Trang

23 tháng 9, 2013

“Trúng thầu trăm tỷ, thanh toán vài trăm tỷ là bình thường”





 
            Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Nguyên tắc là không điều chỉnh giá thầu, chỉ điều chỉnh khi bất khả kháng".

Bắt đầu chuẩn bị từ năm 2007, qua nhiều lần lùi, hoãn, sáng 23/9 dự án Luật Đầu tư công cũng đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu tới.

Gồm 6 chương với 74 điều, dự án Luật Đầu tư công, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, sẽ tập trung quy định toàn bộ quá trình quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và các khoản vốn đầu tư khác có tính chất ngân sách nhà nước, các khoản vốn vay của ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng.

Riêng nguồn vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước không đưa vào phạm vi điều chỉnh luật này, dự kiến sẽ quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

"Việc thông qua Luật Đầu tư công lúc này vô cùng quan trọng, nếu không thì bó tay với đầu tư dàn trải, lãng phí", ông Vinh tha thiết.

Một trong các nội dung mới được Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh là dự án luật quy định chỉ được phê duyệt chương trình, dự án khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

 Bởi, lãng phí nhất hiện nay, theo Bộ trưởng Vinh là nằm ở chủ trương đầu tư.

"Thủ tướng cũng bức xúc nói tại sao đường miền núi mà lại làm to như vậy, rộng 60-70 m, ai quyết định đầu tư? Rồi công trình khổng lồ mấy chục nghìn tỉ đồng quyết cái xong ngay, đến lúc không có tiền mà vẫn cứ phải lao theo", ông Vinh nói.

Vì thiếu chế tài xử lý trách nhiệm, nên theo vị tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư, các chủ tịch tỉnh cứ ký tràn lan rồi đi xin tiền Trung ương. Nhưng với luật này thì ai quyết chủ trương sai, sẽ phải chịu trách nhiệm.

Cũng sốt ruột bởi sự triền miên điều chỉnh giá thầu trong thực tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng “than thở” rằng lâu nay, "trúng thầu trăm tỷ, nhưng thanh toán vài trăm tỷ là chuyện bình thường".

Bởi vậy, Chủ tịch yêu cầu luật này phải siết lại, trúng thầu bao nhiêu trả bấy nhiêu, chứ không thể hễ tăng lương hay lạm phát là lại điều chỉnh.

"Tất nhiên ta không cứng quá, những rủi ro mang tính “trời đánh” như thiên tai thì phải chịu, còn tất cả những rủi ro do con người gây ra cần phải được tính toán hết vào dự toán", Chủ tịch lưu ý.

“A - B là chùm khế ngọt (chủ đầu tư và nhà thầu - PV), các đồng chí biết quá kỹ, tôi biết quá kỹ mà chịu không làm gì được, vì cơ quan có thẩm quyền đồng ý hết, phê duyệt hết rồi. Nếu cứ tiếp tục để tình trạng đó thì luật chất lượng kém. Không sửa được điều này thì không chống được tham nhũng, lãng phí. Nguyên tắc là không điều chỉnh giá thầu, chỉ điều chỉnh khi bất khả kháng", Chủ tịch nhấn mạnh.
Nguyễn Lê

Xã hội dân sự là gì?

1. Định nghĩa
- Xã hội dân sự là “Diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung
- Xã hội dân sự là các hoạt động tập thể, tự nguyện xung quanh các giá trị, mục tiêu, ý thích chung. Xã hội dân sự bao gồm sự đa dạng về phạm vi hoạt động của các thành viên và các hình thái tổ chức khác nhau về mức độ nghi lễ, tự do và quyền lực. Xã hội dân sự được hình thành dưới dạng các tổ chức như hội từ thiện, hiệp hội, công đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các liên minh, các đoàn luật sư...
- Xã hội dân sự là xã hội mà trong đó các tổ chức khác nhau của công dân như đảng phái, công đoàn, hợp tác xã, nhóm...thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, không để cho nhà nước áp bức các công dân của mình

2. Lịch sử hình thành
Thuật ngữ xã hội dân sự xuất hiện lần đầu tiên ở châu Âu vào thế kỷ 16 và trở nên phổ biến vào thế kỷ 18. Một số sử gia Trung Quốc cho rằng vấn đề xã hội dân sự đã được nhắc đến ngay từ thời nhà Chu ở Trung Hoa. Theo quan niệm truyền thống châu Âu, xã hội dân sự được coi là một tổ chức (hội) đối trọng với chính quyền.

3. Đặc trưng
- Chỉ ra những ranh giới rõ rệt, một bên là những hoạt động kinh tế tư nhân hướng theo lợi nhuận, bên kia là những hoạt động chính trị hướng vào việc chiếm lãnh và thực thi quyền lực nhà nước.
- Định ra một khu vực đa dạng gồm những hội nhóm và tổ chức khác nhau, trở thành những đảm bảo quan trọng cho một chính sách phát triển bền vững và thịnh vương trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, 
- Cần phải tiến tới tầm cỡ độc lập về mặt chính trị xã hội và qua đó, các tổ chức có một tiềm năng quan trọng phục vụ cho tiến trình phát triển dân chủ.
- Có khả năng tiến tới tầm cỡ toàn cầu thông qua việc nối kết với những tổ chức xã hội dân sự khác trên thế giới.

4. Xã hội dân sự và chế độ dân chủ
 Các yếu tố chính trị của nhiều tổ chức tự nguyện tạo điều kiện cho công dân nhận thức tốt hơn và có thêm thông tin tham gia hoạt động chính trị, làm cho chính quyền làm việc tốt hơn.
 Các tổ chức phi-chính trị trong xã hội dân sự đặc biệt quan trọng đối với nền dân chủ. Điều này là do họ xây dựng vốn xã hội và giá trị chung được chuyển sang lĩnh vực chính trị để giúp các tổ chức xã hội, tạo điều kiện cho sự hiểu biết về liên kết của xã hội và lợi ích trong đó.
 Xã hội dân sự liên quan chặt chẽ với nền dân chủ đại diện, được liên kết với tư tưởng dân tộc và chủ nghĩa dân tộc.
 Xã hội dân sự là đối tác bình đẳng của nhà nước chứ không phải là cái đuôi của Nhà nước, về thực chất là tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định chính sách và giám sát nhà nước, thực hiện phản biện xã hội đối với Nhà nước, kể cả đối với phẩm chất và hành vi của viên chức Nhà nước.
 Ở quốc gia dân chủ, vai trò căn bản nhất của những tổ chức xã hội dân sự là giới hạn và kiểm soát quyền lực của nhà nước. 
 Tổ chức xã hội dân sự sẽ báo động với quần chúng khi quan chức nhà nước lạm dung quyền thế, tham nhũng. Xã hội dân sự cũng cho người dân cơ hội vận động để được tự do thông tin và quyền công dân này được xác định bằng luật pháp.
 Một vai trò khác của xã hội dân sự là thúc đẩy xây dựng chế độ dân chủ bền vững, là khuyến khích, cổ súy người dân tham gia hoạt động chính trị. Ở chế độ dân chủ, các tổ chức xã hội dân sự sẽ hướng dẫn người dân: Thế nào là quyền và trách nhiệm của công dân, tham gia hoạt động chính trị, theo dõi chương trình vận động tranh cử của ứng cử viên, đặt vấn đề với những người làm chính trị, tranh luận, bày tỏ quan điểm chính trị và đi bầu cho người mình chọn.
  Xã hội dân sự là điều kiện sống còn của một chế độ dân chủ.



Phạm Hải tổng hợp và bổ xung.

22 tháng 9, 2013

Nghị quyết...không làm

“Chúng ta ra hết nghị quyết không ba, không năm, không bảy, nhưng tôi sợ nhất là nghị quyết…không làm”- Nguyễn Bá Thanh.
Xã hội hiện nay, ranh giới phân biệt những việc bình thường và bất thường có vẻ không còn xác định. Điều bất thường đã trở nên bình thường, để rồi cứ ngang nhiên tồn tại “bình thường” một cách bất thường.
Nên không ngạc nhiên với bình luận mới đây của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mà báo Lao Động dẫn lời, đó là “Việt Nam có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là Luật phổ biến giáo dục pháp luật.
Có nghĩa, luật ban hành ra rồi mà vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng… chưa làm”.
Bất thường, khi dân thì nghèo, nhưng trụ sở nhiều tỉnh, thành, theo phản ánh của đại biểu Quốc hội lại mênh mông, lộng lẫy “như cung điện”. Sân vận động huyện xây hàng chục triệu đô la đẳng cấp quốc tế. Trường lớp xuống cấp, không đủ chỗ ngồi, thiếu phòng thực hành cho học sinh, nhưng cái nhà vệ sinh con con xây mới phía sau trường lại ngốn hơn nửa tỷ đồng. Bao nhiêu dự án tiền tỷ phơi mưa phơi nắng. Bao nhiêu cán bộ lương bổng tầm tầm, mà vẫn biệt thự, xe hơi, con cái du học…
Nhưng nó nghiễm nhiên trở nên “bình thường” khi hầu như không “bị” nêu ra địa chỉ, tên tuổi cụ thể trong các báo cáo liên quan đến tiết kiệm, chống tham nhũng lãng phí, quản lý sử dụng vốn ngân sách. Thậm chí khi được báo chí chỉ đích danh, cũng không mấy ai bị xử lý trách nhiệm. Coi như cái sân vận động hoang vắng trị giá hàng chục triệu đô la kia cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”! Có điều sự “bình thường” ấy luôn bất thường một cách dai dẳng trong mắt người dân.
Người dân không hề “chán” trong việc tố cáo tham nhũng, mà thất vọng vì đấu tranh mãi, tố cáo đưa lên mặt báo mãi nhưng thấy không có tác dụng gì, như nhận xét đầy trăn trở của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Bất thường, khi lũ dữ bây giờ không còn là “chuyện của trời” nữa, mà do các “ông” thủy điện điều khiển. Hạn hán thì giữ rịt từng giọt nước của dân, mưa to nước lên sợ vỡ đập mất tiền liền ào ạt xả lũ khiến dân chới với, mất mạng, trôi nhà. Dân kêu ca, oán thán mãi cũng “chán”, nên còn biết làm gì khác ngoài việc phải ráng chấp nhận khổ nạn ấy, coi như chuyện “bình thường”. Nhưng thử hỏi có quốc gia nào mà doanh nghiệp được phép làm chuyện “bình thường” như vậy không?
Bất thường, khi xe cộ, thiết bị phòng cháy chữa cháy luôn được khẳng định là đầy đủ và sẵn sàng ứng phó, nhưng mỗi lần “bà hỏa” viếng chợ, kết cục người dân nhận về hầu như chỉ là tro tàn. Từ vụ cháy chợ Đồng Xuân hàng chục năm trước, đến liên tiếp gần đây là chợ Lớn Quy Nhơn, chợ trung tâm Quảng Ngãi, và ba hôm trước là Trung tâm thương mại Hải Dương… Diễn tiến quen thuộc sau mỗi vụ cháy là những cuộc đôi co xem các bên ai đúng, ai sai, rồi rơi tõm vào im lặng. Để không lâu sau lại bùng lên vụ hỏa hoạn khủng khiếp khác, hoàn toàn là phiên bản của những vụ trước, dù “sợi dây kinh nghiệm” ai cũng hô hào là đã “rút” một cách nghiêm túc !
Từ “luật không làm” theo nhận xét của bà Nguyễn Thị Kim Ngân ở trên, liên tưởng đến ông Nguyễn Bá Thanh với câu nói nổi tiếng trước đó: “Chúng ta ra hết nghị quyết không ba, không năm, không bảy, nhưng tôi sợ nhất là nghị quyết…không làm”!
Theo Trí Quân  Tiền Phong
- Kết luận: Chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Hu hu hu!!!

Thu ngân sách có nguy cơ "vỡ trận"


Thu ngân sách có nguy cơ "vỡ trận"

Ngay từ những tháng đầu năm, thu ngân sách đã là chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn.

Tình hình kinh tế khó khăn, kết quả kinh doanh kém, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể là nguyên nhân chính làm giảm nguồn thu ngân sách. 
Thậm chí có không ít doanh nghiệp lớn của các ngành kinh tế trọng điểm xin gia hạn, miễn giảm thuế như Vietsopetro, Viettel...
Ông lớn đua nhau xin miễn giảm

Tại các báo cáo cũng như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, số DN chịu nhiều tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế chủ yếu là DN vừa và nhỏ. Tuy nhiên thực tế thì khó khăn cũng không tha các DN lớn, thậm chí cả những DN đầu ngành. 

Tháng 6.2013, ôtô Trường Hải gửi văn bản đề nghị gia hạn chậm nộp 1.200 tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu trong vòng 1 năm với lý do nợ lớn, tồn kho cao, triển vọng thị trường kém sáng sủa. Đề xuất của Trường Hải đã được Chính phủ chấp thuận. 

Sau đó 6 DN khác đang hoạt động trong lĩnh vực ôtô cũng gửi kiến nghị xin giảm, gia hạn thuế với lý do tương tự. Nếu như DN ôtô chỉ xin gia hạn nộp 1 năm thì ngành than thậm chí còn được giảm thuế xuất khẩu từ 13% xuống trở lại 10%. 

Theo Vinacomin từ tháng 7.2013 sản lượng khai thác và xuất bán đã giảm dần chỉ còn từ 2,1 - 2,7 triệu tấn/tháng so với mức trung bình 4 triệu tấn/tháng của 6 tháng đầu năm. 

Ôtô do cầu thị trường trong nước yếu, than khó xuất khẩu do thuế xuất điều chỉnh tăng, giá bán không cạnh tranh, còn với “ông lớn” dầu khí Liên doanh Vietsopetro là “không còn khoản tiền nào để ứng trước cho việc nộp ngay thuế xuất khẩu dầu thô”.

Giải thích cho nguyên nhân hết tiền nộp thuế thông quan, Vietsopetro cho biết, liên doanh để lại 35% khối lượng dầu thô khai thác được để trang trải chi phí cho hoạt động, đồng thời ủy thác trọn gói qua PVOil với thù lao 0,9USD/tấn để xuất khẩu. Do vậy, liên doanh này đề xuất tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thuế như "cũ", tức là nộp thuế xuất khẩu chậm nhất là ngày thứ 35 kể từ ngày làm xong thủ tục hải quan thay vì nộp trước khi thông quan!

Không thiếu tiền nhưng “hậm hực” với chính sách “bên trọng, bên khinh”, Viettel cũng gửi văn bản xin miễn thuế nhập khẩu 5 năm với toàn bộ nguyên liệu, vật tư và bộ phận phụ trợ dùng cho hoạt động nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất, lắp ráp điện thoại di động. Bởi theo Viettel, các hãng nước ngoài sản xuất điện thoại tại Việt Nam cũng được miễn thuế nguyên vật liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ, “điển hình như Cty Samsung Electronics Vietnam”. Dường như cái khó thị trường đã thực sự bó cái khôn của mọi DN, từ lớn đến nhỏ!

Thu hụt hơi, chi tăng đều

Báo cáo thường kỳ tháng 8 của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 50.100 tỉ đồng. Lũy kế đến hết tháng 8.2013, tổng thu NSNN ước đạt 484.820 tỉ đồng, bằng 59,4% dự toán. Thu nội địa đóng góp tỉ trọng lớn nhất vào tổng thu NSNN đạt 317.740 tỉ đồng, bằng 58,2% dự toán cả năm. 

Tuy nhiên có tới 40/63 địa phương chưa đạt tiến độ thu theo yêu cầu, trong đó có các trọng điểm thu như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương. Trong khi đó chi ngân sách 8 tháng đầu năm ước 604.670 tỉ đồng, bằng 61,8% dự toán, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2012. Bội chi 8 tháng khoảng 119.850 tỉ đồng, bằng 73,9% kế hoạch bội chi cả năm. 
Năm 2012 được đánh giá là năm thu ngân sách đã rất khó khăn nhưng so sánh tình hình thu ngân sách năm 2013 cam go hơn nhiều. Năm 2012, Quốc hội đặt mục tiêu thu ngân sách 740.500 tỉ đồng và kết thúc năm ngành tài chính đã thu được 741.500 tỉ đồng. 

Để hoàn thành mục tiêu, riêng trong 2 tháng cuối, ngân sách thu về hơn 176 ngàn tỉ đồng, xấp xỉ 1/4 tổng thu kế hoạch cả năm. Tuy nhiên với tình hình của năm 2013, khả năng để tăng tốc thu ngân sách trong 4 tháng cuối năm là thấp. Hơn nữa chỉ tiêu thu ngân sách 2013 được Quốc hội thông qua tăng 10% so với năm 2012, là 816.000 tỉ đồng. Thách thức hoàn thành mục tiêu cân đối thu chi ngân sách đối với ngành tài chính rất lớn.
Nghị quyết tháng 8 của Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh tỉ lệ bội chi ngân sách “ở mức hợp lý” để báo cáo Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu chính phủ so với tổng mức đã được phê duyệt cho giai đoạn 2011-2015. Dù được Quốc hội thông qua hay không thì đề xuất này của Chính phủ cũng cho thấy khả năng thu ngân sách 2014 còn nhiều khó khăn và tiếp tục thử thách ngành tài chính.

Theo Lê Tuấn
Lao động

Việt Nam có một luật rất lạ mà thế giới chưa có...



“Hết nhiệm kỳ nào cũng báo cáo rất tiến bộ, làm tốt cả, giờ mới thấy hóa ra không phải thế. Lâu nay cứ tưởng thế, nhưng giờ nhìn lại là đủ ớn”

Việt Nam có một luật rất lạ mà thế giới chưa có...
Phát biểu tại phiên họp sáng 20.9 về kết quả triển khai thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 13 thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm”.
Nhiều đại biểu đã “giật mình” sau khi nghe báo cáo về tình trạng yếu kém trong ban hành văn bản hướng dẫn luật.
Bộ nào cũng “nợ”
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, tình trạng nợ đọng các văn bản luật vẫn rất phổ biến. Nếu năm 2001 có 60 vă bản nợ, năm 2002 là 80, 2003 là 50, năm 2006 vọt lên 165 văn bản do quá trình gia nhập WTO, 2007 còn 52, 2010 nợ 45, 2011 có 58 văn bản thì đến thời điểm hiện tại của 2013 là nợ 93 văn bản.

Trong đó, bộ nợ nhiều văn bản chi tiết luật nhất là Lao động Thương binh Xã hội với 28/42 văn bản. Bộ Giáo dục về nhì khi còn nợ 14/15 văn bản (mới ban hành được 1 văn bản). Bộ Tài chính nợ 12/19 văn bản và cá biệt Bộ Công Thương phải ban hành 10 văn bản thì nợ cả 10/10, trong đó có Luật Điện lực.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bức xúc: “Hết nhiệm kỳ nào cũng báo cáo rất tiến bộ, làm tốt cả, giờ mới thấy hóa ra không phải thế. Lâu nay cứ tưởng thế, nhưng giờ nhìn lại là đủ ớn”. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải quy trách nhiệm cho rõ địa chỉ, như trách nhiệm của người trình, người thẩm tra, người đề nghị và cả trách nhiệm của đại biểu và người thông qua để tăng cường quy trình làm luật.
Toàn thạc sĩ, tiến sĩ luật mà tính thực tế của luật vẫn hạn chế
Ủy viên thường vụ quốc hội Phùng Quốc Hiển dẫn báo cáo của chính phủ cho biết có 55,6% các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực nhưng chưa có quy định nội dung chi tiết, tức chỉ có 44% luật có đủ điều kiện triển khai.

Tuy nhiên, tỉ lệ nợ đọng văn bản quy định chi tiết pháp luật theo báo cáo thanh tra của UB Pháp luật Quốc hội còn lên đến gần 67%. Đáng chú ý là trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), mà đây lại là hai trong số văn bản luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. 

Ông Hiển lý giải điều này có nghĩa luật hiệu lực thì có, nhưng không được thực hiện đúng thời điểm. “Riêng về số lượng đã là đáng quan ngại, chứ chưa nói về chất lượng” – ông nhận định.

