Trang

10 tháng 1, 2014

U19 là nạn nhân căn bệnh 'chỉ muốn thắng' của người Việt

Có một thực tế là bất cứ đội tuyển Việt Nam cấp độ nào, từ các lứa "U" hay đội một muốn được tung hô và "có vị trí" trong lòng đa phần cổ động viên là phải thắng. 

Cổ động viên (CĐV) luôn muốn đội tuyển kiểu gì cũng phải thắng, thắng đội nào cũng được nhưng miễn là phải thắng. Giá trị chiến thắng ở đây được quy đổi rất đơn giản là tỷ số. Một trận cầu thắng đậm Campuchia, Đảo Guam cũng có tác dụng tốt hơn một trận thua nhẹ trước... Brazil.
Người Việt lạc quan nhất thế giới
SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam bất ngờ thăng hoa sau chuỗi ngày dài chìm khuất ở ao làng. Những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Văn Cường, Minh Chiến xuất sắc đưa tuyển Việt Nam lọt vào đến trận chung kết. Ở Chieng Mai năm đó, dễ có đến già nửa CĐV tin vào bước ngoặt lịch sử sẽ đến và tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch, dù trong thâm tâm, từng ấy trái tim đều khẳng định: Tuyển Thái vẫn giỏi hơn chúng ta!
U19-6188-1389326900.jpg
Người hâm mộ Việt Nam chưa có thói quen chấp nhận thất bại của các đội tuyển. Ảnh: Đức Đồng.
Sự kỳ vọng được đẩy lên đỉnh điểm trước giờ bóng lăn, bất chấp những "khuyến cáo" từ giới chuyên môn, những lời tâm sự thống thiết của người trong cuộc. Rằng, vào đến chung kết đã là cái ngưỡng vượt mình của tuyển Việt Nam, nên việc có giành được Vàng hay không cũng đã là thắng lợi!
Mặc kệ, người hâm mộ có cái lý của mình, nhưng trên hết, họ lạc quan. Những câu nói đại loại như "vận may", "chắc gì Thái đã đá tốt" hay "một ngày đẹp trời như hôm nay, tuyển Việt Nam sẽ làm nên chuyện"... Rất nhiều lý do khác được người hâm mộ đưa ra như một điều kiện "bắt" tuyển Việt Nam phải giành Vàng. Ngán nhất là một số người còn lên tận khán đài với các dòng băng rôn dạng như: "Quyết tử vì tổ quốc quyết sinh" hay "Cả nước ở bên các anh, hãy chiến đấu đến cùng"... 
Lúc này, một trận bóng đá - vì tinh thần lạc quan - đã được biến thành một trận chiến. Nhiều người bắt đầu liên tưởng đến những thành tựu từng được hoàn thành bằng vũ khí tinh thần và đặt nó lên vai các cầu thủ. Họ cho rằng, với sự cổ vũ hết mình, với một tình yêu cháy bỏng của vài chục triệu CĐV luôn sẵn sàng sống chết vì đội tuyển, các cầu thủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trước trận, ai cũng nghĩ mình sẽ trở thành nhà vô địch.
Sự lạc quan vào tương lai mang màu sắc hy vọng, rồi kỳ vọng đỉnh điểm đã lấn át toàn bộ lý trí. Các CĐV nói chung không dành chỗ cho thất bại. Thậm chí, một suy nghĩ tiêu cực cũng không nốt. Họ đến sân hoặc ngồi trước tivi với niềm tin chắc nịch là tuyển Việt Nam sẽ thắng!
Nhưng rút cuộc, sau 90 phút ở Chieng Mai, tuyển Thái nã 4 bàn vào lưới tuyển Việt Nam trong một thế trận hơn hẳn. Họ đàng hoàng bước lên ngôi vô địch trong những tiếng nấc nghẹn của CĐV áo đỏ. Tâm lý thua trận của các CĐV Việt Nam lúc nào cũng có thể viết thành sách. Mọi cung bậc của nỗi buồn đều được lột tả đến tận cùng.
Lại còn những người "yêu" tuyển Việt Nam điên cuồng như trước mỗi trận đấu nữa. Họ tìm cách lý giải thất bại, tìm một ai đó để phê phán và "răn đe" lẫn nhau vì sự tung hô do... chính mình tạo ra. Sau đó, báo chí thể thao tiếp tục nhảy vào phân tích và đưa ra những loạt bài... ủng hộ, đại loại như "thất bại là mẹ thành công", "giữ vững đôi chân trên mặt đất"... 
Các kỳ SEA Games, Tiger Cup và AFF Cup hoặc những trận cầu đinh của tuyển Việt Nam sau này cũng vậy, CĐV lần nào cũng đề cao sự lạc quan, chất chứa hy vọng của cả dân tộc lên vai các cầu thủ và đau đớn khóc lóc, buồn bã dày vò sau thất bại. Trận chung kết Tiger Cup 1998 khi tuyển Việt Nam thua Singapore trên sân nhà, trận chung kết của SEA Games 2003 (U23 VN thua U23 Thái Lan 1-2), trận chung kết SEA Games 2009 người Mã đánh bại U23 VN 1-0, hay mới nhất là trận thua 0-7 của U19 VN trước U19 Nhật Bản, đều diễn ra đúng kịch bản: kỳ vọng cực lớn, ca ngợi cực nhiều trước trận nhưng than thở, nỉ non sau trận. 
Phải thừa nhận, đấy không phải là đức tính tốt của các CĐV bóng đá Việt Nam. Nhiều người biết điều đó, nhưng có lẽ, nó đã ăn vào tính cách nên hết lần này đến lần khác, đều không có thuốc chữa!
Sự lạc quan không chỉ xâm chiếm lý trí của các CĐV bóng đá nói riêng, mà trong đời sống hàng ngày, sự lạc quan nhiều khi cũng trở thành “kim chỉ nam” cho tương lai của rất nhiều người trong số chúng ta. Bằng chứng là người Việt rất thích xem bói.
Không ít người khao khát có mặt ở nhà các "chiêm tinh gia" để than thở quá khứ, trách móc hiện tại nhưng lại hy vọng tột độ vào tương lai. Những câu nói được ưa chuộng luôn luôn là: "Về sau sẽ khấm khá, hậu vận an nhàn, giàu sang phú quý". Phải chăng, số giàu tự nó đến, an nhàn tự mang lại còn phú quý thì tự xông vào nhà? Ấy thế nhưng rất nhiều người, hết năm này qua năm khác vẫn hy vọng vào "tương lai tốt đẹp hơn" bằng cách... xem bói mà quên mất bản chất quan trọng nhất của "khấm khá - an nhàn - giàu sang" là lao động và lao động cật lực. 
Vì sao CĐV Việt Nam chỉ thích thắng?
Cổ động viên chỉ thích thắng, nên Vũ Công Tuyền (Thể Công), tiền đạo ghi 5 bàn trong chiến thắng 11-0 của tuyển Việt Nam trước Đảo Guam (vòng loại Asian Cup 2000) được nhớ đến nhiều hơn Nguyễn Minh Đức (SLNA), cầu thủ thi đấu rất tốt, có cú sút xa bật cột dọc phút 66 trong trận Olympic Việt Nam thua Olympic Brazil 0-2 tại Mỹ Đình năm 2008 hay thủ môn nhập tịch Phan Văn Santos với phong độ xuất thần cứu nguy nhiều bàn thua, đồng thời có cú đá phạt sấm sét không thành bàn cũng trong trận đấu đó. 
Kết quả thể thao, đôi khi, được nhìn nhận dưới góc độ thu hẹp đến cực độ. Nhiều người không hiểu (hoặc không muốn hiểu) ý nghĩa sâu xa của thể thao là rèn luyện, là thi đấu giao lưu, là có thắng - có thua, là quảng bá và thể hiện nét văn hóa của đất nước con người, chứ không phải bất cứ trận đấu nào tỷ số cũng là quan trọng nhất. Tiếc là, một bộ phận không ít CĐV của chúng ta vẫn xem trọng vế thứ hai hơn!
Điều này liệu có liên quan gì đến tích cách không? Có, và nó thực sự là một tính cách vừa đáng tự hào vừa đáng giận của chúng ta. 
Việt Nam là đất nước chuyển mình từ chiến tranh, phát triển và khẳng định cũng từ chiến tranh nên sự lạc quan luôn đi đôi với tính hiếu thắng. Chúng ta đã thắng những trận đánh lịch sử, đã lập nên kỳ tích bởi lối đánh du kích, lấy ít thắng nhiều và luôn luôn tự hào toàn dân một ý chí "thắng không kiêu bại không nản". Đấy là cái hay, cái độc đáo mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có. Nhưng cái dở là nhiều khi, chúng ta lại đưa ý chí đó vào thể thao, ở đây là bóng đá. Chỉ riêng hai cụm từ "một trận đánh" đã rất khác "một trận đấu". 
Sự khác nhau cơ bản ở đây là một trận đánh có thể dùng vũ khí tinh thần để chiến thắng. Anh gan lì hơn đối thủ, mưu trí hơn đối thủ, chịu đựng tốt hơn đối thủ, yêu nước hơn đối thủ, có niềm tin mãnh liệt hơn đối thủ thì tất thắng. Nhưng bóng đá (và các cuộc đấu thế thao nói chung) không như vậy. Một đội bóng lì lợm hơn, chiến thuật tốt (mưu trí), sức bền bỉ hơn, yêu màu cờ sắc áo hơn và có niềm tin mãnh liệt hơn chưa chắc đã là người thắng cuộc. Vì cơ bản, đấy là cuộc chơi của tài năng và trong khuôn khổ "nghệ thuật trình diễn", sự quyết tâm đến cùng đôi khi không đáng giá bằng cảm xúc.
Tôi dám khẳng định là so với tuyển Brazil, tuyển Việt Nam khát khao không kém, chiến thuật không kém và cũng chẳng ai sợ ai. Thậm chí, chúng ta còn "mưu trí" hơn là thuê điệp viên xem giò, xem cẳng, ghi chép đầy đủ điểm mạnh điểm yếu của họ để rút kinh nghiệm và đưa ra đối sách tốt nhất có thể, nhưng khi hai đội đối đầu, ai dám khẳng định phần thắng có nghiêng về tuyển Việt Nam? Đấy chính là sự khác nhau cơ bản giữa "một trận đấu" và "một trận đánh"!  
Với U19 Việt Nam, chỉ cần lưu giữ hình ảnh đẹp là đủ
Thất bại rất đậm của U19 Việt Nam trước Nhật Bản có thể khiến nhiều người buồn, nhưng chúng ta - những CĐV chân chính - cần nhìn thẳng vào vấn đề. U19 Việt Nam - thực chất là Học viện HAGL Arsenal JMG tăng cường - vẫn là đội bóng giàu năng lực phát triển, được đào tạo tốt nhất từ trước đến nay. Cái thua của họ là cú vấp ngã mang tính thời điểm và nó không phải bản chất.
Tôi dám khẳng định, nếu hai đội chơi lại một trận khác, trong hoàn cảnh U19 Việt Nam sung sức hơn, tỷ số đó chắc chắn sẽ không lặp lại. Ví dụ như nếu hai đội gặp nhau trong trận khai mạc, U19 Việt Nam chưa chắc thua đậm, còn U19 Nhật Bản chưa chắc rời sân với 3 điểm.
Thầy trò HLV Guillaume Graechen để thua trong hoàn cảnh gần như bất khả kháng và đối với một đội bóng trẻ, điều này hoàn toàn bình thường. Sự hưng phấn đỉnh điểm đến với U19 Việt Nam ở trận gặp U19 AS Roma. Họ đã chơi một trận cầu như thể đấy là trận cuối cùng. Sức lực bung hết, khả năng bộc lộ hết và niềm tin cũng... sử dụng hết. Họ muốn đáp lại thịnh tình của khán giả nhà, đồng thời cũng muốn tự khẳng định chất lượng của một lò đào tạo kiểu Tây. Tất cả những điều đó, suy cho cùng, rất đáng trân trọng. 
U19 Việt Nam không tin họ bị đánh bại bởi U19 AS Roma và thực tế trên sân cho thấy, đội khách đã có quá nhiều may mắn trong hiệp thi đấu đầu tiên và nửa đầu hiệp 2. Nếu 6 cơ hội ngon ăn được Công Phượng, Văn Toàn, Thanh Tùng, Tuấn Anh... chuyển hóa 50%, chắc chắn sẽ không có mỹ từ "phòng ngự kiểu Italy lên ngôi" hay "đẳng cấp người Ý được thể hiện" được giật làm tít bài của những tờ báo chỉ coi kết quả là tôn chỉ. 
Bản thân người chiến thắng (U19 AS Roma) cũng hoàn toàn bị động. Họ không chủ đích chơi phòng ngự, nhưng sự xuất sắc của U19 Việt Nam đã đẩy họ lùi sâu và lâm vào tình thế chống đỡ tối tăm mặt mũi. Họ cũng bất ngờ với chính bản thân mình trong cả hai pha ghi điểm và thở hắt ra trong bàng hoàng khi trọng tài chính nổi tiếng còi dứt trận. Họ thắng mà như mơ. Còn U19 Việt Nam, thua trong một sứ mệnh cần chứng tỏ. Và họ kiệt sức.
Tâm lý thất vọng với bản thân, cùng nền thể lực hao tổn nghiêm trọng đè lên vai U19 Việt Nam trong suốt thời gian sau diễn ra trận đấu thứ hai. Nó bị cơn ác mộng thủng lưới mang tên U19 Nhật Bản đè bẹp không thương tiếc. Chẳng có gì lạ. Vì khi một đội bóng trẻ đã chịu thua ngay từ trong tư tưởng, sự vỡ trận là kết cục không thể thay đổi. Nhưng chúng ta - những CĐV chân chính - chỉ cần lưu giữ thái độ cống hiến tận cùng và màn trình diễn "như mơ" của họ trong trận đấu gặp U19 AS Roma. Thế là quá đủ cho một hành trang tiến đến tương lai.
Bầu Đức và thói hư tật xấu của người Việt.
Bất chấp kết quả của giải đấu ra sao, U19 Việt Nam đứng ở đâu trên bảng xếp hạng cuối cùng cũng không có ý nghĩa bằng việc bầu Đức đã "đỡ đầu" cho một đội bóng nhiều hy vọng. Nếu không có tâm huyết của ông, chắc chắn sẽ không có lứa cầu thủ U19 xuất sắc như ngày hôm nay. Trên hết, trong mọi thất bại sân cỏ, ông ấy không có lỗi, mà trái lại, bầu Đức đang tạo ra tiền đề cực tốt cho sự phát triển của bóng đá nước nhà trong tương lai, ít nhất là khâu đào tạo trẻ. 
Sau trận đấu với U19 AS Roma, Facebook của một cá nhân được cho là thành viên của đội U23 VN đã "sướng rơn" khi chứng kiến đàn em bại trận. Một thành viên U23 VN khác nhảy vào ủng hộ bạn mình với thái độ châm chọc, lời lẽ khó nghe. Đoạn "nói chuyện" này sau đó được gỡ xuống nhưng trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, nó được chụp lại và lan tỏa với tốc độ chóng mặt trên mạng. Không ai ủng hộ hai anh lớn, thậm chí, một số còn phẫn nộ với những lời lẽ kiểu thù hằn được đăng tải. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhiều người đồng tình với hai thành viên U23 chăng?! 
Bầu Đức (qua báo chí) sẽ biết việc đó. Có thể, ông cũng không bận tâm. Nhưng cũng có thể ông quan tâm sâu sắc. Bầu Đức sẽ nghĩ gì? Chẳng ai biết, vì với tư cách của một "ông chủ", bầu Đức chắc chắn không bình luận một vấn đề "con cháu nông nổi". Điều quan trọng là mọi người nghĩ gì về ông và về Học viện HAGL Arsenal JMG?
Cách đây không lâu, trong một bài phân tích về "Những thói hư tật xấu của người Việt", nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn có viết: "Thói xấu của người Việt là luôn sống trong ganh ghét, đố kỵ". 
Tại sao lại thế? Để trả lời cho câu hỏi này, Vương Trí Nhàn đưa ra một nghiên cứu: Các nhà xã hội học chỉ ra rằng, ở đâu nghèo về vật chất, ở đó cũng có sự nghèo hèn về tinh thần, và đặc điểm chính của người nghèo là dễ bị tổn thương. Đối với U23 Việt Nam, thất bại ở SEA Games vừa rồi cũng có thể ví như người nghèo. Các thành viên không nghèo về tiền, mà nghèo về thành tích. Trong khi đó, U19 ít nhất đã đặt chân vào Vòng chung kết U19 châu Á, đồng thời thi đấu cực kỳ ấn tượng ở giải VĐ Đông Nam Á mới diễn ra. 
Tư tưởng ăn sâu bén rễ trong nhiều người chúng ta là trọng người nghèo, khinh ghét người giàu. Người nghèo được cho là tình nghĩa hơn, tốt bụng hơn, còn người giàu luôn luôn xấu. U23 và U19 cũng đang phản ánh tư tưởng đó chăng? Kẻ bị ghét là kẻ giàu, còn người có quyền ghét là người nghèo - tức người tốt?!
Cái nghèo (theo Vương Trí Nhàn) còn có nghĩa là không có khả năng thay đổi. Và trong một xã hội tiểu nông, cái mà mọi người đều biết làm và làm được thì luôn luôn thừa. Cái mà mọi người cùng cần và cùng khó làm thì luôn luôn thiếu. Sự thất bại của U23 thì... đội nào cũng làm được. Nhưng thành công của U19 thì không mấy khi xuất hiện. Ví như, hàng thịt nguýt hàng cá. Con mèo thường khen mình đuôi dài mà đâu biết đuôi con chó cũng dài vậy. 
Suy cho cùng, phản ứng của hai thành viên U23 Việt Nam đại diện cho những người "rất dễ bị tổn thương". Còn nỗi buồn như rơi xuống địa ngục của các CĐV cũng là một dạng tổn thương, nhưng ở khía cạnh khác!

>Xem thêm: Nếu U19 Việt Nam có thua, xin các bạn đừng bỏ về sớm! Cổ động viên VN, thắng thì tung hô thua thì vùi dập
Vũ Hải Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét