Các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang ở trong trạng thái lạc quan nhất trong gần 5 năm qua khi đánh giá về hiện trạng kinh tế toàn cầu.
Trước thềm Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Bloomberg đã tiến hành một cuộc khảo sát nhỏ trên độc giả. Theo đó, 59% người tham gia khảo sát cho rằng triển vọng kinh tế toàn cầu đang được cải thiện. Con số này tăng khá mạnh so với mức 33% của tháng 11 năm ngoái và là kết quả lạc quan nhất kể từ khi khảo sát này bắt đầu được thực hiện hồi tháng 7/2009.
Các nhà nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mạnh lên là lý do chính dẫn đến niềm tin của gần 2/3 trong số 66% người được hỏi cho rằng mọi thứ đang tích cực hơn so với cách đây 1 năm. Trong khi chỉ số Standard & Poor’s 500 đã tăng khoảng 24% trong năm 2013, hơn một nửa người được hỏi vẫn cho rằng cổ phiếu là tài sản mà họ lựa chọn cho năm 2014 trong bối cảnh nỗi lo về bong bóng tài sản đã lắng xuống.
Tâm trạng lạc quan được cho là sẽ được củng cố vào ngày mai (22/1), khi hơn 2.500 nguyên thủ quốc gia và nhà lãnh đạo trên toàn thế giới bắt đầu hội nghị thường niên của WEF tại Davos, Thụy Sĩ. Hầu hết các cuộc họp gần đây đều bị bao phủ bởi những điều tồi tệ như khủng hoảng 2009, nỗi lo eurozone tan rã ... Thậm chí, chỉ cách đây 1 năm, người ta phải lo lắng về kịch bản nước Mỹ không thể giải quyết bế tắc về tài khóa hay kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng.
Nouriel Roubini – nhà đầu tư nổi tiếng với những dự báo bi quan – cũng cho rằng tình hình đã trở nên tốt hơn và tích cực hơn. Kinh tế toàn cầu cũng như thị trường tài chính đã mạnh hơn. Ông thường sử dụng hội nghị Davos 2007 để cảnh báo về các lỗ hổng trong nền kinh tế.
(Xem thêm: Nouriel Roubini bỗng dưng ... lạc quan)
53% người được hỏi cho rằng cổ phiếu sẽ đem lại mức lợi nhuận cao nhất trong năm 2014 (đây là mức cao nhất kể từ tháng 5). Chỉ có 3% người được hỏi chọn trái phiếu. Bất động sản là tài sản được ưa chuộng thứ hai với tỷ lệ 16%.
Mối bận tâm của nhà đầu tư toàn cầu cũng dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi. 72% cho rằng kinh tế Mỹ đang được cải thiện (cách đây 1 năm tỷ lệ chỉ là 53%). Gần 49% nói về điều tương tự đối với eurozone (tăng gấp 3 so với 1 năm trước).
Ngược lại, chỉ 13% người được hỏi cho rằng kinh tế Trung Quốc đang được cải thiện, 36% cho rằng đang suy yếu và gần một nửa nói nền kinh tế lớn thứ hai đang trong trạng thái ổn định.
Kinh tế Trung Quốc giảm tốc cũng là mối lo ngại lớn nhất của nhà đầu tư, với 1/3 số người được hỏi cho rằng đây là mối nguy lớn nhất đối với thế giới.
Thu Hương
Theo Trí Thức Trẻ/Bloomberg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét