Tín dụng đen VN 'là do ngân hàng yếu'
Cập nhật: 15:21 GMT - thứ sáu, 18 tháng 10, 2013
'Tín dụng đen' phát triển chiếm tới 30% so với tín dụng chính thức, trách nhiệm nằm ở cung cách điều hành, quản lý Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, theo nhận định của chuyên gia trong nước.
Hôm 18/10/2013, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói với BBC mặc dù chưa rõ cơ sở chắc chắn của quy mô tín dụng đen ở Việt Nam được cho là lên tới 50 tỷ USD, theo truyền thông trong nước, xu hướng phát triển của tín dụng đen đã được nhận biết từ lâu.
Ông Thành cũng nhận xét không chỉ tín dụng đen mà nhiều ngân hàng ở Việt Nam cũng đang tiến hành cho vay theo cung cách của 'tín dụng đen' khi sử dụng tới hai tỷ lệ lãi suất khác nhau cho cùng một khoản vay là 'công khai' và 'dưới gầm bàn' hoặc 'lót tay' tham nhũng.
Nhân dịp này, ông Bùi Kiến Thành lên tiếng cảnh báo một lần nữa về yếu kém trong vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý lãi suất cho vay ở hệ thống các ngân hàng thương mại và việc lỏng lẻo trong hệ thống luật quản lý trần lãi suất cho vay để kiểm soát lãi suất và hoạt động cho vay bất hợp lý tới mức phá hoại nền kinh tế.
Trước hết về giải pháp quản lý cho vay nặng lãi, ông Bùi Kiến Thành đặt vấn đề cần soạn thảo thêm luật nhằm hạn chế mức tối đa của nạn cho vay nặng lãi.
"Có thể với các nước khác trên thế giới, người ta có một đạo luật gọi là cho vay nặng lãi, thí dụ như bên Pháp, hay các tiểu bang của Mỹ đều có luật về cho vay nặng lãi,
"Để làm sao tới mức nào đó thì người ta có thể chịu đựng được, qua mức nào đấy thành mức sát hại người ta rồi."
Tuy nhiên theo chuyên gia tài chính này, một vấn đề tiếp theo là có luật rồi thì việc tôn trọng luật và khả năng áp dụng ra sao lại là một vấn đề khác.
Hôm 15/10, chuyên mục kinh tế trên trang mạng VTC News của Việt Nam cho rằng tỷ lệ tín dụng đen hay tín dụng phi chính thức trên thị trường cho vay trong nước đang ở mức độ 'quá lớn'.
VTC News trích dẫn số liệu mà một hội thảo về cải cách thị trường tài chính ở Việt Nam nói:
"Theo ước tính, cho vay ngoài hệ thống hay còn gọi là “tín dụng đen” hiện đang bằng khoảng 30% tổng tín dụng thực do hệ thống ngân hàng cung cấp...
"Đôi khi người ta cần những món tiền nhỏ thôi, thí dụ như khoảng 1-2 triệu đồng, thì người ta không thể tới ngân hàng để làm thủ tục vay được, cho nên người ta cần tới các dịch vụ tín dụng ngoài ngân hàng"
Nhà tư vấn tài chính doanh nghiệp vừa và nhỏ
"So với tín dụng chính thức, quy mô tín dụng đen ở Việt Nam rơi vào con số khoảng 50 tỷ USD, là một con số quá lớn."
Tờ này dẫn ý kiến của Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định đây là một mức độ có thể gây 'tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội."
'Khi nào chấm dứt?'
Trao đổi với BBC từ An Giang, một nhà tư vấn tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Đinh Xuân Hòa, cựu thành viên Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Kinh tế ứng dụng, thuộc Đại học Tôn Đức Thắng, phân tích từ góc độ vi mô nguyên nhân của hiện tượng tín dụng đen.
Ông nói: "Vì sao tín dụng đen phát triển thứ nhất là vì thủ tục cho vay tại ngân hàng của Việt Nam quá phức tạp đối với người dân, không phải ai cũng biết hết về các thủ tục để hoàn thành.
"Thứ hai, nhiều khi người ta cần tiền gấp, đối với ngân hàng, người ta cần một khoảng thời gian chờ đợi để chờ đợi giải ngân,
"Thứ ba, đó là thói quen của người dân, đôi khi người ta cần những món tiền nhỏ thôi, thí dụ như khoảng 1-2 triệu đồng, thì người ta không thể tới ngân hàng để làm thủ tục vay được, cho nên người ta cần tới các dịch vụ tín dụng ngoài ngân hàng như tiệm cầm đồ, hoặc là tín dụng đen, hay là chơi họ hụi."
Theo ông Hòa, để kiểm soát tốt hơn các nguy cơ của nạn tín dụng đen, các nhà quản lý cần có các biện pháp cải thiện dịch vụ cho vay của ngân hàng, hợp lý hóa chi phí vận hành, tinh giản, gọn nhẹ, đồng thời nâng cao năng lực của cán bộ tín dụng và nỗ lực làm cho dịch vụ và các sản phẩm ngân hàng thân thiện hơn với người dân.
"Bây giờ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nó như một tiệm cầm đồ, mà thực sự có nhiều ngân hàng hoạt động như một tín dụng đen"
Chuyên gia Bùi Kiến Thành
Đồng thời theo ý kiến quan sát này, chính quyền cần có các nỗ lực nhằm "rà soát, kiểm soát chặt chẽ và liên tục hơn" các hoạt động, dịch vụ và đối tượng cho vay nặng lãi nhằm ngăn ngừa những hành vi "vi phạm pháp luật", "xã hội đen" và nạn "bạo hành đòi nợ" trên thị trường.
Hôm thứ Ba, tờ báo mạng VTC News nêu ý kiến của TS Nguyễn Đức Thành thuộc Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về giải pháp với nạn tín dụng đen.
"Để hạn chế quy mô thị trường tín dụng đen, ngân hàng phải rút ngắn chi phí, tăng hiệu quả trong hoạt động cho vay và bộ phận giám sát rủi ro cảu ngân hàng phải hoạt động tích cực," TS Thành được trích dẫn nói.
Còn chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định với BBC về điều kiện khi nào nạn tín dụng đen có thể chấm dứt.
Ông nói: "Nó sẽ kéo dài tới khi nào hệ thống ngân hàng tín dụng chính thức hoạt động tốt hơn và người dân có thể tiếp cận tín dụng qua ngân hàng hay qua các quỹ tiết kiệm nhân dân hợp lý hơn với lãi suất chấp nhận được,
"Trước hết, phải làm sạch hệ thống ngân hàng Việt Nam trước, làm sao quản lý vấn đề áp dụng luật pháp tốt, tới khi hệ thống ngân hàng phát triển tốt lên rồi, mọi người sẽ thấy không cần phải đi đến tín dụng đen nữa, thì lúc đó, nó sẽ tự động biến dần dần đi."
Nhân dịp này, ông Bùi Kiến Thành cũng lên tiếng về bất hợp lý hoạt động cho vay ở chính hệ thống ngân hàng thương mại và tín dụng trong nước.
Ông nói: "Bây giờ trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nó như một tiệm cầm đồ, mà thực sự có nhiều ngân hàng hoạt động như một tín dụng đen,
"Tại vì lãi suất chính thức trên hợp đồng khác, mà lãi suất ở dưới bàn nó lại khác, lại còn có phong bao, phong bì cho cán bộ ngân hàng người ta phê duyệt, cái đó khác.
Theo chuyên gia tài chính này, cộng lại các khoản chi phí thực tế, lãi suất đi vay ngân hàng năm vừa qua lại tổng cộng "cũng lên tới hơn ba chục phần trăm."
Theo BBC VN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét