Hồng Hạnh
Luật bất thành văn, những ngày lễ lớn, nhất là những ngày Tết, hệ thống quản lý, sở ban ngành, doanh nghiệp thuộc nhà nước trong cả nước rầm rộ chuyện quà cáp.
Cấp dưới quà cáp cấp trên để coi như lại quả thu hoạch ngoài lương trong năm nhờ sự quan tâm hay mong đợi sự quan tâm của cấp trên.
Các ban, các công ty quản lý thuộc Bộ, thuộc tỉnh trong cả nước những ngày này chạy ngựơc chạy xuôi, bay ra bay vào để hoàn thành nhiệm vụ quà cáp từ trung ương đến địa phương, với mục đích được cấp trên chia sẻ miếng bánh, chỉ định thầu các dự án mà mình sẽ làm đại diện chủ đầu tư, để năm tới họ sẽ được nhiều mâm ngồi mát ăn bát vàng.Cấp trên thì quà cáp là việc làm bổn phận với cấp trên nữa để hoàn thành nghĩa vụ “biết điều” và giữ ghế cho năm tiếp theo.
Các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng tất bật chuyện quà Tết, không ngoài mục đích củng cố chức vị, tăng quan hệ, mong năm tới sẽ được “tiền hô hậu ủng” để có công việc từ các ban quản lý, từ các chủ thể được ủy quyền quản lý vốn nhà nước cho kế hoạch đầu tư của trung ương và địa phương.
Các đơn vị sự nghiệp thì cũng phải nhờ quà cáp thể hiện lòng trung thành, biết điều cấp trên với các nguồn thu “ngoài sự nghiệp” và mong tăng nguồn kinh phí sự nghiệp do ngân sách nhà nước cấp cho năm tới.
Tất cả hệ thống từ trên xuống dưới, ở mọi lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xuất nhập khẩu, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao, hành pháp… cũng cùng nhộn nhịp quà Tết với mục đích, ý nghĩa tương tự.
Lương không đủ tiền quà
Vấn đề đáng nói hơn là không ai lấy tiền lương cả đời của mình để đủ quà cáp những hàng hóa hoặc bì thư có giá trị tương xứng với tầm quyền hạn, sự sành điệu của cấp trên.
Xét cho cùng đa số giá trị quà cáp đó chính là những đồng tiền tham nhũng, những đồng tiền rút ruột từ nhà nước được hợp thức hóa chứng từ, chi phí mà ra.
Phần nhỏ còn lại giá trị quà cáp có thể “chưa từ nguồn nhà nước” cũng là sự đầu tư chiều dài, chiều sâu, đầu tư mua chức vụ, quyền hạn rồi hoàn vốn, lấy lãi cũng bằng từ nguồn tiền của nhà nước mà thôi.
Thậm chí các doanh nghiệp nhà nước đã thua lỗ lũy tiến trong kinh doanh những năm trước, vẫn vô tư chấp nhận lỗ thêm tí nữa bằng giá trị quà Tết để tồn tại cho sự nghiệp lỗ tiếp theo những năm sau.
"Quan chức Việt nam thật là sướng. Nước hàng ngày vẫn chảy về chỗ trũng là vậy."
Thực tế ở Việt nam không chỉ riêng quà Tết, quan chức càng nhiều quyền chỉ cần trường hợp người nhà bị ốm đau nằm bệnh viện một lần cũng đủ có lượng quà cáp giá trị bằng người có thu nhập bình thường phải lao động vất vả cả đời.
Việc lễ tang trong gia đình quan chức nhà nước đa số kéo dài thời gian thăm viếng hơn người bình thường cũng là việc bình thường liên quan đến quà viếng.
Chuyện tổ chức cưới xin trong gia đình quan chức cũng là sự nỗ lực cho những ai phụ thuộc. Giá trị quà cáp cũng lớn hơn rất nhiếu lần đến nhiều đơn vị trăm lần đối với gia đình người dân thường ở Việt Nam.
Sự nhộn nhịp kẻ tặng người nhận ở mọi thời điểm, mọi trường hợp trong cả nước là chuyện thường ngày, quan chức được nhận quà tất nhiên sẽ không ai hỏi nguồn gốc giá trị quà cáp từ đâu để trả lại trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng, theo điều 12, mục 3 - Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Những chỉ thị, quy chế, quy định của chính phủ về quà cáp, về kê khai tài sản, về ma chay, cưới hỏi... đối với quan chức Việt Nam cũng chỉ là khẩu hiệu, nếu có hiệu quả, chăng cũng chỉ lấy lòng vài người dân xứ Việt mà thôi!
Quan chức Việt nam thật là sướng. Nước hàng ngày vẫn chảy về chỗ trũng là vậy.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả hiện ở Hà Nội. BBC Tiếng Việt mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả về các chủ đề xã hội, văn hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét