Trang

11 tháng 4, 2014

Học sinh vô lễ, lười biếng do đâu?

(Dân trí) - Các chuyên gia giáo dục cho rằng, nguyên nhân dẫn đến học sinh ngày càng hư, vô lễ, sống lười biếng, ỉ lại, đua đòi, thiếu trách nhiệm... vướng vào các tệ nạn xã hội xuất phát từ gia đình và thiếu sự quan tâm nhà truờng.
 >> Lo ngại giới trẻ rảnh rỗi, đạo đức “tụt dốc”
 >> Đạo đức sao lại học thuộc, chấm điểm?

Ngày 11/4, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo “Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, SV” trên toàn quốc.
Đạo đức lối sống học sinh ngày càng lệch chuẩn
Theo báo cáo khảo sát của Bộ GD-ĐT về đánh giá thực trạng đạo đức lối sống (ĐĐLS) học sinh bậc THCS,THPT cho thấy, đa số các em có nhận thức đúng đắn về các chuẩn mực ĐĐLS, đặc biệt, là các chuẩn mực, giá trị đạt trên 90% tới gần 100% như bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, biết ơn, gọn gàng, ngăn nắp, trách nhiệm trong công việc, tình bạn, hợp tác, tiết kiệm, tôn trọng...
Tuy nhiên, ngoài biểu hiện tích cực trên, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác HS,SV Bộ GD-ĐT cho biết còn nhiều biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại nhất là một số HS có hành vi lệch chuẩn về ĐĐLS như gây gổ đánh nhau, thiếu tôn trọng bạn bè; vô lễ với thầy cô giáo; chây lười trong học tập; nghỉ học, đi học muộn không có lý do; quay cóp, thiếu trung thực trong kiểm tra, thi cử; Nói tục, chửi bậy, hút thuốc lá, vi phạm nội quy nhà trường, vi phạm tác phong nề nếp của HS; vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Sống lười biếng, ỉ lại, đua đòi, thiếu trách nhiệm với gia đình và những người thân trong gia đình; Sống đua đòi, thực dụng, yêu đương và có quan hệ tình dục sớm.
Ông Ngũ Duy Anh cho hay, lứa tuổi HS THCS, THPT là lứa tuổi có rất nhiều thay đổi về tâm, sinh lí. Đây là khoảng thời gian phát triển từ thiếu niên sang tuổi thanh niên, tuổi trưởng thành và là một giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Chỉ trong vòng khoảng 7 năm (11-18 tuổi), những yếu tố tâm lý, sinh lý của các em có sự vận động bên trong và chịu sự chi phối (một cách thụ động) từ bên ngoài rất lớn. Ở tuổi này, quá trình phát triển tâm lý của các em đều có quan hệ chặt chẽ với điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội và nền văn hóa mà các em đang sống.
Theo ông Duy Anh, nhiều bậc cha mẹ mải mê lo làm ăn kiếm tiền nên ít có thời gian quan tâm đến con cái, phó mặc con cái cho nhà trường, cho người giúp việc, cho gia sư. Vì thế nên có nhiều bậc cha mẹ không biết những gì đang diễn ra đối với con em mình để có thể uốn nắn kịp thời. Nguyên nhân nữa là do bố, mẹ có kiến thức hạn chế, nhất là về văn hóa, xã hội, kinh tế, pháp luật, không đủ hiểu biết để định hướng đầy đủ những chuẩn mực xã hội cho con cái, thậm chí, bố mẹ không kiểm soát được việc xem sách báo, băng hình bạo lực, đồi trụy…
 
Học sinh vô lễ, lười biếng do đâu?
Nam sinh cãi cô giáo trên lớp trong clip được cho là của học sinh ghi lại bằng điện thoại đang được dư luận quan tâm.
Giáo viên coi Đạo đức là môn phụ
Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tiễn của Văn phòng Chủ tịch nước vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố cho thấy, môn Đạo đức/GDCD được xếp là môn học chính, nhưng qua khảo sát cho thấy: môn này chưa thật sự được coi trọng đúng mức. Vẫn còn tư tưởng "học để thi, không thi không học" nên bị coi là "môn phụ".
Kết quả khảo sát: 39% giáo viên coi môn GDCD là môn phụ; 52% cho rằng môn học này chưa được quan tâm đúng mức; 39% giáo viên cho rằng số tiết học dành cho môn Đạo đức/GDCD như hiện nay là không phù hợp; 36% giáo viên cho rằng nội dung chương trình không phù hợp với học sinh; 38% giáo viên cho rằng phương pháp giáo dục đạo đức là không phù hợp...
TS. Chu Văn Yêm - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước cho biết: “Qua khảo sát cho thấy, đại đa số các địa phương có tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá chiếm trên 90%; cá biệt một vài địa phương có tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm tốt, khá thấp nhưng cũng đạt khoảng 85%. Như vậy, có thể thấy đại đa số học sinh phổ thông ngoan ngoãn. Số liệu này là đáng mừng nhưng phần lớn giáo viên các trường vẫn chưa yên tâm về tính bền vững của giáo dục đạo đức trong khuôn viên của nhà trường các em tỏ ra ngoan ngoãn nhưng khi ra ngoài, rất khó kiểm soát hành vi của các em”.
Cũng theo tổng hợp xếp loại hạnh kiểm học sinh từ 25 tỉnh, thành phố của Văn phòng Chủ tịch nước cho thấy có sự “suy giảm” về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học, hạnh kiểm tốt giảm, hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Cụ thể: Ở bậc THCS tỉ lệ HS xếp loại tốt đạt 70,77% nhưng lên THPT giảm xuống 65,67%; Tỷ lệ học sinh xếp loại khá bậc THCS 23,54%, THPT: 24,9%; Trung bình: THCS là 5,00%, THPT: 5,58%; Yếu: THCS là 0,69%, THPT: 3,84%.
Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị: “Cần thống nhất nhận thức coi môn Đạo đức/GDCD là môn học đặc thù, quan trọng bởi tính chất đặc biệt của môn học trong việc góp phần giáo dục, đào tạo con người; từ đó có chính sách phù hợp dành cho môn Đạo đức/GDCD cũng như hỗ trợ đời sống giáo viên (giống như chính sách hiện nay dành cho giáo viên dạy Chính trị hoặc giáo viên kiêm tổng phụ trách, giáo viên môn Giáo dục quốc phòng - an ninh và Thể dục).
Thạc sĩ Lương Thạnh Siêu, Trưởng phòng Công tác HSSV, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đưa ra giải pháp tạm thời là phân công các giáo viên (GV) có kinh nghiệm kèm cặp giáo dục các HS cá biệt, giúp các em có đạo đức, lối sống ngày càng tốt hơn.
“Bộ GD-ĐT cần thay đổi nội dung chương trình Giáo dục công dân bậc trung học giảm các nội dung trừu tượng, hàn lâm, đưa vào các nội dung cụ thể gần với cuộc sống như vấn đề về đạo đức, pháp luật…” - đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ đề nghị.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, tham mưu văn bản chỉ đạo cụ thể về chế độ, chính sách và công việc của giáo viên tư vấn để làm nền tảng cho hoạt động triển khai tại các tỉnh thành.
Để giáo dục lối sống, đạo đức cho HSSV theo ông Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD-ĐT và Dạy nghề (Ban Tuyên giáo TƯ) ví rằng mỗi người cha người mẹ, người thầy... phải là tấm gương sáng. Ta cứ rao giảng đạo đức, phải thế này thế kia mà chính chúng ta không làm gương thì dạy người trẻ, con cái làm sao?
Hồng Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét