Cập nhật: 14:44 GMT - thứ tư, 5 tháng 2, 2014
Báo cáo kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) lần này từ phía Việt Nam sau khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của Hội đồng Nhân quyền LHQ là là một hướng tích cực, tiến bộ, theo đánh giá của một chuyên gia luật nhân quyền từ Đại học Quốc gia Hà Nội.
Việc phát huy tích cực này thể hiện ở việc lần đầu tiên có một diễn đàn quốc tế cao cấp và phổ quát mà tại đó cả mặt tích cực, lẫn tiêu cực trong các vấn đề thuộc lĩnh vực nhân quyền được phát biểu công khai, theo Giáo sư Nguyễn Đăng Dung, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quyền con người và quyền công dân.
"Trước đây không có được nói và quốc tế cũng không hiểu gì, và đây là nơi để nói và người ta còn có sự kiểm định bằng các đoàn phi chính phủ đến để nói trước các cơ quan nhân quyền quốc tế, thì tôi thấy đấy là một sự tiến bộ," chuyên gia về luật nhân quyền và luật hiến pháp nói với BBC hôm 05/2/2014.
Theo đánh giá của Giáo sư Dung, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam trong những năm gần đây và hiện nay đã đạt được một số tiến bộ nhất định, đặc biệt trong nhận thức của người dân, các giới, trong đó có các quan chức, chính quyền.
'Từ nhận thức tới thực tế'
"Thứ nhất là người dân, cũng như mỗi con người, phải nhận biết được mình có quyền gì, và về phía nhà nước cũng thế, cũng phải nhận thức được người dân họ có những quyền gì, ở bên cạnh đó, nhà nước phải có trách nhiệm gì"
Ông nói:"Về vấn đề quyền con người, cần khẳng định rằng càng ngày, nhận thức của người dân, trong nhận thức của học giả, trong cán bộ chính quyền, kể cả Đảng, nhà nước, cũng như nhân dân càng ngày càng thấy thể hiện rõ, trước hết về mặt nhận thức.
"Và người ta cảm nhận thấy trước hết là quyền của con người là gì, và về phía chính quyền, phía nhà nước cũng đã thúc đẩy quyền con người trong hiến pháp mới. Trước hết về mặt nhận thức, chúng tôi thấy đã có sự động chạm đến vấn đề này, không như trước đây, trước đây nói đến nhân quyền, không ai dám nói cả."
Theo Giáo sư Dung, có hai vấn đề cần lưu ý hiện nay đối với Việt Nam nói chung và chính quyền nói riêng trong việc đưa các nhận thức, cam kết về vấn đề nhân quyền vào thực thi trên thực tế.
Ông nói: "Có hai vấn đề tôi thấy cần phải làm, cái thứ nhất là người dân, cũng như mỗi con người, phải nhận biết được mình có quyền gì, và về phía nhà nước cũng thế, cũng phải nhận thức được người dân họ có những quyền gì, ở bên cạnh đó, nhà nước phải có trách nhiệm gì."
Về vai trò của một số phong trào xã hội dân sự và công dân của Việt Nam ở trong nước gần đây liên quan tới vận động cho cải tổ dân chủ, xã hội và nhân quyền, nhà nghiên cứu bình luận:
"Đúng là những tháng gần đây, những năm gần đây, vấn đề các hiệp hội xã hội dân sự cũng như những hoạt động của những tổ chức này ít nhiều cũng có tác dụng, người ta cũng nhận thấy quyền của các tổ chức này và phía nhà nước cũng đã ít nhiều, đỡ hơn trước đây, khi có những cản trở những tổ chức này hoạt động."
Theo bbc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét