- "Tôi nghĩ việc đấu tranh giành lại những gì là của mình là trách nhiệm chung của cộng đồng, của chúng tôi và của các bạn trẻ. Không chỉ thế hệ này mà còn cả thế hệ kế tiếp, chúng ta phải đòi cho được Hoàng Sa bằng công lý, bằng luật pháp quốc tế...", ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa cho biết.
Hoàng Sa luôn là khúc ruột yêu thương
TP.Đà Nẵng đang tích cực tổ chức hoạt động nhằm ghi dấu về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, nhắc nhở 40 năm ngày quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép (19/1).
Trên Dân Việt ngày 11/1/2014, ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa chia sẻ về sự kiện hải chiến Hoàng Sa một cách đầy cảm xúc: "Có thể khẳng định, với người dân và lãnh đạo TP.Đà Nẵng, Hoàng Sa luôn là khúc ruột yêu thương.
Chúng tôi luôn nhớ và khắc sâu vào tâm khảm rằng quần đảo Hoàng Sa là của Đà Nẵng, thuộc về đất nước Việt Nam".
Ông Ngữ nhớ lại: "Ngày 21/4/2009, tôi được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa nhiệm kỳ 2009-2014.
Những năm qua tôi đã tích cực với nhiều hoạt động, việc làm đấu tranh làm sao để Hoàng Sa phải trở về với đất mẹ. Tôi nghĩ việc đấu tranh giành lại những gì là của mình là trách nhiệm chung của cộng đồng, của chúng tôi và của các bạn trẻ. Không chỉ thế hệ này mà còn cả thế hệ kế tiếp, chúng ta phải đòi cho được Hoàng Sa bằng công lý, bằng luật pháp quốc tế".
Ông Đặng Công Ngữ |
"Với cương vị Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa tôi thấy rõ hơn trách nhiệm của mình nặng nề hơn trước nhân dân. Đây là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, là máu thịt của tôi, của dân tộc và của tổ quốc mình. Nhiệm vụ trước mắt của chúng tôi là sẽ tiếp tục đấu tranh để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ biển đảo".
Ông trăn trở: "Tôi cũng như bao người dân Việt Nam luôn trăn trở và có trách nhiệm giữ gìn tấc đất của ông cha để lại. Bản thân tôi là người được giao trọng trách thì việc bảo vệ Tổ quốc là thiêng liêng nhất và muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho việc đòi lại chủ quyền Hoàng Sa.
Vừa qua, Trung Quốc thành lập "thành phố Tam Sa" là việc làm hoàn toàn không có giá trị. Đây là một hành động phi lý, xâm phạm chủ quyền trong khi Việt Nam đã chiếm giữ đảo bằng hòa bình và thiết lập quản lý nhà nước liên tục.
Do đó, việc Việt Nam tuyên truyền những tài liệu có chứng lý cho người dân và ra thế giới, trong đó có cả cộng đồng người Trung Quốc là một việc làm rất cần thiết. Vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cần phải được đưa ra công ước quốc tế, giải quyết bằng giải pháp hòa bình"
Hoạt động thiết thực khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa
Cứ vào tháng 1 hàng năm, chính quyền và người dân TP Đà Nẵng lại có nhiều hoạt động nhằm ghi dấu chủ quyền biển đảo Hoàng Sa. Năm nay, Đà Nẵng có nhiều hoạt động đặc biệt hơn: tổ chức triển lãm Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử; hội thảo chuyên đề về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa cũng như các vấn đề có liên quan về Trường Sa và Biển Đông; gặp gỡ nhân chứng và tọa đàm truyền hình...
Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng phối hợp UBND huyện Hoàng Sa, Bảo tàng Đà Nẵng, tổ chức triển lãm “Quần đảo Hoàng Sa - Chủ quyền của Việt Nam” tại các trường đại học trên địa bàn thành phố để giáo dục giới trẻ.
Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa cho biết nhiều năm qua, ông rất mong có một cuộc trưng bày chuyên đề quy mô lớn về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này nhưng do việc sưu tầm tư liệu, vật chứng, nhân chứng chưa đủ nên chưa thể tiến hành.
“Bây giờ, tất cả tư liệu, chứng cứ đã đầy đủ, vì vậy, trưng bày chuyên đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa là việc phải làm và cần hoàn thành sớm để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của nhân dân.
Đây sẽ là một kho tư liệu quý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa trong lịch sử, góp phần khẳng định quần đảo này là máu thịt của Đà Nẵng, là một bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam từ rất lâu” - ông Đặng Công Ngữ nhìn nhận.
Theo ông Ngữ, cuộc trưng bày cũng là một kênh trong công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao hiểu biết về biển đảo, về Hoàng Sa và góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ toàn vẹn của Tổ quốc. Qua đó, người dân, nhất là các thế hệ học sinh – sinh viên, sẽ nhận thức được tầm quan trọng của quần đảo này đối với lịch sử đất nước Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng.
Huyện đảo Hoàng Sa cũng đã tổ chức cuộc thi thiết kế nhà trưng bày Hoàng Sa. Chia sẻ về ý nghĩa cuộc thi này, ông Ngữ cho biết:
"Cuộc thi phương án kiến trúc nhà trưng bày Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa phát động từ ngày 15/11 đến 25/12/2013 đã thu hút sự tham gia đông đảo của giới kiến trúc sư.
Những ý tưởng thiết kế nhà trưng bày về Hoàng Sa. |
Mặc dù thời gian rất ngắn nhưng đã có 43 đồ án kiến trúc tham gia dự thi. Tác phẩm đoạt giải phải là công trình có giá trị biểu tượng về Hoàng Sa. Không gian khắc họa dấu ấn địa lý, tự nhiên, lịch sử chủ quyền Hoàng Sa trong quần thể Biển Đông.
Theo dự kiến, nhà trưng bày đặt ở đường Hoàng Sa trên khu đất rộng 685m2, gần công viên Biển Đông và nhìn ra Biển Đông. Đó là sự gắn kết thiêng liêng bao đời giữa không gian và văn hóa biển với con dân đất Việt. Ngoài ra, nhà trưng bày về Hoàng Sa còn gắn liền với các thiết chế khác, hình thành quần thể văn hóa-du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước".
Trước đó, vào tháng 3/2013, UBND huyện đảo Hoàng Sa cũng đã chính thức khai trương Trang thông tin điện tử của huyện ở địa chỉ: http://hoangsa.danang.gov.vn.
Ông Đặng Công Ngữ cho biết: Trang thông tin điện tử này sẽ giới thiệu, thông tin các hoạt động của huyện đảo, cung cấp những tư liệu chứng cứ lịch sử về mặt Nhà nước, luật pháp quốc tế, các tin tức thời sự trong nước và ngoài nước có liên quan.
Đây cũng là diễn đàn trao đổi giữa cơ quan nhà nước, UBND huyện Hoàng Sa với những người muốn tìm hiểu về huyện đảo và đón nhận nhiều hơn các tư liệu quý có liên quan, góp phần đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nguyễn Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét