Trang

19 tháng 10, 2013

Bàu nước tự sôi khi 'nghe' tiếng chân người

Bàu nước kỳ lạ ấy nằm tại ấp 1, xã Thạnh An, huyện Hòa Thạnh, tỉnh Vĩnh Long, trong một góc khuất ở khu vườn trồng cây ăn trái của một hộ dân. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng từng bọt nước sôi sùng sục trên mặt hồ chỉ rộng chừng 4m2 (mà không có bất kỳ tác động nhân tạo nào), nhiều người ngỡ ngàng.
Kỳ lạ hơn nữa, theo khẳng định của những người dân nơi đây, nếu ai đó đi nhanh, mạnh quanh hồ thì lập tức, những bóng nước cũng sôi to và mạnh hơn. Cũng chính vì những điều kỳ lạ này, nhiều người cho rằng đây là hồ nước thần linh thiêng, vì thế nếu bất kính dám xâm phạm sẽ chịu trừng phạt. 
Những người dân sinh sống gần khu vực cho biết, bàu nước ấy đã có từ hàng trăm năm nay. Theo ông Nguyễn Văn Ba (nhà sát bàu nước) thì trước kia, nhiều người cho rằng bàu nước này có linh tính, biết nghe bước chân người, sôi quanh năm suốt tháng không dứt. Bởi những lời đồn đại này, hàng trăm người lũ lượt kéo về đây, mang theo lễ vật khấn vái cầu xin.
Cứ có người lại gần, hồ nước tự nhiên sôi ùng ục.
Ông Ba khẳng định: “Hầu hết những người đến bàu nước lễ bái ở tỉnh ngoài. Họ vẫn cho rằng đây là bàu nước thánh, cầu gì được nấy nên chẳng quản đường xá xa xôi. Cứ như vậy, tam sao thất bản, lượng người tìm đến lễ bái, xin nước sôi trong bàu chữa bệnh, cầu tài, cầu lộc ngày càng đông đúc”.
Sự hiếu kỳ, mê tín lên đến đỉnh điểm khi thời gian gần đây, nhiều người dân từ TP HCM, Long An, Đồng Tháp cũng đổ về với niềm tin bàu nước đặc biệt trên chính là… suối nguồn, có thể chữa trị bách bệnh. Ông Ba cho biết, chẳng cần kiểm chứng, những người này đến bên bàu nước lăn lê rồi múc nước lên uống trực tiếp. Đáng lo hơn, cách đây một thời gian, bên bàu nước xuất hiện một thầy lang băm (kiêm thầy pháp) tự ý dựng đàn cúng bái, xì xụp khói nhang hết sức phản cảm.
Sau mấy ngày liên tục cúng vái, ông thầy này còn phao tin bàu nước linh thiêng nhờ… phong thủy, do địa thế nằm gần ngôi miếu Thần Nông. Tin vào lời truyền bá mê tín này, nhiều người tín tâm quá mức lại đổ xô đến bàu nước với hy vọng xin được “nước thánh” chữa bệnh. Phải đến khi, chính quyền địa phương ra tay can thiệp, mọi chuyện mới dần lắng xuống.
Là một người sinh sống lâu năm trong vùng, thế nhưng khi được hỏi bàu nước có từ khi nào thì chính ông Ba cũng không biết rõ. Khi còn nhỏ, ông có được nghe kể thời trước đây là một cái hồ rất rộng lớn. Tới thời của ông, nó chỉ còn bằng một cái ao, ngày đêm nước sôi sùng sục. Về sau này, khi mà mọi người cần đất canh tác, san lấp thì dần nhỏ lại và những bọt khí ấy cũng theo đó ít dần và bé lại. Có những thời điểm hạn hán, nước cạn, chỉ còn trơ bùn dưới đáy nhưng những bọt nước vẫn sôi lạch bạch. Dù biết rằng, hồ nước sôi đó chưa chữa được bệnh cho ai, thế nhưng, những câu chuyện ly kỳ xung quanh nó thì vẫn còn là đều bí ẩn xôn xao khắp một vùng quê.
Ông Lê Gia Định, nhà nằm cạnh mó nước nhớ lại trước đây, mỗi ngày có tới hàng trăm người tò mò kéo về xem mó nước này vì tò mò. Ông bảo, bàu nước thuở xưa rất rộng, sâu hun hút. Thời ấy, đám trẻ con chăn trâu, cắt cỏ ngày nào cũng lén gia đình ra đây nghịch nước. Lúc bấy giờ, các ụ nước sôi giữa bàu nước rất mạnh. Giữa lòng bàu, bong bóng khí sôi nổi lên to như chiếc thùng phuy, sủi bọt phun trào ngày đêm không ngớt. 
Dù sống ở khu vực này khá lâu nhưng ông Ba không biết bàu nước có từ bao giờ.
Ngày đó, vì bản tính tò mò, ông đã đôi lần thử bơi ra giữa dòng, mon men đến gần ụ nước ấy. Nhưng thật lạ là, dù cố gắng ngụp lặn, ông vẫn bị sức mạnh của ụ nước đang sôi đẩy lên khỏi mặt nước. Có khi, 3 - 4 đứa trẻ nghịch ngợm nắm chặt tay, dùng tấm thân trần cố gắng đè lên, thử bịt kín miệng của ụ nước, nhưng cũng lần lượt bị đánh bật. 
“Tụi tui còn lén dùng cọc tre cắm sâu vào giữa mó nước đo độ nông sâu của ụ nước đang phun trào. Nhưng cọc tre cắm xuống sâu bao nhiêu cũng không vừa. Theo phán đoán của tôi thì ít nhất nó cũng sâu 20-30m là ít. Nếu nhiều người dân cùng đứng vây quanh vừa đi, vừa dậm chân mạnh, mó nước sẽ sôi mạnh hơn. Dường như mó nước này biết “nghe” tiếng bước chân người. Những ngày nắng ráo, nước trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Khí ở dưới cứ đẩy nước thành từng luồng để tạo bong bóng và phát ra tiếng kêu “ục...ục”, ông Định kể.
Nhìn hồ nước nhỏ sôi sục bọt nước, người lạ ít ai dám đến gần. Nước trong hồ không hề nóng, nhiệt độ bình thường và mát mẻ như nước trong các khu vực gần đó.
Cũng theo ông Định, trước đây, trong vùng chỉ có duy nhất hồ nước lạ này, thế nhưng sau này khi phát hiện ra công dụng hữu hiệu của nó thì một vài cái hồ nhân tạo tự sôi khác cũng được hình thành và sử dụng. Nguyên nhân là họ phát hiện ra rằng khi có lửa ở gần bén vào, phía trên những ụ sôi ấy sẽ cháy bùng lên như kiểu khí gas dẫn đốt. 
Từ khi phát hiện ra công dụng của loại khí lạ, gia đình anh Nguyễn Thành Trung (người trong xã) đã đầu tư làm ống dẫn, bếp nấu để tận dụng nguồn khí trời ban. Thấy sự tiện dụng và nhất là miễn phí, mọi người xung quanh liền xúm lại học tập và hưởng ứng. Từ đấy, mọi người mới bảo nhau đắp ụ, đào đất dẫn nguồn khí ấy về nhà, nối với ống dẫn trong bếp ăn.
Người dân địa phương thường khoan trong lòng đất để lấy khí này sinh hoạt. Họ cho biết loại khí đốt ấy ở đây cũng an toàn vì đến nay chưa có sự việc gì bất thường xảy ra và không hề có mùi hôi. Đặc biệt, khi mưa càng lớn thì lượng khí này càng tích tụ nhiều. Hố lấy khí do người dân đào và sử dụng trong sinh hoạt cũng có hiện tượng sủi bọt, từng bọt nước cứ sủi lên xung quanh bờ ao, bờ đê như hiện tượng ở hồ nước sôi dù thời tiết mưa hay nắng.
Theo ông Trần Văn Mạnh Trưởng, Trưởng ấp Thạnh An, hiện tượng nước sôi tự nhiên trong hồ đã có từ lâu, không có mưa nước cũng sôi ùng ục. Khi bà con dùng lửa châm vào thấy phát sáng nên đã sử dụng làm chất đốt hàng ngày. Nhiều hộ gia đình trong ấp không có nước sử dụng, khi khoan giếng xong lại không thể dùng được do nước chua và có chất mặn. Vì vậy, từ giếng đã khoan đó bà con sử dụng làm hố gas, vì thấy như vậy sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên không phải chỗ nào khoan cũng có gas.
Chủ một mảnh vườn có hồ nước tự sôi kể lại.
Khi được hỏi về độ an toàn của sự việc này, ông Trưởng cho biết: “Ở trên huyện, tỉnh không khuyến khích người dân sử dụng nguyên liệu này, do đây là việc sử dụng gas tự phát, không đạt quy chuẩn sử dụng gas an toàn, có thể sẽ xảy ra hiện tượng cháy nổ bất ngờ khi túi gas bị rò rỉ, chỉ có một số bà con sử dụng mà thôi vì cho tới nay, nhiều nơi đã bắt đầu cạn kiệt, số lượng cũng không nhiều”.    
Cán bộ phòng tài nguyên Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Vĩnh Long, cho hay sở dĩ hiện tượng các bàu nước phát ra tiếng kêu ùng ục, phun trào bong bóng khí có thể do vùng đất Tam Bình, Long Hồ, Vũng Liêm, Trà Ôn… nằm trong vùng đất có trầm tích lâu đời. Khí gas mà người dân sử dụng là khí metan.
Vị cán bộ Sở tài nguyên cũng giải thích, hiện tượng các mó nước sôi ục ục là do chịu tác dụng giãn nở của khí nên bị phun trào ra khỏi mặt đất. Dưới lòng đất, nước ngầm không ngừng tiếp xúc với lớp nham thạch nóng chảy, nhiệt độ nước không ngừng gia tăng. Tất cả những nguyên nhân đó làm cho bong bóng khí và nhiệt lượng hình thành bên dưới không thoát ra được. Các bong bóng khí ấy ngày càng tích nhiều dần, áp lực ngày càng lớn. Khi áp lực đạt đến một ngưỡng nhất định, nước lại tiếp tục phun trào. Khí này có thể dùng làm chất đốt như khí gas, tuy nhiên số lượng cũng không nhiều và sẽ cạn kiệt nếu bị dùng quá mức.
Theo Giadinh.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét