Trang

10 tháng 5, 2014

Việt Nam chỉ có một con đường


Có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường: Kiên định, tỉnh táo,vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành.
LTS: Trong những ngày này, mọi trái tim Việt Nam đều hướng ra biển Đông, nơi mối nguy cơ của dân tộc đang đe hoạ. Khi đất mẹ lâm nguy, mọi trái tim đau đớn, và mọi cái đầu cần phải suy nghĩ nên làm gì để bảo vệ tổ quốc thiêng liêng. Hơn bao giờ hết, trong lúc Tổ quốc nguy nan, tình yêu nước lại thức tỉnh trong lòng mỗi người Việt.
Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu chia sẻ của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam.
Suy nghĩ trong những ngày tháng 5 đỏ lửa.
Với sự việc giàn khoan 981 của Trung Quốc tại Biển Đông, liệu còn ai có thể mơ hồ về những nguy cơ mà đất nước này sẽ phải đương đầu trong giai đoạn lịch sử khắc nghiệt này? Chúng ta có chính nghĩa, và những người tôn trọng lẽ phải sẽ thông cảm, ủng hộ . Biết tranh thủ từng ủng hộ lớn nhỏ, nhưng không thể trông cậy nhiều hơn thực tế vào đó.
biển Đông, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc, nội lực, tự cường
Ảnh Kiên Trung
Trong thế giới còn đang giằng xé bởi cuộc cạnh tranh quyền lợi và ảnh hưởng, chúng ta trước hết phải tự lo cho mình thì mới hy vọng đứng vững. Chỉ mười năm trước thôi, chúng ta có bối cảnh quốc tế thuận lợi như thế nào. Bây giờ bối cảnh phức tạp ra sao. Và chúng ta chưa thể biết hết những chuyển biến tốt xấu trong giai đoạn tới. Tác giả của quyển sách “Thế giới phẳng” đang ở Việt Nam. Và khi câu chuyện liên quan đến Biển Đông, ông cũng không tìm ra cách diễn đạt tốt hơn, là lấy hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam: Bó đũa.
Nếu chuyện các nước yêu hoà bình, công lý chưa thể thành bó đũa ngay để bảo vệ mình và bảo vệ nhau, thì trước hết những người cùng một dân tộc muốn đất nước tồn tại, vượt quathử thách phải làm được điều đó. Để giữ được hoà bình, giữ được quyền sống và phát triển, chỉ có một con đường : Tăng cường nội lực. Nội lực có mạnh mới tránh được xung đột – điều mà người Việt Nam không bao giờ muốn gặp lại trên đường đi của mình.
Từ nay, chúng ta không thể sống và nghĩ giống như trước được. Chúng ta không thể chỉ nghĩ rằng sa vào “bẫy thu nhập trung bình” là nguy cơ lớn nhất. Không nỗ lực thì cái đáng lo nhất ghê gớm hơn : Nền độc lập, cuộc sống hoà bình cho con cháu chúng ta. Những yếu kém của chúng ta không chỉ làm nới xa khoảng cách, thua chị kém em. Những yếu kém ấy nếu kéo dài sẽ đe doạ sự tồn vong của đất nước.
Phải nghĩ khác về tất cả những gì có thể làm nội lực đất nước mạnh lên: Không phải lời nói, mà những biện pháp rõ ràng và cụ thể để mọi người Việt Nam, làm khoa học, công nghệ, làm kinh doanh, sản xuất, hay học tập… đều phát huy được hết năng lực của mình, không bị ngán trở bởi sự vô cảm của các cơ chế, thể chế, bởi những người bám vào thể chế, cơ chế đó mà gà gật sống.
biển Đông, giàn khoan, Trường Sa, Hoàng Sa, Việt Nam, Trung Quốc, nội lực, tự cường
Ảnh Kiên Trung
Trên thế giới có những nước nhỏ, nằm trong vòng xoáy xung đột, nhưng vẫn vững mạnh, chẳng ai bắt nạt nổi, chủ yếu là do biết tập trung sức của cả dân tộc để phát triển thành công kinh tế, công nghệ tiên tiến, quân đội tinh nhuệ, tổ chức và quản lý xã hội tối ưu.
Phải nghĩ khác về những gì đang làm nội lực bị mất máu: Ngoài tham nhũng, tham ô, thì sự luộm thuộm, lợi ích nhóm, thiếu minh bạch, thiếu dân chủ, được chăng hay chớ, trì trệ vô trách nhiệm….cũng sẽ khiến cái giá phải trả không chỉ là giàu nghèo, phát triển hay chững lại, mà là chính cuộc sống yên bình cho con cái chúng ta.
Chúng ta cần thấm hiểu rằng nếu mỗi công trình làm ăn cẩu thả, để rồi “thêm một tý, có sao đâu”, thì sẽ dẫn đến những hậu quả lớn hơn chỉ là cạn kiệt công quỹ. Chúng ta cần biết chúng ta đang ở đâu, có cái gì, cần cái gì trước. Ví dụ chi mấy ngàn tỷ cho một việc ‘nâng cao vị thế” có nên không, hay dùng tiền ấy để mua thêm tàu Cảnh sát biển, để giúp đỡ ngư dân, để truyền thông cho thế giới hiểu rõ sự thật. Nó giống như chi tiền mở tiệc vui hay mua thêm rào gai chêm thêm vào chỗ phên dậu còn chưa kín. Sức mạnh quốc phòng ở quân đội, vũ khí, quan hệ quốc tế.
Nhưng nguồn gốc sức mạnh quốc phòng bắt nguồn từ làng xóm, nơi người ta có thể yên tâm dồn tâm sức vào ruộng đất; Từ những khu công nghiệp, nơi cả chủ đầu tư, cả người làm thuê đều cảm thấy lợi ích của mình được bảo hộ; Từ những công trình khoa học được nâng đỡ để thành công, đem lại lợi ích nhanh chóng; Từ mái trường trong sạch, nơi không có bóng dáng bạo lực, các tâm hồn trong trắng không bị tổn thương và vẩn đục; Từ công sở, nơi người dân cảm thấy mình được tôn trọng và được phục vụ; Từ bệnh viện, nơi có tình thương và trách nhiệm với đồng loại; Từ những địa danh du lịch, nơi khách nước ngoài không bị “chặt chém’, mà được tôn trọng và chăm sóc; Từ một cuộc sống, mà mỗi người dân đều cảm thấy được làm chủ, được an toàn, không vướng oan sai, ít bị tai ương, tai nạn rình rập, và mỗi người dân muốn góp phần mình cho cuộc sống ấy tử tế, tốt đẹp thêm lên.
Có thể sơ tán một gia đình. Một khu vực. Một vùng đất. Nhưng không thể sơ tán một đất nước. Chỉ có một con đường : Kiên định, tỉnh táo,vận dụng hết trí tuệ và ý chí để gìn giữ không gian sống ông cha để lại, gìn giữ cuộc sống yên lành.
Trần Đăng Tuấn

Dấu hiệu chữ ký giả, tòa vẫn tuyên tước nhà dân

BTTD: Luật pháp hay luật rừng


(Dân trí) - Tin vào người quen nên nhiều hộ dân ở TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bị lừa lấy mất sổ đỏ, lại phải gánh nợ thay và đứng trước nguy cơ mất đất đai, nhà cửa. Hai phiên tòa đều đẩy họ vào thế trắng tay, giờ họ đang kêu cứu một bản án công bằng hơn.

Các hộ dân có liên quan đến vụ việc gồm: Ông Ong Bạch Phai (ngụ phường 2, TX Vĩnh Châu), ông Nguyễn Văn Việt (ngụ phường 1, TX Vĩnh Châu); ông Ngô Văn Út Ó (ngụ xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề); ông Trần Minh Thọ, ông Trần Văn Kỳ, bà Nguyễn Thị Hồng, ông Lai Văn Lâm, ông Tô Văn Đông (cùng ngụ xã Vĩnh Hiệp, TX Vĩnh Châu); ông Trà Chích, ông Đỗ Khánh Sao (cùng ngụ xã Vĩnh Phước, TX Vĩnh Châu).

Một số hộ dân trong vụ việc tiếp xúc với PV
Một số hộ dân trong vụ việc tiếp xúc với PV Dân trí.
Bỗng dưng gánh nợ…từ trời rơi xuống
Theo đơn của các hộ dân trên gửi báo Dân trí: Vào khoảng tháng 10/2007, các hộ dân cần vốn nuôi tôm nhưng thủ tục vay vốn ngân hàng khó khăn. Vì vậy, ông Trần Văn Đỉnh (ngụ xã Vĩnh Hiệp, TX Vĩnh Châu, là người thân của nhiều hộ dân) nói với các hộ dân là ông có quen với cán bộ cho vay vốn ở Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Sóc Trăng (Agribank Sóc Trăng, tọa lạc tại phường 2, TP Sóc Trăng) nên nếu người dân đồng ý thì đưa sổ đỏ cho ông để ông làm thủ tục vay vốn cho. Thấy ông Đỉnh là chỗ thân quen nên những hộ dân này đã đưa sổ đỏ cho ông Đỉnh.
Lấy được sổ đỏ của người dân, ông Đỉnh cầm đi nhưng sau đó không đưa tiền cho các hộ dân này. Chờ mãi không thấy tiền, nhiều người dân gặp hỏi thì ông Đỉnh trả lời là đang làm thủ tục. Tuy nhiên, vụ vay vốn này đang dở dang thì ông Trần Văn Đỉnh mất vì bệnh ung thư, sổ đỏ của các hộ dân cũng bặt vô âm tín.
Đơn tường trình, kêu cứu của các hộ dân gửi báo
Đơn tường trình, kêu cứu của các hộ dân gửi báo Dân trí.
Đến giữa năm 2009, nhiều người dân rất ngỡ ngàng khi nhận được thông báo thụ lý vụ án “Tranh chấp kinh doanh thương mại về Hợp đồng tín dụng” của TAND tỉnh Sóc Trăng. Và điều bất ngờ hơn là trong đó, nguyên đơn là Ngân hàng Agribank Sóc Trăng, bị đơn là ông Trương Bình (chủ DNTN Trương Bình, có địa chỉ tại xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành, Sóc Trăng), còn các hộ dân là người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan.
Cuối tháng 9/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa sơ thẩm vụ án “Tranh chấp kinh doanh thương mại về Hợp đồng tín dụng” và buộc ông Trương Bình phải trả nợ cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi là hơn 14,4 tỷ đồng (trong đó tiền gốc là là 5,8 tỷ đồng; tiền lãi là hơn 8,6 tỷ đồng). Ngoài ra, tòa cũng tuyên nếu ông Bình không tự nguyện trả nợ thì những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (các hộ dân trên) dùng tài sản thế chấp bảo đảm phải thực hiện nghĩa vụ trả thay, nếu không thực hiện yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để Ngân hàng thu hồi nợ.
Ngày 11/3/2014, TAND Tối cao tại TPHCM xét xử phúc thẩm vụ án này do bản án sơ thẩm bị các hộ dân kháng cáo. Phiên tòa phúc thẩm tiếp tục bác đơn kháng cáo của các hộ dân và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, tổng số tiền cả gốc lẫn lãi của các hộ dân phải trả thay là: ông Nguyễn Văn Việt hơn 51 triệu đồng; ông Ong Bạch Phai hơn 458 triệu đồng; ông Ngô Văn Út Ó hơn 1,6 tỷ đồng; ông Trần Minh Thọ hơn 367 triệu đồng; bà Trần Thị Đáng (ông Trần Văn Kỳ đại diện) hơn 662 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Hồng hơn 124 triệu đồng; ông Lai Văn Lâm hơn 124 triệu đồng; ông Tô Văn Đông hơn 697 triệu đồng; ông Trà Chích hơn 135 triệu đồng; ông Đỗ Khánh Sao hơn 398 triệu đồng.
Các bản án của 2 cấp tòa đẩy người dân vào thế trắng tay.
Các bản án của 2 cấp tòa đẩy người dân vào thế trắng tay.
Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều hộ dân cho biết, họ như chết đứng bởi số tiền nợ từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng từ trên trời rơi xuống này cũng như phải trả nợ thay cho ông Trương Bình - người mà các hộ dân chưa từng quen biết. Các hộ dân thừa nhận, họ chỉ đưa sổ đỏ cho ông Trần Văn Đỉnh (đã chết) để vay vốn dùm chứ không hề đưa cho ông Trương Bình vì chẳng biết ông Bình là ai. Trong khi đó, bản thân ông Trương Bình cũng không biết các hộ dân này.
Tòa phớt lờ, chính quyền tắc trách ?
Khi tiếp xúc với PV, nhiều người dân cũng khẳng định, trong các hợp đồng vay vốn ngân hàng, họ không có ký tên nhưng vẫn có chữ ký của từng người. Ông Ngô Văn Út Ó bức xúc: “Tôi không ký tên vào hợp đồng vay tiền nhưng vẫn có chữ ký của tôi. Chữ ký này trong hợp đồng vay vốn được đưa đi giám định và kết quả là không do một người ký ra nhưng tòa vẫn không chấp nhận. Giờ tôi không biết tin ai nữa”.
Một trường hợp hết sức trớ trêu là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng. Bà Hồng được xem là một hộ nghèo của xã Vĩnh Hiệp. Bản thân bà Hồng đi làm thuê làm mướn và chỉ có nền nhà đang ở chưa đến 50m2 nhưng bỗng dưng bà lại có sổ đỏ đến cả ngàn m2 đất. Bà Hồng không biết chữ nhưng vẫn có chữ ký trong hồ sơ vay vốn, vậy mà tòa án vẫn phớt lờ.
Bà Hồng bức xúc: “Lúc ông Đỉnh còn sống, vì chỗ thân tình nên khi ông Đỉnh nói đưa sổ hộ khẩu và giấy CMND của tôi cho ổng để ổng giúp vay vốn thì tôi đưa chứ có biết gì đâu. Rồi tự dưng sau này tòa án gửi thông báo cho biết tôi có thế chấp sổ đỏ vay trên 77,5 triệu đồng. Nhận thông báo tôi muốn xỉu bởi hồi nào giờ tôi có biết sổ đỏ, sổ xanh là gì. Tôi cũng chưa nhận được tiền mà ông Đỉnh nói vay cho tôi. Giờ lại phải gánh nợ cả trăm triệu đồng, chắc tôi chết quá”.
Các bản án của 2 cấp tòa đẩy người dân vào thế trắng tay.
Bà Nguyễn Thị Hồng không biết chữ, chỉ có nền nhà ở nhưng vẫn có chữ ký trong hồ sơ vay vốn và sổ đỏ cả ngàn m2 đất. Vậy mà tòa vẫn buộc bà trả nợ cả trăm triệu đồng.
Còn ông Trần Minh Thọ cho biết, ông có đưa sổ đỏ cho ông Đỉnh và chỉ có mình ông ký tên vào hồ sơ vay vốn nhưng khi ra tòa, ngân hàng đưa ra hồ sơ vay vốn có cả chữ ký của vợ ông. Nhiều hộ dân khác có liên quan đến vụ án cũng trình bày sự trớ trêu và nỗi bức xúc này với PV. “Chúng tôi thấy rằng trong vụ này, cả hai cấp tòa án xử quá sơ sài, dù cơ quan chức năng xác định chữ ký của nhiều người là giả nhưng tòa vẫn bỏ qua và cứ tuyên án khiến người dân chúng tôi chịu nhiều oan ức”, các hộ dân cùng nêu quan điểm không đồng tình với phán quyết của tòa án.
Nói về vụ việc trên, ông Trần Hoàng Trung - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp (TX Vĩnh Châu) cho biết: “Theo chúng tôi biết, bà con có đưa sổ đỏ cho ông Đỉnh để nhờ ông này vay vốn về nuôi tôm là có thật, nay sổ đỏ lại nằm trong tay DNTN Trương Bình là rất vô lý”.
Theo phỏng đoán của ông Trung, có khả năng, ông Đỉnh vay vốn nhưng không được phải nhờ ông Trương Bình vay rồi hưởng phần trăm; hoặc khi kêu người dân đưa sổ đỏ, ông Đỉnh thông đồng với ông Bình để ghi tên DNTN Trương Bình trên hợp đồng vay vốn, dùng sổ đỏ của người dân thế chấp ngân hàng rồi ký giả chữ ký của người dân.
Kết quả giám định chữ ký của nhiều hộ dân không do một người ký ra nhưng tòa vẫn phớt lờ.
Kết quả giám định chữ ký của nhiều hộ dân không do một người ký ra nhưng tòa vẫn phớt lờ.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi, để được vay tiền, trong hợp đồng vay đều có xác nhận của chính quyền địa phương sở tại đối với các bên liên quan là bên ngân hàng, người dân và DNTN Trương Bình.
Trả lời PV Dân trí về trách nhiệm của xã trong việc xác nhận hồ sơ vay của các hộ dân trú tại xã, ông Hồ Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp thừa nhận là ông chỉ ký có một hồ sơ của ông Trần Văn Thọ. Cũng theo ông Khánh thì ông Thọ trực tiếp mang hồ sơ lên xã để xác nhận. Tuy nhiên, khi trao đổi với PV, ông Thọ khẳng định, ông chỉ ký vào hồ sơ khi ông Đỉnh đưa chứ không lên xã như ông Khánh nói.
PV cũng truy vấn ông Khánh là ngoài hồ sơ của ông Trần Văn Thọ thì còn những bộ hồ sơ khác do ai ký. Ông Khánh cho biết ông không ký và ông cũng không nhớ.
Theo tìm hiểu của PV, thời điểm vay vốn của các hộ dân này là khoảng những năm 2007- 2008- 2009, lúc đó lãnh đạo UBND xã Vĩnh Hiệp có 3 người: ông Trần Hoàng Trung (Chủ tịch), ông Hồ Văn Khánh (Phó Chủ tịch) và ông Châu Hoàng Ân (Phó Chủ tịch). Vì thế, ông Khánh nói ông không nhớ hoặc không ký các bộ hồ sơ còn lại thì chỉ còn hai người ký xác nhận là ông Trung và ông Ân. Được biết, hiện ông Ân đã xuống chức làm Trưởng ban nhân dân ấp Đặng Văn Đông, còn ông Trung vẫn là Chủ tịch xã.
PV cũng đặt thẳng vấn đề tại sao các hồ sơ đều có chữ ký của người dân mà là chữ ký giả nhưng xã vẫn xác nhận, ông Khánh phân trần: Có thể vì tình cảm quen biết nên khi cán bộ tiếp nhận hồ sơ đưa ký, lãnh đạo chỉ xem qua loa rồi ký chứ không nghĩ rằng đó là chữ ký giả.
Kết quả giám định chữ ký của nhiều hộ dân không do một người ký ra nhưng tòa vẫn phớt lờ.
Nhiều hộ dân có nguy cơ mất tất cả, trong đó có hộ ông Trần Văn Thọ cũng chẳng còn nhà để ở. Họ rất trông chờ vào giám đốc thẩm vụ án để lấy lại sự công bằng.
Trao đổi với PV Dân trí, các hộ dân cho biết, hiện vụ án đã được xử phúc thẩm và họ đang lo lắng trước nguy cơ bị phát mãi tài sản đất đai nhà cửa. Do đó, các hộ dân đang trông chờ vào cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm vụ án để trả lại sự công bằng cho họ. Các hộ dân cũng đề nghị ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng vào cuộc làm rõ có hay không dấu hiệu lừa đảo trong vụ án này.
Huỳnh Hải - Bạch Dương
                                                                                              

VN không lùi bước khi bị xâm phạm chủ quyền!


(Dân trí) - “Việt Nam tôn trọng, làm hết sức để xây đắp hòa hiếu với Trung Quốc. Nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng Việt Nam không bao giờ chịu lùi bước trước mọi hành động xâm phạm đến chủ quyền”, GS. Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định.
 >>  Tuyên bố Phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam
 >>  “Với dân tộc Việt Nam, chủ quyền quốc gia là tối thượng”
 >>  Người dân TPHCM diễu hành, mít tinh phản đối Trung Quốc

Chiều ngày 10/5, GS. Phan Huy Lê thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, chính thức đưa ra tuyên bố phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam không bao giờ chịu lùi bước trước hành động xâm phạm chủ quyền (Ảnh: Petrotimes)
Việt Nam không bao giờ chịu lùi bước trước hành động xâm phạm chủ quyền (Ảnh: Petrotimes)
Tuyên bố của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chỉ rõ, từ ngày 2/5, Trung Quốc đã điều giàn khoan Hải Dương -981 xâm nhập vùng biển Việt Nam ở toạ độ 15o 29’ vĩ bắc 111o 12’ kinh đông, cách bờ biển Việt Nam gần 120 hải lý, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. 
Để yểm hộ cho hành động sai trái này, Trung Quốc đã điều hơn 80 tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự, tàu hải cảnh, hải giám có vũ trang cùng hàng chục tốp máy bay uy hiếp các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, một số tàu Trung Quốc còn tiến sâu vào vùng biển Việt Nam cách đảo Lý Sơn 50 - 60 hải lý, đồng thời cho tàu đâm, dùng vòi phun nước áp lực cao tấn công, đe dọa các tàu Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, việc làm trên của Trung Quốc là hành động vi phạm thô bạo chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, xâm phạm trắng trợn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 
Đây cũng là hành động vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) được ký giữa Trung Quốc với các nước ASEAN năm 2002 và không tôn trọng những cam kết mà lãnh đạo cao cấp hai nước đã nhiều lần khẳng định.
Theo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam hành động nguy hiểm trên của Trung Quốc còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông liên quan đến lợi ích các nước Đông Nam Á và thế giới.
“Việt Nam rất tôn trọng và làm hết sức mình để xây đắp quan hệ hoà hiếu với Trung Quốc, nhưng lịch sử cũng chỉ ra rằng dân tộc Việt Nam không bao giờ chịu lùi bước trước mọi hành động xâm phạm đến chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và kiên quyết đấu tranh bảo vệ những quyền thiêng liêng đó”, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh.
Vì vậy, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tuyên bố cực lực phản đối hành động phi pháp cực kỳ nguy hiểm của Trung Quốc, làm tình hình trên Biển Đông trở nên căng thẳng, đe dọa hoà bình và ổn định trong khu vực, làm tổn hại quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD-981 cùng các loại tàu hộ tống ra khỏi vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để khôi phục tình trạng hoà bình, ổn định và an toàn hàng hải trên Biển Đông.
Quang Phong
“Việt Nam không bao giờ lùi bước khi bị xâm phạm chủ quyền!” “Việt Nam không bao giờ lùi bước khi bị xâm phạm chủ quyền!”10 5 1

Nếu yên lặng, uy tín ASEAN sẽ tổn hại


 - Ngoại trưởng Singapore tuyên bố: Trung lập không có nghĩa là giữ yên lặng. Nếu hiệp hội giữ yên lặng về những sự cố gần đây thì uy tín của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Hôm nay, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên Biển Đông làm gia tăng tình hình căng thẳng ở khu vực.

Các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện kiềm chế và tránh có các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định ở khu vực; và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Biển Đông, Trung Quốc, chủ quyền, ASEAN, ngoại trưởng
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 diễn ra ở Myanmar. Ảnh: Reuters

Các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, cũng như Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm 10 năm Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Các Bộ trưởng đồng thời kêu gọi tất cả các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo giới phân tích, việc đồng thuận của các Ngoại trưởng ASEAN khi cùng bày tỏ quan điểm về Biển Đông là động thái phản ánh sự quan ngại cao độ về hành xử gây hấn của Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ.

"Trên Biển Đông, sự cố mới nhất xảy ra là một vấn đề rất nghiêm trọng”, Ngoại trưởng Singapore K. Shanmugam nói. "Có sự đồng thuận cao rằng ASEAN coi đây là vấn đề nghiêm trọng và cần ra một tuyên bố độc lập”.

Ông Shanmugam khẳng định: "Trung lập không có nghĩa là giữ yên lặng. Nếu hiệp hội giữ yên lặng về những sự cố gần đây thì uy tín của ASEAN sẽ bị tổn hại nghiêm trọng”.

Biển Đông là nơi Trung Quốc và 4 nước thành viên ASEAN (Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia) có chồng lấn trong tuyên bố chủ quyền. Trong đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền bao trùm gần như toàn bộ vùng biển. Một số nước ASEAN như Singapore và Thái Lan dù không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng vẫn luôn thúc giục các bên liên quan kiềm chế.

Thái An

Cùng hoa khôi Trịnh Kim Tiến biểu tình chống TQ


KHI DÂN SỢ CHÍNH QUYỀN, ẮT DO CƯỜNG BẠO. KHI CHÍNH QUYỀN SỢ DÂN, TẤT CÓ TỰ DO. (THEO THOMAS. J)

Ngay sau cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ Tám liên tiếp tại Hà Nội hôm 24 tháng 7/2011, cùng với nhiều hình ảnh biểu tình khác, trên các trang mạng xuất hiện hình ảnh của một thiếu nữ mặc áo dài trắng đeo biểu ngữ ‘Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam.’
Với gương mặt khả ái, cô được cộng đồng mạng ưu ái gọi bằng cái tên ‘hoa khôi’ hay ‘hoa hậu’ biểu tình chống Trung Quốc.
Tên của thiếu nữ đó là Trịnh Kim Tiến, một sinh viên ở Hà Nội.
Hy vọng Trịnh Kim Tiến sẽ tiếp tục đồng hành cùng những người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.


BTTD

Người dân TP.HCM biểu tình phản đối TQ


BTTD: Đả đảo bành trướng Trung Quốc !

 - Sáng 10/5, trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc, hơn 100 người dân TP.HCM đã tụ họp, phản đối việc TQ đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.


Dòng người rất trật tự, ôn hòa.
Những lá cờ đỏ sao vàng được phất lên, nhiều câu biểu ngữ với nội dung khác nhau được giương cao “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, “Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế”, “Yêu cầu rút giàn khoan HD - 981 khỏi biển Đông” bằng ba thứ tiếng Việt – Trung – Anh xen lẫn với nhau.
Bên cạnh biểu ngữ phản đối Trung Quốc, người dân TP.HCM cũng giương cao biểu ngữ biểu lộ thái độ đồng tình với những ứng xử của Việt Nam như “Đồng lòng cùng Chính phủ chống quân bành trướng, bảo vệ Tổ quốc”.
Không chỉ có biểu ngữ, dòng người còn hô to: “Yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan về nước”, để tỏ thái độ bất bình phản đối việc Trung Quốc định cắm giàn khoan xuống vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Họ còn cùng nhau vỗ tay hát những bài ca truyền thống, hát Quốc ca, hát “Việt Nam - Hồ Chí Minh”… suốt một quãng đường dài trên phố Hai Bà Trưng.
Nhiều người đi tuần hành cho biết, họ đến đây để tỏ thái độ yêu nước, mong muốn hàng triệu người dân Việt Nam thức tỉnh trước hành động ngang ngược của Trung Quốc.
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
TP HCM, Trung Quốc, giàn khoan
Tá Lâm - Duy Chiến

ASEAN: 'Vụ việc ở Biển Đông hết sức nghiêm trọng'


Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh coi việc Trung Quốc hạ giàn khoan trên vùng đặc quyền kinh tế và cho tàu đâm vào tàu của Việt Nam trên Biển Đông là hết sức nghiêm trọng.
Ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ảnh: Reuters
Channel News Asia dẫn lời ông Minh hôm qua cho rằng ASEAN cần hoàn thành gấp Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), sau khi xảy ra vụ việc "hết sức nghiêm trọng" giữa Việt Nam và Trung Quốc ở vùng biển này.
Trả lời phỏng vấn trước thềm Hội nghị cấp cao lần thứ 24 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Minh cho rằng vấn đề chắc chắn sẽ được các lãnh đạo khu vực đưa ra thảo luận.
Trong tương lai gần, ông Minh hy vọng ASEAN và Trung Quốc sẽ bắt đầu tham vấn về nội dung COC. "Đến nay, chúng tôi có ba vòng tham vấn chính thức, nhưng chúng tôi vẫn chưa thể bắt đầu tham vấn thực chất. ASEAN cần thúc đẩy công việc để Trung Quốc cam kết vì sự phát triển, nhằm sớm có COC", ông Minh cho hay.
Căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông sau hành động hạ đặt giàn khoan phi pháp của Trung Quốc. Từ ngày 2/5, nước này triển khai hàng chục tàu bảo vệ giàn khoan HD-981, dùng vòi rồng để uy hiếp, dùng tàu thuyền đâm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam khiến tổng cộng 9 người bị thương. Tình hình vẫn tiếp tục diễn biến quyết liệt do tàu Trung Quốc cố tình va chạm vào tàu kiểm ngư của Việt Nam.
Hành động ngang ngược của Trung Quốc đối với các tàu Việt Nam đã vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Hà Nội cũng đang yêu cầu Bắc Kinh rút ngay giàn khoan HD-981 cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, và bồi thường cho những thiệt hại gây ra cho người và phương tiện.
Bên cạnh Biển Đông, những diễn biến chính trị ở Thái Lan cũng sẽ là một chủ đề có khả năng được thảo luận tại hội nghị cấp cao ASEAN. "Chúng tôi quan ngại rằng nếu tình hình này, cuộc khủng hoảng này, kéo dài ở Thái Lan, nó sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực xây dụng cộng đồng của ASEAN. Chúng tôi hy vọng Thái Lan có thể sớm thoát khỏi khủng hoảng và tập trung phát triển, đóng góp cho quá trình xây dựng cộng đồng của ASEAN", ông Minh cho biết.
Ngoài các vấn đề nóng trên, lãnh đạo khu vực sẽ tập trung thảo luận cách thúc đẩy và đạt được một cộng đồng ASEAN thống nhất, giúp hàng hóa, dịch vụ và vốn luân chuyển tự do vào cuối năm tới.
Trọng Giáp