Ba đặc điểm nổi bật Biển Đông 2014
TS. Nguyễn Ngọc Trường
(Toquoc)- Trung Quốc nỗ lực mới kiểm soát Biển Đông, nhưng xu thế quốc tế hóa và luật pháp hóa giải quyết vấn đề Biển Đông tăng mạnh.
Năm 2014, Biển Đông nổi bật ba vấn đề.
Thứ nhất, Trung Quốc tiếp tục chủ trương “lục hoãn hải khẩu” với Việt Nam
Trong năm 2013, lãnh đạo mới của Trung Quốc đã cơ bản vạch ra mô hình tổng thể của các quan hệ trong kỷ nguyên mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng. Đó là "phiên bản kinh tế ngoại vi", với “ngoại giao xung quanh” tạo ra các vành đai hoặc hành lang kinh tế tại các khu vực cận biên của Trung Quốc, xây dựng vòng cung khu vực ảnh hưởng địa-chính trị-kinh tế của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Tại phía Bắc, Trung Quốc đề xuất thành lập “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” nối Tân Cương với Trung Á, Tây Á, Cận Đông, tới tận Địa Trung Hải. Ở phía tây nam, đề xuất sớm đàm phán để xây dựng “Hành lang kinh tế bốn nước”, Trung Quốc, Mianma, Băngladet, Ấn Độ. Ở Đông Nam Á, một mặt tăng cường mở rộng hoạt động kinh tế Khu vực Tiểu vùng sông Mêkông mở rộng, hỗ trợ phát triển kinh tế Vân Nam, Quảng Tây, mặt khác đề nghị tái cấu trúc nâng cao Hiệp định tự do thương mại Trung Quốc ASEAN ký kết 10 năm trước đây, mục tiêu đưa thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN lên 500 tỷ USD vào năm 2015 và 1.000 tỷ USD vào năm 2020. Về chính trị, Bắc Kinh đề xuất ký kết “Điều ước hợp tác láng giềng hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc” nhằm thắt chặt quan hệ với ASEAN/Đông Nam Á. Trên biển, "Con đường Tơ lụa hàng hải thế kỷ 21" tại Đông Nam Á bắt đầu từ Biển Hoa Đông, cùng với trên bộ kết nối các quốc gia và lãnh thổ láng giềng với Trung Quốc trở thành một mắt xích trung tâm.Trung Quốc nhất trí cùng Việt Nam thực hiện tốt “Bản ghi nhớ về việc xây dựng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới”, tích cực nghiên cứu đàm phán ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt-Trung”, đề nghị Việt Nam tạo thuận lợi, hỗ trợ sớm hoàn thành Khu công nghiệp Long Giang và Khu công nghiệp An Dương. Sau khi đặt được những viên gạch gia cố những mối quan hệ kinh tế trên bộ, đầu năm 2014, Trung Quốc mở màn cuộc tranh chấp Biển Đông với hai quyết định: Tăng cường quyền hạn cho lực lượng cảnh sát biển của họ tại khu vực Biển Đông, và từ ngày 1/1/2014 bắt buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động bên trong vùng biển mà Bắc Kinh tự nhận của mình; tàu thuyền vi phạm sẽ bị trục xuất và bị tịch thu những hải sản đã đánh bắt được, đồng thời bị phạt 500.000 Nhân dân tệ. Chủ trương này chủ yếu nhằm vào Việt Nam, ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh cá ở các ngư trường truyền thống Hoàng Sa, phục vụ việc kiểm soát Hoàng Sa của Việt Nam, đồng thời biến Tam Sa thành trung tâm bàn đạp kiểm soát Biển Đông trong đường lưỡi bò.Ngày 3/1/2014, một chiếc tàu tuần tra Trung Quốc đã tấn công một tàu cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, coi như “mở màn” cho việc trấn áp tàu cá nước ngoài tại Biển Đông.Các hành động nêu trên diễn ra chỉ 2 tháng sau khi lãnh đạo Trung Quốc và Việt Nam ký Tuyên bố chung tại Hà Nội (15/10/2014) khẳng định những nguyên tắc hợp tác giải quyết những vấn đề liên quan đến biển. Tuyên bố có đoạn: “Hai bên nhất trí kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp,... xử lý kịp thời, thỏa đáng các vấn đề nảy sinh, đồng thời tiếp tục tích cực trao đổi và tìm kiếm các biện pháp có hiệu quả để kiểm soát tranh chấp, duy trì đại cục quan hệ Việt-Trung và hòa bình, ổn định trên Biển Đông”.Như vậy, Trung Quốc căn bản vẫn áp dụng chủ trương “lục hoãn hải khẩu” (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển tranh chấp xung đột).
Hạm Đội Nam Hải được trang bị thêm 7 tàu chiến mới phục vụ chủ trương tích cực tranh chấp, tích cực khai thác Biển Đông
Thứ hai, Trung Quốc trọng điểm bố trí tàu chiến mới, tích cực tranh chấp, tích cực khai thác
Trong năm 2013, Hải quân Trung Quốc đã đạt được bước đột phá khá lớn về mặt trang bị quân sự. Trung Quốc tăng cường lực lượng hải quân và bán vũ trang để thực hiện kiểm soát Biển Đông. Tạp chí American Interest ngày 8/1 nhận định Trung Quốc đang từng bước tăng cường sự kiểm soát tại các vùng nước tranh chấp trên Biển Đông.Từ đầu năm 2013 đến nay đã có ít nhất 17 tàu chiến mới được biên chế vào lực lượng hải quân Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải nhận nhiều tàu chiến mới nhất 7 chiếc. Tiếp đó là hạm đội Đông Hải thêm 6 chiếc.Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Trung Quốc đang thực hiện cuộc chiến xâm chiếm lãnh thổ lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới II.
Thứ ba, vụ kiện của Philippines sẽ đẩy mạnh cuộc đấu tranh pháp lý quốc tế
Tòa án trọng tài quốc tế về luật biển cho vụ kiện đã được thành lập trong năm 2013 và đã đưa ra lịch làm việc, bao gồm thời hạn để Philippines đưa ra các bằng chứng vụ kiện Trung Quốc vào ngày 30/3/2014.Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bị kiện trước một tòa án quốc tế về luật biển. Phát biểu trên chương trình truyền hìnhNews to Go, Giáo sư Rommel Banlaoi - Viện trưởng Viện Hòa bình, Bạo lực và Khủng bố thuộc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia Philippines, khẳng định: với việc đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Philippines “đã đẩy Trung Quốc vào chân tường”. Vụ kiện góp phần “quốc tế hóa” tranh chấp; “đây không chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với Philippines, mà là vấn đề quốc tế bởi nó sẽ ảnh hưởng đến thương mại, tự do hàng hải và khai thác dầu khí ở Biển Hoa Nam (Biển Đông)”.Philippines đã thuê một nhóm chuyên gia pháp lý chuyên môn giỏi của nước ngoài chuẩn bị các tài liệu để trình Tòa án trọng tài ở La Hay (Hà Lan) vào ngày 30/3/2014.Nhóm chuyên gia gồm các luật sư Anh, Mỹ có kinh nghiệm về các vụ kiện liên quan đến vấn đề chủ quyền tại các tòa quốc tế do luật sư Paul Reichler đứng đầu. Hiện nhóm đang chuẩn bị bằng chứng và lập luận để chứng minh rằng tuyên bố đường 9 đoạn của Trung Quốc là không hợp lệ theo Công ước quốc tế về Luật Biển. Ngoài ra, họ cũng tìm kiếm các thông tin chi tiết về giới hạn lãnh thổ theo pháp luật của các khối đá và bãi đá ngầm Scarborough như là một phần của nỗ lực để khẳng định chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý.Ông Rommel Banlaoi cho rằng mặc dù Bắc Kinh rất giỏi “phô trương sức mạnh quân sự”, song Philippines đủ năng lực giải quyết bằng biện pháp ngoại giao theo “quy định của pháp luật... Chúng tôi cho rằng giải pháp văn minh và hòa bình nhất để giải quyết tranh chấp lãnh thổ phức tạp này chỉ có thể được thực hiện thông qua quy định pháp luật”.Năm 2014 sẽ khẳng định xu thế luật pháp quốc tế đóng vai trò quan trọng giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đó là một tiến bộ lịch sử đối với vấn đề Biển Đông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét