“Nghĩ giản đơn, mấy đứa nhỏ - những học sinh kia - cũng như chính con mình. Mình giúp đỡ tụi nó sau này con mình ra đường cũng có người thương, giúp đỡ lại… Có thêm vài đồng nữa cũng tốt, nhưng hàng chục năm nay không có mình vẫn xoay sở được. Cực một chút nhưng vui”.
Anh Trần Viết Hùng (48 tuổi), trú tổ 52, phường Thanh Khê Đông, Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng đã tâm niệm như thế về những việc làm của mình 12 năm qua ở vỉa hè góc ngã tư Hà Huy Tập – Điện Biên Phủ (TP. Đà Nẵng).
“Một hành động nhỏ nhưng để lại một nghĩa cử cao đẹp, để chứng tỏ một điều rằng, xã hội này vẫn còn rất nhiều người tốt xung quanh, hãy cứ sống lạc quan, đem lại niềm vui cho người khác thì đến một lúc nào đó, người khác sẽ đem niềm vui đến cho mình…” – một người dân địa phương đã tâm sự.
12 năm qua, dẫu gia cảnh nghèo khó nhưng anh vẫn ngày qua ngày đem niềm vui đến nhiều em học sinh.
Tiệm mở vào tầm 3 giờ chiều và làm cho đến 11 giờ khuya mới nghỉ, đặc biệt tấp nập vào giờ học sinh tan trường. Tuy nhiên, khác với cái cảnh “móc túi trước, lộn túi sau” thường thấy của học trò, các em học sinh sau khi đưa xe vào cho anh chủ tiệm sửa chỉ vui vẻ khoanh tay cám ơn rồi đạp xe đi, không hề băn khoăn chuyện tiển bạc.
Anh chia sẻ: “Từ khi mới làm nghề đến giờ, chẳng bao giờ tôi lấy tiền các em học sinh. Bởi tôi nghĩ, chúng nó đi học ba mẹ cho mấy ngàn uống nước, cuối buổi đi học về xe thủng bánh hay hư hỏng gì chỉ biết dắt bộ về, không dám sửa vì lo không có tiền. Như vậy tội lắm. Mình còn sống, còn có đủ miếng ăn là còn đem niềm vui đến cho các em".
Với sắp nhỏ, tất tật từ bơm, vá cho đến sửa xe chẳng khi nào anh lấy tiền. Tuy nhiên, nhiều em do không biết nên rất e ngại, bởi vậy anh mới làm tấm biển để các em biết đường mà tìm đến, không phải lo lắng khi dắt xe vào tiệm của anh hay dắt bộ về nhà vì túi không tiền.
Gọi là "tiệm" cho oai nhưng thực ra toàn bộ "sự nghiệp" của anh chỉ có máy bơm, ít đồ nghề để trên chiếc xe máy ba bánh tự chế. Chiếc xe là gia tài hành nghề, cũng là niềm tự hào của anh về vốn nghề cơ khí khéo léo của thời trai trẻ.
Nơi anh đóng đô là góc vỉa hè nhỏ trước cửa một cửa hàng mở từ tầm 3 giờ chiều. Chiều, gói ghém mọi đồ đạc lên xe, anh chạy xe từ nơi ở ra đậu ngay góc ngã tư và bắt đầu làm việc. Như thông lệ, mở hàng cho anh là những “khách quen” là học sinh các trường THCS, THPT gần đó. “Khách” xúm xít í ới, nhưng anh không lấy đồng nào, cả bơm lẫn vá đều miễn phí. “Trừ khi sắp nhỏ thay lốp hay cái gì đó mắc tiền, còn lại tôi cho hết”, anh cười.
Biển ghi là “học sinh – người tàn tật miễn phí”, nhưng sự thực là những người buôn bán nhỏ, người già và tất cả những ai đi xe đạp, anh đều không lấy tiền. Với những khách quen, đi ngang qua gật đầu cười chào với anh rồi tự nhiên lấy vòi hơi ra bơm xe, xong xếp gọn vào chỗ cũ rồi tiếp tục lên đường.
“Chú ấy tốt lắm! Đêm khuya đi học thêm về chẳng may xe thủng hay xẹp lốp còn có chú 'cứu tinh'. Có khi mô lấy tiền tụi con đâu. Nhiều khi tụi con nhã ý gửi những chú một mực không lấy” – em Nhân, một em học sinh chia sẻ.
Với những em học sinh nơi đây, hình ảnh anh Hùng như là “ông bụt” giữa đời thường…
Gia cảnh anh cũng hết sức khó khăn. Toàn bộ thu nhập gia đình gồm 2 vợ chồng và 3 đứa con trông chờ tất tật vào gánh bún buổi sáng của vợ. Chúng tôi cảm nhận sự hiền lành ánh lên từ trong tận ánh mắt, cử chỉ và giọng nói của con người tưởng chừng khá bụi bặm, sương gió kia.
Sáng sớm khi dậy phụ vợ nhen nồi bún bán ăn sáng quanh xóm nhỏ. Gánh bún với nhiều người khác thì có thể kiếm tiền trăm mỗi ngày, nhưng với vợ chồng anh chỉ có thể kiếm tiền chạy chợ hằng ngày bởi trong xóm nhỏ buôn bán ế ẩm. Dọn dẹp và nghỉ ngơi chút buổi trưa, chừng 3 giờ chiều, anh chạy xe ba bánh chở đồ nghề ra chỗ làm. Khi anh cắm dây điện chạy bình bơm xong là lúc học sinh ở các trường xung quanh bắt đầu vây quanh í ới gọi anh bơm, sửa xe hộ.
Tất bật với khách học trò đến 7 giờ, 8 giờ tối xong, anh lặng lẽ ngồi chờ khách cho đến tận 11 giờ đêm mới dọn đồ về.
Vốn liếng chẳng có mấy đồng, từ 3 giờ chiều ra ngồi vỉa hè cho đến khuya, hôm nào đói lắm anh cũng chỉ dám mua thêm ổ bánh mì, còn lại về nhà ăn bữa tối đã nguội lạnh trong thời khắc chuyển giao ngày mới. Khách bơm, vá thì thôi, còn hễ thay lốp, thay ruột thì anh lại lật đật mượn xe chạy đi mua về thay cho khách.
Trước đây 3 năm, con trai lớn của anh bị tràn dịch màng phổi phải mổ. Sau vì sức khỏe yếu, cháu đành phải nghỉ học, thuốc thang thường xuyên, còn hai đứa nhỏ học hành càng lên lớp lớn càng tốn kém. Nhà cửa chưa có, cả gia đình nương nhờ căn nhà chung cư nhỏ được bố trí theo diện tái định cư của mẹ ruột cùng người em. Tuy nhiên, dù khó cách mấy, chẳng bao giờ trong anh có suy nghĩ dẹp tấm biển vá – sửa xe miễn phí để có thêm thu nhập lo thân nuôi con cải thiện đời sống gia đình.
Dương Văn – Như Diệu (Motthegioi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét