03:00 | 03/03/2014
(PetroTimes) - Theo dự kiến, ngày 18/3, các nhà đàm phán của ASEAN và Trung Quốc sẽ họp tại Singapore để thương đàm về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sau khi các cuộc họp về COC năm ngoái có rất ít tiến triển. Trong khi đó, Hãng Reuters cho biết, bất chấp nỗ lực của Mỹ thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN sớm tiến hành đàm phán và ký COC để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, Bắc Kinh vẫn lập lờ khả năng trì hoãn vô thời hạn. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng cảnh báo, quá trình đàm phán COC càng dài, những căng thẳng trên Biển Đông càng có nguy cơ bùng phát thành xung đột.
Biên đội tàu chiến Trung Quốc hành quân trên biển
Philippines quyết đấu với Trung Quốc
Ngày 25/2, Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Tôn Hướng Dương đến để kịch liệt phản đối hành vi ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá ở Scarborough/Hoàng Nham của Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, ngư dân Philippines đã tìm nơi trú ẩn tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham khi gặp thời tiết khắc nghiệt, nhưng tàu Cảnh sát biển Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng xua đuổi họ. Đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng bắn vào tàu cá nước khác trên Biển Đông. Tổng thống Philippines Aquino cũng yêu cầu Trung Quốc trả lời rõ ràng về vụ việc này trước dư luận.
Trước đó (24/2), phát biểu tại diễn đàn của Hiệp hội Phóng viên nước ngoài ở Philippines, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Emmanuel Bautista đã cáo buộc tàu Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vòi rồng xua đuổi ngư dân Philippines gần bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Tướng Emmanuel Bautista cho biết, vụ việc kể trên xảy ra hôm 27/1, nhưng ông không cung cấp thông tin cụ thể.
Trong khi đó, trang tin Rappler của Philippines cho biết (26/2), Trung Quốc đã đưa ra một số nhượng bộ bao gồm rút tàu khỏi bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và tăng cường đầu tư, đổi lại Philippines rút hồ sơ vụ kiện tại Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển (ITLOS) trước ngày 30/3.
Ngày 24/2, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg dường như đã đi xa hơn các đồng nghiệp của mình trong việc chỉ trích “đường lưỡi bò” của Trung Quốc khi khẳng định: Không có cái gọi là “đường lưỡi bò” bởi không tin yêu sách này có thể qua được vòng kiểm tra pháp lý để xác định hoặc giải quyết vấn đề Biển Đông. Việc này đã phá vỡ thông lệ phản ứng trước đây của Mỹ khi chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg cũng khuyến cáo không nên thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và các vùng có tranh chấp khác trong khu vực, kêu gọi các nước tuân thủ luật quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo sự tự do đi lại ở các khu vực biển giàu tài nguyên tại châu Á và không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp, nhưng giữ vững các nguyên tắc của mình. Trước đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel chỉ yêu cầu Bắc Kinh làm rõ cơ sở pháp lý đối với yêu sách “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Ngày 24/2, tờ Thời báo Hoàn Cầu đăng bài "Mỹ đã lập căn cứ thường trú bí mật ở Philippines chuyên theo dõi hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông". Bởi Tổng thống Philippinese Aquino đã bày tỏ thái độ công khai về việc tăng cường đàm phán cho Mỹ đóng quân ở nước này, theo đó quân đội Mỹ quay trở lại thường trú ở các căn cứ hải, không quân Philippines sắp trở thành hiện thực. Ngoài ra, Mỹ còn muốn bố trí 2 radar trinh sát tầm xa ở căn cứ Subic và như vậy tình hình Biển Đông sẽ tăng thêm biến số mới. Cũng trong ngày 24/2, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris Jr., đã tới Manila. Trước đó, khi được hỏi Mỹ có hỗ trợ Philippines khi nước này xung đột quân sự với Trung Quốc, Tướng Jonathan Greenert cho biết, Washington đương nhiên ủng hộ Manila vì có Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines. Đây là lần đầu tiên Mỹ bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng nhất đối với Philippines trong tranh chấp Biển Đông. Nhưng Philippines phải để Mỹ sử dụng tối đa căn cứ quân sự Clark và Subic.
Tướng Ammanuel Bautista trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng AP
Kẻ gây rối
Ngày 25/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh đã gọi Nhật Bản là "kẻ gây rối" đang phá hoại hòa bình và ổn định khu vực. Tuyên bố này được đưa ra nhằm phản ứng lại phát ngôn của Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và sau khi Tokyo công khai chỉ trích Bắc Kinh "làm leo thang căng thẳng ở Đông Bắc Á". Ngày 25/2, khi trả lời phỏng vấn Hãng AP, ông Fumio Kishida coi sự bành trướng quân sự của Trung Quốc là mối quan ngại. Ngày 24/2, Hãng tin Kyodo cho biết, Nhật Bản sẽ đưa vấn đề ADIZ ra Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) tại cuộc họp dự kiến kết thúc vào ngày 14/3, sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông.
Trung Quốc vừa bày tỏ quan ngại sau khi có tin Nhật Bản soạn thảo kế hoạch xuất khẩu vũ khí trở lại sau nhiều thập niên “ngủ yên”. Theo Hãng tin Kyodo, ngày 25/2, nội các Nhật Bản đã thông qua dự luật để phê chuẩn Hiệp ước Buôn bán vũ khí (ATT) - Hiệp ước quốc tế đầu tiên kiểm soát buôn bán vũ khí thông thường đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 4/2013. Theo kết quả điều tra dư luận do Hãng tin Kyodo tiến hành mới đây, 66,8% số người được hỏi đã phản đối việc nới lỏng xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản. Điều này chứng tỏ cử tri tỏ ra thận trọng về động thái muốn thay đổi quy định hạn chế xuất khẩu vũ khí mà Nhật Bản tự áp đặt. Được biết, Nhật Bản đang xem xét cho phép xuất khẩu vũ khí tới các nước nằm dọc theo các tuyến đường biển để đảm bảo sự an toàn của vận chuyển.
Ngày 26/2, tờ Hải dương Trung Quốc cho biết, Cục trưởng Cục Văn vật quốc gia Trung Quốc Lệ Tiểu Tiệp vừa ngang ngược tuyên bố, tàu khảo cổ dưới nước đầu tiên của nước này (Khảo cổ Trung Quốc 01) sẽ được đưa vào hoạt động tại vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tháng 5. Ngày 22/2, Hãng ABS CBN News dẫn lời 1 quan chức an ninh Philippines giấu tên cho biết, 4 tàu Trung Quốc đã xuất hiện (bất hợp pháp) tại bãi Cỏ Mây (nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam), sau nhiều tháng rút lui kể từ những lần xâm nhập (trái phép) trước đó. Trước đó, tại hội thảo quốc tế về Biển Đông và biển Hoa Đông được tổ chức vào hạ tuần tháng 2 ở Kyoto (Nhật Bản), các chuyên gia đến từ Ấn Độ, Australia, Mỹ, Thái Lan… đều cho rằng, tranh chấp biển ở khu vực này đang ngày càng phức tạp. |
Ngày 24/2, Press TV đưa tin, Mỹ đang huấn luyện quân đội Nhật Bản "đổ bộ tái chiếm một hòn đảo bị chiếm bởi lực lượng thù địch" trong một cuộc tập trận thường xuyên của hai nước. Thủy quân lục chiến Mỹ và bộ binh Nhật Bản đang tham gia cuộc tập trận Iron Fisst kéo dài một tháng tại Trại Pendleton tại miền Bắc San Diego ở California, Mỹ. Đây là cuộc tập trận chung lần thứ 9 của Mỹ - Nhật kể từ khi bước vào năm 2014 và lần này Nhật Bản đã điều đơn vị tinh nhuệ phụ trách tác chiến đảo nhỏ WAiR với khoảng 270 binh sĩ tham gia diễn tập cùng số lượng tàu chiến nhiều với quy mô chưa từng có. Tuy nhiên, do Nhật Bản chưa thành lập Bộ Tư lệnh thống nhất, nên không thể trực tiếp chỉ huy hiệu quả tác chiến liên hợp 3 quân chủng, cộng với việc mua sắm và huấn luyện của 3 quân chủng này độc lập, do đó hiệu suất hiệp đồng bị giảm mạnh.
Căn cứ vào kế hoạch xây dựng lực lượng tác chiến đổ bộ thuộc lực lượng tự vệ trên bộ, Nhật Bản đã chi gần 4,9 triệu USD để mua 4 trong tổng số 52 xe thiết giáp lưỡng dụng AAV7 của Mỹ. Và trong 5 năm tới, Tokyo dự chi 239 tỉ USD, thành lập Trung đoàn thủy - lục cơ động thuộc lực lượng tự vệ mặt đất, lực lượng chịu trách nhiệm phòng vệ các đảo xa của Nhật Bản, với biên chế 3.000 binh sĩ, nhiều gấp 4 lần biên chế của Trung đoàn bộ binh cơ giới. Ngày 24/2, ông Shinzo Abe đã bày tỏ mong muốn, một vị thủ tướng cần được trao nhiều quyền hành hơn trong các tình huống khẩn cấp thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.
Tổng thống Philippines Benigno Aquino.
Những mối quan hệ đáng lưu tâm
Ngày 24/2, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga Vasily Kashin cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn gọn và nhanh chóng trên biển Hoa Đông, nhưng kịch bản nào cũng rất có thể trở thành thảm họa đối nội và đối ngoại cho Bắc Kinh. Trước đó, kênh Channel News Asia từng đưa tin, Nhật Bản đã kêu gọi thế giới dũng cảm đương đầu với Trung Quốc đang ngày một hung hăng hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả kinh tế thảm khốc một khi nổ ra xung đột tiềm tàng trong khu vực.
Ngày 25/2, tờ The Wall Street Journal cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tìm cách giảm nhẹ căng thẳng trong tranh chấp biên giới với Ấn Độ - tránh phản bác gay gắt chỉ trích của ứng viên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Bởi trước đó (22/2), ông Narendra Modi, người của đảng BJP đối lập đã kêu gọi Trung Quốc từ bỏ tư duy bành trướng. Trong khi đó giới quân sự coi động thái khôi phục sân bay quân khu phía đông của Bộ Quốc phòng Nga để tăng cường bảo vệ biên giới khu vực Viễn Đông (đầu tiên là xây dựng lại căn cứ Thảo nguyên tại khu vực ngoại Baikal, gần biên giới với Trung Quốc, trị giá 7,8 tỉ rub) là nhằm đối phó với Trung Quốc.
Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Fernando Manalo cho biết, ngày 15/3, Seoul và Manila sẽ chính thức ký hợp đồng mua sắm 12 máy bay chiến đấu FA-50 với tổng trị giá 422 triệu USD. Và việc này sẽ giúp không quân Philippines nâng cao năng lực tác chiến tại Biển Đông. Ngày 24/2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục kế hoạch chuyển trục chiến lược tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương bất chấp tình hình ngân sách bị thắt chặt.
Theo ông Termsak Chalermpalanupap, nhà phân tích chính trị tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cựu thành viên Ban Thư ký ASEAN cho biết, một dự thảo không chính thức được Indonesia soạn thảo trước đó đã phác họa một mối quan hệ khu vực để kiềm chế các hoạt động quân sự thường xuyên ở Biển Đông và các nguyên tắc xử lý tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNLCOS), nhưng Trung Quốc không muốn bàn về dự thảo này.
Ngày 25/2, Tân Hoa xã dẫn phát biểu của Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy khi gặp tướng Moeldoko, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Indonesia cho biết, Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác hàng hải và diễn tập chống khủng bố chung với Indonesia. Trước đó (chiều 24/2), Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã hội đàm với người đồng cấp Indonesia Marty Natalegawa về các vấn đề an ninh hàng hải, tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Châu Á - Thái Bình Dương nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương.
Vấn đề lịch sử gây tranh cãi
Vấn đề lịch sử gây tranh cãi
Theo Tân Hoa xã, ngày 25/2, Quốc hội Trung Quốc cho biết, đang xem xét lấy ngày 3/9 là "Ngày Chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc chiến chống đế quốc Nhật Bản xâm lược", đồng thời cân nhắc lấy ngày 13/12 là ngày tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937. Theo Hãng Kyodo, ngày 25/2, nhân kỷ niệm 1 năm ngày bà Park Geun-hye nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida một lần nữa kêu gọi Hàn Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh giữa hai nước. Đây là động thái nhằm cải thiện quan hệ song phương đang xấu đi do những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và nhận thức về lịch sử giữa Tokyo và Seoul.
Ngày 24/2, Hãng AFP cho biết, một giới chức cao cấp trong chính quyền Nhật Bản thông báo, Tokyo có thể sẽ xem xét lại các lời xin lỗi chính thức năm 1993 về nạn phụ nữ châu Á bị đưa vào các nhà thổ của quân đội Nhật trong Thế chiến II. Động thái này khiến dư luận nghi ngờ Tokyo muốn giảm nhẹ trách nhiệm của Nhật Bản trong vấn đề này. Theo các sử gia, có đến 200.000 phụ nữ châu Á (nhiều nhất là phụ nữ Hàn Quốc) phải phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật trong Thế chiến II. Trước đó (23/2), Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu quan chức ngoại giao Nhật Bản ở Seoul để trao công hàm phản ứng việc Tokyo cử quan chức chính phủ tham dự lễ kỷ niệm về chủ quyền quần đảo Takeshima/Dokdo.
Ngày 24/2, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ đã đưa ra phân tích mới nhất của họ về mối quan hệ Nhật - Mỹ, trong đó bày tỏ mối lo ngại trước quan điểm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về các vấn đề lịch sử gây tranh cãi có thể làm đảo lộn quan hệ khu vực và làm tổn thương lợi ích của Mỹ. Đồng thời quan tâm tới sự suy giảm trong quan hệ giữa Tokyo và Seoul, hai đồng minh lớn và quan trọng nhất của Mỹ tại khu vực Đông Á.
Hồng Thất Công -Tuấn Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét