Trang

10 tháng 11, 2014

Việt - Trung gặp thượng đỉnh

BTTD: TQ luôn hòa để lấn, lấn rồi hòa...

(Vnexpress). Hôm nay Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, nhất trí hai nước sẽ giải quyết các bất đồng trên biển bằng phương cách hòa bình.
truong-tap-2735-1415606535.jpg
Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang (trái) và Chủ tịch Trung Quốc, chủ nhà của hội nghị cấp cao APEC, tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 22, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai bên duy trì tiếp xúc giao lưu giữa các cấp lãnh đạo và nhân dân hai nước, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Trung.
Về vấn đề trên biển, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh việc hai nước có lập trường khác nhau trong vấn đề Biển Đông là một thực tế. Điều quan trọng là bên cần thông qua đàm phán và trao đổi chân thành trên cơ sở nhận thức chung và những thỏa thuận của hai bên. Trong quá trình đó, hai bên cần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, kiểm soát tốt bất đồng, không để nảy sinh vấn đề mới ảnh hưởng quan hệ hai nước.
Chủ tịch nước cũng khẳng định hai bên cần thúc đẩy đàm phán phân định và hợp tác cùng phát triển ở khu vực ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ sớm đạt tiến triển thực chất.
Ông Tập Cận Bình cho rằng hai nước cần tôn trọng lẫn nhau và tập trung vào các lợi ích lâu dài. "Mối quan hệ Trung - Việt liên tục đạt được những tiến bộ từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối ngoại, bất chấp có những lúc thăng trầm", Xinhua dẫn lời ông Tập nói.
Ông Tập Cận Bình đề nghị hai bên cần kiên trì giải quyết ổn thỏa bất đồng, tạo môi trường trên biển theo hướng ổn định và hợp tác. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017.
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp xúc song phương với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'neill.
Trong tiếp xúc với Tổng thống Obama, hai bên đã trao đổi về phương hướng triển khai quan hệ đối tác toàn diện, trong đó có việc phối hợp tổ chức trao đổi đoàn cấp cao và chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ (1995-2015). 
Với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hai bên đã trao đổi về phương hướng và các biện pháp cụ thể để làm sâu sắc quan hệ; nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, phát huy hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác. Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực của lực lượng chấp pháp trên biển.
Ngoài ra, Chủ tịch nước đã tham dự Cuộc họp Cấp cao lần thứ 5 của các nhà lãnh đạo của 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC và cuộc Đối thoại với các thành viên của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC).
Phương Vũ - Khánh Lynh

Doanh nghiệp lớn bất ngờ sụt hố, ôm lỗ nặng

Trong bối cảnh nền kinh tế đang có triển vọng đi lên, nhiều doanh nghiệp lớn lại báo lỗ khiến giới đầu tư không khỏi nghi ngại về sự khởi sắc của hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường chứng khoán nói chung.

Ông lớn đồng loạt thua lỗ
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vừa bất ngờ báo cáo thua lỗ hơn 76 tỷ đồng trong quý III/2014, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 138 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng lợi nhuận của ngân hàng này giảm 60% so với cùng kỳ.
Một điểm tối trong báo cáo của ngân hàng này là nợ quá hạn tăng vọt lên gần 7.000 tỷ đồng, tương đương hơn 13% tổng dư nợ. Tăng trưởng tín dụng âm, dự phòng rủi ro cao khiến cho kết quả kinh doanh ngược chiều so với mong đợi của cổ đông.
Kết quả kinh doanh không mấy lạc quan được công bố sau khi đại diện lãnh đạo ngân hàng này gửi tâm thư tới các cổ đông về việc không chia cổ tức đợt 1/2014 do nhận định những tháng cuối của năm còn nhiều khó khăn. Trước đó, DongABank cũng đã thất bại trong việc tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng với giá cổ phiếu phát hành là 10.000 đồng/cp.
doanh-nghiệp, cổ-phiếu, chứng-khoán, niêm-yết, thua-lỗ, nợ-nần, nợ-xấu, VN-Index, ngân-hàng, tái-cấu-trúc, Đông Á Bank
Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) thông báo lỗ hơn 47 tỷ đồng trong quý IV/2014
Thông tin DongABank thua lỗ và có nợ quá hạn tăng mạnh khiến nhiều NĐT nghi ngờ về kế hoạch niêm yết cổ phiếu vốn đã khó với giờ lại càng xa vời hơn. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 17% cũng như chương trình tìm kiếm đối tác chiến lược có lẽ cũng khó có thể thực hiện được trong năm nay.
HĐQT Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) vừa thống nhất kế hoạch sản xuất kinh doanh quý IV/2014 với khả năng lỗ hơn 47 tỷ đồng, kéo theo cả năm có thể lỗ 190 tỷ đồng và đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do lỗ 3 năm liên tiếp. Trước đó, trong quý III, VST đã lỗ quý thứ 11 liên tiếp với mức lỗ gần 50 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế 9 tháng 2014 lên trên 110 tỷ đồng.
CTCP Thế giới số Trần Anh (TAG) - một DN lớn trong lĩnh vực bán lẻ điện máy - cũng bất ngờ ghi nhận lỗ 8,4 tỷ đồng, thấp hơn chút ít so với khoản lỗ cùng kỳ năm trước. CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM) - một DN lớn trên sàn chứng khoán cũng báo lỗ quý III do nguồn thu từ các khoản đầu tư vào các công ty khác giảm, không đủ trang trải các khoản chi phí.
Khá nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS, chứng khoán, xây dựng tiếp tục thua lỗ như: NLG, BCE, VPH, DVSC, Agriseco, DCT...
CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) thậm chí còn chứng kiến doanh thu thuần giảm hơn 45%, tồn kho 2.600 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lỗ 8,6 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận 100 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.
Một số DN khai thác khoáng sản cũng thua lỗ như Than Cao Sơn (TCS) quý III lỗ khủng hơn 155 tỷ đồng; SQC lỗ 78 tỷ đồng.
Giới đầu tư nghi ngại
Từ đầu năm tới nay, hàng loạt các số liệu cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô đã tốt lên. Tăng trưởng GDP quý III ở mức trên 6%, lạm phát cả nước tăng 2,36% sau 10 tháng... cho thấy một bức tranh khá tích cực.
doanh-nghiệp, cổ-phiếu, chứng-khoán, niêm-yết, thua-lỗ, nợ-nần, nợ-xấu, VN-Index, ngân-hàng, tái-cấu-trúc, Đông Á Bank
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, đời sống kinh doanh èo uột của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp cho thấy công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế vẫn còn một chặng đường dài trước mặt.
Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên tới 13% ở DongABank hay gần 1.200 tỷ có khả năng mất vốn tại Southern Bank hay tỷ lệ nợ xấu chung của cả hệ thống ngân hàng tới cuối quý III là 3,88%... cho thấy nhiều DN vẫn đang vật lộn trong vòng luẩn quẩn nợ nần.
Tính tới cuối tháng 9, DongABank vẫn tăng trưởng tín dụng âm. Tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng cũng chưa được 8% so với cuối 2013 cho dù NHNN đã đưa ra khá nhiều giải pháp.
Trong trường hợp VST, doanh nghiệp này đã lỗ 11 quý liên tiếp và cũng giống như rất nhiều doanh nghiệp trong ngành vận tải biển khác như VOS, VSG, VIP, DDM... chỉ còn biết trông chờ vào việc bán tàu để có lợi nhuận. Điểm yếu cố hữu của các doanh nghiệp này là nợ quá lớn, thường gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, trong khi ngành vận tải gặp khó khăn kéo dài.
“Đại gia” Trần Anh hoạt động trong lĩnh vực khá sôi động gần đây là bán lẻ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh trong lĩnh vực điện máy - điện thoại di động cũng vô cùng khốc liệt. Cuộc quyết đầu giành tốp đầu để khỏi bị bật bãi ra khỏi thị trường khiến các doanh nghiệp khó lòng có lãi.
Các doanh nghiệp BĐS tiếp tục khó khăn khi mà thị trường địa ốc chưa có tín hiệu hồi phục. Giao dịch trầm lắng khiến các doanh nghiệp có doanh thu thấp, chi phí trong khi đó cao do tồn kho không vơi đi nhiều.
TTCK chứng kiến một vài đợt khởi sắc từ đầu năm tới nay. Các con sóng này đã giúp nhiều CTCK thoát lỗ lũy kế. Tuy nhiên, giao dịch chung trên thị trường vẫn ở mức thấp khiến gần một nửa số lượng các CTCK vẫn đang trong tình trạng khó khăn, cần tiếp tục tái cấu trúc.
Với giới đầu tư, những kết quả không thực sự như mong đợi từ các doanh nghiệp niêm yết nói chung đã khiến áp lực chốt lời tăng mạnh mỗi khi VN-Index vượt qua ngưỡng cản kỹ thuật và tâm lý 600 điểm. VN-Index tăng điểm chủ yếu nhờ khoảng 5-7 cổ phiếu quy mô vốn hóa khủng trên thị trường.
Tuy nhiên, những nỗ lực này không thể khỏa lấp được sự yếu kém của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp ở quy mô lớn khác. Thị trường đang chờ đợi những tín hiệu tích cực từ chính các doanh nghiệp niêm yết trong năm “hội nhập” 2015.
Mạnh Hà

Việt Nam đã tiêu hết tiền của 6 năm tới?

ĐBQH: Nợ công tăng nhanh...

Chưa kỳ họp nào các ĐBQH nhận được nhiều báo cáo, báo cáo chi tiết về tình hình nợ công từ Chính phủ như kỳ họp này. Nhưng báo cáo càng đầy đủ thì ĐB lại càng “không yên tâm” về tình hình nợ công.
Dù trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội chiều 30/10 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có phát biểu giải trình về tình hình nợ công và trấn an các ĐBQH “nợ công an toàn”, nhưng mối lo ngại nợ công tiếp tục được các ĐB nêu lên trong phiên thảo luận sáng 31/10.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng đặt câu hỏi trước nỗi lo nợ công đang tăng nhanh. Theo ông, dường như chúng ta đã tiêu tiền nhiều hơn thu. Bằng chứng là kế hoạch 5 năm nhìn lại thì có tới 11 chỉ tiêu về tiêu tiền thì đạt, nhưng tổng chỉ tiêu sản xuất làm ra tiền lại không đạt.
“Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cứ đưa ra chỉ tiêu để tiêu tiền để đảm bảo thứ khác thì có đảm bảo được tiền thu cho ngân sách Nhà nước hay làm cho nợ công tăng lên, phát hành trái phiếu tăng lên”- ĐB Kiên nói.
ĐBQH Nguyễn Đức Kiên (tỉnh Sóc Trăng): Chúng ta đã tiêu hết tiền của 6 năm tới?
Ảnh: TTBC
Càng không thể không lo khi 98% nợ công đầu tư cho phát triển, nhưng dễ dàng nhận thấy dư nợ công trong năm qua tăng nhanh về số tuyệt đối không có dấu hiệu giảm đi. Nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn thu không tăng. Thực tế trả nợ chỉ chiếm 14% trong tổng số 25% GDP khoản chi cho trả nợ, còn lại là đảo nợ. Kể từ năm 2011 Việt Nam đã bắt đầu phát hành trái phiếu Chính phủ để đảo nợ.
Trong chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia của Chính phủ, tới năm 2020 tỷ lệ nợ công là 65% GDP tới năm 2020, chứ ko phải 2015 đã đạt 64% tỷ lệ.  “Như vậy có phải chúng ta tiêu hết tiền của 6 năm về sau không?”- ĐB Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi.
Mở đầu bài phát biểu của mình, ĐB Nguyễn Anh Sơn bày tỏ sự lo lắng thực sự trước tình hình nợ công đang tăng nhanh và cao hiện nay. ĐB Sơn cho biết, chưa kỳ họp nào ông nhận được nhiều báo cáo về nợ công như kỳ họp này. Nhưng càng nhận được nhiều báo cáo, báo cáo càng chi tiết thì ĐB lại càng “không yên tâm” về nợ công.
“Ngành nào, địa phương nào, công trình nào cũng cần tiền, muốn thêm tiền... thì tới lúc đó nợ công còn căng thẳng tới mức nào” – ĐB Sơn đánh giá.
ĐB Sơn nhấn mạnh, không phải con số nợ công bao nhiêu, tỷ lệ cao thế nào mà cốt lõi là đã sử dụng vốn đó hiệu quả, tiết kiệm hay không.
“Chúng ta đừng để người dân, cử tri kêu ca về chuyện hàng ngày thấy vốn vay, vốn huy động được sử dụng thất thoát, lãng phí”- ĐB tỉnh Nam Định bày tỏ.
Đồng tình với 6 giải pháp đảm bảo an toàn nợ công, nhưng ĐB Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) nhấn mạnh, tình trạng lãng phí, tham nhũng vẫn tồn tại, nhức nhối. Do đó, cần thiết phải rà soát phân tích yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, khả năng thu, cân đối chi để có chiến lược rõ ràng về nợ công.
Về trách nhiệm, ĐB Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh, ngoài phần trách nhiệm của các bộ, ngành, Chính phủ thì cũng có phần trách nhiệm của các ĐBQH – những người đã bấm nút thông qua Luật quản lý nợ công và giờ phải sửa đổi.
“Vấn đề nợ công không còn là vấn đề riêng của Chính phủ, mà là vấn đề của cả Quốc hội, cả xã hội, đất nước” – ĐB Sơn nói.
Nguyễn Hoài

Không nước nào địa giới hành chính chia cắt như VN!


“Bàn đi bàn lại, tôi rất buồn. Sáng nay báo cáo với Chủ Tịch nước, mất bao nhiêu tiền của, thậm chí mất cả đoàn kết, không nhìn mặt nhau chỉ vì có khu vực hay không có khu vực..."
Bộ trưởng Hà Hùng Cường: Không đất nước nào địa giới hành chính lại chia cắt như Việt Nam
(Ảnh: Nguyễn Dũng)
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường chia sẻ tâm trạng khi đề cập đến Luật tổ chức chính quyền địa phương chiều 7/11.
Theo ghi nhận của phóng viên, khi thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương, nhiều ý kiến đều đồng tình với việc tiếp tục duy trì mô hình HĐND các cấp như hiện nay, song Bộ trưởng Hà Hùng Cường lại có cách nhìn khác với một thông điệp: Không đất nước nào địa giới hành chính lại chia cắt như Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, sinh ra chính quyền địa phương để có thể tự lo những việc trung ương phân cấp. Hiến pháp hiện đã mở, mỗi địa bàn có thể tự chủ, tự chịu tách nhiệm trong một số lĩnh vực, có sự ganh đua, cạnh tranh, tạo ra động lực, nét mới đột phá trong phát triển...
“Cần phải tổ chức HĐND 3 cấp tỉnh, huyện, xã, có Chủ tịch, Phó chủ tịch và số lượng đại biểu. Bên cạnh đó cần phải có tiêu chí, căn cứ để đưa ra số lượng đại biểu. Tôi đề nghị số đại biểu sẽ dựa trên cơ sở số dân, vì có xã rộng, ít dân thì đại biểu đông không cần thiết. Còn chức năng, nhiệm vụ thì tùy từng địa bàn cụ thể để có quy định khác nhau, do HĐND tỉnh, thành đó quy định” – Đại biểu Nguyễn Đức Chung.
“Tôi đến nhiều nước cộng hoà, đến phòng của ông thị trưởng, nhìn thấy đồng tiền lưu niệm trên tường. Hỏi ra mới biết đó là tiền của thành phố. Tiền trung ương vẫn tiêu bình thường, nhưng nếu mua bằng tiền đó thì được giảm 10% ở thành phố. Người ta được tự quản đến như thế. Các địa phương được tự quản, có sự khác biệt, có sắc thái riêng” – Bộ trưởng Cường nêu ví dụ để nhấn mạnh đến vai trò tự quản của chính quyền địa phương.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Cường, ở Việt Nam ngay như cán bộ hộ tịch lại là người của xã, ông chủ tịch nói gì phải nghe nấy. Trong khi ở các nước cán bộ hộ tịch là của quốc gia, nên cán bộ hộ tịch phải bổ nhiệm từ trên xuống, ăn lương quốc gia, chịu trách nhiệm trước quốc gia.
“Việc này tôi đã báo cáo mãi mà Ủy ban pháp luật không chịu nên thôi. Cái gì thuộc trung ương thì trung ương phải lo, còn vấn đề gì của địa phương thì địa phương phải lo. Lúc đấy sự tồn tại của cơ quan dân cử vô cùng quan trọng. Anh giám sát việc tự chủ, chính quyền điều hành có đúng quyền tự chủ, đúng nguyện vọng của dân hay không? Lúc đó chúng ta mới xem cần phải làm như thế nào”.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng không giấu nổi “xót xa” khi địa giới hành chính bị chia cắt: “Dân số của chúng ta 90 triệu dân, nhưng lãnh thổ của chúng ta quá hẹp, lại chia ra tận 63 tỉnh, thành phố, rồi hiện nhiều tỉnh còn muốn tách ra. 500 pháo đài, giờ tới hơn 700 pháo đài, thêm gần một nửa cấp huyện như vậy. Ngày xưa chỉ có 9.000 cấp xã, nay đã lên tận 12.000.
“Chính quyền đô thị có cần không? Quan hệ trung ương với chính quyền này như thế nào, nếu không cẩn thận sẽ thành lãnh địa riêng. Tôi đề nghị cần quy định rõ Chính quyền trung ương và đô thị, nếu không sau này sẽ gây ra rất nhiều phiền phức. Chính quyền địa phương mạnh, đô thị mạnh thì đất nước sẽ mạnh lên thôi” – Đại biểu Bùi Thị An.
Chúng ta cứ chia ra, những năm vừa qua các tỉnh có phát triển, nhưng chỉ phát triển bề rộng, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ từ trung ương, tự lực rất yếu. Chiều sâu thì hệ lụy rất lớn. Không có đất nước nào mà địa giới hành chính lại chia cắt như Việt Nam. Trung Quốc rộng lớn như vậy với 1,3 tỷ dân mà chỉ có 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Còn ta tới 63 tỉnh, thành rồi còn đòi chia thêm, đi ngược lại với xu thế phát triển” – Bộ trưởng Cường nêu.
Bộ trưởng Tư pháp cho rằng, phải có triết lý thôi thúc đổi mới thì lúc đó chúng ta mới mạnh dạn được. Ông Hà Hùng Cường bày tỏ: “Bàn đi bàn lại, tôi rất buồn. Sáng nay báo cáo với Chủ Tịch nước, mất bao nhiêu tiền của, thậm chí mất cả đoàn kết, không nhìn mặt nhau vì có khu vực hay không có khu vực. Giờ đùng một cái không còn khu vực gì nữa, giống như hội đồng giờ đùng cái bảo không thí điểm gì nữa, thất bại…”.
Theo Bộ trưởng Cường nếu cứ nói chung chung thì không ổn. Ông dẫn dụ như thời điểm Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội: “Có người nói với tôi nếu hỏi dân thì dân đồng tình, còn hỏi cán bộ thì không, vì họ mất chỗ”. Ông Cường đề nghị phải biết nhìn vào cái chung, phải đảm bảo bộ máy hành chính thông suốt, chứ không có chuyện hành chính bị cắt rời.
Nguyễn Dũng

Đại tướng quân hai lúa Trần Quốc Hải kể chuyện chế tạo xe bọc thép

Đăng Bởi  - 

Hai cha con ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh) bên chiếc xe bọc thép mới chế tạo
Hai cha con ông Trần Quốc Hải (nông dân chế tạo máy bay ở Tân Châu, Tây Ninh) bên chiếc xe bọc thép mới chế tạo

Ông Trần Quốc Hải, nông dân ở huyện Tân Châu, Tây Ninh vừa được Quốc vương Campuchia trao tặng Huân chương Đại tướng quân vì thành công trong việc chế tạo xe bọc thép tại nước bạn. Chuyện làm xe học thép ông kể không khác gì canh bạc.

>>Hai nông dân Việt được Campuchia trao huân chương Đại tướng quân
Làm được thì có tiền, không làm được bỏ tiền túi ra đền. Ông nông dân gan góc dám làm. Xe bọc thép vận hành thành công, ông thành...Đại tướng quân hai lúa. 
Ông Trần Quốc Hải không phải người xa lạ. Ông chính là “Hai Lúa” Tây Ninh từng nổi đình, nổi đám trên khắp cả nước khi tự chế trực thăng từ năm 2006. 
Tuy nhiên, trước đó ông cũng đã nổi tiếng với một loạt phát minh máy móc. Là một nông dân rặt nhưng số sáng chế của ông Hải nhiều đến mức khó thống kê hết. 
Đánh cược với xe bọc thép
Có thể kể những phát minh của ông Hải như chế tạo như rơ moóc tự hành (có cả láp, thắng hơi, ben), giàn cày cải tiến (tăng công suất cao gần gấp đôi so với giàn cày cũ nhưng tiết kiệm được 1/3 nhiên liệu); máy bơm xác mì từ hầm chứa lên xe tải, máy thổi lá cao su, máy bón phân tự động, máy thu hoạch mủ cao su... và gần đây nhất là máy trồng mì (sắn) tự động.
Danh tiếng của ông Hải vang danh. Sản phẩm máy móc của ông được nước bạn đặt hàng. Ông Hải xuất ngoại nhiều lần để chuyển giao công nghệ. 
Trong một lần chuyển giao kỹ thuật máy trồng mì tại Lữ đoàn 70, ông phát hiện rất nhiều xe bọc thép xếp xó, không sử dụng được. “Mình nói cho mình thời gian nghiên cứu, bảo đảm sửa chữa được. Nhiều người trố mắt nhìn mình”-ông Hải kể. 
Tất cả mọi người đều không tin vì dù ông có tiếng phát minh máy móc nông nghiệp nhưng chắc chắn không biết gì về một loại xe quân sự vô cùng phức tạp. Mặt khác, họ cho biết trước ông từng có rất nhiều chuyên gia, kỹ sư của Nga, Ukraina, Việt Nam đã đến sửa chữa. Xe sửa xong vận hành tốt nhưng chuyên gia quay lưng đi thì lập tức hỏng, lại phải đẩy bằng tay vào xếp xó.
“Tui nghe tức quá. Quyết tâm làm cho bằng được. Vì họ ngờ vực nên tui quyết bỏ tiền túi ra làm cho họ thấy”-ông Hải hào hứng kể. 
Chuyện ông nông dân đòi móc tiền túi sửa xe bọc thép gây chấn động, đến tai Tư lệnh Lữ đoàn. Tư lệnh cũng bối rối phải gọi lên Tổng tư lệnh quân đội xin ý kiến chỉ đạo. Cả lữ đoàn hồi hộp chờ. “Mình cũng thót tim chứ. Nhưng lúc đó mình đã tin là sẽ làm được”.
Sửa xong, chế tạo luôn xe bọc thép
Rất nhanh chóng, khẩu lệnh đồng ý truyền xuống. Không chần chừ, sẵn tiền bán máy móc, ông tự bỏ tiền túi tổng cộng 25.000 USD để sửa xe bọc thép BRDM 2 (do Liên Xô cũ sản xuất)...
“Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được”- Đại tướng quân hai lúa khiêm tốn nói.
Chỉ trong thời gian ngắn, chiếc xe đã có thể vận hành với 25 lít dầu diesel/100 km so với trước đây là 45 lít. Tác xạ nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn so với trước, vòng xoay súng có thể bắn ở cự ly gần hơn so với 150 m của xe cũ, tháp pháo tự động.
 “Thực chất là động cơ quá nặng nên tốn nhiên liệu và khó vận hành. Mình phải cải tiến các chi tiết động cơ cho phù hợp là được”-ông nói.
Chiếc xe bọc thép xếp xó bỗng dưng vận hành ngon trớn. Ông Hải được lữ đoàn 70 giao sửa chữa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác. Rất nhanh chóng, với những cải tiến của mình, những chiếc xe tưởng đã thành sắt vụn bỗng hồi sinh, gầm rú trong niềm hân hoan. 
Quốc vương Campuchia ngay sau đó cấp giấy chứng nhận cho ông Hải và con trai ông, anh Trần Quốc Thanh, là nhà kỹ thuật sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 và BTR60PB.
“Sửa chữa được rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa yên tâm. Thực chất loại xe bọc thép này không phù hợp với điều kiện nước bạn. Chúng tôi lập tức nghĩ đến việc chế tạo xe bọc thép hoàn toàn mới”-ông Hải kể tiếp. 
Cả một lữ đoàn lại mắt tròn mắt dẹt, nghi ngờ ông nói liều. Ông cười xòa kể, vẫn dùng “chiêu” cũ để thuyết phục: Ông tự bỏ tiền chế tạo. Thành công thì phía bạn phải trả cả công lẫn vốn, thất bại ông chịu toàn bộ chi phí.
Lại có cái gật đầu của thượng cấp, cha con ông bắt tay vào làm. Ông cho biết, khác biệt lớn nhất của xe bọc thép BRDM 2 cũ là chỉ phù hợp với môi trường bằng phẳng, khó vận hành ở địa hình dốc, núi đèo. Đó là chìa khóa giải quyết vấn đề. 
Ròng rã 4 tháng trời tự tìm kiếm cũng như mua sắm trang bị cho chiếc xe mới. Ba tháng nghiên cứu và một tháng chế tạo, cha con ông đã hoàn thành chiếc xe bọc thép với tính năng mới hoàn toàn.
Chiếc xe bọc thép “Made by ông Hải” mới với vòng quay tay súng có thể bắn ở khoảng cách 7m (so với xe cũ là 150m), tháp pháo tự động và hỗ trợ quay tay, trang bị thêm hỏa lực hai bên xe...vận hành trơn tru trong sự ngưỡng mộ của toàn lữ đoàn. 

Xe bọc thép mới do cha con ông Hải chế tạo - Ảnh:TTO
Thông tin ngày càng lan rộng và trở thành một sự kiện được chú ý. Không chỉ lấy được cả vốn lẫn lãi từ “phi vụ” liều đầu tư chế tạo. Cha con ông Hải còn được trao tặng Huân chương đầy tự hào. 
“Mình may mắn được người ta tạo điều kiện thôi. Tài giỏi mấy mà người ta không lắng nghe, không tin tưởng thì cũng không thể thành công được”- Đại tướng quân hai lúa khiêm tốn nói.
Kiến Giang
(Còn tiếp) 

Xoay trục tránh TQ: Nhật Bản đổ vốn vào VN


(Tài chính) - Đầu tư của Nhật vào các nước Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên mức 2.300 tỉ yen, tương đương khoảng 24 tỉ đô la Mỹ.
Việt Nam được coi là một trong vài điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư đang “xoay trục” của Nhật Bản.
 Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yokowo Vietnam 
(vốn đầu tư của Nhật Bản) ở khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Yokowo Vietnam (vốn đầu tư của Nhật Bản) ở khu công nghiệp Đồng Văn II, Hà Nam
Theo ghi nhận của báo The Economist, đầu tư của Nhật vào các nước Đông Nam Á đã tăng gấp đôi trong năm qua, lên mức 2.300 tỉ yen, tương đương khoảng 24 tỉ đô la Mỹ.
Có thể kể tới các dự án tiêu biểu như Softbank - tập đoàn viễn thông lớn nhất Nhật Bản, đầu tư 100 triệu đô la vào Tokopedia, một doanh nghiệp thương mại điện tử của Indonesia; tập đoàn Toshiba cam kết đầu tư 1 tỉ đô la Mỹ vào Đông Nam Á trong năm năm tới, Ngân hàng Mitsubishi UFJ lớn nhất Nhật Bản bỏ ra 536 tỉ yen mua 72% cổ phần của Ngân hàng Ayudhya Thái Lan...
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng đây là dấu hiệu của chiến lược “xoay trục” trong dòng vốn đầu tư của Nhật.
Trước đó từ thập niên 1980-1990, Nhật đã đầu tư mạnh vào Thái Lan, Malaysia và Singapore, giúp hình thành những trung tâm công nghiệp xe hơi-xe máy và điện tử ở các nước này.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, cùng với việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cuối năm 2001 đã làm chuyển hướng dòng vốn đầu tư của Nhật: các nhà đầu tư Nhật đổ xô sang Trung Quốc để khai thác nhân công giá rẻ, sản xuất hàng hóa cung cấp cho thị trường thế giới.
Bây giờ, Đông Nam Á lại trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư Nhật, một phần vì giá nhân công ở Trung Quốc tăng nhanh và không còn rẻ nữa, một phần vì căng thẳng chính trị giữa hai quốc gia Nhật-Trung liên tục bùng phát từ năm 2012 đến nay.
Đầu tư của Nhật vào Trung Quốc giảm khoảng 40% trong năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2014, đầu tư của Nhật vào Trung Quốc chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm 2013, trong khi đầu tư của Trung Quốc vào Nhật cũng giảm 23,5%.
Về phần các công ty Nhật, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư sang Đông Nam Á mang lại cho họ những cơ hội hết sức lớn lao. Đông Nam Á - với thị trường khoảng 635 triệu người, tổng GDP hơn 2.400 tỉ đô la Mỹ năm 2014, tăng trưởng GDP bình quân hàng năm khoảng 6% - là điểm đến “thay thế” hết sức tốt cho thị trường Trung Quốc.
Làn sóng đầu tư ra nước ngoài hiện nay của Nhật, do các tổ chức tài chính dẫn đầu, có phần do người Nhật không tìm thấy cơ hội ở thị trường trong nước, do né tránh rủi ro của thị trường Trung Quốc nhưng phần khác do họ đang có trong tay khoản tiền mặt khổng lồ, lên tới 229.000 tỉ yen, tích lũy được nhờ chính sách kích thích kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Đối với Việt Nam, theo Cục đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 3/2014, các nhà đầu tư Nhật Bản có 2237 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 35,38 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.
Quy mô vốn bình quân 1 dự án của Nhật Bản là 15,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức bình quân chung 1 dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (là 14,58 triệu USD/dự án).
Đến nay, Nhật Bản đã đầu tư vào 18 trên tổng số 21 ngành kinh tế theo hệ thống phân ngành của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đứng thứ nhất với 1213 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 29,82 tỷ USD (chiếm 54,2% tổng số dự án và chiếm 84,3% tổng vốn đầu tư).
Tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 30 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 4% tổng vốn đầu tư). Lĩnh vực xây dựng có 54 dự án số vốn đầu tư đăng ký là 1,05 tỷ USD (chiếm 3% tổng vốn đầu tư). Còn lại là các lĩnh vực khác.
Phương Nguyên (Tổng hợp)

Rà dự án 'cắt' chục ngàn tỷ:Vì ai xin được thì... xin?

(Tin tức thời sự) - Bộ nào cũng có thể tiết kiệm cho ngân sách, tuy nhiên không phải ai cũng muốn làm có thể do yếu tố lợi ích.

Từ câu chuyện Bộ GTVT chỉ "phẩy tay" rà soát qua 78 dự án đã tiết kiệm được cho ngân sách 35 ngàn tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là nếu bộ nào cũng rà soát như Bộ GTVT thì số tiền tiết kiệm được cho ngân sách sẽ là bao nhiêu?.
Ngoài ra, quy trình thiết kế, lập dự toán để lãng phí thì trách nhiệm của người lập dự toán phải được xem xét như thế nào...
Thất thoát chủ yếu ở chủ trương đầu tư
ĐBQH Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) nêu lên một thực tế: "Quy trình lập dự toán luôn có nguy cơ tạo dư địa để lãng phí".
Ông Đức phân tích, theo quy định trước đây quy trình lập dự toán sẽ là địa phương, bộ ngành xây dựng chủ trương và chính phủ quyết ngân sách. Quy trình như vậy nên mới có chuyện mệnh ai người đó chạy, ai chạy được là chạy, xin được thì xin. Xin dự án càng to, càng được nhiều tiền dẫn tới câu chuyện có những dự án quy mô hoành tráng, xây xong không sử dụng hết gây thất thoát, lãng phí.
Trong hai lần giám sát của UBKT của Quốc hội đều cho thấy rõ bất cập này. Báo cáo của UBKT cũng chỉ rõ thất thoát, lãng phí được phát hiện chủ yếu nằm ngay từ khâu xin chủ trương đầu tư, đó là nguyên nhân phát sinh những hội chứng như xây dựng cảng biển, khu công nghiệp vào những năm 1996-1997. Hệ lụy của nó là nợ đọng địa phương tăng cao. Vấn đề này cũng đã được Quốc hội phải hai lần đưa ra nghị quyết.
Hành động rà soát lại các dự án của Bộ trưởng Bộ GTVT trong bối cảnh thắt lưng buộc bụng như hiện nay là cần thiết, tuy nhiên đó chỉ cách khắc phục những bất cập, thiếu chặt chẽ trước đây.
Với các dự án của ngành giao thông thường là những dự án lớn do đó, khi rà soát, cắt giảm phải phân định rõ là do giảm thiết kế hay do những sai phạm khác. Có thể trước đây xin chủ trương là tính tới yếu tố phù hợp với phát triển của địa phương về lâu dài, nhưng hiện nay trong bối cảnh phải tiết giảm chi tiêu việc điều chỉnh cũng là hợp lý.
Ví dụ, một con đường chạy với tốc độ 120km/h, nay điều chỉnh còn 100km/h, như vậy nguyên vật liệu cũng sẽ được điều chỉnh giảm theo.
Ông Đức cũng cho biết, ngoài rà soát quy mô, điều chỉnh thiết kế, báo cáo thẩm tra của UBKT cũng có đề cập tới một số sai phạm liên quan tới kỹ thuật, quản lý. Cụ thể không được vị đại biểu này tiết lộ, song ông cho biết hàng năm kiểm toán, thanh tra nhà nước cũng đã thực hiện thanh tra từng dự án, nhiều vi phạm đã được quy rõ trách nhiệm cụ thể.
Thực tế, ngay từ khâu xin chủ trương, xây dựng dự toán, quyết định vốn của một dự án đều phải được thông qua người đứng đầu các bộ ngành, địa phương nhưng chỉ đến khi rà soát lại mới phát hiện chủ trương gây lãng phí, thất thoát. Như vậy chẳng khác nào phê duyệt dự án để lãng phí rồi lại đi rà soát để tiết kiệm! Vấn đề này, đại biểu Nguyễn Hữu Đức cho rằng: "Có làm cũng còn tốt hơn không".
Theo đó, vị đại biểu này đề nghị các bộ ngành, địa phương nên có phong trào rà soát lại toàn bộ các dự án nhưng phải làm rất khoa học nếu không việc cắt giảm sẽ trở thành duy ý chí dẫn tới hệ lụy khôn lường.
Siêu dự án ngàn tỉ bị cho là lãng phí
Siêu dự án ngàn tỉ bị cho là lãng phí
Thứ nhất, nó có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo về chất lượng. Thứ hai, là cắt giảm như vậy có đảm bảo không còn tình trạng đội vốn?
Ông Đức cho rằng, không nên cứ chạy theo thành tích để ghi dấu ấn mà phải có sự cân nhắc tổng thể, xem xét thận trọng.
Khó làm vì lợi ích nhóm
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng vấn đề này đã động chạm trực tiếp tới căn bệnh nan y trong đầu tư công hiện nay.
Ông Nghĩa phân tích, quy định về đầu tư công hiện đang thể hiện sự thiếu chặt chẽ ngay từ các khâu lập dự án, xây dựng dự toán, thẩm định, thiết kế cho tới quá trình thi công... Vấn đề này có nhiều nguyên nhân:
Thứ nhất, do luật pháp chưa hoàn thiện dẫn tới quy định chi tiết cũng còn nhiều bất cập, kẽ hở trong khi nhu cầu, vốn đầu tư công lại tăng lên rất nhanh.
Thứ hai, là do tập quán, thói quen nể nang, tâm lý tài sản công thì không cần tiết kiệm. Vấn đề này liên quan trực tiếp tới vấn đề lợi ích mà ở đây chính là lợi ích cá nhân nên mới có chuyện "xin càng nhiều càng tốt".
Thứ ba, là nạn tham nhũng đầu tư công. Ví dụ một tập đoàn kinh tế tư nhân khi xây dựng dự án họ sẽ phải có tính toán, tiết kiệm rất chặt chẽ. Tuy nhiên, với những dự án đầu tư công thì ngay từ khâu duyệt chủ trương, xin dự án đã không chặt chẽ, qua loa. Nhiều dự án chưa định hình đã xin chủ trương hay tình trạng chỉ nghe báo cáo đã duyệt dự án. Tức là ngay khâu xin chủ trương đã có tham nhũng, tiêu cực.
Tới khâu tiền khả thi, đo dạc, thẩm định cũng lại có tình trạng thiếu chặt chẽ, nể nang, xin cho dẫn tới khâu phê duyệt dự án, xin cấp vỗn cũng được xem xét phiên phiến để được duyệt.
Từ những yếu tố đó, nên mới có câu chuyện nhiều dự án đang thi công giữa chừng thì thiếu vốn, bỏ không được, xin là cho. Một dự án nhiều người đã nói bị đội vốn gần 200 lần là vì thế.
Như vậy, rõ ràng ở đây phải nhìn nhận trách nhiệm ngay từ khâu phê duyệt chủ trương, xây dựng dự án tới khâu thiết kế, thẩm định, cấp vốn... nếu chặt chẽ ngay từ khâu đầu sẽ không xảy ra tình trạng lãng phí trong đầu tư công khủng khiếp như hiện nay. Tức là sự yếu kém này là do nhân tố con người, do người lãnh đạo không có năng lực, trình độ quản lý kém.
Riêng với câu chuyện tiết kiệm của Bộ GTVT, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh ông không có báo cáo cụ thể về dự án, số tiền Bộ GTVT đã tiết kiệm được nên ông không khen hay chê. Ông Nghĩa đặc biệt nhấn mạnh, "tôi không ca ngợi bộ GTVT" vì ông cho rằng đó là trách nhiệm phải làm của người tư lệnh ngành.
Nhưng đứng trên phương diện tích cực, nếu thông tin đó là chính xác ông cho rằng Quốc hội cần phải hoan nghênh, biểu dương tinh thần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ GTVT.
Điều đáng nói tình trạng đầu tư công lãng phí không chỉ xảy ra với riêng Bộ GTVT mà nó đang xảy ra ở hầu hết các dự án của các bộ ngành, địa phương. Các dự án giao thông thường có vốn lớn nên rà soát sẽ tiết kiệm được số tiền lớn hơn nhưng trong bối cảnh nợ công của VN đang tăng, chúng ta phải đi vay về để đầu tư và trả nợ nếu bộ nào cũng học tập tinh thần của Bộ GTVT, cũng rà soát lại chắc chắn sẽ tiết kiệm được cho ngân sách rất nhiều.
Song điều đại biểu này băn khoăn là rà soát, tiết kiệm rồi còn trách nhiệm sẽ xử lý ra sao?
"Rà soát, tiết kiệm được rồi thì cũng cần phải đặt thẳng vấn đề xử lý trách nhiệm đối với người lập dự toán để gây lãng phí như vậy, trong đó, có cả trách nhiệm thiếu sâu sát của người đứng đầu. Không nên rà soát rồi cho qua", đại biểu Nghĩa kiến nghị.
  • Lam Lam