Có một sự kiện khá trùng hợp là phiên tòa xử 5 công an đánh chết nghi can ở Phú Yên và vụ án trộm dê ở Bình Thuận chỉ cách nhau một ngày. Một tòa tuyên án ngày 3.4, tòa còn lại khai mạc phiên phúc thẩm sau đó một ngày.
Cả hai vụ án đều liên quan đến trộm cắp, thân phận con người và day dứt tư pháp...
Nỗi buồn tư pháp như rõ ràng hơn, khi vụ án 5 cán bộ công an ở Phú Yên dùng nhục hình đánh chết người chỉ được viện KSND TP.Tuy Hòa đề nghị tới 4 án treo. Càng không thể hiểu tại sao ông Lê Đức Hoàn, phó công an TP.Tuy Hòa, người có trách nhiệm cao nhất khi ra lệnh thuộc cấp bắt người trái pháp luật lại ung dung ngoài vòng pháp luật.
Nỗi đau người thân của anh Kiều
Ông Hoàn còn tỏ ra coi thường cơ quan tố tụng địa phương khi liên tục vắng mặt trong các buổi xử, dù có giấy triệu tập của tòa.
Anh Ngô Thanh Kiều bị còng tay vào ghế. Chân anh bị còng dưới đất. Các cán bộ công an thay nhau đánh đập nghi can này đến chết. Trớ trêu, họ được đề nghị xử án treo, dù trước đó tội danh bị khởi tố của họ đã tạo ra tranh luận pháp lí. Công an giết người hay chỉ là dùng nhục hình khi điều tra?
Nói kiểu nào, thì mạng anh Kiều đã mất.
Hướng tới một nền tư pháp công bằng là mong mỏi chính đáng của tất cả mọi người. Tiếc thay, công an đánh chết dân, đánh dân bị thương thì được xử án treo, tù ngắn hạn. Còn cô gái cắn công an phường vì phản ứng mấy giỏ hoa ở vỉa hè quận 10, TP.HCM lại bị xử phạt đến 3 năm tù giam.
Thân phận bị cáo Nguyệt ròng rã suốt 10 năm, chủ tọa Võ Tấn Sinh chỉ đạo công an khiêng bà Nguyệt ngất xỉu ra giữa tòa xét xử.
Hay như cô gái trẻ mới 18 tuổi chỉ vì sợ xe của mẹ bị giam nên vung cái tát vào mũ cảnh sát giao thông mà chịu án phạt tới 9 tháng tù giam.
Cải cách tư pháp là để đem lại lẽ công bằng. Độ vênh hình phạt như vừa ví dụ giữa công an và dân như cứa thêm xót xa vào lòng dư luận.
Nếu phiên tòa công an đánh chết dân, chủ tọa liên tục ngắt luật sư Võ An Đôn vì yêu cầu dẫn giải ông Hoàn ra tòa, thì đỉnh điểm của vi phạm tố tụng lại thuộc về phiên tòa trộm dê ở TAND huyện Bắc Bình, Bình Thuận.
Chủ tọa Võ Tấn Sinh, chánh án TAND huyện Bắc Bình ngoài việc ngắt lời luật sư, còn tạo ra sự phản cảm đến cùng cực khi cho khiêng bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt đang ngất xỉu ra giữa công đường, nằm ngửa dưới sự uy nghiêm của quốc huy.
Nhiều năm lấy tòa án làm sân chơi, thằng bé con bị cáo Nguyệt vẫn chưa thôi sợ mỗi khi ở tòa. Nó không phải chịu phận mồ côi như con anh Kiều, nhưng phận người sao cứ quay quắt buồn.
Vụ án trộm dê với gần 10 năm xét xử, thân phận bị cáo lửng lơ, gia đình tan nát... Trong khi cơ quan tố tụng vẫn chưa xác định được ai là chủ sở hữu đàn dê?
Anh Kiều ở Phú Yên chết đã đành an phận. Bị cáo Trần Thị Kim Nguyệt lay lắt với số phận tiếng đời trộm cắp tài sản của chính mình.
Gia đình anh Kiều khắc khoải vì mất người thân. Con anh Kiều chưa đủ lớn khôn để hiểu nỗi đau mồ côi cha đập vào cuộc đời phía trước nặng như đá tảng. Mẹ và con trai bà Nguyệt hiu quạnh vì “vô phúc đáo tụng đình”.
Cải cách tư pháp là một chủ trương đúng, nhưng sao cứ đọng lại những trắc ẩn về phận người ở sau các phiên tòa.
Khi nào thì không còn những thân phận như ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, bà Nguyệt ở Bình Thuận, gia đình anh Kiều ở Phú Yên...?
Thanh Nhã ( Một Thế Giới )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét