►Khó đến với cái tốt thứ nhất, các ngân hàng cùng chạy về
một
hướng để đến với cái tốt thứ hai.
Sau một thời gian tương đối ổn định, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại bắt đầu cho tín hiệu giảm.
Sau một thời gian tương đối ổn định, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại bắt đầu cho tín hiệu giảm. Tại Eximbank, ACB, Sacombank, biểu lãi suất huy động hiện hành đã thấp hơn từ 0,1 - 0,3%/năm ở các kỳ hạn ngắn so với biểu áp dụng cuối 2013.
Mức giảm không lớn, nhưng một phần phản ánh áp lực cân đối chi phí trong bối cảnh dư vốn mà tín dụng vẫn tăng trưởng âm.
Trên thị trường liên ngân hàng, cung vốn dồi dào, lãi suất giảm nhanh là ghi nhận trong hai tuần giao dịch gần đây. Lãi suất qua đêm trước Tết Nguyên đán từng lên tới khoảng 5%/năm, nay đã giảm về khoảng 1,3% - 1,5%/năm; lãi suất các kỳ hạn khác cũng giảm khá sâu.
Trong bối cảnh này, lợi nhất là kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ.
Cuối tuần qua, với phiên đấu thầu thành công có khối lượng kỷ lục 10.000 tỷ đồng, tổng lượng trái phiếu Chính phủ riêng Kho bạc Nhà nước đã phát hành từ đầu năm đến nay (chỉ trong vòng hơn một tháng, do kỳ nghỉ Tết khá dài) đã đạt trên 31,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất trái phiếu liên tục giảm, chỉ còn 6,15% - 7,67%/năm theo kỳ hạn 2 - 5 năm.
Trái phiếu đang là kênh cứu cánh cho các ngân hàng thương mại. Điều này không mới, cũng đã thể hiện trong năm 2013, nhưng có những điểm đáng quan tâm.
Một chuyên gia nói với VnEconomy rằng, khi nhà điều hành xem việc các ngân hàng thương mại đổ xô mua trái phiếu cũng là một hướng tạo vốn cho nền kinh tế, xem đó là một phần “đỡ” cho tín dụng tăng trưởng âm, thì chỉ là cách nói ngụy biện.
Chuyên gia này nêu quan điểm: thay vì tìm cách thúc đẩy vốn cho vay cá nhân và doanh nghiệp, nguồn vốn dồi dào thuận lợi cho việc giảm thêm lãi suất cho vay, thì các ngân hàng lại đổ xô vào trái phiếu, đi huy động vốn rồi dồn cho Chính phủ vay.
“Ở đây có sự lệch lạc vai trò của hệ thống ngân hàng thương mại. Nếu cứ kéo dài trạng thái này, 2014 sẽ thực sự là một năm khó điều hành đối với Ngân hàng Nhà nước”, ông nói.
Song, phía các ngân hàng cũng có nhiều lý do để giải thích cho việc phải sử dụng vốn như vậy. Có nhiều lý do khiến họ không đẩy mạnh cho vay cá nhân và doanh nghiệp được…
Còn ở góc nhìn khác, ông Trịnh Quang Anh, một bạn đọc quen thuộc của VnEconomy lại nhìn nhận ở tình huống: khi tất cả các ngân hàng cùng chạy về một hướng thì sao?
“Là ngân hàng thương mại, sử dụng nguồn vốn huy động được để cho vay là tốt nhất, đúng bản chất, vai trò nhất. Nhưng hiện nay, không đẩy mạnh được tăng trưởng tín dụng, họ tìm đến cái tốt thứ nhì là trái phiếu. Trái phiếu là bộ đệm thanh khoản có độ lỏng thứ nhì, sau tiền, và cũng là một kênh kinh doanh. Vì cùng dư thừa vốn, các ngân hàng đang đổ xô vào trái phiếu, tất cả cùng chạy về một hướng, nhưng vừa chạy vừa lo”, ông Quang Anh nêu cái nhìn tổng quan.
Vì sao lo? Khi tất cả cùng đổ xô đi mua, hàng sẽ lên giá. Ở đây, thực tế là lãi suất trái phiếu liên tục giảm. Có nhu cầu mua để tạo bộ đệm thanh khoản, có nhu cầu để đầu tư. Nhưng khi tất cả cùng chạy về một hướng như vậy, lãi suất trái phiếu còn giảm nữa và về các mức thấp nữa, khả năng sinh lời ở kênh này càng hạn chế; chưa nói nếu các ngân hàng chốt lời ở trái phiếu, thu tiền về để làm gì khi tín dụng èo uột.
Hiện vốn đang dư thừa đã đành, sắp tới, ông Quang Anh còn lưu ý ở nguồn tiền được tái tạo từ nợ xấu, qua trái phiếu đặc biệt của VAMC và Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn. Quy mô nguồn tái tạo này cũng là đáng kể và Ngân hàng Nhà nước sẽ lại phải trăn trở tìm công cụ khả thi để trung hòa bớt lượng tiền bơm ra, bên cạnh kênh phát hành tín phiếu.
Song, một hướng giải tỏa khác bên cạnh trái phiếu cũng đang được gợi mở. Đó là thị trường chứng khoán với nguồn cung mới hút vốn đầu tư trong năm 2014.
Ông Trịnh Quang Anh cho rằng, thị trường chứng khoán vừa có chuỗi giao dịch sôi động, song quy mô 3.000 - 5.000 tỷ đồng là “vẫn chưa thấm tháp gì”. Sắp tới, ông dự tính thị trường sẽ càng sôi động hơn với nguồn cung mới từ áp lực cổ phần hóa.
“Một nguồn cung mới từ chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo ra một lượng hàng hóa mà một phần trong đó giá chưa thực sự thị trường. Đây là cơ hội kiếm lời. Các ngân hàng có thể cũng sẽ ngắm đến, dòng vốn thay vì cho vay doanh nghiệp sẽ chuyển sang dạng tín dụng đầu tư”, ông Quang Anh dự tính.
Nhưng ông cũng quan ngại rằng, trước yêu cầu và sức ép cổ phần hóa gấp
rút vài trăm doanh nghiệp trong thời gian ngắn, sẽ khó tránh khỏi việc thất thoát
tài sản Nhà nước nếu chạy theo áp lực của thành tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét