Cập nhật: 06:05 GMT - thứ ba, 28 tháng 1, 2014
Hai bị hại trong vụ Huyền Như, ngân hàng ACB và Navibank, nói sẽ kháng kiện phán quyết của tòa trong đó gạt bỏ trách nhiệm của VietinBank.
Các bài liên quan
Trong phiên sơ thẩm kết thúc hôm thứ Hai 27/1, Hội đồng xét xử kết luận rằng VietinBank không hay biết về hành vi phạm pháp của bà Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên cán bộ ngân hàng, và do vậy không phải chịu trách nhiệm.
Tòa án cũng yêu cầu bà Huyền Như hoàn trả số tiền gần 4.000 tỷ đồng mà bà bị buộc tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời tuyên án chung thân cho bà.
Trong số các bị hại có ba ngân hàng, và đại diện cho hai trong số đó là Ngân hàng Thương mại Á châu (ACB) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank) tuyên bố sẽ kháng cáo.
"Hy vọng mong manh'
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho Navibank, nói với BBC hôm 28/1 rằng Navibank "không chấp nhận quyết định của tòa bác yêu cầu [đòi VietinBank phải trả tiền gửi] của Navibank".
Ông Nghiêm nói trong vòng 15 ngày đơn kháng kiện sẽ được gửi để ra tòa phúc thẩm.
Ông cũng cảnh báo vụ Huyền Như sẽ gây giảm sút lòng tin nghiêm trọng vào hệ thống ngân hàng nhà nước vì "VietinBank là ngân hàng vốn nhà nước", cũng như gây hoài nghi về nền tư pháp.
Tương tự, luật sư Lê Thanh Hải đại diện cho ACB cũng được báo trong nước dẫn lời nói "sẽ kháng cáp bản án".
Báo Lao Động dẫn lời ông Hải nói: "ACB khẳng định hợp đồng gửi tiền của ACB là hợp đồng thật, chữ ký thật, con dấu thật, tiền của ACB đã được chuyển hợp pháp vào VietinBank; VietinBank đã hạch toán tài sản của VietinBank".
"Nếu VietinBank quản lý tiền gửi của khách hàng một cách chặt chẽ, an toàn thì Huyền Như không thể chiếm đoạt được."
Luật sư Hải khẳng định: "Trách nhiệm của VietinBank là rõ ràng, hiển nhiên".
Quan ngại của ACB, theo luật sư Hải, là với tư cách một ngân hàng, "ACB lo lắng niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng sẽ mất đi".
Về phần mình, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói: "Tuy hy vọng mỏng manh, nhưng chúng tôi vẫn phải kháng kiện."
Danh sách bị hại trong vụ Huyền Như bao gồm 9 tổ chức, 3 ngân hàng và 3 cá nhân, số tiền bị chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng, khoảng 200 triệu đôla.
Bên cạnh bị cáo chính Huỳnh Thị Huyền Như bị án chung thân, một loạt cựu cán bộ ngân hàng cũng lãnh án tù với các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét