Trang

6 tháng 4, 2014

Biển Đông sau chấn động mang tên Crimea


(Bình luận quân sự) - Hoạt động quân sự trên Biển Đông không chỉ đơn thuần đánh chiếm vài hòn đảo mà là cắt đứt hay bảo vệ tuyến hàng hải của 2 bên đối đầu.
Biển Đông không phải là Ukraine!
 Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga là cơn chấn động địa chính trị lớn nhất từ trước tới nay của thế giới đầu thế kỷ XXI.
Bắt đầu từ đây, thế giới đơn cực đã kết thúc sau hơn 20 năm làm mưa làm gió của Mỹ và NATO trên chính trường quốc tế.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự trở lại của Nga, sự thức tỉnh của Nhật Bản, sự già cỗi của NATO và sự xuống sức của Mỹ…đã làm cho thế giới trở nên bất ổn, khó lường hơn bao giờ hết. Các cường quốc là trung tâm quyền lực họ có thể trở nên hung hăng, bất chấp, để làm bất kỳ điều gì họ muốn. Các cường quốc họ có thể bắt tay nhau mặc cả, chia chác quyền lợi trên lưng quốc gia khác mà không ngại ngùng.
Liệu Biển Đông sẽ bị rung chấn sau cơn chấn động địa chính trị mang tên Crimea này hay không? Liệu Trung Quốc-một cường quốc khu vực, sau cơn chấn động địa chính trị này sẽ học được gì?
Quả thật, chỉ có những người hiền lành, cả nghĩ họ mới đặt ra câu hỏi này, nhưng những quốc gia sống quanh Trung Quốc, hiểu biết Trung Quốc trong hàng ngàn năm qua thì diễn biến, tình thế Biển Đông hiện nay chẳng ai đặt ra câu hỏi đó. Bởi vì, thứ nhất, nếu như vậy thì chúng ta đã đánh giá quá thấp ý chí, quyết tâm, tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc từ trước tới nay, đồng thời, thứ hai là đánh giá quá cao khả năng, sức mạnh tổng hợp, sức mạnh quân sự của Trung Quốc mà coi thường sức mạnh, bản lĩnh trí tuệ của các quốc gia Tây TBD.
Biển Đông, một vùng biển hẹp được bao quanh các vùng đất sẽ là trở ngại rất lớn cho các lực lượng hải quân hiện đại trang bị các tàu chiến cỡ lớn hay thậm chí là tàu sân bay, bởi chúng đều nằm trong tầm khống chế của các vũ khí từ trên bờ đồng thời nằm trong tầm hoạt động của máy bay chiến đấu trên đất liền. Chính vì thế, một quốc gia ven Biển Đông có tiềm lực hải quân yếu hơn cũng có thể thách thức các siêu cường hải quân quyền kiểm soát trên biển bởi rất nhiều chiến thuật.
Biển Đông không phải là Ukraine.
Biển Đông với Trung Quốc không có chuyện sau hay trước, học Nga hay học Mỹ mà đã, đang và sẽ còn tiếp diễn trường kỳ.
Thế trận của Trung Quốc trên khu vực Tây TBD.
Khu vực Tây TBD nếu chỉ biểu diễn vị trí 2 lực lượng đối địch giữa Trung Quốc với Mỹ và liên minh quân sự của Mỹ trên bản đồ (bản đồ tình hình), thì tại biển Hoa Đông, Trung Quốc bị quây chặn bởi quần đảo Ryukyu của Nhật Bản vòng trong và vòng ngoài là quần đảo Guam của Mỹ. Tại Biển Đông có Philipines và căn cứ quân sự của Mỹ tai Singapo chốt eo biển Malacca và xa hơn về hướng cực nam là căn cứ tại Darwin, Australia.
Căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh trên khu vực Tây TBD
Căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh trên khu vực Tây TBD (vietnamdefence)
Nếu như Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu đẩy Mỹ ra khỏi Tây TBD để chia đôi TBD với Mỹ…thì xét về thế trận, Trung Quốc đang ở thế bị bao vây. Lực lượng bao vây rất mạnh ở phía Đông nhưng yếu ở phía Nam (Biển Đông) của Trung Quốc.
Vì vậy sẽ có tình huống xung đột quân sự xảy ra cao nhất, với sự đối đầu quyết liệt nhất mà Trung Quốc luôn luôn nắm quyền quyết định tấn công trước để phá vây, vươn ra Thái Bình dương.
Xung đột quân sự xảy ra giữa Trung Quốc với Nhật Bản-Mỹ khi Trung Quốc đổ bộ chiếm quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư. Ngoài ra có thể là Philipines cũng là một nguyên nhân để cho Trung Quốc và Mỹ xung đột quân sự, nhưng tình huống xảy ra là không cao. Tuy vậy, trong thời gian gần đây khi Philipines kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế và tranh chấp Bãi cỏ mây (thuộc Trường Sa của Việt Nam) đang diễn ra căng thẳng thì xung đột quân sự Trung Quốc-Philipines cũng rất dễ xảy ra giống với cách Crimea của Ukraine nhất.
Hình thái của hải chiến Biển Đông.
Nếu như chỉ nhìn nhận đơn thuần về mặt quân sự thì tình huống xung đột nêu trên rất dễ xảy ra, nhưng hoạt động quân sự trong chiến tranh hiện đại thì đối tượng tác chiến trực tiếp không chỉ là lực lượng quân sự mà còn nền kinh tế (thương mại, năng lượng) của đối phương. Do đó, nếu như tấn công vào mục tiêu kinh tế mà hậu quả gây cho đối phương nặng nề thì chắc chắn nó sẽ được lựa chọn, ưu tiên.
Lịch sử Việt Nam trong lần thứ 3 đối đầu với quân Nguyên đã chứng tỏ sẽ không có việc Thoát Hoan ra lệnh rút quân, sẽ không có trận đại chiến trên sông Bạch Đằng nếu không có cú đánh hiểm vào tử huyệt kẻ thù là đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Ngày nay, các đòn tấn công vào tàu vận tải quân sự, hậu cần, kỹ thuật cũng làm cho hạm đội đối phương chịu hậu quả nặng nề, mất sức chiến đấu hơn cả tiêu diệt một vài khu trục tên lửa.
Đánh vào nền kinh tế của đối phương có nhiều cách, nhưng với một quốc gia có tính “quốc đảo”, nghĩa là thương mại, năng lượng…hoàn toàn phụ thuộc vào đường biển như Nhật Bản và thậm chí Trung Quốc, thì ngăn chặn, cắt đứt đường biển là một đòn đánh vô cùng hiểm mà trước khi tiến hành hoạt động quân sự, Trung Quốc, Nhật Bản đều phải “ suy nghĩ 2 lần”: Rằng, liệu các tuyến hàng hải vận chuyển năng lượng, thương mại của mình có bị xâm hại, gián đoạn, hay không?
Thủ tướng Việt Nam tại Shangri-La cảnh báo: “Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường”.
Sự cảnh báo đó đã cho thấy rõ tư tưởng tác chiến của lực lượng hải quân các quốc gia trong khu vực là tấn công vào các tuyến đường hàng hải huyết mạch của đối phương là nhiệm vụ ưu tiên và là một đòn đánh cực hiểm khi xung đột quân sự xảy ra.
Vì vậy hoạt động quân sự trên Biển Đông không chỉ đơn thuần đánh chiếm vài hòn đảo mà nhiêm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của tác chiến là tấn công hay phòng thủ, như thế nào để cắt đứt hay bảo vệ tuyến hàng hải của 2 bên đối đầu.
Ở châu Á-TBD, trên các tuyến đường biển đóng vai trò chiến lược, có hai điểm trọng yếu: Thứ nhất là eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của lndonesia và Malaysia).
Vị trí này vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hoá từ Trung Đông, Châu Phi đến Đông Nam Á, Trung Quốc và Bắc Á đều phải đi qua eo biển này. Ba eo biển thuộc chủ quyền của lndonesia là Sunda, Lombok và Makassar đóng vai trò dự phòng trong tình huống eo biển Malacca ngừng hoạt động vì lý do gì đó. Nói “dự phòng” bởi nếu hành trình theo tuyến hàng hải này thì con đường phải dài ra nên cước phí vận chuyển cao hơn nhiều lần qua eo biển Malacca.
Điểm trọng yếu thứ hai là vùng Biển Đông, nơi có nhiều tuyến đường hàng hải đi qua, đặc biệt là khu vực xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Có thể thấy, tuyến đường hàng hải huyết mạch của an ninh năng lượng, thương mại, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ gặp rất nhiều bất trắc, rủi ro hoặc ít nhất cũng bị gián đoạn trong một thời gian không định trước khi xung đột quân sự xảy ra trên Biển Đông.
Tuy Trung Quốc đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung năng lượng trên bộ như các đường ống dẫn dầu ở Myanmar… nhưng chỉ đáp ứng được từ 5-10% nhu cầu cả nước là không đáng kể so với đường biển.
Trong tình thế đó nếu Trung Quốc muốn dùng sức mạnh quân sự để biến Biển Đông thành “ao nhà” thì phải đảm bảo chắc chắn không được để gián đoạn dòng hàng hóa thương mại và năng lượng đến Trung Quốc từ Trung Đông và Châu Phi…có nghĩa là lúc đó Trung Quốc buộc phải khống chế được eo biển Malacca hoặc 3 eo biển “dự phòng”, đồng thời, phải bảo đảm chắc chắn chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” trên Biển Đông thành công để tránh bị sa lầy.
Đây là 2 yêu cầu sống còn, quyết định Trung Quốc sẽ dùng biện pháp quân sự trên Biển Đông hay không và dùng lúc nào, với ai.
(Còn tiếp)
  • Lê Ngọc Thống ( Đất Việt )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét