(TNO) BÁO LAO ĐỘNG NGÀY 15.1 CHO BIẾT 9 GIA ĐÌNH NÔNG DÂN Ở BẾN LỨC (LONG AN) PHÁ SẢN VÌ TRỒNG MÍA. NHẬN HỢP ĐỒNG VỚI MỘT CÔNG TY, BAN ĐẦU MÍA LÊN RẤT TỐT, NHƯNG VÀO MÙA NƯỚC NỔI, NƯỚC MẶN XÂM NHẬP VÀO ĐỒNG MÍA KHIẾN 300 HA MÍA CHẾT HẾT. TÀI SẢN DỒN ĐỔ VÔ CỨU MÍA RA TRO. NỢ NẦN VÂY HÃM. HỌ XIN ĐI TÙ, NẾU ĐỐI TÁC QUYẾT TỊCH THU ĐẤT ĐAI HỌ ĐÃ CẦM THẾ.
Người nông dân một nắng hai sương - Ảnh minh họa: D.Đ.M
Chi tiết "xin đi tù" khá hiếm có, nhưng chuyện nông dân Việt Nam tán gia bại sản lại là chuyện rất thường.
Dân TP.HCM hẳn chưa quên tin đồn thiếu gạo khoảng giữa năm 2008. Nửa tin nửa ngờ nhưng các bà nội trợ đổ xô mua gạo về dự trữ. Đại diện chính quyền phải lên báo chí khẳng định không thiếu gạo. Nhưng nghi ngờ là thói quen mới có vài chục năm nay của người dân. Nghe, họ vẫn nghe, mà mua cất, họ vẫn mua.
Thế rồi chỉ mấy tháng sau, miền Tây ứ gạo.
Dân TP.HCM lại thấy cảnh lạ: hàng đoàn xe tải nhỏ chở gạo lên Sài Gòn, đậu lề đường bất kỳ nào đó, mở thùng sau ra bán gạo tại chỗ.
Té ra, trước đó giá gạo tăng cao nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị cấm xuất khẩu ồ ạt với lý do "sợ mất an ninh lương thực". Khi thị trường thế giới no, giá tụt, cũng là mùa thu hoạch vụ mới bắt đầu. Thế là gạo chồng lên gạo. Chồng lên cái lưng đã quá còng của nông dân.
Không thể chờ lời hứa thu mua của doanh nghiệp như trước nữa, nông dân miền Tây trồng lúa hàng chục ha, giờ chạy đôn đáo bán từng ký gạo.
Căn nguyên câu chuyện trên, kể lại chỉ muốn khóc. Cách đó hai vụ (chừng 6 tháng), giá gạo ngắn ngày, thấp cấp IR 50404 tăng vọt. Doanh nghiệp tới tận ruộng mua đứt, giá bằng giá gạo cao cấp. Nông dân trồng IR 50404 mừng như trúng số. Mặc dù lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ra sức đe không được nhân rộng loại này, nhưng đe mấy đe, mấy vụ liền cứ ai trồng IR 50404 là trúng, nên nông dân làm lơ.
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng mát lòng mát dạ, vì thị trường loại gạo này lúc ấy đang rộng mở, bán nhiêu cũng hết.
Cho đến khi ông nhà nước đột ngột cho cái lệnh ngưng xuất khẩu gạo để chờ giá lên nữa (!).
Việt Nam không phải là nước xuất khẩu gạo duy nhất trên thế giới, dù xuất nhiều.
Cho nên, khi mình tự trói tay, các nước khác chớp liền cơ hội.
Và thị trường gạo thấp cấp hết nhu cầu. Người mua, giờ đòi loại gạo thơm Thái (Jasmine).
Giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam, có lẽ nằm ở sự giải tỏa triệt để các bộ máy quản lý nhà nước quan liêu và tốn kém đang đè trên đầu nông dân. Dẹp mớ lý thuyết không đẻ ra tiền. Trả lại người sản xuất cho thị trường
Ai chứng kiến mà không đau lòng cảnh người nông dân miền Tây chạy xe máy hàng trăm cây số để kiếm tìm giống lúa Jasmine, cơm nắm cơm gói chực chờ giành giật ngay trên ruộng, mua cả lúa tươi về làm giống, mua rồi có người cởi ngay chiếc áo đang mặc bó ôm lúa lại nâng niu như vàng, sợ rớt mất từng hạt? Còn tôi, tôi đã bật khóc.
Nhưng đó mới chỉ là một ví dụ. Chuyện nông dân nuôi tôm bị mất trắng ngồi thừ hàng tuần liền bên bờ đìa, nhà vườn đổ đống trái cây cho người chăn nuôi chở về nuôi heo vì trái chín hàng loạt không ai mua, người trồng rau bán cả xe ba gác rau chỉ được vài ngàn... không hề lạ trên mặt báo.
Vì sao nông dân Việt Nam tận khổ đến vậy?
Vì họ là mắt xích đầu tiên của chuỗi tiêu thụ, mà nông sản do họ làm ra phải qua cả chục mắt xích khác - thương lái các cấp - mới tới được tay người tiêu dùng. Những mắt xích này giúp nông dân bán hàng, nhưng cũng vét hầu hết lợi nhuận của họ. Vừa phụ thuộc, vừa ghét bỏ, nhưng không rời ra được, vì ngoài họ ra nông dân hầu như không còn kênh tiêu thụ nào khác. Đó là bi kịch của nông dân Việt Nam.
Nông dân Việt Nam đội trên đầu nhiều ngành nhiều cấp quản lý sản phẩm của họ. Nhưng tóm lại chỉ là thu thuế, các cơ quan ngang dọc chẳng giúp họ được tí nào trong quy hoạch đồng ruộng, cải tiến kỹ thuật, nâng cấp sản phẩm, tìm hiểu và khai phá thị trường... Mù thị trường, ít vốn, manh mún, tự phát, hết năm này qua năm nọ, hết mặt hàng này tới mặt hàng kia, nông dân luẩn quẩn trồng/chặt.
Trên cấp vĩ mô, để hỗ trợ nông dân, người ta miệt mài đưa ra hết mô hình nọ đến mô hình kia. Ban đầu là liên kết "ba nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà nông. Hết ba đến bốn: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà buôn. Bốn chưa đủ, giờ phải năm: nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà buôn, nhà băng.
Khoảng cách từ tháp ngà đến ruộng lúa xa lắm. Thế nên, dù được cả một lô xích xông "nhà" hò la tôi đang xúm vào đẩy đây, thì thực tế nông dân vẫn phải tự bơi. May lắm, họ nhờ được nhà khoa học. Nhưng do mâu thuẫn lợi ích, lắm khi nhà khoa học với nhà buôn và nhà băng lại chẳng bằng lòng nhau...
Không như các nước phát triển, nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc hầu như 100% vào thời tiết. Không ngoa khi nói người nông dân đã đổ hết tài sản của họ ra ruộng, xuống đìa. Ông trời nhăn nhó là trắng tay. Nhưng, mấy chục năm rồi, bảo hiểm nông nghiệp vẫn còn đang dò dẫm "thí điểm".
Ấy thế nhưng nông dân Việt Nam không "chết". Miễn còn đất đai, người nông dân bám chặt vào nó, tự lực, kiên cường bày keo khác. Có điều, họ sống, nhưng mà sống lay lắt.
Như bài viết dẫn phần đầu đã kể, con cái của những người nông dân phá sản sau vụ trồng mía người phải bỏ học, người phải bỏ công việc mới nhận. Họ phải chung lưng cứu miếng đất, cứu gia đình trước đã. Và với số nợ quá lớn đó, đã có thể mường tượng tương lai nghèo khổ, thất học, mất cơ hội có việc làm tốt, mất các đòn bẩy có thể đưa họ đến cuộc sống giàu giá trị con người hơn...
Giải pháp cho nông nghiệp Việt Nam, có lẽ nằm ở sự giải tỏa triệt để các bộ máy quản lý nhà nước quan liêu và tốn kém đang đè trên đầu nông dân. Dẹp mớ lý thuyết không đẻ ra tiền. Trả lại người sản xuất cho thị trường.
Doanh nghiệp, với đồng tiền liền khúc ruột, đủ khôn ngoan để hợp tác với người nông dân theo đúng nguyên tắc win-win của thị trường. Còn người nông dân? Hãy nhìn gương nông dân các nước Nhật, Malaysia, Israel, Thái Lan, Hà Lan... để họ tự do, họ sẽ thành triệu phú.
Hoàng Hải Lam
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, là người viết báo tự do đang sống và làm việc tại TP.HCM
Rất khổ chứ đừng nói là khổ,không hiểu tại sao làm ra hạt gạo xuất khẩu mang ngoại tệ về mà người nông dân khốn khổ vậy.Các chính sách về nông nghiệp nông thôn của ta đều ở đâu đâu chứ không phải là của ta.Chiến lược phát triển và qui hoạch vùng nguyên liệu đều chưa rõ ràng.Một đất nước nông nghiệp... xem tiếp
Tôi rất đồng tình với bài viết của tác giả Hoàng Hải Lam. Thật là khổ cho người nông dân quá. Dân giàu thì nước mới mạnh, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước hãy quan tâm tới người dân nhiều hơn nữa để dân bớt khổ,....
Mấy chục năm nay, do bệnh thành tích "Xuất gạo nhất nhì thế giới" để nông dân phải khổ. Trong khi ở nước bạn, đất đai có thể trồng cỏ nuôi bò nuôi dê, lấy sữa bò bán mua gạo rẻ mạt về ăn. Ở nước ta Nhà nước cấm gọi là đất trồng lúa chỉ trồng lúa.
(TNO) BÁO LAO ĐỘNG NGÀY 15.1 CHO BIẾT 9 GIA ĐÌNH NÔNG DÂN Ở BẾN LỨC (LONG AN) PHÁ SẢN VÌ TRỒNG MÍA. NHẬN HỢP ĐỒNG VỚI MỘT CÔNG TY, BAN ĐẦU MÍA LÊN RẤT TỐT, NHƯNG VÀO MÙA NƯỚC NỔI, NƯỚC MẶN XÂM NHẬP VÀO ĐỒNG MÍA KHIẾN 300 HA MÍA CHẾT HẾT. TÀI SẢN DỒN ĐỔ VÔ CỨU MÍA RA TRO. NỢ NẦN VÂY HÃM. HỌ XIN ĐI TÙ, NẾU ĐỐI TÁC QUYẾT TỊCH THU ĐẤT ĐAI HỌ ĐÃ CẦM THẾ.
Người nông dân một nắng hai sương - Ảnh minh họa: D.Đ.M