06:00 | 27/02/2014
(PetroTimes) - Với kinh nghiệm trên 20 năm làm công tác tổ chức cán bộ, đổi mới doanh nghiệp, tôi xin phát biểu với tư cách cá nhân về công tác quản lý doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), đưa ra một giải pháp mang tính chất đột phá để nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng và của DNNN nói chung.
Năng lượng Mới số 299
Trước tiên, phải thấy được nguyên nhân chính, thực chất tại sao hoạt động của DNNN kém hiệu quả trong khi DNNN có rất nhiều lợi thế so với các loại hình doanh nghiệp khác. Đã có nhiều nhà nghiên cứu, mổ xẻ DNNN và tìm ra nguyên nhân chính là vấn đề sở hữu từ đó đưa ra giải pháp phải giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống và một trong những giải pháp đã được Nhà nước xúc tiến mạnh mẽ khoảng hơn chục năm nay là cổ phần hóa (vừa rồi Thủ tướng còn chỉ đạo cách chức những lãnh đạo DNNN không chịu cổ phần hóa…), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng đã thành công lớn trong công tác này, coi đây là giải pháp cơ bản trong công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả DNNN tại Tập đoàn.
Tuy nhiên, để DNNN (Hiến pháp mới thông qua tiếp tục khẳng định rằng, kinh tế Nhà nước - DNNN là chính - đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta) thì Nhà nước không thể không nắm cổ phần chi phối ở các doanh nghiệp lớn, quan trọng. Và theo định nghĩa trong Luật Doanh nghiệp thì doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chi phối là DNNN. Đây cũng là một lợi thế cho các doanh nghiệp này nhưng cũng lại là một rào cản cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đây là một mâu thuẫn sẽ còn kéo dài, do đó cần phải có một giải pháp quá độ để quản lý khi chưa thể đưa tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống đến con số “0” được.
TS Lê Xuân Vệ
Như đã phân tích ở trên, hiệu quả của doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào vấn đề sở hữu vốn. Do đó để nâng cao hiệu quả của DNNN phải xử lý tận gốc rễ là vấn đề sở hữu vốn. Người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không thể là đại diện 100% phần vốn được chia cho mình làm đại diện, tức là làm sao không thể đại diện một cách hình thức như hiện nay (chủ giả) dẫn tới nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi không rõ ràng và vì vậy có lẽ gần như ai cũng có thể làm đại diện phần vốn tại doanh nghiệp khác được, kể các tiêu chuẩn mới đưa ra cơ bản chúng ta cũng đủ cả.
Khi cổ phần hóa DNNN thành viên của Tập đoàn ở một số doanh nghiệp khó khăn hoặc giai đoạn khó bán được cổ phần chúng ta đã có một số chủ trương đúng đắn là “bắt” những người lãnh đạo doanh nghiệp (sau này là người đại diện của Tập đoàn) mua một tỷ lệ cổ phần của doanh nghiệp đó theo tỷ lệ bắt buộc nếu muốn làm người đại diện của Tập đoàn (ví dụ PV GAS…), việc này cũng làm cho người lao động trong doanh nghiệp yên tâm khi tham gia mua cổ phần của công ty. Và trên thực tế chúng ta đã thấy những người lãnh đạo này quan tâm hơn rất nhiều đến kết quả hoạt động của công ty.
Tóm lại, một tiêu chuẩn rất đơn giản nữa phải đưa vào ngay khi bổ nhiệm hay cử người đại diện (tất nhiên có thể thí điểm) đó là: người đại diện của Tập đoàn tại doanh nghiệp khác phải có một tỷ lệ vốn sở hữu của bản thân mình tại doanh nghiệp đó.
Tiêu chuẩn này sẽ thay đổi cơ bản về trách nhiệm và quyền hạn của người đại diện tại doanh nghiệp, từ đó hiệu quả của doanh nghiệp sẽ được nâng lên rõ rệt. Tại sao vậy?
Thứ nhất, đây chính là nghĩa vụ của người đại diện tại doanh nghiệp, thứ hai, có nghĩa vụ phải có trách nhiệm: tức là người đó phải làm sao cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, từ đó thứ ba là người đại diện phải được hưởng quyền lợi: người đại diện phải được chia cổ tức tương ứng với tỷ lệ vốn của người đó góp vào doanh nghiệp.
Như vậy, chỉ với một tiêu chí bổ nhiệm tưởng như đơn giản nhưng đã giải quyết được gốc rễ của vấn đề hiệu quả hoạt động của DNNN. Từ trước tới nay chúng ta chỉ hô hào về trách nhiệm của người đại diện mà không chú trọng đến nghĩa vụ của người đại diện và từ đó quyền lợi của người đại diện cũng không rõ ràng. Khi thực hiện cơ chế này Tôi tin chắc rằng người đại diện không còn phải lo đến chuyện lương bổng không thỏa đáng (đặc biệt hiện nay trong khi Chính phủ đã ra nghị định hạ thấp rất nhiều mức lương của người đại diện), vì khi doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả thì không chỉ người đại diện được thưởng (mặc dù theo chế độ Nhà nước cũng chẳng bao nhiêu) mà quan trọng nhất là họ được chia một phần lợi tức theo tỷ lệ vốn mà họ có tại doanh nghiệp. Với cơ chế như vậy, đối với những doanh nghiệp có lãi cao (không kể phần do ưu đãi của nhà nước hay của Tập đoàn, cũng như không kể phần lỗ do cơ chế của nhà nước bắt buộc) thì tôi nghĩ rằng người đại diện còn muốn được góp vốn nhiều hơn so với phần được góp để nhận lãi nhiều hơn.
Nhà máy Đạm Phú Mỹ
Tuy nhiên, để thực hiện tiêu chí này có người sẽ cho rằng, cán bộ Nhà nước lấy đâu ra tiền mà mua cổ phần, mà góp vốn? Theo tôi, để làm người đại diện đủ tiêu chuẩn như trên đối với người chưa có tiền sẽ buộc phải đi vay ngân hàng mà góp vào. Điều này cũng buộc những người đại diện phải có trách nhiệm rất cao đối với doanh nghiệp để làm sao cuối năm lợi nhuận của doanh nghiệp phải cao hơn lãi suất vay ngân hàng thì người đại diện mới không bị lỗ về khoản vay đó. Và như vậy, cuối năm khi họp về chủ trương chia cổ tức (chia hay để đầu tư, chia hết hay chia một nửa…) chắc chắn không phải bàn nhiều - chắc 100% đòi chia luôn, chia hết. Tuy nhiên, vay ngân hàng một lượng tiền lớn không phải dễ, do đó đối với những người không có tài sản thế chấp Tập đoàn phải bảo lãnh cho họ vay hay cần có một cơ chế nào đó để không sai quy định của pháp luật mà họ vay được tiền để góp vốn.
Với tiêu chí này và với cơ chế này, thiết nghĩ, ai đó được đề nghị để bổ nhiệm làm người đại diện tại doanh nghiệp còn phải suy nghĩ cân nhắc, và không ít người không dám nhận làm người đại diện, nhất là phải thế chấp tài sản riêng của mình để vay ngân hàng một khoản lớn góp vào doanh nghiệp. Chỉ với một tiêu chuẩn phải có đối với những người được bổ nhiệm là người đại diện phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp nếu làm được, chắc chắn chúng ta sẽ dần có được một đội ngũ những người lãnh đạo, quản lý DNNN thực sự có tài, có bản lĩnh, tâm huyết với doanh nghiệp và như vậy sẽ nâng cao hiệu quả rõ rệt DNNN, thực sự là một giải pháp đột phá trong cải cách quản lý DNNN.
Một vấn đề đặt ra phải nghiên cứu kỹ khi thực hiện, đó là đối với từng doanh nghiệp cụ thể, tỷ lệ phải nắm giữ vốn tại doanh nghiệp này là bao nhiêu và đối với từng chức danh cụ thể: chủ tịch, ủy viên hội đồng, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán trưởng… Nhưng có một điều chắc chắn rằng, tỷ lệ này càng cao càng tốt, chỉ yêu cầu mức tối thiểu và quan trọng hơn là phải loại phần lợi nhuận cao, hay lỗ của doanh nghiệp do ưu đãi hay bắt buộc do chính sách của Nhà nước (như ưu đãi về giá, thuế, công nghệ mới…) ra khỏi phần được chia theo tỷ lệ góp vốn, có vậy mới tránh được tình trạng đối với doanh nghiệp hiện đang lãi lớn thì ai cũng muốn đi làm người đại diện và được góp càng nhiều vốn càng tốt và có doanh nghiệp lỗ thì chắc không thể cử được ai đi làm đại diện.
Giàn Trident - 16 đang hoạt động ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ dưới sự điều hành của PVEP (Ảnh: Bảo Sơn)
Thiết nghĩ với cơ chế này, người đại diện ít nhất không còn là ông chủ giả 100% nữa và mức độ chủ thật phụ thuộc vào tỷ lệ thật mà người đại diện đóng góp vào đó và thế là một cách tự nhiên người đại diện phải có trách nhiệm thực sự với doanh nghiệp (vì có một phần trách nhiệm và quyền lợi của chính mình).
Tôi tin chắc rằng, người đại diện sẽ quan tâm đến chi phí của doanh nghiệp, hiệu quả của doanh nghiệp và nếu như không đạt được mức ngày đêm nghĩ về doanh nghiệp mình sao cho hiệu quả thì chí ít cũng hạn chế được tình trạng các ông chủ là giả như hiện nay, doanh nghiệp lãi hay lỗ cũng chẳng quan trọng vì lãi nhiều cũng không được thưởng bao nhiêu mà doanh nghiệp lỗ cũng chỉ mất chút ít tiền thưởng.
Với tiêu chí bổ nhiệm này, thiết nghĩ việc miễn nhiệm, đánh giá đối với người đại diện cũng đơn giản và có lẽ không đặt thành vấn đề quan trọng nữa. Thực tế với cơ chế như hiện nay, chúng ta chẳng miễn nhiệm được ai, hơn nữa hiện tượng chạy chức, chạy quyền có vẻ như ngày càng phổ biến. Nhưng với cơ chế như đề xuất này, nếu doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, lợi nhuận thấp hơn lãi suất gửi ngân hàng thì người đại diện dám chắc sẽ chủ động xin miễn nhiệm chứ không cần phải đánh giá và miễn nhiệm nữa, hiện tượng chạy chức chạy quyền sẽ giảm hẳn và khi đó chắc phải đi tìm mới có được người đủ bản lĩnh, đủ tài để lãnh đạo, quản lý DNNN.
Qua những phân tích ở trên, đề nghị lãnh đạo Tập đoàn sớm cho triển khai thực hiện với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, còn đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng là một doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu mà Hội đồng Thành viên Tập đoàn được Nhà nước (Thủ tướng Chính phủ) bổ nhiệm làm đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Tập đoàn cũng cần phải đề nghị Chính phủ cho phép được làm chủ thật một chút (ví dụ 1% thôi) thì 5 thành viên Hội đồng cũng phải bỏ ra 1%x300.000 tỉ (vốn điều lệ Tập đoàn dự kiến tăng từ 177.000 tỉ lên 300.000 tỉ) bằng 3.000 tỉ (chia đều thì mỗi người cũng phải góp vào 600 tỉ đồng) và đương nhiên cuối năm phải chia lợi nhuận cho họ theo tỷ lệ góp.
Có như vậy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mới thực sự hùng mạnh, là trụ cột vững chắc của nền kinh tế nước nhà và những người quản lý, lãnh đạo Tập đoàn này mới sánh vai, xứng đáng và tự hào cùng những ông chủ của những Tập đoàn kinh tế trong nước cũng như quốc tế khác.
Để áp dụng được tiêu chí này trong công tác bổ nhiệm cán bộ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DNNN còn cần nghiên cứu tiếp và nó sẽ phải được áp dụng rộng rãi ở tầm vĩ mô (đối với tất cả các DNNN trong cả nước) chứ không chỉ đối với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
TS Lê Xuân Vệ (Chuyên gia cố vấn Đổi mới doanh nghiệp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét