Trang

27 tháng 3, 2014

IMF tung gói viện trợ 18 tỷ USD cho Ukraine


Gói giải cứu của IMF sẽ giúp Ukraine thoát khỏi bờ vực phá sản cấp quốc gia đang cận kề...

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa tuyên bố một thỏa thuận giải cứu với Ukraine, trong đó tổ chức này sẽ tung cho Kiev một gói viện trợ trị giá 14-18 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế. 


Hãng tin CNBC dẫn lời ông Nikolay Gueorguiev, trưởng phái đoàn IMF, nói rằng, gói giải cứu trên sẽ tương tự như gói cứu trợ mà IMF đã từng dành cho Iceland và Hy Lạp trong cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. 

Gói giải cứu của IMF sẽ giúp Ukraine thoát khỏi bờ vực phá sản cấp quốc gia đang cận kề. Tuy nhiên, kế hoạch này cũng đi kèm những điều kiện rất khắt khe. Trong đó, các chủ nợ của Ukraine sẽ chịu mất một phần khoản vay của mình. Ngoài ra, IMF sẽ áp dụng các biện pháp cải cách để đưa Ukraine trở lại với ổn định tài chính.

Cuộc đàm phán cứu trợ giữa Chính phủ tạm quyền của Ukraine với IMF đã kéo dài suốt nhiều tuần qua do các bên liên quan không nhất trí được về các điều khoản của thỏa thuận. Trong khi đó, nền kinh tế của Ukraine ngày một suy sụp. 

“Những mất cân đối về kinh tế vĩ mô của Ukraine đã trở nên mất bền vững trong vòng 1 năm trở lại đây”, ông Gueorguiev nói. Theo vị trưởng phái đoàn IMF, bất ổn tỷ giá đã đẩy thâm hụt cán cân vãng lai của Ukraine vượt ngưỡng 9% GDP. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh yếu kém cũng khiến tăng trưởng xuất khẩu và GDP của nước này đình trệ.

Với gói cứu trợ này, IMF yêu cầu Ukraine phải tăng giá bán khí đốt cho các hộ gia đình. Trước đây, khí đốt được Chính phủ Ukraine trợ giá mạnh tay. Tuy nhiên, việc tăng giá bán khí đốt sẽ đi kèm với “chế độ phúc lợi xã hội được cải thiện”. Ngoài ra, theo IMF, Ukraine cũng phải thực thi các cải cách tăng cường quản trị, tăng cường tính minh bạch, và cải thiện môi trường kinh doanh.

Một trong những vấn đề lớn của Ukraine là nạn tham nhũng tràn lan trong cả lĩnh vực chính trị lẫn kinh doanh. Một khi IMF bơm tiền cứu trợ, tập đoàn khí đốt quốc doanh Naftogaz Ukrainy của Ukraine sẽ trở thành một tâm điểm của cuộc chiến chống tham nhũng. Nước này cũng sẽ có một đạo luật chống tham nhũng mới áp dụng đối với các hợp đồng của chính phủ.

Thỏa thuận đạt được với IMF có thể giúp cho lực lượng thân phương Tây ở Ukraine trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 5 tới. Tuy nhiên, IMF không muốn bị xem là đứng về bất kỳ bên nào ở Ukraine, bởi đã có những nghi vấn về tham nhũng nhằm vào hầu hết các chính trị gia Ukraine từng làm việc trong chính phủ.

Một số nhà phân tích cho rằng, Ukraine có thể cần tới số tiền lớn hơn nhiều so với mức viện trợ mà Ukraine cam kết. Riêng tập đoàn Naftogaz của Nga đang bị thâm thủng ngân quỹ một khoản lên tới 7 tỷ USD. Hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Ukraine đưa ra con số về số tiền mà Chính phủ nước này cần là 15-20 tỷ USD.

Một phần của vấn đề trong việc viện trợ Ukraine là, khoản vay sẽ đẩy tỷ lệ nợ công so với GDP của Ukraine vượt ngưỡng 60% - ngưỡng mà Ukraine phải ngay lập tức trả khoản nợ 3 tỷ USD vay của Nga dưới dạng trái phiếu, theo như thỏa thuận đã ký giữa hai bên, cho dù số nợ này chưa đáo hạn.

Về ảnh hưởng đối với thế giới trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phần nhiều sẽ phụ thuộc vào việc các lệnh trừng phạt mà phương Tây nhằm vào Nga sẽ có tác động lớn như thế nào. Hôm qua (26/3), Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục cảnh báo sẽ áp dụng những lệnh trừng phạt khắc nghiệt hơn nữa lên Moscow.

“Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine có khả năng sẽ giữ căng thẳng địa chính trị ở mức cao trong ngắn hạn, và có thể tạo ra thêm những rủi ro làm suy giảm tăng trưởng kinh tế đối với Nga và các nước láng giềng có quan hệ gần gũi với nước này”, một báo cáo của ngân hàng Citi nhận định. “Tuy nhiên, sự phụ thuộc cao của châu Âu vào dầu thô và khí đốt của Nga, cũng như sự phụ thuộc của Nga vào nguồn thu từ xuất khẩu nhiên liệu sang châu Âu, sẽ khiến cả EU và Nga có lý do để tránh những lệnh trừng phạt thương mại trực diện”.

Theo Diệp Vũ Vneconomy

Chứng khoán 27/3: ai đang cười và ai đang lo?

"Từ ngày dính vào chứng khoán, thấy đời bấp bênh lạ. Hôm trước bán như chạy giặc, hôm sau lại xanh xanh tím tím. Lúc vui nhiều khi lại là lúc thấy có người suy nghĩ trái ngược với mình."

“Vậy là thị trường đã điều chỉnh mạnh, nhẹ cả người!”
Một số nhà đầu tư đã thốt lên như vậy trong ngày hôm qua, khi VN-Index giảm tới 13,8 điểm. Họ đã chần chừ suốt 1 tháng nay. Vào thì sợ vì chỉ số cứ tăng mãi, đứng ngoài thì thấy ngứa ngáy chân tay. Mặc dù nhận định của các chuyên gia phân tích vẫn trái chiều nhưng đối với các nhà đầu tư này, hôm qua là ngày thị trường điều chỉnh mạnh chứ không phải rơi, và đó là điều mà họ chờ đợi.
Ngược lại, trong vòng 30 phút cuối phiên, khi màu đỏ bắt đầu loang rộng ra khắp bảng điện tử thì cũng không ít người mỉm cười vì vừa chốt lời xong, có người lại hốt hoảng đặt lệnh bán và lo sẽ không khớp được.
Ngày hôm nay, VN-Index lấy lại sắc xanh với mức tăng 2,08 điểm tương đương 0,35%. Một phiên chưa đủ nói lên điều gì, nhưng ai đang cười và ai đang lo?
Một nhà đầu tư nữ, chị Phương – mở tài khoản tại Công ty chứng khoán VNDirect có vẻ thận trọng nói: “Người thì bảo điều chỉnh xong rồi, người thì bảo bull trap. Ai không thấy chắc chắn thì bán thôi. Tôi đã đi hết hàng từ phiên hôm qua.”
Cũng ở sàn này, chúng tôi hỏi chuyện anh Dũng – một nhà đầu tư với tài khoản hơn 500 triệu. Anh cho biết đã bán trong phiên giảm điểm hôm qua và hiện giờ chỉ còn giữ 1/3 danh mục với “một con hàng nóng”, còn lại là các mã cơ bản. Anh Dũng đánh giá là thị trường sẽ tiếp tục lên, nhưng anh hy vọng VN-Index điều chỉnh về tầm 570 điểm rồi bật tiếp.
Chị Hương, nhà đầu tư tại sàn của công ty chứng khoán VietinbankSc nhận định như một chuyên gia phân tích: “Về cơ bản, nhà đầu tư hiện nay đều rất nhanh nhạy khi sử dụng các dịch vụ gia tăng như margin. Phiên hôm qua chủ yếu là do họ giảm tỷ trọng margin, chốt lãi đơn thuần. Và bằng chứng là nhiều công ty đã mở trở lại trạng thái margin ngay sau phiên ngày hôm qua.”
Chính vì vậy, chị Hương cho rằng thị trường sẽ giao dịch cân bằng trở lại ở mặt bằng giá này. Nhịp hồi sau 2 phiên điều chỉnh vừa rồi có thể mang lại cho NĐT khoản lợi nhuận 5 - 7% và vùng 600 điểm của VN-Index có thể sẽ kéo dài thời gian tới và tất nhiên dòng tiền vẫn sẽ tiếp tục phân hóa. Chị nói: “tôi vẫn giữ hàng”.
Tại sàn của công ty chứng khoán FPTS, một chuyên viên tư vấn nhận xét, trong một thời gian ngắn thì phiên giao dịch ngày 27/03 hôm nay có nhiều nét tương đồng với phiên giao dịch ngày 4/3/2014 đối với cả 2 chỉ số về mặt biến động, cũng như khối lượng giao dịch. Xét trong thời gian dài hơn, biến động của chỉ số VN-Index từ ngày 30/12/2013 đến nay đang chuyển động tương tự như giai đoạn từ 28/11/2012 đến 22/4/2013. Điều kiện cơ bản cũng tương đồng với việc những yếu tố vĩ mô được cải thiện như hạ lãi suất, thông tin tăng tỷ giá và gói hỗ trợ cho bất động sản. Tuy nhiên năm 2014 với những chính sách vĩ mô nhiều hơn, quyết liệt hơn nên biến động của các chỉ số tăng với độ dốc lớn hơn giai đoạn trước đó.
Theo đó, chuyên viên này cho rằng thị trường sẽ đi lên theo kiểu bậc thang. Nếu ngày mai (28/03), chỉ số tiếp tục tăng cùng với khối lượng giao dịch thì sẽ “tăng luôn”. Ngược lại, nếu phiên ngày mai giảm, chỉ số có thể đi xuống mức 570 điểm. Lúc đó hãy xem xét tiếp.
Bên cạnh những đánh giá có tính “chuyên môn” như trên thì có những nhà đầu tư dường như chơi bằng cảm xúc. 
Chị Liên, khách hàng của chứng khoán Hòa Bình thì bồn chồn: “Hôm qua tôi không bán, nhưng sau đó về suy nghĩ và tham khảo ý kiến của tư vấn, hôm nay tranh thủ lúc nào tăng là tôi bán. Nhưng … bán xong lại thấy muốn mua lại!”
Anh Khánh – khách hàng của chứng khoán KIS rất hứng khởi nói: “Đơn giản là tăng mạnh quá rồi thì giảm sâu. Giảm sâu rồi thì bật lên thôi. Càng xuống tôi càng mua.”
Thông tin hỗ trợ được nhiều người quan tâm hôm nay là tại hội nghị “Doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết 2014”, ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã nói:
“Chúng tôi cũng đã trình Thủ tướng để Thủ tướng đi công tác về có thể chính thức ký ban hành việc mở room (tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) cho các công ty niêm yết. Đây là cơ hội cho sự phát triển của thị trường chứng khoán và là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn và cải thiện tình trạng tài chính”.
“Nới room” tiếp tục trở thành động lực cho thị trường, nhiều người hô “canh để vào lại hàng nới room”. Có người nhận xét nhóm bất động sản và chứng khoán đã nâng đỡ thị trường trong ngày hôm nay và quyết định nhảy vào nhóm này. Những người thận trọng vẫn cứ hàng cơ bản mà chơi.
Dù thế nào, dường như có một điểm chung mà rất nhiều nhà đầu tư hiện nay đang nghĩ, đó là “tiền không vào chứng khoán thì đi đâu được nữa?” Thậm chí, một nhà đầu tư tên Nghị tại sàn của công ty chứng khoán VNS lạc quan cho rằng sự quay lại của dòng tiền đã rút ra trong phiên sụt giảm mạnh vừa rồi sẽ là động lực cho chuỗi tăng điểm tiếp theo.
Nếu không có những suy nghĩ đa dạng và trái chiều, thị trường chứng khoán không thể là thị trường chứng khoán. Thay cho một lời tổng kết, chúng tôi xin dẫn lời anh Giang – nhà đầu tư của VNDirect:
“Từ ngày dính vào chứng khoán, thấy đời bấp bênh lạ. Hôm trước bán như chạy giặc, hôm sau lại xanh xanh tím tím. Lúc nào cũng lo không biết có bị lừa không! Lúc vui nhiều khi lại là lúc thấy có người suy nghĩ trái ngược với mình. Cuộc sống của một nhân viên văn phòng như tôi mà không có chứng khoán, thì buồn tẻ lắm.”
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ

Singapore vượt Việt Nam hơn 100 năm

Singapore vượt Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây

Singapore vượt Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây

Nếu so với một bạn trẻ Việt thì khi qua ngã ba, ngã tư, người thanh niên Singapore kia sẽ chậm hơn khoảng 60 giây. Nhưng đất nước Singapore sẽ vượt qua đất nước Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây, tức 100 năm, nhờ ý thức tôn trọng pháp luật, lòng tự trọng và tính kỷ luật.
Hình như, nếu một lãnh đạo nào dại miệng mà phê bình bà con nhân dân ta công khai thì bà con sẽ ào ào… nổi giận. 
Nhưng tôi gọi là “quyết liệt phê bình bà con nhân dân” giữa ngã ba, ngã tư đường hẳn hoi không sợ bà con nhân dân nổi giận vì tôi cũng là… cháu của bà, con của dân mà.

Chẳng qua chuyện là thế này, không phải một lần, không phải ba lần và không phải mười lần mà là rất, rất nhiều lần, tôi đã chứng kiến hành xử công khai của bà con với chính danh “người tham gia giao thông” ở các ngã tư thành phố nếu không có bóng dáng chàng cảnh sát  đều… vỡ trận, thậm chí vỡ trận… tưng bừng.
 
Đã không ít lần có những người lên tiếng phê phán thành phố chúng ta thành phố văn minh, thành phố hòa bình sao có nhiều cảnh sát thế? 
Trong khi đó, ở các nước trên thế giới nhiều lúc bói không ra ông cảnh sát trên đường. Nói vậy không phải là các nước khác không có lực lượng cảnh sát như ở Việt Nam, hay là họ không dùng cảnh sát để gây “lo sợ” hay “phản cảm” cho người dân như một số bác từng có ý kiến.
Họ không cần cảnh sát đứng ở ngã ba, ngã tư để điều khiển giao thông không chỉ vì họ có hệ thống kỹ thuật theo dõi anh nào, ả nào không dừng trước đèn đỏ hoặc rẽ lung tung là dính vào sổ đen liền, mà cái chính là họ có nhân dân… quen chấp hành pháp luật trong đó có luật giao thông cứ phải nói là vô cùng nghiêm túc. 
Còn tại sao người dân của họ có được “cái đức” ấy thì ai ai chắc cũng đã biết.
Thưa với  bà con ta, có lần, tại một ngã tư nhỏ ở Singapore lúc 10 giờ đêm, tôi chứng kiến một gã khoác ba lô đứng chờ đèn đỏ trong khi từ các phía đường không thấy bóng dáng chiếc xe hơi nào lò dò đến. 
Khoe giàu hơn ông hả? Ảnh TL
Nếu so với một bạn trẻ Việt thì khi qua ngã ba, ngã tư, người thanh niên Singapore kia sẽ chậm hơn khoảng 60 giây, nhưng đất nước Singapore sẽ vượt qua đất nước Việt Nam hơn 31 tỉ rưỡi giây tức 100 năm nhờ ý thức tôn trọng pháp luật, lòng tự trọng và tính kỷ luật của họ. 
Ối giời chuyện bé xé ra… to rồi, trong khi đó bà con ta không ít người xưa nay “chuyện to lại cứ thích vo lại bằng hạt đậu” với cái chậc chậc lưỡi: làm gì mà rách việc thế! 
Vậy thì trẻ chen, già cũng chen, xe máy chen, xe hơi cũng chen… trong lúc anh xe đạp nhà nghèo cười hề hề đội xe lên đầu cuốc bộ thoát hiểm: Khoe giàu hơn ông hả? Ở đấy mà hưởng tiệc… khói với gia vị bụi đậm đà nhá!
 
Ở quê tôi khi người ta đóng một cái cối xay lúa, người ta dùng các dăm gỗ hoặc tre nêm vào những chỗ trống cho đến khi không còn một khe hở nào, cái việc chen vượt nhau ở ngã ba, ngã tư ấy chả khác gì cái nêm cối. Chỉ khác là cái dăm gỗ sau khi không cựa quậy gì được nữa thì im thin thít chỉ “đồng ca” khi thóc được đổ vào cối mà thôi, còn bà con ta kia, vai kề vai rồi thì bắt đầu hò lơ chuyển sang hò lợ, hò lở mà kết cục có thể là hò… “lờ”.
Vì đâu mà bà con ta lại trở nên thường xuyên rơi tõm vào cái bẫy ai cũng biết là đặt trước này? Thôi thì vẫn phải nói đi, nói lại cái điều như ở trên tôi đã bảo “ai ai cũng đã biết” ấy. Vì lòng tham và thói đố kỵ ư? Đúng! Ai cũng chỉ nghĩ đến lợi ích nhỏ nhặt của mình, nhích hơn cô em xinh đẹp mà chảnh kia nửa bánh xe là “sướng” rồi, thua lão bụng phệ liên mồm a lô, a lố cái con dế Samsung đời mới kia nửa bánh xe là “điên” rồi, không ai chịu nhường ai lấy nửa bước.
Thằng con của tôi kể: Bố ạ, có anh trông như sinh viên ấy, mắt trước mắt sau, lấm la lấm lét như ăn trộm khi thấy cảnh sát giao thông không để ý về phía mình lao vọt lên vượt đèn đỏ. Khi con phê bình anh ấy, anh ấy chửi thẳng vào mặt con: mày lên giọng đạo đức với tao hả?
Mỗi ngày, thành phố một thay đổi, nhiều nhà đẹp hơn, nhiều xe đắt tiền hơn, nhiều nhà hàng sang trọng hơn, nhiều quần áo đẹp hơn… nhưng có một cái tôi thấy chẳng thay đổi bao nhiêu thậm chí càng ngày càng tệ hơn đó là ý thức xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật và lối sống  văn hóa.
Nhân đây tôi xin có đề nghị bà con ta thỉnh thoảng nên có tự phê mình như thế nào. Ví như: phê mình ở lễ hội, phê mình ở chợ, phê mình ở nhà hàng, phê mình ở sân bay, phê mình ở hội trường, phê mình ở tang lễ… thậm chí cả phê mình khi lên… giường cũng được.
Tôi không phải là một ông quan hay bà quan nên tôi cũng rất thích bà con ta phê bình các ông quan, bà quan, nhưng thỉnh thoảng ta cũng nên đổi món cùng nhau phê bình chính mình xem sao nhé! 
Hứa hẹn là sẽ vui đấy!
Nguyễn Quang Thiều ( Một Thế Giới )

Giới thiệu cơ bản về LB Nga

 (thời điểm đầu năm 2013)
LB Nga có diện tích lớn nhất thế giới, khoảng 17 triệu km2, dân số khoảng 143 triệu người.
 Liên bang Nga là siêu cường quốc nhất nhì thế giới về quân sự và khoa học kỹ thuật, cùng với Mỹ là thống soái về vũ khí hạt nhân. Về chính trị, ảnh hưởng của Nga trên thế giới chỉ đứng sau Mỹ, Nga là đối cực của Mỹ. Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới với GDP năm 2011 đạt 1.885 tỷ USD (theo IMF) và hiện là nước nằm trong nhóm các nước công nghiệp phát triển nhanh BRICS, (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).  
 
Liên bang Nga hiện là nền kinh tế lớn thứ 9 trên thế giới (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2000-2008, GDP của Nga tăng trung bình khoảng 7%/năm; do tác động của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, GDP năm 2009 giảm 7,9%, năm 2010 chỉ tăng 4%, năm 2011đạt 4,2%.
Từ khi Tổng thống Nga V. Pu-tin lên cầm quyền (2000-2008) và tiếp đó là Tổng thống Đ. Mét-vê-đép (từ 2008), tình hình chính trị - xã hội Nga dần đi vào ổn định, kinh tế phục hồi và phát triển. Vai trò của Nhà nước và chính quyền Trung ương được tăng cường, xu thế ly khai bị đẩy lùi, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.
Thời gian vừa qua, Liên bang Nga đã triển khai các biện pháp nhằm cải cách hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, chấn chỉnh quan hệ Trung ương - địa phương; trẻ hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo địa phương; chống tham nhũng... Với chủ trương hiện đại hóa toàn diện đất nước, Liên bang Nga tiếp tục tiến hành cải cách trên nhiều lĩnh vực, như: hành chính (tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động), tư pháp (tăng cường vai trò của pháp luật và tòa án), an ninh và quốc phòng (tinh giảm, chuyên nghiệp hóa và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, an ninh, cảnh sát)... Đồng thời, chính quyền Liên bang Nga tiếp tục dành ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội thông qua việc triển khai các Dự án ưu tiên quốc gia về dân số, y tế, giáo dục và nhà ở...

Tuy nhiên, Liên bang Nga cũng phải đối mặt với một số nguy cơ bất ổn như tình trạng suy giảm dân số, chủ nghĩa khủng bố, tình hình bất ổn tại Bắc Cáp-ca-dơ, chủ nghĩa dân tộc cực đoan... Tháng 12/2011, Liên bang Nga đã tiến hành bầu cử Đu-ma quốc gia, Đảng Nước Nga thống nhất giành được 49,3% số phiếu. Tháng 3/2012, Liên bang Nga tiến hành bầu cử Tổng thống với chiến thắng áp đảo ngay tại vòng một của ông V. Pu-tin. Ông Mét-vê-đép đã được bổ nhiệm làm Thủ tướng và được bầu làm Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất.
Chính quyền Tổng thống Pu-tin đã một mặt triển khai các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với diện chính sách như hưu trí, giáo viên, bác sĩ, quân nhân sinh viên; mặt khác tăng cường kiểm soát nhằm củng cố ổn định xã hội và hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài thông qua việc phê chuẩn 04 bộ luật bổ sung về “đặc vụ nước ngoài”, mít tinh - tuần hành, tội vu khống và ngăn chặn các trang thông tin điện tử có nội dung độc hại. Đu-ma quốc gia đã thông qua Dự luật bổ sung vào Bộ luật hình sự về tội phản quốc và làm gián điệp.
Ngày 1/10/2012, Luật bầu cử trực tiếp người đứng đầu các chủ thể liên bang bắt đầu có hiệu lực, và bước cải cách quan trọng trong tiến trình dân chủ hoá đời sống chính trị tại Nga. Luật đảng phái chính trị mới với việc giảm số lượng thành viên bắt buộc từ 40.000 xuống 500 người cũng đã được Tổng thống Pu-tin ký phê chuẩn tháng 5/2012.
Cơ cấu GDP Nga năm 2011, nông nghiệp đạt 4,2%, công nghiệp là 37,1%, dịch vụ đạt 58,8%. Kinh tế Liên bang Nga hiện nay dựa nhiều vào khai thác và chế biến tài nguyên thiên nhiên, với các ngành kinh tế chính là: dầu khí, khai khoáng, luyện kim, chế tạo máy, hóa chất. Đến nay Liên bang Nga là quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, năm 2011 đạt sản lượng 511,4 triệu tấn dầu, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất khí đốt, đạt 670,5 tỷ m3 khí đốt và giữ một trong những vị trí hàng đầu về sản xuất thép, kim loại màu, phân bón...
Theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng của năm 2012, GDP của Nga tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011; sản xuất công nghiệp tăng 2,9%, đầu tư vốn cơ bản tăng 7,2%. Bộ Tài chính Nga dự báo thâm hụt ngân sách năm 2012 sẽ ở mức 0,07% GDP (68 tỷ rúp, tương đương 2,3 tỷ USD).
Chính sách thương mại của Liên bang Nga vẫn mang tính bảo hộ cao, đặc biệt đối với các mặt hàng nhạy cảm như ô-tô, sắt, thép và nông sản... Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại của Nga đạt 821,3 tỷ USD (43,3% GDP), trong đó xuất khẩu đạt 516 tỷ USD và nhập khẩu đạt 305,3 tỷ USD, trong 9 tháng của năm 2012, xuất khẩu đạt 391,3 tỷ USD, nhập khẩu 240,8 tỷ USD, xuất siêu 150,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2011. Các đối tác thương mại chính của Nga hiện nay là EU, Trung Quốc...Các mặt hàng xuất khẩu chính của Nga gồm dầu mỏ và khí đốt, máy móc và thiết bị, sản phẩm kim loại, vũ khí, phân bón... Các mặt hàng nhập khẩu chính của Nga gồm máy móc và thiết bị, ô-tô, nông sản, hàng may mặc...Nga là thành viên Không gian kinh tế thống nhất với Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan (từ 1/1/2012), Liên bang Nga đã hoàn thành đàm phán WTO tháng 12/2011 và đang tiến tới gia nhập tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development - OECD).
Tính đến hết năm 2011, Liên bang Nga đã thu hút được 457,5 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư lớn vào Nga gồm có Đảo Síp, Đảo Virginia (Anh), Hà Lan, Lúc-xăm-bua... Lĩnh vực chính thu hút đầu tư là, công nghiệp chế biến, khai khoáng, bán lẻ...
Tổng giá trị đầu tư ra nước ngoài của Liên bang Nga tính đến hết năm 2011 là 106,7 tỷ USD, các nước Nga đầu tư nhiều nhất gồm: Hà Lan, Đảo Síp, Mỹ... Chính sách ODA Viện trợ phát triển (ODA) duy trì ở mức 500 triệu USD/năm, trong đó hầu hết là thông qua các cơ chế đa phương và và mục đích xóa đói, chống bệnh dịch...
Theo “Luận điểm về sự tham gia của Nga vào hỗ trợ phát triển quốc tế” thông qua tháng 11/2007, Liên bang Nga đặt mục tiêu dành 0,7% GDP cho viện trợ phát triển, trong đó 70% cho mục đích song phương và 30% cho mục đích đa phương. Thứ tự khu vực được Nga ưu tiên viện trợ là: Các nước trong cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Châu á - Thái Bình Dương, Châu Phi, Trung Đông và Bắc Phi, Mỹ La-tinh. Thứ tự lĩnh vực được Liên bang Nga ưu tiên viện trợ là: năng lượng (đặc biệt là điện năng), y tế, giáo dục... Tuy nhiên, đến nay Nga chưa có các thể chế và quy định pháp lý để thực hiện Luận điểm này. Nga đang xem xét, thành lập Cơ quan viện trợ phát triển, tương tự như nhiều nước khác trên thế giới.
Hiện Liên bang Nga là một trong 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và thành viên Nhóm G8, G20, BRICS và nhiều tổ chức quốc tế và khu vực khác.

Sưu tầm

Putin và “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”

“Putin đang cùng lúc thách thức ba trong số các lực lượng hùng mạnh nhất trên hành tinh này”...


Putin và “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”
Trước khi ông Putin có thể được tạp chí Time chọn là “Nhân vật của năm” thêm lần nữa, hãy chờ xem “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau” sẽ như thế nào?

- BTTD: Bài báo hay, chính xác là như vậy.

Nhà báo Thomas L. Friedman của tờ New York Times vừa có một bài viết đánh giá về những việc mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo ông Friedman, 
Tổng thống Nga sẽ còn có nhiều chuyện phải cân nhắc trong thời gian tới. Để độc giả có thêm một góc nhìn tham khảo, VnEconomy xin giới thiệu tới các bạn bản lược dịch.

“Một điều mà tôi từng vỡ ra khi theo dõi tình hình Trung Đông trong nhiều năm là, có “buổi sáng hôm sau”, và có “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”. Các bạn đừng bao giờ nhầm lẫn hai khái niệm này.

“Buổi sáng hôm sau” của một sự kiện lớn là khi có tuyên bố chiến thắng hoặc thất bại của một ai đó trong trận đấu được cho là “đã thay đổi mọi thứ vĩnh viễn”.

Tuy nhiên, vào “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”, định luật vạn vật hấp dẫn bắt đầu phát huy hiệu lực của nó, và mọi thứ trở nên không tốt hay xấu như mọi người vẫn nghĩ trước đó. 

Điều này khiến tôi liên tưởng tới trường hợp Crimea gia nhập Nga.

Trong “buổi sáng hôm sau”, Putin là người hùng của nước Nga. Một số nhà bình luận ở Mỹ thậm chí còn bày tỏ mơ ước có được một nhà lãnh đạo “quyết đoán” như vậy. 

Nhưng hãy thử xem ông sẽ được nhìn nhận thế nào ở “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau”, chẳng hạn sau 6 tháng nữa. Tôi không đưa ra bất kỳ dự báo nào, nhưng tôi sẽ chỉ ra điều này. 

Putin đang cùng lúc thách thức ba trong số các lực lượng hùng mạnh nhất trên hành tinh này: tính nhân bản, mẹ thiên nhiên, và đạo luật Moore. Xin chúc ông may mắn với sự thách thức đó.

Việc ông Putin đưa Crimea về Nga một lần nữa khẳng định quyền lực bền vững của yếu tố địa lý trong địa chính trị. Nga là một quốc gia đại lục, trải rộng trên những miền đất lớn, và hầu như không có biên giới tự nhiên nào để bảo vệ mảnh đất của mình. Tất cả những người đứng đầu điện Kremlin, từ các sa hoàng cho tới các nhà lãnh đạo của thời hiện đại về sau, đều bị ám ảnh bởi vấn đề bảo vệ biên giới của đất nước trước các nguy cơ xâm lăng từ bên ngoài. Nga có những lợi ích an ninh hợp pháp, nhưng có lẽ câu chuyện Crimea không nằm trong số này.

Cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine không bắt đầu từ vấn đề địa lý, không hề có chuyện một cường quốc bên ngoài tìm cách xâm lấn Nga. Câu chuyện này bắt đầu từ việc những người nằm trong quỹ đạo của nước Nga muốn thoát ra khỏi quỹ đạo đó. 

Nhiều người Ukraine muốn đưa tương lai kinh tế của nước họ theo hướng Liên minh Châu Âu (EU). Phần cốt lõi của câu chuyện này phát sinh từ và được thúc đẩy bởi tính nhân bản - đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của con người nhằm đem tới một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân và con cháu - chứ không phải yếu tố địa chính trị hay chủ nghĩa dân tộc. Đây không phải là một câu chuyện “xâm lược”. Đây là một câu chuyện về hành trình của người dân đi tìm hạnh phúc.

Và không có gì phải băn khoăn về điều này. Một bài báo gần đây đăng trên tờ Bloomberg Businessweek cho biết, vào năm 2012, GDP bình quân đầu người của Ukraine là 6.394 USD, thấp hơn khoảng 25% so với mức của thời điểm cách đây gần 1/4 thế kỷ. 

Trong khi đó, 4 nước láng giềng ở phía Tây của Ukraine, đều đã gia nhập EU - là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania - đều đạt mức thu nhập bình quân đầu người 17.000 USD.

Với so sánh như vậy, liệu có thể phê phán người Ukraine nếu họ muốn tham gia vào một “câu lạc bộ” khác?

Ngoài ra, dầu thô và khí đốt đang chiếm khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của Nga, đóng góp gần một nửa nguồn thu của nước này. (Lần cuối cùng bạn mua một mặt hàng dán nhãn “Sản xuất tại Nga” là khi nào?). 

Về cơ bản, Putin đã đặt cược hiện tại và tương lai kinh tế của nước Nga vào hydrocarbon ở vào thời điểm mà chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố rằng, “khoảng 2/3 trong tổng trữ lượng đã được phát hiện của dầu, khí đốt và than sẽ phải được để yên trong các mỏ nếu thế giới muốn đạt mục tiêu hạn chế sự ấm lên toàn cầu ở ngưỡng 2 độ C” kể từ cuộc cách mạng công nghiệp. 

Theo các nhà khoa học về khí hậu, nếu Trái đất vượt qua ngưỡng tăng nhiệt độ 2 độ C đó, khả năng tan băng ở Bắc Cực sẽ tăng cao, kéo theo mực nước biển dâng tới mức nguy hiểm, những trận siêu bão lớn hơn, và sự biến đổi khí hậu vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cựu Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, Sheik Ahmed Zaki Yamani từng cảnh báo các thành viên trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) một điều: “Thời kỳ đồ đá không hề chấm dứt vì con người hết đá”. Thời kỳ đồ đá đã khép lại vì con người phát minh ra các công cụ lao động bằng đồng, giúp đem lại năng suất lao động cao hơn đồ đá. 

Kỷ nguyên hydrocarbon cũng sẽ phải kết thúc khi mà còn rất nhiều dầu lửa, than và khí đốt còn nằm trong lòng đất. Những nhiên liệu đó sẽ được thay thế bằng những dạng thức phát năng lượng khác sạch hơn, nếu không mẹ thiên nhiên sẽ có cách để “xử lý” con người. Nhưng Putin lại đặt cược vào điều ngược lại.

Còn về định luật Moore, đây là một định luật được đưa ra bởi Gordon Moore, một nhà đồng sáng lập của tập đoàn công nghệ Intel. Theo định luật này, năng lực xử lý của microchip sẽ tăng gấp đôi trong thời gian khoảng hai năm. 

Bất kỳ ai theo dõi ngành công nghiệp năng lượng sạch hiện nay đều có thể nói về sự áp dụng của định luật Moore trong lĩnh vực điện mặt trời. Giá năng lượng mặt trời giảm nhanh đến nỗi, ngày càng có nhiều gia đình, thậm chí là các công ty dịch vụ công cộng, nhận thấy lắp một hệ thống năng lượng mặt trời cũng rẻ như lắp hệ thống khí đốt. 

Năng lượng gió cũng đang đi theo xu hướng đó và rất hiệu quả. Riêng Trung Quốc đang trên đà đạt tỷ lệ 15% tổng sản lượng điện là năng lượng tái sinh vào năm 2020, và nước này sẽ không dừng ở đó. Nếu Trung Quốc không làm vậy, người dân nước này sẽ không thể thở được vì không khí ô nhiễm. 

Nếu Mỹ và châu Âu có chính sách đẩy mạnh hơn việc sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh, giảm nguồn thu nhập từ dầu lửa của nước Nga, thì những hành động đó sẽ đem lại lợi ích sớm hơn và lớn hơn những gì mà mọi người có thể hình dung hiện nay.

Uy tín của các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay phụ thuộc một phần vào khả năng của họ đưa hệ thống năng lượng của nước này trở nên xanh hơn, sạch hơn để người dân có thể hít thở không khí trong lành. 

Trong khi đó, uy tín của ông Putin đang phụ thuộc vào việc nước Nga và thế giới tiếp tục phụ thuộc vào dầu thô và khí đốt. Các bạn sẽ đặt cược vào ai?

Bởi thế, trước khi ông Putin có thể được tạp chí Time chọn là “Nhân vật của năm” thêm lần nữa, hãy chờ xem “buổi sáng hôm sau của buổi sáng hôm sau” sẽ như thế nào?”.

Theo An Huy Vneconomy

26 tháng 3, 2014

Nhục

- BTTD cũng cảm thấy rất nhục ! 

Dạ Thảo Phương 

Mỗi lần nhìn bức ảnh này, có lẽ phần lớn chúng ta đều chảy nước mắt (nhìn thấy được hoặc không nhìn thấy được). Ngay cả khi ta không nhìn nó nữa, nó vẫn tiếp tục ở trong đầu ta và làm ta đau.

Những con người, (và là phụ nữ!) phải kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21!
Tại sao?


Tiến sĩ Từ Huy viết: "sở dĩ có tình trạng phụ nữ phải kéo cày như thế này, sở dĩ có sự suy thoái toàn diện của xã hội hiện nay, có sự mất độc lập quốc gia hiện nay là vì đa số đàn ông các anh hèn và quá hèn". 

Với tất cả lòng trân trọng dành cho ý thức xã hội và thái độ dấn thân mà tiến sĩ Từ Huy thể hiện từ trước đến nay, tôi không đồng ý với ý kiến này của chị.

Trong trường hợp này, việc đặt toàn bộ trách nhiệm lên vai của một giới đã làm sai lệch đi bản chất của hiện tượng. 

Dù là đàn ông hay phụ nữ, tất cả chúng ta đều sống trong xã hội này, góp phần tạo nên nó, tác động vào nó và chịu tác động từ nó. Không thể nói chỉ riêng đàn ông phải chịu trách nhiệm vì "sự suy thoái toàn diện" của xã hội ấy.

Đây không phải vấn đề bình đẳng giới.

Nỗi nhục không phụ thuộc giới tính 

Vậy ai nên thấy nhục?
Trước hết, là những người lãnh đạo đất nước này ở mọi cấp, mà đứng đầu là ngài thủ tướng chính phủ và các vị bộ trưởng (cả nam và nữ). Các vị ăn đồng lương từ mồ hôi nước mắt của nhân dân, nhận quyền lực cao nhất để điều hành đất nước, trách nhiệm hàng đầu và lớn nhất thuộc về các vị. Để cảnh này xảy ra, các vị nên tự thấy nhục mới là phải lẽ. 
Thôi đừng đổ lỗi cho chiến tranh nữa. Chiến tranh qua lâu rồi. Chiêu bài quá khứ chiến tranh là cái mũ bảo hiểm đã quá cũ kỹ. 
Không thể phủ nhận những hậu quả nặng nề mà chiến tranh để lại. Nhưng dù vậy, cũng không thể phủ nhận được rằng: Nếu các vị có trình độ quản lý tốt hơn thì đất nước này chắc chắn đã đến gần "công bằng, dân chủ, văn minh" hơn chứ không đến nỗi giữa thế kỷ 21 dân còn phải kéo cày thay trâu (là cái cảnh thời đạn bom thế kỷ trước cũng không thấy có). 


Một đất nước các vị vẫn tự nhận là "rừng vàng biển bạc", "nhân dân cần cù, thông minh,  có lòng yêu nước nồng nàn" mà từ giáo dục, y tế đến giao thông, môi trường, kinh tế, an toàn thực phẩm… lĩnh vực nào cũng luật thì đầy rẫy phi lý, thực tế thì yếu kém, hỗn loạn, cả nước nhìn đâu cũng thấy nạn nhân… Các vị liệu có dám nhận hiệu quả công việc điều hành đất nước của mình đã đạt đến mức trung bình?

Cũng đừng đổ lỗi cho "các thế lực thù địch" nữa. Những người đồng cấp của các vị ở khắp nơi trên thế giới cũng đều phải đối mặt với "các thế lực thù địch" cả. Còn nếu các vị thấy "thế lực thù địch" của mình nhiều hơn bình thường và ở khắp nơi, (nhất là?) ngay cả trong dân, thì có nên hỏi mình làm ăn thế nào mà gây ra nhiều thù oán thế? 

Và nếu công khai minh bạch tài sản, các vị có chứng minh được mọi tài sản các vị đang có ở trong nước và nước ngoài đều có từ đồng lương và thừa kế của các vị? 

Thứ đến, những người có học (cả nam và nữ) cũng nên thấy nhục. Càng học cao, càng thành đạt thì càng nên thấy nhục nhiều hơn. 

Cũng đừng tự mãn cho rằng mọi thành quả các vị đang có được là chỉ do nỗ lực của bản thân. Trong một xã hội dân trí thấp, mọi giá trị đều nhá nhem và nhom nhem, bất công nhan nhản, thì rất hiếm trường hợp kiếm được danh tiếng và lợi lộc mà không trực tiếp hoặc gián tiếp dựa trên chính hoàn cảnh dân trí thấp và đầy bất công ấy. 

Tất cả chúng ta, bất kể giới tính, có bạn, và chắc chắn là có tôi, đều nên thấy nhục. Chẳng phải mỗi hành động thiếu văn minh của chúng ta đều góp thêm sức ì, góp thêm tổn thương và bất công cho xã hội hay sao?

Nếu mỗi chúng ta có bản lĩnh phát triển được bản thân mình ở mức tốt nhất, hẳn đã có thể có ích nhiều hơn. 

Và không được phép đổ cho giới tính

Ý kiến của tiến sĩ Từ Huy nhận được rất nhiều sự ủng hộ của cả phụ nữ và nam giới, trong đó không ít nam giới không những không tự ái mà còn tự nguyện nói nhiều hơn nữa về trách nhiệm của mình (với tư cách đàn ông chứ không phải với tư cách công dân). Thoạt nghe, đó có vẻ là sự tự truy vấn đầy trách nhiệm và có lợi cho xã hội. Nhưng thực chất, đó là một biểu hiện đáng lo ngại của việc thiếu ý thức thực sự về bình đẳng. 

Chúng ta có thực ý gì khi đồng ý rằng CHỈ đàn ông mới phải chịu trách nhiệm về "sự suy thoái toàn diện của xã hội", "sự mất độc lập quốc gia"? 

Phải chăng, đó là những vấn đề thuộc trách nhiệm của riêng đàn ông, còn việc của phụ nữ chỉ là sinh con đẻ cái, nấu nướng, làm đẹp và đợi chờ sự bảo bọc của đàn ông?

Cho rằng trách nhiệm với những vấn đề của xã hội, của đất nước CHỈ thuộc về một nhóm người nào đó (Đảng, nhà nước, hay ở đây là đàn ông) là một thái độ không nên có nếu mong muốn xã hội tiến lên công bằng, dân chủ, văn minh.  

Những con người kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21! 

Những người phụ nữ kéo cày thay trâu ở thế kỷ 21! 

Và, khủng khiếp thay, họ chưa phải là những người bần cùng nhất của xã hội chúng ta. 

Tổng hợp ngẫu nhiên một số trong rất nhiều trường hợp báo chí đã đưa tin: 
Ngày 4.10.2011, anh P.C.T (23 tuổi, Nam Định) treo cổ tự tử bằng dây cáp internet do không có tiền chữa bệnh. 


Ngày 26.4. 2012, chị L.T.N.N (Cà Mau) uống thuốc độc tử tử, bỏ lại 6 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi vì "thà chết đi, các con được đưa vào cô nhi viện còn hơn cứ sống mà nhìn con bữa đói bữa no chịu không đặng". 

Ngày 24.4.2013, chị N. (48 tuổi, Cà Mau) treo cổ tự tử để vì nhà "hết tiền, hết gạo", "cuộc sống khổ mãi, không lối thoát", chị lấy cái chết của mình để xin xã cấp cho gia đình chị sổ nghèo, con có thể vay tiền đi học. 

Ngày 6.12.2013, em L.H.O (19 tuổi, Bắc Kạn) định nhảy cầu tự tử vì không tìm được việc làm. 

Đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi, bạn có thể đồng ý, có thể không, đó là việc của bạn. Nhục hay không là do ý thức của mỗi người, chẳng ai bắt ai được cả. 

Tôi thì có nhục. 

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Bất động sản: “Tồn kho” 92.000 tỷ, dư nợ 260.000 tỷ đồng

Bất động sản: “Tồn kho” 92.000 tỷ, dư nợ 260.000 tỷ đồng
Lượng tồn kho bất động sản tiếp tục giảm, trong khi dư nợ lại có xu hướng tăng.
In
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng vừa có báo cáo lên Chính phủ tình hình thị trường bất động sản với những thống kê quan trọng về tồn kho và dư nợ.

Xa trung tâm, khó bán
Cụ thể, tính đến cuối tháng 2/2014, tổng giá trị tồn kho bất động sản khoảng 92.690 tỷ đồng, giảm 1.768 tỷ đồng (1,87%) so với tháng 12/2013.

Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư: 19.210 căn, tương đương 28.582 tỷ đồng; tồn kho nhà thấp tầng: 13.516 căn, tương đương 24.029 tỷ đồng; tồn kho đất nền nhà ở: 9.119.001 m2, tương đương 33.880  tỷ đồng; đất nền thương mại: 2.001.904 m2, tương đương 6.198 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, đến cuối tháng 2/2014, tổng số tồn kho khoảng 12.601 tỷ đồng, giảm gần 369 tỷ đồng (2,8%) so với tháng 12/2013; trong đó tồn kho căn hộ chung cư là 3.164 căn tương đương 3.565 tỷ đồng (giảm 294 căn so với tháng 12/2013); tồn kho nhà thấp tầng là 3.096 căn tương đương 9.036 tỷ đồng (giảm 26 căn so với tháng 12/2013). 

Đối với phân khúc nhà thấp tầng, hiện nay tồn kho nhiều chủ yếu là ở các dự án xa trung tâm, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ như: dự án khu đô thị mới Lê Trọng Tấn tại Hà Đông; dự án Gamuda - công viên Yên Sở; dự án Nam An Khánh...

Lượng chung cư tồn kho cũng chủ yếu tập trung ở những khu vực xa trung tâm thành phố, điều kiện hạ tầng chưa đồng bộ như một số chung cư tại quận Hà Đông hoặc những căn hộ có diện tích lớn trên 100 m2, giá bán cao.

Một số dự án có giảm tồn kho là những dự án có giá hợp lý, diện tích căn hộ nhỏ, thuận tiện giao thông, hạ tầng kết nối đầy đủ như: khu nhà ở Cổ Nhuế, dự án khu chung cư 505 Minh Khai, dự án chung cư Dophin Plaza, các dự án chung cư khu vực Trung Hòa - Nhân Chính.

Tại Tp.HCM, đến 25/2, tổng giá trị tồn kho khoảng 16.713 tỷ đồng, giảm 755 tỷ đồng, giảm 4.32% so với tháng 12/2013. 

Trong đó tồn kho chung cư là 7.520 căn tương đương 12.959 tỷ đồng, giảm 310 căn so với tháng 12/2013, tồn kho nhà thấp tầng là 755 căn, tương đương 2.114 tỷ đồng, giảm  52 căn so với tháng 12/2013; tồn kho đất nền nhà ở: 264.629 m2, tương đương 1.203 tỷ đồng...

Hơn 260.000 tỷ đồng dư nợ

Về dư nợ bất động sản, dù chưa có số liệu cập nhật đến hết tháng 2/2014, song dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/12/2013, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 262.107 tỷ đồng, tăng 14,7% so với 31/12/2012.

Trong đó, chủ yếu là dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị  với 48.970 tỷ đồng, vay xây dựng văn phòng, cao ốc cho thuê là 34.816 tỷ đồng, vay xây dựng, sửa chữa mua nhà để ở, cho thuê là 67.186 tỷ đồng, vay đầu tư kinh doanh bất động sản khác là 44.723 tỷ đồng...

Tỷ lệ nợ xấu đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 12/2013 có xu hướng giảm so với các tháng đầu năm 2013, đạt 3,38% vào cuối năm 2013. 

Theo Bộ trưởng Dũng, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tình hình tín dụng bất động sản hiện nay so với thời điểm cuối 2012 đã có sự chuyển biến, cho vay trong lĩnh vực bất động sản đang thay đổi theo hướng tích cực hơn, các ngân hàng đã cho vay trở lại các dự án khu đô thị, xây dựng sửa chữa nhà cửa.

Dấu hiệu khởi sắc
Trao đổi với VnEconomy, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nói trong những tháng đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu khởi sắc, lượng giao dịch tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, giá nhà có dấu hiệu chững lại không giảm liên tiếp như năm ngoái, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ.

Riêng tại Hà Nội, theo thống kê của một số sàn giao dịch và các chủ đầu tư trong tháng 1 và tháng 2/2014 đã có khoảng 1.290 giao dịch thành công, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó chủ yếu là các giao dịch tại những dự án nhà ở xã hội và các dự án nhà ở thương mại có vị trí đẹp, đã bàn giao hoặc đang hoàn thiện.

Tại Tp.HCM, tình hình cũng có nhiều khởi sắc khi hai tháng đầu năm 2014 đã có gần 1.000 giao dịch thành công, tương đương cùng kỳ năm 2013.

Theo nhận định của Bộ trưởng Dũng, thị trường bất động sản trong năm 2014 sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh về cơ cấu sản phẩm, nguồn cung sản phẩm sẽ tập trung vào phân khúc bình dân, diện tích vừa và nhỏ, giá bán dưới 20 triệu đồng/m2. Các dự án căn hộ, trung và cao cấp đã xong phần thô đang hoàn thiện, có vị trí thuận lợi cũng sẽ có giao dịch tốt hơn. 

Trong khi đó, các dự án bất động sản xa trung tâm, hạ tầng không thuận lợi sẽ vẫn ít giao dịch. Các nhà đầu tư không có năng lực tài chính và kinh nghiệm, đầu tư các dự án không phù hợp với nhu cầu của thị trường hoặc có lượng vốn vay lớn sẽ tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí sẽ phải rời bỏ thị trường, nhường thị trường cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

Ngoài ra, ông Dũng cho rằng, sắp tới xu thế chuyển nhượng toàn bộ, từng phần dự án bất động sản và mua bán sát nhập giữa các chủ đầu tư với nhau sẽ phổ biến hơn do các cơ quan, địa phương sẽ siết chặt việc cấp phép và thẩm định cũng như tạm dừng các dự án mới.