Trang

21 tháng 1, 2014

“Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình!”

Có lẽ, chưa năm nào mà các cơ quan chức năng thấy nhọc nhằn vì trách nhiệm như năm 2013...


“Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình!”
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương.

In
Nhiều năm trở lại đây, có lẽ, chưa năm nào mà các cơ quan chức năng thấy nhọc nhằn vì trách nhiệm như năm 2013, khi có quá nhiều câu chuyện tai tiếng xảy ra trong nhiều mặt của đời sống xã hội và câu chuyện nào cũng để lại dư âm nặng nề.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Nguyễn Sỹ Cương nhìn nhận vĩ thanh buồn sau những câu chuyện tai tiếng này, chính là sự bất an và mai một niềm tin của người dân.

Ông Cương dự cảm, “nếu tình trạng yếu kém trong quản lý nhà nước vẫn như hiện nay, bộ máy nhà nước không có gì thay đổi, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức nhà nước không được tăng cường thì tình hình kinh tế - xã hội khó có thể được cải thiện và tốt lên”.

“Một bộ máy mà có đội ngũ công chức như vậy thì việc mỗi khi có sự cố gì, bao giờ các cơ quan chức năng cũng đều tìm cách thoái thác trách nhiệm là điều dễ hiểu”, ông nói.

“Lỗi ở vắc-xin thì xử vắc-xin”
Trước hết, về những tai tiếng trong y tế năm 2013, như vụ nhiều trẻ em tử vong sau khi tiêm vắc xin; vụ nhân bản xét nghiệm hay vụ bác sĩ thẩm mỹ viện phi tang xác nạn nhân xuống sông... Ông dự cảm thế nào về những hệ lụy của nó?

Đó đều là các vụ việc mà tưởng như chỉ mang tính đơn lẻ, nhưng qua đó cho thấy quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về y tế nói riêng có vấn đề mà chúng ta vẫn thường gọi đó là lỗi hệ thống mà hệ lụy của nó chính là sự mất phương hướng, mất niềm tin của người dân.

Ví như từ trước đến nay, người dân vẫn có thói quen đặt niềm tin vào cơ sở y tế, nhất là cơ sở y tế công lập, khi có bệnh thì phó thác hoàn toàn tính mạng của mình cho cơ sở y tế, cho bác sĩ. ấy vậy nhưng khi có dấu hiệu bệnh tật cần phải xét nghiệm kiểm tra nhưng kết quả xét nghiệm lại là của người khác, như chuyện đã xảy ra ở bệnh viện đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) và được phanh phui hồi tháng 8/2013, như vậy là có bệnh mà không biết và đến khi biết thì có thể đã quá muộn... Điều đó làm cho người dân mất niềm tin, mất phương hướng là thế!

Bộ trưởng Bộ Y tế thường tỏ ra rất khó khăn nói lời xin lỗi, như hồi tháng 6/2013, trước Quốc hội, có đại biểu đã đề nghị bà cần nói lời này về vụ trẻ tử vong khi tiêm vắc xin, nhưng lời xin lỗi khi đó không được đưa ra. Bình luận của ông?


Như tôi vừa nói, những vấn đề y tế xảy ra có liên quan đến lỗi hệ thống của quản lý nhà nước trong đó có vai trò và trách nhiệm của Bộ Y tế. Vấn đề quan trọng là cần đánh giá đúng mức xem trách nhiệm của Bộ Y tế đến đâu.

Nói gì thì nói, với tư cách cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về y tế, Bộ Y tế đương nhiên phải có trách nhiệm với hoạt động chung của toàn ngành trong việc đề ra cơ chế hoạt động cũng như cơ chế để kiểm soát hệ thống.

Tuy nhiên, lâu nay chúng ta thực hiện phân cấp tương đối mạnh cho chính quyền các cấp và Bộ Y tế cũng không thể quán xuyến hết được. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về những việc xảy ra trên địa bàn chứ không thể đổ hết lên đầu Bộ trưởng Bộ Y tế!

Dù vậy, thì lời xin lỗi hay nhận trách nhiệm được đưa ra đúng lúc, sẽ giúp tình hình cải thiện được lên rất nhiều.

“Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình!” 1Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là... đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn... đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn... đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm.Ông Nguyễn Sỹ Cương

Theo ông có phải vì lo ngại, xin lỗi rồi, thì biết sửa lỗi ra sao, chẳng hạn, Bộ trưởng Y tế có nói “tử vong do lỗi ở vắc-xin thì phải xử vắc-xin” và câu nói này đã trở thành một trong những câu nói nổi tiếng nhất của năm 2013?

Tôi cho rằng đây lại là câu chuyện dài, và một lần nữa, chúng ta lại buộc phải nhắc đến cụm từ “lỗi hệ thống” và đối với không chỉ riêng ngành y tế.

Tôi nhớ, hồi tháng 11/2012, trước Quốc hội, Thủ tướng cũng đã nhận trách nhiệm và nhận lỗi trước Quốc hội về những thiếu sót, khuyết điểm của Chính phủ cũng như Thủ tướng Chính phủ. Có lỗi thì nhận lỗi là cách ứng xử thông thường và rất nên làm.

Khi đó, Thủ tướng nhận lỗi về tất cả những yếu kém, khuyết điểm trong kiểm tra, giám sát, hoạt động, của quản lý nhà nước. Tuy nhiên điều mà dư luận quan tâm là phải chỉ ra được yếu ở đâu? Kém ở chỗ nào? lĩnh vực nào? Từ đó đề ra mục tiêu, giải pháp cụ thể chứ không chỉ là tăng cường quản lý nhà nước chung chung.

Bấy lâu nay chúng ta cứ thấy bùng lên hết chuyện này, chuyện khác nhưng gần như không thấy ai chịu trách nhiệm một cách chính thức. Nếu tình hình này không được cải thiện, thì những giải pháp sửa lỗi kiểu như “lỗi ở vắc-xin thì xử vắc-xin” sẽ còn tiếp tục được “nhân rộng” ở nhiều bộ, ngành khác.

Rõ ràng quản lý nhà nước của chúng ta còn yếu và bộ máy nhà nước có vấn đề. Nhưng rất may là trong phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể liên quan đến bộ máy nhà nước, công chức nhà nước. Điều đó cũng cho chúng ta hy vọng vào sự cải thiện một bước trong quản lý nhà nước trong thời gian tới.

Với vấn đề công chức, thì năm 2013 còn ghi dấu bởi một phát ngôn ấn tượng của Bộ trưởng Nội vụ là chỉ 1% công chức không làm được việc, khiến dư luận đầy “giận dữ”. Ông có bất bình như vậy?


Tôi cho rằng, lỗi không phải ở người đưa ra con số 1% mà lỗi là ở cách đánh giá cán bộ, công chức không thực chất. Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, thì nếu “hai năm không hoàn thành nhiệm vụ thì phải nghỉ việc”, nhưng tôi cho rằng vẫn với cách đánh giá cán bộ, công chức như hiện nay thì ai cũng hoàn thành nhiệm vụ, trừ phi bị kỷ luật và thực tế là từ lúc có luật đến nay chưa ai phải nghỉ việc vì hai năm không hoàn thành nhiệm vụ.

Bất cứ cơ quan nào cũng có thể tìm thấy những công chức “ngồi chơi, xơi nước”, không làm gì vẫn lĩnh lương đủ, thậm chí lương cao và “làn sóng” này gần như đã trở thành “bệnh dịch” trong các cơ quan nhà nước.

Một bộ máy mà có đội ngũ công chức như vậy thì việc mỗi khi có sự cố gì, bao giờ các cơ quan chức năng cũng đều tìm cách thoái thác trách nhiệm là điều dễ hiểu. Như tôi đã từng nhắc đến cụm từ “đúng quy trình” mà lâu nay được các cơ quan hay dùng để giải thích mỗi khi có sự cố.

Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! Tiêm chết người rồi vẫn khẳng định là... đúng quy trình, bỏ tù oan đến cả 10 năm vẫn... đúng quy trình, bỏ lọt 230 kg ma túy qua cửa khẩu vẫn... đúng quy trình. Tôi cho rằng đấy chỉ là sự biện hộ và rũ bỏ trách nhiệm một cách vô cảm.

Lãng phí nguy hại không kém gì tham nhũng


Án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) thực sự là một câu chuyện buồn của năm 2013. Ông có kể rằng ông đã khóc khi nghe câu chuyện này?


Đúng là như vậy, bởi vì tôi nhìn cảnh người thân của ông Chấn khóc than về những oan khuất mà họ phải chịu đựng. Đây là một minh chứng cụ thể về sự vô cảm của các cơ quan có trách nhiệm.

Bỏ tù oan đã đành, mặc dù gia đình họ liên tục gửi đơn đến các cơ quan mà gần 10 năm sau mới nhận được đơn kêu oan thì quả đó là điều không thể lý giải nổi?! Thiệt hại về vật chất có thể tính được một cách tương đối, nhưng những thiệt hại tinh thần thì thật vô cùng lớn. Thử hỏi số tiền đền bù có làm dịu đi những mất mát, đau thương mà ông Chấn, gia đình và họ hàng ông ấy phải mang tiếng, chịu đựng suốt 10 năm qua không?! Đúng là một câu chuyện rất đau xót.

“Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình!” 2Thực tế cho thấy có những việc rất khó, ở nhiều lĩnh vực, khó đến mức tưởng như không thể thay đổi hay chuyển biến gì được, nhưng khi Chính phủ vào cuộc một cách quyết liệt thì đều mang lại hiệu quả.Ông Nguyễn Sỹ Cương

Năm cũ đã qua, gác lại những câu chuyện tai tiếng và đau lòng, để nhắc đến một câu chuyện lãng phí về “xuất ngoại” mà “cứ thấy đoàn của Việt Nam là các bạn sợ”. Ông có chia sẻ gì về nỗi sợ này của họ?

Thực ra đây là một hiện trạng đã tồn tại nhiều năm rồi. Có nhiều trường hợp người ta lấy việc đi nước ngoài làm chính sách đối với cán bộ nhà nước, thí dụ như chuẩn bị nghỉ hưu, thì bố trí cho đi nước ngoài một chuyến để... tham quan, du lịch.

Không riêng gì các chuyến đi công tác mà ngay cả một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở nước ngoài cũng rất lãng phí. Thực tế đã có những dự án đưa cán bộ đi học tiếng Anh chỉ 2 tháng thì không hiểu là học được cái gì, kết quả được bao nhiêu? Chưa kể đối tượng được cử đi tham gia một khóa đào tạo ở nước ngoài nhưng về thì nghỉ... hưu luôn.

Cứ như vậy thì gì mà nước bạn không thấy... sợ!

Đối với nước ngoài, mỗi khi cần đi công tác nước ngoài thì họ xác định rất rõ: đi để làm gì? Đối tác làm việc là ai? kết quả dự kiến sẽ ra sao? Ai cần đi và đi bao nhiêu người là đủ? Chứ không phải bỏ ngân sách ra đi tham quan như nhiều đoàn ở ta. Đương nhiên là không bao giờ họ mang việc đi nước ngoài ra làm “chính sách” cho cán bộ, công chức.

Tôi cho rằng, bao giờ chúng ta chấm dứt được chuyện mang việc đi nước ngoài ra làm chính sách cán bộ thì lúc ấy mới thực sự bớt đi cái lãng phí không nhỏ của việc đi công tác nước ngoài.

Trong năm 2014 tới, ông có nghĩ chúng ta sẽ có bước chuyển căn bản cho tình trạng lãng phí, khi mà cả hệ thống chính trị đang rất quyết tâm tiết kiệm?

Tôi khẳng định rằng hiện trạng lãng phí ở nước ta hiện nay có mặt ở khắp mọi nơi, với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, nguy hại không kém gì tham nhũng, và thậm chí, ở một góc độ nào đó, nó còn nguy hại hơn. Bởi vì với tham nhũng, chúng ta có thể điều tra ra con người cụ thể và có thể bỏ tù được, rồi quy ra bao nhiêu tiền đã tham nhũng. Còn lãng phí thì rất vô cùng! Bởi vì, các vụ việc gây lãng phí không ai chịu trách nhiệm, cũng không có ai bị xử lý cả.

Một ví dụ rất điển hình đó là việc làm cầu vượt cho người đi bộ rồi lại phá đi xây cầu vượt ở Hà Nội vừa qua gây lãng phí nhiều tỷ đồng. Chính quyền coi như đó là việc cần làm, không cần quan tâm nhiều ngân sách đã tiêu tốn bao nhiêu, đến khi báo chí “phanh phui” ra thì lãnh đạo Hà Nội mới nói... rút kinh nghiệm. Thế là xong! Không ai phải chịu trách nhiệm, cũng không có ai bị xử lý. Cứ như vậy thì làm sao chúng ta chống được lãng phí!

Không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, các quy định, các nghị quyết của Đảng, các quy định của Chính phủ cũng thể hiện một quyết tâm chính trị rất cao để chống lãng phí. Nhưng nếu quyết tâm này không được đẩy lên cao hơn nữa trong năm 2014, thì tình hình này cũng khó mà có chuyển biến.

Nhưng mà chúng ta cũng nên có một niềm hy vọng gì đó trong năm mới chứ, thưa ông?


Thực tế cho thấy có những việc rất khó, ở nhiều lĩnh vực, khó đến mức tưởng như không thể thay đổi hay chuyển biến gì được, nhưng khi Chính phủ vào cuộc một cách quyết liệt thì đều mang lại hiệu quả. Chúng ta mong chờ ở một quyết tâm trong thực tế, xuất phát từ quyết tâm chính trị. Bởi lẽ, cũng giống như chống tham nhũng thì chống lãng phí là việc làm vì sự tồn vong của Đảng, của chế độ chúng ta.

Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết. Đang hiển thị 3/3 bình luận.
  • Thật lạ lùng là cái gì cũng đúng quy trình! ??? Nếu cái "đúng quy trình" lại làm hại nhân dân, làm hại xã hội thì chính cái quy trình đó không đúng. Mà nếu một "quy trình không đúng" vẫn tồn tại, lại làm thước đo cho mọi hoạt động thì phải xem lại "quy trình cho ra đời những quy trình" có đúng không???
    21:19 (GMT+7) - Thứ Ba, 21/1/2014Trả lờiThích
  • Thực hiện đúng quy trình mà kế quả thu được lại không như mong muốn thì có nghĩa là quy trình đó sai và ta cần sửa lại cho nó phù hợp với thực tế. Chắc chả có cái nơi nào trên thế giới, một ông Bộ trưởng lại không thể xử lý được một ông giám đốc sở khi ông ta có dấu hiệu vi phạm "quy trình" như ở Việt Nam. Có phân cấp nhưng trách nhiệm chồng chéo dễ đùn đẩy trách nhiệm nên mới xảy ra tình trạng "Đúng quy trình mà kết quả vẫn sai" thôi mà.
    19:03 (GMT+7) - Thứ Ba, 21/1/2014Trả lờiThích
  • Có thể là vậy thật, nhưng những "qui trình" ấy cần hải xem xét lại để sửa đổi cho phù hợp qua quá trình thực hiện vì qui trình do con người đặt ra thì làm sao mà hoàn hảo được. Nhiều người lợi dụng sự lỗi thời của qui trình để đổ trách nhiệm mà thôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét