Khai trí không khi nào đủ cho một dân tộc, một quốc gia. Khai trí luôn cần thiết ở từng giai đoạn khác nhau, thời đại khác nhau. Và mỗi lúc, đòi hỏi đó càng gay gắt, càng cấp bách, để theo kịp với cái “trí” mà nhân loại đã “khai”, đã đạt tới, đã chiếm lĩnh.
Non thế kỷ trước, thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu hạ bút một câu thấm đẫm nỗi ưu tư của một người đọc sách: “Dân hai lăm triệu ai người lớn. Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. Không như những người kiến văn hẹp hòi, chỉ thấy nước mình là nhất, thi sĩ của núi Tản sông Đà thao thức khi nhìn đất nước không bằng người, và câu thơ tưởng chừng như rất bi quan đó lại chứa đựng sự sám hối, sự tỉnh thức và đau đáu một niềm khát vọng muốn vươn lên làm “người lớn” như các quốc gia hùng cường.
Tuy đã vượt qua một giai đoạn dài với sự tích lũy trí tuệ của bao thế hệ suốt gần 70 năm độc lập, nhưng so với các quốc gia thịnh vượng ta vẫn còn tụt hậu. Điều đó không phải là sự hoài nghi mà là hiện thực. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được xét cho cùng là trưởng thành hơn chính mình nhưng vẫn chưa được bằng người. Dù cố gắng vuốt ve bằng những lý thuyết cao siêu đến mấy, chúng ta cũng không thể thoát ly được hiện thực mà chúng ta đang sống, đó là chưa tạo ra được máy móc công nghệ hiện đại và sản phẩm trí tuệ cao cấp, vẫn phải bán tài nguyên và mồ hôi gia công, nhiều người Việt Nam vẫn xem xuất khẩu lao động như một sinh kế đầy may mắn.
Thế giới vẫn xếp Việt Nam là quốc gia đang phát triển. Chưa phát triển là chưa trưởng thành, chưa là “người lớn”. Trong khi trên thế giới có nhiều nền kinh tế thị trường năng động tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng và làm giàu cho chính quốc gia đó, thì Việt Nam vẫn đang nỗ lực để được công nhận là nền kinh tế thị trường. Để làm người lớn trong thời đại toàn cầu hóa cần phải có cái "trí" tương xứng, cái trí đó phải lớn. Muốn trí lớn cần phải “khai” ở một đẳng cấp khác, một cảnh giới khác, đồng hạng với các nước tiên tiến.
Khai trí lúc này phải quyết liệt, mạnh mẽ và cần nhất là dũng cảm phá bỏ những lối mòn xưa cũ, những thành trì bảo thủ để dành khoảng trống xây dựng các xa lộ và băng thông rộng với tốc độ cao làm kênh tiếp nhận mới. Chỉ riêng về giáo dục - Đề án “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế” - được xem là một cuộc cách mạng trong giáo dục. Hy vọng rất nhiều mà lo âu cũng không ít.
Khai trí bằng một cuộc cách mạng giáo dục để có một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với nhu cầu phát triển thôi chưa đủ, mà quan trọng hơn là từ đó xây dựng được một thế hệ người Việt Nam có bản lĩnh công dân và trách nhiệm xã hội, có suy nghĩ độc lập, tự chủ, có lòng công chính và tôn trọng sự thật, có tinh thần dân tộc nhưng không xa rời những giá trị chung của nhân loại.
Không có những điều đó thì dù dân mấy mươi triệu cũng không phải là một quốc gia mạnh.
Phan Chu Trinh (1872 -1926) từng viết: “Xét lịch sử xưa, dân nào khôn ngoan biết lo tự cường tự lập, mua lấy sự ích lợi chung của mình thì ngày càng bước tới con đường vui vẻ. Còn dân thì ngu dại, cứ ngồi yên mà nhờ trời, mà mong đợi trông cậy ở quan, giao phó tất cả quyền lợi của mình vào trong tay một người hay một chính phủ muốn làm sao thì làm, mà mình không hành động, không bàn luận, không kiểm xét, thì dân ấy phải khốn khổ mọi đường. Anh chị em đồng bào ta đã hiểu thấu các lẽ, thì hãy mau mau góp sức lo toan việc nước, mới mong có ngày cất đầu lên nổi”.
Lo toan việc nước phải bằng cái trí sáng láng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét