi thủ tục và luôn suôn sẻ, tất nhiên họ cũng phải “phong bì” theo định mức cho từng “cửa” phải qua và người thuê dịch vụ phải trả tiền này.
Tôi nhận thấy có hai việc mà Nhà nước đã cải cách thủ tục rất tốt và đến nay đã đem lại sự hài lòng cho người dân: làm hộ chiếu và công chứng. Tất cả thủ tục làm hộ chiếu và các biểu mẫu đều được công khai trên mạng, cán bộ tận tình hướng dẫn... nên nạn cò hộ chiếu giảm hẳn và người đi làm hộ chiếu không còn bị “hành”. Đối với lĩnh vực công chứng, Nhà nước cho phép nhiều văn phòng công chứng tư ra đời tạo thế cạnh tranh khiến các phòng công chứng phải cải tiến thái độ làm việc, giải quyết nhanh gọn theo mọi yêu cầu của khách hàng. Tôi nghĩ người dân cần Nhà nước cải cách như thế ở nhiều lĩnh vực nữa.
* Ông Đỗ Thành Nhân (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng):
Sợ tâm lý “làm gì ăn nấy”
Tham nhũng vặt bây giờ diễn ra khắp nơi, còn mức độ nhiều ít khác nhau thôi. Những lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng là các việc làm, giao dịch có liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh hằng ngày như trật tự đô thị, đất đai, hộ khẩu, công chứng, chứng thực, đăng ký kết hôn...
Tôi quan sát thấy bây giờ người dân chấp nhận việc đưa tiền mà không có phản kháng gì khi bị cán bộ làm khó. Mà nói thật, đưa tiền thì công việc trôi chảy nhanh nên người dân đành phải làm theo cách này. Tôi thấy tham nhũng vặt xảy ra tràn lan nên sợ rằng đến một lúc tâm lý trong xã hội theo kiểu “làm gì ăn nấy” thì thật khó khăn cho dân nghèo.
D.N.HÀ - HỮU KHÁ ghi
* Ông NGUYỄN TRUNG THÔNG (nguyên phó trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính TP.HCM):
Tiếp tục minh bạch các thủ tục
Trên thực tế, cải cách hành chính đã mang lại một số kết quả bước đầu nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn còn rất e ngại khi có việc cần phải “gõ cửa” các cơ quan hành chính nhà nước bởi họ có thể bị vòi vĩnh, nhũng nhiễu, làm khó... bất kỳ lúc nào, ở lĩnh vực nào. Tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đều biết rõ thực tế phải “bôi trơn” khi họ tham gia đầu tư dự án, công trình nào đó dù quy mô lớn hoặc nhỏ.
Tôi cho rằng để có thể từng bước hạn chế tình trạng rất bức xúc, kéo dài nói trên, trước hết các cơ quan liên quan vẫn phải tiếp tục thực hiện các giải pháp công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình và kết quả giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp để họ giám sát. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp nhằm hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa họ với cán bộ, công chức, những người có trách nhiệm liên quan. Đồng thời, người đứng đầu các cơ quan công quyền phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý những cán bộ, công chức có biểu hiện trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực, vòi vĩnh... làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và doanh nghiệp đối với các cấp chính quyền như hiện nay. Cần thực hiện nghiêm nguyên tắc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan hay bộ phận mình phụ trách, không thể chấp nhận quan niệm “ai làm nấy chịu”.
QUỐC THANH ghi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét