Trang

10 tháng 1, 2014

Hun Sen: nên trấn áp hay nhân nhượng?

Cập nhật: 14:18 GMT - thứ sáu, 10 tháng 1, 2014

Công nhân may mặc đã biểu tình bạo lực tại Phnom Penh
Việc chính quyền ông Hun Sen mạnh tay trấn áp các công nhân may mặc chính là do tác động của các cuộc biểu tình phản đối chính trị mà Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) cầm đầu và do chính các cuộc biểu tình của công nhân may mặc, theo nhận định của nhà nghiên cứu Carlyle Thayer từ Úc.
Trong bài viết “Cambodia: Hun Sen Regime Commences Crackdown” (tạm dịch Campuchia: Chế độ Hun Sen bắt đầu đàn áp) đăng hôm 6/1 trên trang Bấmscribd.com, ông Thayer nói đây rõ ràng là một mối đe dọa từ thành thị, khi mà các cuộc biểu tình của hai nhóm trên đều tạo rối loạn trật tự và an ninh công cộng.
Hôm 29/12, hơn 100 ngàn người, gồm công nhân ngành may, giáo viên, nông dân và sinh viên từ khắp nơi trên đất nước, đã tuần hành trên các đường phố ở thủ đô Phnom Penh kêu gọi ông Hun Sen phải từ chức, hoặc phải có điều tra độc lập về kỳ bầu cử có sai sót hồi tháng Bảy,
Sau nhiều tháng có các cuộc tuần hành bất bạo động của CNRP, có lẽ sự kiện trên là thách thức to lớn nhất trong 28 năm cầm quyền của ông Hun Sen.

Đối lập chính trị

Việc lâu nay vẫn kêu gọi tiến hành biểu tình bất bạo động khiến cho các lãnh đạo của CNRP bị các thành phần ưa dùng bạo lực hơn qua mặt và dẫn tới nguy cơ mất quyền kiểm soát.
Nay, phe đối lập cảnh báo ông thủ tướng về “chiến dịch cuối cùng” chống lại ông nếu như việc bầu cử mới không được thực hiện.
“Nếu ông ta không đồng ý tổ chức bầu cử mới, chúng ta sẽ bắt đầu một chiến dịch sau cùng. Chiến dịch đó sẽ buộc ông ta phải từ chức,” Kem Sokha tuyên bố trước đám đông reo hò, và nội dung này cũng được phát đi trực tiếp trên trang web của CNRP.

Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy tới thăm các công nhân bị thương do biểu tình
CNRP đã tổ chức tuần hành hôm thứ Sáu ở miền tây bắc Campuchia, bất chấp những cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu gần đây, hãng tin AFP đưa tin.
Chính phủ ông Hun Sen đã dùng luật để đẩy Sam Rainsy và các lãnh đạo khác của CNRP vào cáo buộc xúi giục biểu tình.
Ông Rainsy và ông Sokha có lệnh triệu tập lên tòa ở Phnom Penh vào ngày 14/1 tới đây.
“Chúng ta không sợ hãi, các anh em. Chúng ta không làm gì sai hết,” Sam Rainsy nói với các ủng hộ viên trong lúc những người này hô to: “Từ chức đi, Hun Sen”.

Đòi hỏi của công nhân may mặc

"Mối đe dọa thực sự đối với chính phủ vào lúc này chính là phản ứng của các dân biểu, nghị sỹ, các nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ và Ủy hội Âu châu trước những gì đang diễn ra tại Campuchia"
Giáo sư Carl Thayer
Ngành may mặc cho đến nay vẫn là lĩnh vực mang về nguồn thu xuất khẩu lớn nhất cho Campuchia, với các hãng lớn như Gap, Nike và H&M có hoạt động tại đây.
Hôm thứ Sáu trước, các nhân công một nhà máy may ở ngoại vi Phnom Penh biểu tình đòi tăng lương tối thiểu lên 160 đô la một tháng.
Hàng trăm quân cảnh và cảnh sát đô thành với AK-47 và súng ngắn trong tay đã nã đạn vào đám đông người biểu tình.
Các nhà hoạt động nói ít nhất có bốn thường dân đã bị bắn chết trong sự kiện mà họ gọi là tình trạng bạo lực tồi tệ nhất chống lại các công dân ở nước này từ 15 năm qua.
Trong làn sóng biểu tình, một số công nhân ngành này đã ném gạch đá, phóng hỏa vào cảnh sát.
Điều này cho thấy họ sẵn sàng đứng lên bất chấp sự hăm dọa của chính quyền, thậm chí sẵn sàng dùng đến bạo lực.
Cuộc biểu tình nay đã ngưng, và hầu hết các nhân công đã quay trở lại làm việc.

Chống đối từ hai phía

Nếu như phe chính trị và các công nhân phối hợp với nhau, giáo sư Thayer nói, họ sẽ tạo ra mối đe dọa vô cùng to lớn cho chính quyền Hun Sen, và nếu các cuộc biểu tình diễn ra càng lâu thì sẽ càng có thêm người dân Campuchia dám đứng lên.

Áp lực đòi ông Hun Sen từ chức ngày càng dâng cao
Giáo sư Thayer chỉ ra rằng mối đe dọa mà ông Hun Sen đang phải đối diện là làm sao phải kiểm soát được hai vấn đề có tính xung đột lẫn nhau.
Đó là làm sao để bảo vệ pháp luật và duy trì an ninh công cộng, đồng thời kiềm chế, làm nguôi giận được những người biểu tình.
Nếu không, chính quyền sẽ hoặc phải dùng bạo lực mạnh mẽ hơn nữa để nghiền nát phe đối lập, hoặc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) sẽ buộc phải rũ bỏ ông Hun Sen với hy vọng sẽ vẫn níu kéo được quyền lực.
Về phía các công nhân ngành may, chính phủ khó có thể chấp nhận yêu cầu tăng lương cơ bản ngay lập tức như yêu cầu của công đoàn, bởi làm vậy sẽ khiến Campuchia mất sức cạnh tranh.
Ngay hiệp hội các chủ nhà máy may cũng đã gây áp lực lên chính phủ ông Hun Sen để đòi hạn chế mức tăng lương tối thiểu và chấp dứt biểu tình.
Hiện còn quá sớm để nói liệu những vẫn đề hiện tại của Campuchia có khiến cho các hãng may mặc chuyển hoạt động sang thị trường khác hay không. Rất có thể họ sẽ chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Mối đe dọa thực sự đối với chính phủ vào lúc này chính là phản ứng của các dân biểu, nghị sỹ, các nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ và Ủy hội Âu châu trước những gì đang diễn ra tại Campuchia, theo giáo sư Thayer.
Nếu tình hình xấu đi, họ nhiều khả năng sẽ khuyến nghị áp lệnh trừng phạt, gây tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp may mặc của nước này, giáo sư Thayer nói thêm.
Theo BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét