Trang

10 tháng 1, 2014

'Đọ' dàn tàu ngầm của Trung, Nga, Nhật


Châu Á đang lao vào cuộc đua mua sắm tàu ngầm. Phần lớn các cường quốc của khu vực đều có kế hoạch tăng cường cho hạm đội tàu ngầm trong hai thập kỷ tới.
Gần đây nhất, hai nước Malaysia và Việt Nam đã mua những chiếc tàu ngầm đầu tiên, và tương lai không xa sẽ là Thái Lan.
Xu hướng mua sắm tàu ngầm này thể hiện khao khát bảo vệ tài sản mới tích lũy và những lợi ích kinh tế lâu dài của các nước châu Á. Nhiều quốc gia của châu lục phải dựa vào các tuyến đường biển để duy trì guồng hoạt động của nền kinh tế xuất khẩu. Chính ý thức về tầm quan trọng của sức mạnh biển là động lực dẫn tới cuộc mở rộng hoạt động hải quân trên khắp khu vực.
Một động lực khác, đáng ngại hơn là các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên biển trong thời gian gần đây, cụ thể là những cuộc tranh chấp có liên quan đến Trung Quốc. Tuyên bố về cái gọi là "Đường Lưỡi Bò" đối với vùng biển Đông, đẩy đất nước này rơi vào tình trạng xung đột với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Ở phía Đông, Trung Quốc cũng vướng vào cuộc tranh chấp chủ quyền trên đảo Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản và Đài Loan.
Trung Quốc
tàu ngầm, kilo, quốc phòng, hải quân, Kilo Hà Nội, vũ khí
Các tàu ngầm lớp Tống của TQ
Nhờ có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, hải quân Trung Quốc đang tiến rất nhanh trong phát triển lực lượng tàu ngầm đa năng. Một trong những mục tiêu của đội tàu ngầm Trung Quốc là tạo ra một vùng chống tiếp cận/ xâm nhập lan tới khu vực mà nước này gọi là Chuỗi đảo thứ nhất, bao gồm quần đảo Kuril, Nhật Bản, Đài Loan và khu vực biển Đông. Theo lập luận của Trung Quốc, chuỗi đảo này là vùng tối thiểu tuyệt đối để bảo vệ lục địa Trung Hoa.
Mục tiêu thứ hai là củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông và biển Đông. Sự hiện diện của các đội tàu tuần tra tại những khu vực này góp phần nhấn mạnh các tuyên bố.
Hải quân Trung Quốc đang thay thế chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Hạ (092) duy nhất bằng 6 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Tấn (094) hiện đại. Mỗi chiếc tàu ngầm lớp Tấn có trọng tải choán nước là 9.000 tấn khi lặn, và được trang bị 12 tên lửa đạn đạo JL-2. JL-2 có tầm bắn ước tính là 7.200 km, và có khả năng mang tới 8 đầu đạn hạt nhân.
Ba tàu ngầm lớp Thương (093) đại diện cho thế hệ tàu ngầm hạt nhân thứ hai của Trung Quốc khi lớp Hán (091) trước đó trở thành nỗi thất vọng công nghệ. Có trọng tải choán nước là 6.000 tấn khi lặn, lớp Thương có sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm. Được chế tạo với sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga, song lớp này không thành công, và chỉ có ba chiếc tàu ngầm được chế tạo. Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc hiện đang phát triển thế hệ tàu ngầm thứ ba với lớp 095.
Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn vận hành nhiều loại tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel. Chín chiếc tàu ngầm lớp Nguyên (041) và 14 tàu ngầm nhỏ hơn thuộc lớp Tống (039) đại diện cho đội tàu được sản xuất hoàn toàn trong nước. Những chiếc tàu thuộc lớp Nguyên có trọng tải choán nước là 2.400 tấn khi lặn, còn lớp Tống là 2.200 tấn. Cả hai đều được trang bị sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm.
Bên cạnh những tàu ngầm tự chế, Trung Quốc cũng vận hành 10 chiếc tàu ngầm Kilo cải tiến mua của Nga. Và đầu năm 2012, nước này đã đặt thêm bốn chiếc tàu ngầm lớp Lada. Mặc dù tự chế tạo lớp Nguyên, song đơn hàng mới nhất này cho thấy Trung Quốc không hài lòng với hiệu quả hoạt động của những chiếc tàu ngầm lớp này.
Nga
tàu ngầm, kilo, quốc phòng, hải quân, Kilo Hà Nội, vũ khí
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey của Nga
Không cần xét toàn bộ lực lượng hải quân của Nga, chỉ riêng hạm đội Thái Bình Dương của nước này cũng đã cho thấy sự suy yếu của hạm đội tàu ngầm Liên Xô lừng danh xưa kia. Toàn bộ số tàu ngầm trong Hạm đội Thái Bình Dương đều được đóng từ thế kỷ trước, phần lớn là từ thập niên 1980.
Trong tương lai, hạm đội sẽ được bổ sung thêm bốn chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Borey, thay cho chiếc tàu ngầm Delta III duy nhất. Tàu ngầm lớp Borey có trọng tải choán nước là 19.400 tấn khi lặn, và được trang bị sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, cùng 16 tên lửa đạn đạo SS-N-32 Bulava. Việc phát triển tên lửa Bulava vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, đến nay gần một nửa số vụ phóng thử đều thất bại.
Ngoài ra, hạm đội Thái Bình Dương còn bốn tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Oscar. Mỗi chiếc tàu ngầm thuộc lớp này có trọng tải choán nước là 14.500 tấn khi lặn, và mang 24 tên lửa chống tàu 24 SS-N-19. Hệ thống phóng ngư lôi gồm bốn ống 533mm và bốn ống 650mm, có khả năng phóng tên lửa chống tàu ngầm SS-N-16 Stallion, SS-N-15 Starfish, ngư lôi có điều khiển và ngư lôi siêu khoang Shkval.
Thành phần chủ lực trong đội tàu ngầm của Hạm đội Thái Bình Dương là những chiếc tàu ngầm tấn công - gồm bốn tàu ngầm hạt nhân Akula-I, mỗi chiếc có trọng tải choán nước là 8.000 tấn khi lặn. Hệ thống vũ khí trên tàu này gồm bốn ống phóng ngư lôi 533mm và bốn ống 650mm, có khả năng phóng tên lửa tấn công mặt đất SS-N-21, tên lửa chống tàu ngầm SS-N-15, ngư lôi và thủy lôi.
Cuối cùng là bảy chiếc tàu ngầm Kilo chạy động cơ điện diesel, trong đó có ba tàu cải tiến. Tàu ngầm Kilo có trọng tải choán nước là 3.100 tấn khi lặn, với sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi và tên lửa chống tàu ngầm SS-N-15. Nếu không dùng ngư lôi và tên lửa, tàu này có thể mang tới 24 quả thủy lôi, hoặc mang kết hợp các loại vũ khí.
Ấn Độ
tàu ngầm, kilo, quốc phòng, hải quân, Kilo Hà Nội, vũ khí
Tàu ngầm Chakra của Ấn Độ
Đối đầu với cả Pakistan và Trung Quốc, hạm đội tàu ngầm của Ấn Độ đang ở trong thế ngày càng nguy nan. Những chiếc tàu ngầm của nước này đang trở nên già cỗi bởi các kế hoạch thay thế chúng bị cản trở bởi thủ tục hành chính quan liêu, trong khi hạm đội tàu ngầm của các nước đối thủ ngày càng quy mô và tinh vi hơn.
Ấn Độ đã hạ thủy Arihant - những chiếc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên của nước này. Được thiết kế phỏng theo mẫu tàu ngầm hạt nhân Akula của Nga, tàu Arihant có trọng tải choán nước là 6.500 tấn, với bốn ụ phóng tên lửa thẳng đứng, trang bị tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika. Tàu ngầm lớp này còn có sáu ống phóng ngư lôi 533mm, ngoài khả năng phóng ngư lôi, còn có khả năng phóng tên lửa chống thuyền Klub. Hiện tại, Ấn Độ đang lên kế hoạch chế tạo ít nhất ba chiếc tàu ngầm Arihant.
Ấn Độ cũng giữ lại một tàu ngầm Akula-1 mang tên Chakra trong đội hình tàu ngầm tấn công thông thường. Với trọng tải choán nước là 9.100 tấn khi lặn, hệ thống phóng ngư lôi của tàu này tương tự như hệ thống phóng ngư lôi của Arihant. Được chế tạo để phục vụ hải quân Nga, chiếc tàu này gặp phải nhiều vấn đề kiểm soát chất lượng và có thời gian chế tạo lên tới 15 năm. Hiện, tàu được Nga cho Ấn Độ thuê lại với thời hạn là 10 năm.
Ngoài tàu ngầm hạt nhân, Ấn Độ cũng vận hành một hạm đội gồm 18 tàu ngầm Kilo của Nga, lâu đời nhất trong số đó là chiếc tàu ngầm 30 năm tuổi. Đầu năm 2013, Ấn Độ chịu thiệt hại nặng nề khi tàu ngầm Sindhurakshak nổ tại cảng. Kế hoạch đóng 6 chiếc tàu ngầm Scorpene - loại tàu 1.700 tấn, trang bị ngư lôi và tên lửa Exocet - liên tục bị trì hoãn vì các vấn đề kỹ thuật và thủ tục hành chính.
Pakistan
tàu ngầm, kilo, quốc phòng, hải quân, Kilo Hà Nội, vũ khí
Tàu ngầm Agosta 90B của Pakistan
Đối thủ duy nhất của Pakistan trên biển là Ấn Độ. Pakistan duy trì hoạt động của 5 chiếc tàu ngầm Agosta do Pháp chế tạo: hai trong số đó là Agosta nguyên bản, ra đời từ những năm 1970, ba chiếc còn lại thuộc lớp Agosta 90B đã được hiện đại hóa.
Tàu ngầm Agosta 90B có trọng tải choán nước trong khoảng từ 1.760 đến 2.010 tấn khi lặn, được trang bị bốn ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi và tên lửa Exocet. Trong năm 2014, cả ba chiếc tàu ngầm này của Pakistan sẽ được trang bị thêm hệ thống đẩy không cần không khí. Với hệ thống này, Pakistan sẽ nắm trong tay những chiếc tàu thuộc hàng tinh vi nhất châu Á.
Nhật Bản
tàu ngầm, kilo, quốc phòng, hải quân, Kilo Hà Nội, vũ khí
Tàu ngầm lớp Soryu của  Nhật Bản
Mới đây Nhật Bản cũng tuyên bố ý định tăng cường hạm đội tàu ngầm từ 16 lên 22 chiếc. Tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel lớp Soryu vẫn tiếp tục được sản xuất, và dự kiến trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ cho ra đời 8 tàu Soryu. Với trọng tải choán nước là 4.200 tấn, Soryu là một trong số ít tàu ngầm của khu vực có hệ thống kéo không cần khí, một công nghệ được Nhật mua của Thụy Điển. Hệ thống vũ khí của tàu gồm sáu ống phóng ngư lôi loại 533mm, có khả năng phóng ngư lôi tự điều khiển kiểu 89 và tên lửa Sub Harpoon.
Góp mặt trong hạm đội tàu ngầm Nhật Bản còn có 11 tàu ngầm Oyaschio. Có trọng tải choán nước khi lặn là 3.600 tấn, hệ thống vũ khí của Oyashio cũng tương tự như hệ thống vũ khí của Soryu. Chưa rõ Nhật Bản sẽ phát triển hạm đội tàu ngầm của mình tới quy mô nào, nhưng trong tương lai gần, nhiều khả năng hạm đội này sẽ bao gồm những chiếc tàu ngầm Soryu, tàu ngầm Oyashio và ba chiếc tàu ngầm còn lại thuộc lớp Harushio, có trọng tải 2.750 tấn với hệ thống vũ khí tương tự như hai lớp kia. Chiếc tàu ngầm Harushio lâu đời nhất cũng chỉ mới 19 năm tuổi. Đây là độ tuổi sử dụng trung bình của tàu ngầm Nhật Bản, nhưng ở tuổi đó, nhiều chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ điện diesel của các hạm đội hải quân khác vẫn đang trong kỳ phục vụ.
Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng tự tạo lực lượng chống tiếp cận/chống xâm nhập cho hạm đội tàu ngầm của mình. Hải quân Trung Quốc thường có những chuyến tuần hành quanh eo biển Miyako, tuyến đường gần nhất để đi từ sở chỉ huy Hạm đội Hoa Đông tới vùng biển Tây Thái Bình Dương. Với sự hỗ trợ của các thiết bị trên không và trên mặt biển, những chiếc tàu ngầm Nhật Bản sẽ khiến những cuộc tuần hành qua eo biển này của Trung Quốc trở nên khó khăn hơn.
Hà Trang (theo Usni.org)
Còn tiếp
Đón đọc kỳ 2 của Cuộc đua tàu ngầm tại châu Á để khám phá hệ thống tàu ngầm tại Triều Tiên, Hàn Quốc và một số nước Đông Nam Á.
-------
Tác giả bài viết, Kyle Mizokami là người sáng lập các blog Japan Security Watch, Asia Security Watch và War is Boring. Nội dung các bài viết của ông thường xoay quanh các vấn đề an ninh - quốc phòng ở Châu Á, đặc biệt là Nhật Bản. Ông cũng đóng góp nhiều bài viết cho các tờ báo Medium, The Atlantic.com, Salon, The Japan Times và Diplomat...

'Đã đủ chứng cứ pháp lý đưa TQ ra tòa'


Cập nhật: 17:38 GMT - thứ sáu, 10 tháng 1, 2014
Thời điểm đã chín muồi để Việt Nam đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế nhằm đòi chủ quyền lãnh thổ trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, theo một luật gia, cựu quan chức Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam từ Hà Nội.
Hôm 10/1/2013, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nguyên Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói với BBC ông tin rằng Việt Nam đã có đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử để đòi chủ quyền trên các quần đảo.
Vấn đề hiện nay theo luật gia này là chính phủ Việt Nam phải có 'đủ bản lĩnh' và tỏ ra 'mạnh mẽ hơn' để tiến hành hành động pháp lý.
Luật gia cũng gợi ý Việt Nam có thể khởi đầu bằng việc tham khảo cách làm của Philippines để đưa hồ sơ đòi chủ quyền và các bằng chứng, khiếu nại về chủ quyền lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển.

'Nay là thời điểm'

"Thời điểm này là thời điểm đã cần thiết phải đứng ra rồi. Cần thiết phải có những động thái về mặt chính trị, pháp lý mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ quốc tế đối với Trung Quốc"
PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao
Ông Giao nói: "Chính quyền Việt Nam hiện nay, với nguyện vọng của dân tộc, nhân dân Việt Nam hiện nay, mạnh mẽ hơn nữa, tôi nghĩ thời điểm này, đã đến lúc cần phải mạnh mẽ hơn và cần phải khẳng định cái bản lĩnh của dân tộc Việt Nam đứng trước một nguy cơ xâm phạm bờ cõi Tổ tiên để lại,
"Thời điểm này là thời điểm đã cần thiết phải đứng ra rồi. Cần thiết phải có những động thái về mặt chính trị, pháp lý mạnh mẽ hơn nữa trong quan hệ quốc tế đối với Trung Quốc..."
"Cụ thể hồ sơ về Hoàng Sa, Trường Sa, các nhà nghiên cứu lịch sử, cũng như các chuyên gia pháp luật đều có những nghiên cứu và đều có đánh giá chung rằng về căn cứ pháp lý về chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam hoàn toàn đầy đủ căn cứ pháp lý,
"Về mặt lịch sử, về mặt pháp lý, cũng như về mặt chiếm hữu thực sự hữu hiệu, dưới góc độ công pháp quốc tế là hoàn toàn Việt Nam có đủ căn cứ và Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm," ông nói với BBC.

Người Việt 'quen sống cùng tham nhũng'


Cập nhật: 11:13 GMT - thứ sáu, 10 tháng 1, 2014
Lãnh đạo VN thay nhau nói đến lợi ích nhóm nhưng chưa nói rõ các nhóm lợi ích là nhóm nào.
Trên thế giới có nhiều định nghĩa, nhiều hình thức khác nhau về tham nhũng. Ở Việt nam, khái niệm tham nhũng được chỉ định cụ thể chủ thể là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực công để vụ lợi cá nhân.
Hành vi tham nhũng biểu hiện trên thực tế rất đa dạng và phức tạp, nạn tham nhũng diễn ra trên tất cả các hoạt động đời sống xã hội, gây thiệt hại lớn đến tài sản của cộng đồng hiện tại và tương lai.
Tham nhũng ở Việt Nam xảy ra ở cấp Trung ương, các cấp chính quyền cơ sở, các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xuất nhập khẩu, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, văn hoá, y tế, giáo dục, thể dục, thể thao... Thậm chí cả lĩnh vực phúc lợi xã hội, bảo vệ pháp luật, cứu trợ xã hội, thi đua khen thửởng, chuyển công tác...
Thực thi tham nhũng làm thay đổi, đảo lộn chuẩn mực đạo đức xã hội, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, đã trở thành bình thường trong quan niệm của đại đa số người tham gia điều hành lĩnh vực công hàng ngày.
Điều đáng bàn ở đây là tham nhũng đã và đang hủy hoại một cách lũy tiến đối với nhận thức, hành động của thế hệ tri thức trẻ.
Riêng đầu tư xây dựng cơ bản bằng vốn ngân sách và các nguồn vốn vay khác do nhà nước quản lý những năm gần đây lên tới vài trăm ngàn tỷ đồng, được thực hiện đa số bởi các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp khác có vốn nhà nước 100% hoặc vốn nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Dự án và 'phần trăm'
"Tham nhũng đã và đang hủy hoại một cách lũy tiến đối với nhận thức, hành động của thế hệ tri thức trẻ"
Việc lobby [vận động hành lang] và chi tiền cho các “chi phí cần thiết khác” từ vài thậm chí đến mười phần trăm trong suốt quá trình thực hiện dự án là điều không tránh khỏi để có công việc, để nhận được dự án, dù dưới nhiều hình thức đấu thầu, chỉ định thầu, hợp tác công tư (PPP).
Giá trị này chưa hẳn đã được bù lại bằng cách rút ruột dự án như báo chí vẫn thường lên án mà bù đắp bằng giá trị vô hình, bằng thuận lợi vật tư, khấu hao xe cộ, máy móc… Và có thể, thay vì nếu không có việc làm, doanh nghiệp sẽ chết hẳn, thì việc hối lộ để giành dự án là phương án giúp doanh nghiệp “chết từ từ”, với hi vọng nằm chờ cơ hội.
Ở các nước phát triển, việc rửa tiền phải từ chủ thể tham nhũng, thì Việt Nam ngược lại.
Nhà hoạt động chống tiêu cực Lê Hiền Đức đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn giúp dân oan khiếu kiện.
Vài chục ngàn tỷ trong một năm tham nhũng từ nguồn vốn nhà nước được rửa bằng sự phạm pháp của lực lượng hùng hậu cán bộ các phòng ban của các doanh nghiệp nhà nước.
Hợp thức hóa chi phí sản xuất bằng cách lập lại chứng từ tài chính, hồ sơ kỹ thuật, mua hóa đơn VAT… sai khác thực tế để bù giá trị tham nhũng và giá trị thuế VAT cho lượng tiền tham nhũng trên. Phát sinh phạm pháp khác bắt nguồn từ một sự phạm pháp.
Từng lớp tri thức trẻ nối tiếp nhau, người người phải hợp thức hóa giá trị tham nhũng một cách vô tư, tự nguyện, hồn nhiên nếu muốn tồn tại trong công việc.
Hệ lụy tham nhũng làm hư hỏng tư tưởng thế hệ trẻ, tự tròng vào cổ mình thòng lọng phạm pháp ngẫu nhiên đang xảy ra hàng ngày là điều quá nghiêm trọng cho xã hội, cần được lên tiếng từ các bậc cha mẹ, người thân và cộng đồng.
Phải chăng chống tham nhũng nên chống từ gốc, một việc làm đem lại hai ý nghĩa thiết thực cho xã hội.
Nếu không có sự tiếp tay, không phạm pháp không tư lợi đánh đổi với công ăn việc làm hiện tại của lực lượng tri thức trẻ, thì chắc rằng chẳng còn cách nào khác để rửa tiền hộ cho các đối tượng tham nhũng áp đặt cuộc chơi chi phí phần trăm và các chi phí khác trong điều phối vốn ngân sách, vốn vay trong xây dựng hạ tầng và các dạng tương tự.
Nên chăng đưa việc nguy hại này thành điều cấm trong hợp đồng lao động đối với các nhân viên khi được ký hợp đồng với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước chiếm cổ phần chi phối cũng là cách chống tham nhũng thiết thực.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Hà Nội.

U19 là nạn nhân căn bệnh 'chỉ muốn thắng' của người Việt

Có một thực tế là bất cứ đội tuyển Việt Nam cấp độ nào, từ các lứa "U" hay đội một muốn được tung hô và "có vị trí" trong lòng đa phần cổ động viên là phải thắng. 

Cổ động viên (CĐV) luôn muốn đội tuyển kiểu gì cũng phải thắng, thắng đội nào cũng được nhưng miễn là phải thắng. Giá trị chiến thắng ở đây được quy đổi rất đơn giản là tỷ số. Một trận cầu thắng đậm Campuchia, Đảo Guam cũng có tác dụng tốt hơn một trận thua nhẹ trước... Brazil.
Người Việt lạc quan nhất thế giới
SEA Games 1995, bóng đá Việt Nam bất ngờ thăng hoa sau chuỗi ngày dài chìm khuất ở ao làng. Những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh, Văn Cường, Minh Chiến xuất sắc đưa tuyển Việt Nam lọt vào đến trận chung kết. Ở Chieng Mai năm đó, dễ có đến già nửa CĐV tin vào bước ngoặt lịch sử sẽ đến và tuyển Việt Nam đoạt chức vô địch, dù trong thâm tâm, từng ấy trái tim đều khẳng định: Tuyển Thái vẫn giỏi hơn chúng ta!
U19-6188-1389326900.jpg
Người hâm mộ Việt Nam chưa có thói quen chấp nhận thất bại của các đội tuyển. Ảnh: Đức Đồng.
Sự kỳ vọng được đẩy lên đỉnh điểm trước giờ bóng lăn, bất chấp những "khuyến cáo" từ giới chuyên môn, những lời tâm sự thống thiết của người trong cuộc. Rằng, vào đến chung kết đã là cái ngưỡng vượt mình của tuyển Việt Nam, nên việc có giành được Vàng hay không cũng đã là thắng lợi!
Mặc kệ, người hâm mộ có cái lý của mình, nhưng trên hết, họ lạc quan. Những câu nói đại loại như "vận may", "chắc gì Thái đã đá tốt" hay "một ngày đẹp trời như hôm nay, tuyển Việt Nam sẽ làm nên chuyện"... Rất nhiều lý do khác được người hâm mộ đưa ra như một điều kiện "bắt" tuyển Việt Nam phải giành Vàng. Ngán nhất là một số người còn lên tận khán đài với các dòng băng rôn dạng như: "Quyết tử vì tổ quốc quyết sinh" hay "Cả nước ở bên các anh, hãy chiến đấu đến cùng"... 
Lúc này, một trận bóng đá - vì tinh thần lạc quan - đã được biến thành một trận chiến. Nhiều người bắt đầu liên tưởng đến những thành tựu từng được hoàn thành bằng vũ khí tinh thần và đặt nó lên vai các cầu thủ. Họ cho rằng, với sự cổ vũ hết mình, với một tình yêu cháy bỏng của vài chục triệu CĐV luôn sẵn sàng sống chết vì đội tuyển, các cầu thủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Trước trận, ai cũng nghĩ mình sẽ trở thành nhà vô địch.
Sự lạc quan vào tương lai mang màu sắc hy vọng, rồi kỳ vọng đỉnh điểm đã lấn át toàn bộ lý trí. Các CĐV nói chung không dành chỗ cho thất bại. Thậm chí, một suy nghĩ tiêu cực cũng không nốt. Họ đến sân hoặc ngồi trước tivi với niềm tin chắc nịch là tuyển Việt Nam sẽ thắng!
Nhưng rút cuộc, sau 90 phút ở Chieng Mai, tuyển Thái nã 4 bàn vào lưới tuyển Việt Nam trong một thế trận hơn hẳn. Họ đàng hoàng bước lên ngôi vô địch trong những tiếng nấc nghẹn của CĐV áo đỏ. Tâm lý thua trận của các CĐV Việt Nam lúc nào cũng có thể viết thành sách. Mọi cung bậc của nỗi buồn đều được lột tả đến tận cùng.
Lại còn những người "yêu" tuyển Việt Nam điên cuồng như trước mỗi trận đấu nữa. Họ tìm cách lý giải thất bại, tìm một ai đó để phê phán và "răn đe" lẫn nhau vì sự tung hô do... chính mình tạo ra. Sau đó, báo chí thể thao tiếp tục nhảy vào phân tích và đưa ra những loạt bài... ủng hộ, đại loại như "thất bại là mẹ thành công", "giữ vững đôi chân trên mặt đất"... 
Các kỳ SEA Games, Tiger Cup và AFF Cup hoặc những trận cầu đinh của tuyển Việt Nam sau này cũng vậy, CĐV lần nào cũng đề cao sự lạc quan, chất chứa hy vọng của cả dân tộc lên vai các cầu thủ và đau đớn khóc lóc, buồn bã dày vò sau thất bại. Trận chung kết Tiger Cup 1998 khi tuyển Việt Nam thua Singapore trên sân nhà, trận chung kết của SEA Games 2003 (U23 VN thua U23 Thái Lan 1-2), trận chung kết SEA Games 2009 người Mã đánh bại U23 VN 1-0, hay mới nhất là trận thua 0-7 của U19 VN trước U19 Nhật Bản, đều diễn ra đúng kịch bản: kỳ vọng cực lớn, ca ngợi cực nhiều trước trận nhưng than thở, nỉ non sau trận. 
Phải thừa nhận, đấy không phải là đức tính tốt của các CĐV bóng đá Việt Nam. Nhiều người biết điều đó, nhưng có lẽ, nó đã ăn vào tính cách nên hết lần này đến lần khác, đều không có thuốc chữa!
Sự lạc quan không chỉ xâm chiếm lý trí của các CĐV bóng đá nói riêng, mà trong đời sống hàng ngày, sự lạc quan nhiều khi cũng trở thành “kim chỉ nam” cho tương lai của rất nhiều người trong số chúng ta. Bằng chứng là người Việt rất thích xem bói.
Không ít người khao khát có mặt ở nhà các "chiêm tinh gia" để than thở quá khứ, trách móc hiện tại nhưng lại hy vọng tột độ vào tương lai. Những câu nói được ưa chuộng luôn luôn là: "Về sau sẽ khấm khá, hậu vận an nhàn, giàu sang phú quý". Phải chăng, số giàu tự nó đến, an nhàn tự mang lại còn phú quý thì tự xông vào nhà? Ấy thế nhưng rất nhiều người, hết năm này qua năm khác vẫn hy vọng vào "tương lai tốt đẹp hơn" bằng cách... xem bói mà quên mất bản chất quan trọng nhất của "khấm khá - an nhàn - giàu sang" là lao động và lao động cật lực. 
Vì sao CĐV Việt Nam chỉ thích thắng?
Cổ động viên chỉ thích thắng, nên Vũ Công Tuyền (Thể Công), tiền đạo ghi 5 bàn trong chiến thắng 11-0 của tuyển Việt Nam trước Đảo Guam (vòng loại Asian Cup 2000) được nhớ đến nhiều hơn Nguyễn Minh Đức (SLNA), cầu thủ thi đấu rất tốt, có cú sút xa bật cột dọc phút 66 trong trận Olympic Việt Nam thua Olympic Brazil 0-2 tại Mỹ Đình năm 2008 hay thủ môn nhập tịch Phan Văn Santos với phong độ xuất thần cứu nguy nhiều bàn thua, đồng thời có cú đá phạt sấm sét không thành bàn cũng trong trận đấu đó. 
Kết quả thể thao, đôi khi, được nhìn nhận dưới góc độ thu hẹp đến cực độ. Nhiều người không hiểu (hoặc không muốn hiểu) ý nghĩa sâu xa của thể thao là rèn luyện, là thi đấu giao lưu, là có thắng - có thua, là quảng bá và thể hiện nét văn hóa của đất nước con người, chứ không phải bất cứ trận đấu nào tỷ số cũng là quan trọng nhất. Tiếc là, một bộ phận không ít CĐV của chúng ta vẫn xem trọng vế thứ hai hơn!
Điều này liệu có liên quan gì đến tích cách không? Có, và nó thực sự là một tính cách vừa đáng tự hào vừa đáng giận của chúng ta. 
Việt Nam là đất nước chuyển mình từ chiến tranh, phát triển và khẳng định cũng từ chiến tranh nên sự lạc quan luôn đi đôi với tính hiếu thắng. Chúng ta đã thắng những trận đánh lịch sử, đã lập nên kỳ tích bởi lối đánh du kích, lấy ít thắng nhiều và luôn luôn tự hào toàn dân một ý chí "thắng không kiêu bại không nản". Đấy là cái hay, cái độc đáo mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có. Nhưng cái dở là nhiều khi, chúng ta lại đưa ý chí đó vào thể thao, ở đây là bóng đá. Chỉ riêng hai cụm từ "một trận đánh" đã rất khác "một trận đấu". 
Sự khác nhau cơ bản ở đây là một trận đánh có thể dùng vũ khí tinh thần để chiến thắng. Anh gan lì hơn đối thủ, mưu trí hơn đối thủ, chịu đựng tốt hơn đối thủ, yêu nước hơn đối thủ, có niềm tin mãnh liệt hơn đối thủ thì tất thắng. Nhưng bóng đá (và các cuộc đấu thế thao nói chung) không như vậy. Một đội bóng lì lợm hơn, chiến thuật tốt (mưu trí), sức bền bỉ hơn, yêu màu cờ sắc áo hơn và có niềm tin mãnh liệt hơn chưa chắc đã là người thắng cuộc. Vì cơ bản, đấy là cuộc chơi của tài năng và trong khuôn khổ "nghệ thuật trình diễn", sự quyết tâm đến cùng đôi khi không đáng giá bằng cảm xúc.
Tôi dám khẳng định là so với tuyển Brazil, tuyển Việt Nam khát khao không kém, chiến thuật không kém và cũng chẳng ai sợ ai. Thậm chí, chúng ta còn "mưu trí" hơn là thuê điệp viên xem giò, xem cẳng, ghi chép đầy đủ điểm mạnh điểm yếu của họ để rút kinh nghiệm và đưa ra đối sách tốt nhất có thể, nhưng khi hai đội đối đầu, ai dám khẳng định phần thắng có nghiêng về tuyển Việt Nam? Đấy chính là sự khác nhau cơ bản giữa "một trận đấu" và "một trận đánh"!  
Với U19 Việt Nam, chỉ cần lưu giữ hình ảnh đẹp là đủ
Thất bại rất đậm của U19 Việt Nam trước Nhật Bản có thể khiến nhiều người buồn, nhưng chúng ta - những CĐV chân chính - cần nhìn thẳng vào vấn đề. U19 Việt Nam - thực chất là Học viện HAGL Arsenal JMG tăng cường - vẫn là đội bóng giàu năng lực phát triển, được đào tạo tốt nhất từ trước đến nay. Cái thua của họ là cú vấp ngã mang tính thời điểm và nó không phải bản chất.
Tôi dám khẳng định, nếu hai đội chơi lại một trận khác, trong hoàn cảnh U19 Việt Nam sung sức hơn, tỷ số đó chắc chắn sẽ không lặp lại. Ví dụ như nếu hai đội gặp nhau trong trận khai mạc, U19 Việt Nam chưa chắc thua đậm, còn U19 Nhật Bản chưa chắc rời sân với 3 điểm.
Thầy trò HLV Guillaume Graechen để thua trong hoàn cảnh gần như bất khả kháng và đối với một đội bóng trẻ, điều này hoàn toàn bình thường. Sự hưng phấn đỉnh điểm đến với U19 Việt Nam ở trận gặp U19 AS Roma. Họ đã chơi một trận cầu như thể đấy là trận cuối cùng. Sức lực bung hết, khả năng bộc lộ hết và niềm tin cũng... sử dụng hết. Họ muốn đáp lại thịnh tình của khán giả nhà, đồng thời cũng muốn tự khẳng định chất lượng của một lò đào tạo kiểu Tây. Tất cả những điều đó, suy cho cùng, rất đáng trân trọng. 
U19 Việt Nam không tin họ bị đánh bại bởi U19 AS Roma và thực tế trên sân cho thấy, đội khách đã có quá nhiều may mắn trong hiệp thi đấu đầu tiên và nửa đầu hiệp 2. Nếu 6 cơ hội ngon ăn được Công Phượng, Văn Toàn, Thanh Tùng, Tuấn Anh... chuyển hóa 50%, chắc chắn sẽ không có mỹ từ "phòng ngự kiểu Italy lên ngôi" hay "đẳng cấp người Ý được thể hiện" được giật làm tít bài của những tờ báo chỉ coi kết quả là tôn chỉ. 
Bản thân người chiến thắng (U19 AS Roma) cũng hoàn toàn bị động. Họ không chủ đích chơi phòng ngự, nhưng sự xuất sắc của U19 Việt Nam đã đẩy họ lùi sâu và lâm vào tình thế chống đỡ tối tăm mặt mũi. Họ cũng bất ngờ với chính bản thân mình trong cả hai pha ghi điểm và thở hắt ra trong bàng hoàng khi trọng tài chính nổi tiếng còi dứt trận. Họ thắng mà như mơ. Còn U19 Việt Nam, thua trong một sứ mệnh cần chứng tỏ. Và họ kiệt sức.
Tâm lý thất vọng với bản thân, cùng nền thể lực hao tổn nghiêm trọng đè lên vai U19 Việt Nam trong suốt thời gian sau diễn ra trận đấu thứ hai. Nó bị cơn ác mộng thủng lưới mang tên U19 Nhật Bản đè bẹp không thương tiếc. Chẳng có gì lạ. Vì khi một đội bóng trẻ đã chịu thua ngay từ trong tư tưởng, sự vỡ trận là kết cục không thể thay đổi. Nhưng chúng ta - những CĐV chân chính - chỉ cần lưu giữ thái độ cống hiến tận cùng và màn trình diễn "như mơ" của họ trong trận đấu gặp U19 AS Roma. Thế là quá đủ cho một hành trang tiến đến tương lai.
Bầu Đức và thói hư tật xấu của người Việt.
Bất chấp kết quả của giải đấu ra sao, U19 Việt Nam đứng ở đâu trên bảng xếp hạng cuối cùng cũng không có ý nghĩa bằng việc bầu Đức đã "đỡ đầu" cho một đội bóng nhiều hy vọng. Nếu không có tâm huyết của ông, chắc chắn sẽ không có lứa cầu thủ U19 xuất sắc như ngày hôm nay. Trên hết, trong mọi thất bại sân cỏ, ông ấy không có lỗi, mà trái lại, bầu Đức đang tạo ra tiền đề cực tốt cho sự phát triển của bóng đá nước nhà trong tương lai, ít nhất là khâu đào tạo trẻ. 
Sau trận đấu với U19 AS Roma, Facebook của một cá nhân được cho là thành viên của đội U23 VN đã "sướng rơn" khi chứng kiến đàn em bại trận. Một thành viên U23 VN khác nhảy vào ủng hộ bạn mình với thái độ châm chọc, lời lẽ khó nghe. Đoạn "nói chuyện" này sau đó được gỡ xuống nhưng trong thời kỳ bùng nổ công nghệ, nó được chụp lại và lan tỏa với tốc độ chóng mặt trên mạng. Không ai ủng hộ hai anh lớn, thậm chí, một số còn phẫn nộ với những lời lẽ kiểu thù hằn được đăng tải. Nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhiều người đồng tình với hai thành viên U23 chăng?! 
Bầu Đức (qua báo chí) sẽ biết việc đó. Có thể, ông cũng không bận tâm. Nhưng cũng có thể ông quan tâm sâu sắc. Bầu Đức sẽ nghĩ gì? Chẳng ai biết, vì với tư cách của một "ông chủ", bầu Đức chắc chắn không bình luận một vấn đề "con cháu nông nổi". Điều quan trọng là mọi người nghĩ gì về ông và về Học viện HAGL Arsenal JMG?
Cách đây không lâu, trong một bài phân tích về "Những thói hư tật xấu của người Việt", nhà nghiên cứu và phê bình văn học Vương Trí Nhàn có viết: "Thói xấu của người Việt là luôn sống trong ganh ghét, đố kỵ". 
Tại sao lại thế? Để trả lời cho câu hỏi này, Vương Trí Nhàn đưa ra một nghiên cứu: Các nhà xã hội học chỉ ra rằng, ở đâu nghèo về vật chất, ở đó cũng có sự nghèo hèn về tinh thần, và đặc điểm chính của người nghèo là dễ bị tổn thương. Đối với U23 Việt Nam, thất bại ở SEA Games vừa rồi cũng có thể ví như người nghèo. Các thành viên không nghèo về tiền, mà nghèo về thành tích. Trong khi đó, U19 ít nhất đã đặt chân vào Vòng chung kết U19 châu Á, đồng thời thi đấu cực kỳ ấn tượng ở giải VĐ Đông Nam Á mới diễn ra. 
Tư tưởng ăn sâu bén rễ trong nhiều người chúng ta là trọng người nghèo, khinh ghét người giàu. Người nghèo được cho là tình nghĩa hơn, tốt bụng hơn, còn người giàu luôn luôn xấu. U23 và U19 cũng đang phản ánh tư tưởng đó chăng? Kẻ bị ghét là kẻ giàu, còn người có quyền ghét là người nghèo - tức người tốt?!
Cái nghèo (theo Vương Trí Nhàn) còn có nghĩa là không có khả năng thay đổi. Và trong một xã hội tiểu nông, cái mà mọi người đều biết làm và làm được thì luôn luôn thừa. Cái mà mọi người cùng cần và cùng khó làm thì luôn luôn thiếu. Sự thất bại của U23 thì... đội nào cũng làm được. Nhưng thành công của U19 thì không mấy khi xuất hiện. Ví như, hàng thịt nguýt hàng cá. Con mèo thường khen mình đuôi dài mà đâu biết đuôi con chó cũng dài vậy. 
Suy cho cùng, phản ứng của hai thành viên U23 Việt Nam đại diện cho những người "rất dễ bị tổn thương". Còn nỗi buồn như rơi xuống địa ngục của các CĐV cũng là một dạng tổn thương, nhưng ở khía cạnh khác!

>Xem thêm: Nếu U19 Việt Nam có thua, xin các bạn đừng bỏ về sớm! Cổ động viên VN, thắng thì tung hô thua thì vùi dập
Vũ Hải Nam

Ban Nội chính 'nắm Ngân hàng Nhà nước'

Cập nhật: 15:09 GMT - thứ sáu, 10 tháng 1, 2014

Thống đốc Bình (bên trái) từng nói chênh lệch giá vàng (VN-thế giới) là 'có lợi cho dân'.
Ban chỉ đạo chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo sẽ giám sát Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn ngừa tiêu cực tại một số ngân hàng trong năm 2014.
Đây là một trong các nội dung đáng chú ý trong Thông báo của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, được ông Nguyễn Bá Thanh ký ban hành hôm 8/1 trong cương vị Phó trưởng ban.
Thông báo này tóm tắt các kết luận mang tính chỉ đạo của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng đứng đầu Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Nguyễn Phú Trọng.
Tình hình ngân hàng là một trong tám nhiệm vụ “trọng tâm” của cơ quan này trong năm 2014.
Theo thông báo, ông Nguyễn Phú Trọng “đồng ý về nguyên tắc giao Ban Nội chính trung ương…chủ trì, phối hợp với ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông qua cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng nhằm phòng ngừa và hạn chế phát sinh tiêu cực, tham nhũng tại một số ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần”.
Trong khoảng tháng 7, tháng 8, cũng sẽ diễn ra các cuộc kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng tại một số ngành, địa phương.

Ông Dương Chí Dũng từng nói ông bị ép cung trong quá trình điều tra.
Vị Tổng Bí thư cũng yêu cầu “đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh” các vụ án tham nhũng “nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo”.
Nhìn lại năm 2013, ông Nguyễn Phú Trọng đề cao hai công việc mà cơ quan của ông đã làm.
“Đó là việc thành lập 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và đặc biệt việc lựa chọn 02 vụ việc, 08 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp,” thông báo viết.
Đến nay, đã có ba vụ trong số này được đưa ra xử: Vụ án xảy ra tại Cty cho thuê tài chính II; vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh khi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng trong tư cách đại biểu Quốc hội vào hôm 2/12/2013 nói sẽ đưa ra xét xử vụ án ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên, còn gọi là Bầu Kiên, trước Tết.
Ngày 09/01/2014, truyền thông tại Việt Nam đưa tin Tòa tại Hà Nội trả hồ sơ vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB và yêu cầu bổ sung thêm chứng cứ, tài liệu, tình tiết chưa được sáng tỏ.

Lời khai ‘chấn động’


Ông Phạm Quý Ngọ vừa được thăng hàm thượng tướng hồi tháng Bảy năm ngoái
Báo chí và dư luận trong và ngoài nước chú ý nhiều tới lời cáo buộc hôm 7/1 của ông Dương Chí Dũng trước tòa rằng một thứ trưởng công an, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, báo cho ông đi trốn và còn nhận khoản tiền lớn đã gây chấn động cho dư luận.
Khi kết thúc phiên tòa xét xử ông Dương Tự Trọng và đồng phạm về tội tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài, tòa cũng khởi tố vụ án mới với Tướng Ngọ về tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Giới luật sư bình luận rằng đây là lần rất hiếm tại Việt Nam khi tòa án dùng đến quyền khởi tố của mình.
Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Trương Việt Toàn, nói: “Quyết định khởi tố vụ án sẽ được gửi tới VKSND TP Hà Nội.”
Ngoài ra Hội đồng xét xử còn đề nghị VKSND TP Hà Nội có yêu cầu đề nghị đối với VKSND Tối cao điều tra hành vi nhận 500.000 USD và 20 tỉ đồng của Tướng Ngọ.
Ông Ngọ bị ông Dương Chí Dũng cáo buộc nhận 20 tỉ đồng liên quan dự án chuyển đổi công năng của Cảng Sài Gòn của Công ty Vạn Thịnh Phát (TPHCM).
Về phần mình, trưa thứ Ba 7/1, ông Phạm Quý Ngọ đã phủ nhận liên quan đến việc ông Dương Chí Dũng bỏ trốn với báo điện tử VnExpress.
Báo này dẫn lời ông Ngọ nói: "Tôi không liên quan đến việc bỏ trốn của Dương Chí Dũng. Dũng khai là chuyện của anh ta, trách nhiệm của cơ quan điều tra là phải làm rõ việc này".
Ông Ngọ cũng được ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Petrotimes, dần lời trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại với ông Phong bác bỏ cáo buộc nhận hối lộ.
Trong Bấmbài báo đằng ngày 09/01/2014, ông Phong mô tả ông "gọi điện cho ông Phạm Quý Ngọ hỏi về khả năng Dương Chí Dũng sẽ khai ra tình tiết 500.000 đô la trước Tòa.
"Ông bình thản nói rằng: "Kệ nó. Nó muốn khai gì thì khai. Sẽ có nơi điều tra làm rõ"", nhà báo Phong mô tả.

Hun Sen: nên trấn áp hay nhân nhượng?

Cập nhật: 14:18 GMT - thứ sáu, 10 tháng 1, 2014

Công nhân may mặc đã biểu tình bạo lực tại Phnom Penh
Việc chính quyền ông Hun Sen mạnh tay trấn áp các công nhân may mặc chính là do tác động của các cuộc biểu tình phản đối chính trị mà Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) cầm đầu và do chính các cuộc biểu tình của công nhân may mặc, theo nhận định của nhà nghiên cứu Carlyle Thayer từ Úc.
Trong bài viết “Cambodia: Hun Sen Regime Commences Crackdown” (tạm dịch Campuchia: Chế độ Hun Sen bắt đầu đàn áp) đăng hôm 6/1 trên trang Bấmscribd.com, ông Thayer nói đây rõ ràng là một mối đe dọa từ thành thị, khi mà các cuộc biểu tình của hai nhóm trên đều tạo rối loạn trật tự và an ninh công cộng.
Hôm 29/12, hơn 100 ngàn người, gồm công nhân ngành may, giáo viên, nông dân và sinh viên từ khắp nơi trên đất nước, đã tuần hành trên các đường phố ở thủ đô Phnom Penh kêu gọi ông Hun Sen phải từ chức, hoặc phải có điều tra độc lập về kỳ bầu cử có sai sót hồi tháng Bảy,
Sau nhiều tháng có các cuộc tuần hành bất bạo động của CNRP, có lẽ sự kiện trên là thách thức to lớn nhất trong 28 năm cầm quyền của ông Hun Sen.

Đối lập chính trị

Việc lâu nay vẫn kêu gọi tiến hành biểu tình bất bạo động khiến cho các lãnh đạo của CNRP bị các thành phần ưa dùng bạo lực hơn qua mặt và dẫn tới nguy cơ mất quyền kiểm soát.
Nay, phe đối lập cảnh báo ông thủ tướng về “chiến dịch cuối cùng” chống lại ông nếu như việc bầu cử mới không được thực hiện.
“Nếu ông ta không đồng ý tổ chức bầu cử mới, chúng ta sẽ bắt đầu một chiến dịch sau cùng. Chiến dịch đó sẽ buộc ông ta phải từ chức,” Kem Sokha tuyên bố trước đám đông reo hò, và nội dung này cũng được phát đi trực tiếp trên trang web của CNRP.

Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy tới thăm các công nhân bị thương do biểu tình
CNRP đã tổ chức tuần hành hôm thứ Sáu ở miền tây bắc Campuchia, bất chấp những cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu gần đây, hãng tin AFP đưa tin.
Chính phủ ông Hun Sen đã dùng luật để đẩy Sam Rainsy và các lãnh đạo khác của CNRP vào cáo buộc xúi giục biểu tình.
Ông Rainsy và ông Sokha có lệnh triệu tập lên tòa ở Phnom Penh vào ngày 14/1 tới đây.
“Chúng ta không sợ hãi, các anh em. Chúng ta không làm gì sai hết,” Sam Rainsy nói với các ủng hộ viên trong lúc những người này hô to: “Từ chức đi, Hun Sen”.

Đòi hỏi của công nhân may mặc

"Mối đe dọa thực sự đối với chính phủ vào lúc này chính là phản ứng của các dân biểu, nghị sỹ, các nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ và Ủy hội Âu châu trước những gì đang diễn ra tại Campuchia"
Giáo sư Carl Thayer
Ngành may mặc cho đến nay vẫn là lĩnh vực mang về nguồn thu xuất khẩu lớn nhất cho Campuchia, với các hãng lớn như Gap, Nike và H&M có hoạt động tại đây.
Hôm thứ Sáu trước, các nhân công một nhà máy may ở ngoại vi Phnom Penh biểu tình đòi tăng lương tối thiểu lên 160 đô la một tháng.
Hàng trăm quân cảnh và cảnh sát đô thành với AK-47 và súng ngắn trong tay đã nã đạn vào đám đông người biểu tình.
Các nhà hoạt động nói ít nhất có bốn thường dân đã bị bắn chết trong sự kiện mà họ gọi là tình trạng bạo lực tồi tệ nhất chống lại các công dân ở nước này từ 15 năm qua.
Trong làn sóng biểu tình, một số công nhân ngành này đã ném gạch đá, phóng hỏa vào cảnh sát.
Điều này cho thấy họ sẵn sàng đứng lên bất chấp sự hăm dọa của chính quyền, thậm chí sẵn sàng dùng đến bạo lực.
Cuộc biểu tình nay đã ngưng, và hầu hết các nhân công đã quay trở lại làm việc.

Chống đối từ hai phía

Nếu như phe chính trị và các công nhân phối hợp với nhau, giáo sư Thayer nói, họ sẽ tạo ra mối đe dọa vô cùng to lớn cho chính quyền Hun Sen, và nếu các cuộc biểu tình diễn ra càng lâu thì sẽ càng có thêm người dân Campuchia dám đứng lên.

Áp lực đòi ông Hun Sen từ chức ngày càng dâng cao
Giáo sư Thayer chỉ ra rằng mối đe dọa mà ông Hun Sen đang phải đối diện là làm sao phải kiểm soát được hai vấn đề có tính xung đột lẫn nhau.
Đó là làm sao để bảo vệ pháp luật và duy trì an ninh công cộng, đồng thời kiềm chế, làm nguôi giận được những người biểu tình.
Nếu không, chính quyền sẽ hoặc phải dùng bạo lực mạnh mẽ hơn nữa để nghiền nát phe đối lập, hoặc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) sẽ buộc phải rũ bỏ ông Hun Sen với hy vọng sẽ vẫn níu kéo được quyền lực.
Về phía các công nhân ngành may, chính phủ khó có thể chấp nhận yêu cầu tăng lương cơ bản ngay lập tức như yêu cầu của công đoàn, bởi làm vậy sẽ khiến Campuchia mất sức cạnh tranh.
Ngay hiệp hội các chủ nhà máy may cũng đã gây áp lực lên chính phủ ông Hun Sen để đòi hạn chế mức tăng lương tối thiểu và chấp dứt biểu tình.
Hiện còn quá sớm để nói liệu những vẫn đề hiện tại của Campuchia có khiến cho các hãng may mặc chuyển hoạt động sang thị trường khác hay không. Rất có thể họ sẽ chờ đợi xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Mối đe dọa thực sự đối với chính phủ vào lúc này chính là phản ứng của các dân biểu, nghị sỹ, các nghiệp đoàn lao động Hoa Kỳ và Ủy hội Âu châu trước những gì đang diễn ra tại Campuchia, theo giáo sư Thayer.
Nếu tình hình xấu đi, họ nhiều khả năng sẽ khuyến nghị áp lệnh trừng phạt, gây tác động tiêu cực cho ngành công nghiệp may mặc của nước này, giáo sư Thayer nói thêm.
Theo BBC