Ông dẫn ra nguyên nhân là do chất lượng xây dựng luật chưa tốt, còn tình trạng luật khung, luật ống hay luật chờ nghị định thông tin, luật khẩu hiệu (luật nghị quyết). Ông Hiển cho rằng mấu chốt vấn đề là “ý thức trách nhiệm, sự cương quyết tổ chức thực hiện chưa tốt”.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội bày tỏ sự thông cảm với chính phủ, bởi cán bộ nguồn nhân lực chưa tương xứng. Ông băn khoăn: “Vụ Pháp Chế của các bộ gồm toàn cử nhân luật, thậm chí thạc sĩ và tiến sĩ luật cũng rất nhiều, nhưng không hiểu sao tri thức thực tiễn để xây dựng luật vẫn hạn chế”.

Ông cho rằng cần phải có cách mạng cải cách về cách làm và hoạt động của các vụ pháp chế để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Đó là chưa kể “cùng một bộ mà thứ trưởng này phát biểu thế này, thứ trưởng khác nói khác”.
Luật vừa ban hành đã... kịp lạc hậu
Ông Ksor Phước cho biết khi ông đi giám sát, vấn đề bị kêu nhiều nhất là văn bản dưới luật để hướng dẫn rất chậm, mà nội dung thì khó hiểu. Khi ra được luật thì thực tiễn đã vượt qua luật rồi.

“Khi luật được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đã ký, Chủ tịch Nước công bố thì bản thân luật đã lạc hậu. Nhưng nghị định và văn bản hướng dẫn lại còn chậm hơn nên ra đời xong thì đã phải sửa lại luật. Có những luật từ khi ban hành cho đến khi chưa có hiệu lực đã phải bổ sung, sửa đổi” – ông nói.
Bà Nguyễn Thị Nương - Trưởng Ban Công tác đại biểu QH “giật mình” trước thực tế triển khai văn bản quy định chi tiết luật “rất yếu”.

Một lý do thường được nêu ra để lý giải cho tình trạng này là do nguồn lực hạn chế. Song bà Nương cho rằng, nếu cứ mãi phân tích và kêu ca về nguồn lực theo hướng này thì “còn lâu nữa mới khắc phục được”. Bà Nguyễn Thị Nương đề nghị UB Pháp luật báo cáo kinh phí xây dựng luật từ đầu nhiệm kỳ đến nay là bao nhiêu, trong đó chi bao nhiêu cho việc triển khai thực thi các văn bản chi tiết và triển khai luật xuống cuộc sống để các đại biểu quốc hội đánh giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ra rồi vẫn không làm, đến khi phải ban hành thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm”.

Bà Kim Ngân tóm tắt 5 nguyên nhân chủ yếu là do: “Nợ; Chậm tiến độ; Chưa nghiêm túc; Chất lượng kém và Nội dung chưa phù hợp”. Bà cho biết, bình quân một luật có 6-7 văn bản luật mới thực hiện được.
Liên quan đến kiến nghị của chính phủ về việc “nâng cao nhận thức bộ ngành, địa phương và đề cao trách nhiệm cá nhân của bộ trưởng”, bà Kim Ngân cho rằng “các bộ, ngành, địa phương mà còn không có nhận thức về thi hành pháp luật thì yếu quá”.

“Đây là bộ phận tinh túy xã hội, phải lựa chọn để tìm được người vào bộ máy chính trị mà còn phải đi nâng cao năng lực cho họ thì không hiểu ra sao” – Phó Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi. Theo bà, vấn đề phải là kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm và cách xử lý như thế nào.

“Trong thực tế, chúng ta chưa từng xử lý một bộ ngành nào chưa nghiêm túc triển khai thực hành pháp luật, thì giờ ta phải siết chặt kỷ luật, chứ không phải là nâng cao nhận thức cho họ nữa” – bà nhấn mạnh.
Theo P.T
Báo lao động

Chỉ 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ?

( Trong vụ cháy rụi TTTM Hải Dương 99% cảnh sát PCCC đã hoàn thành nhiệm vụ?)


Không biết các địa phương có cung cấp được chứng cứ gì về việc có đến 99% số công chức đã hoàn thành nhiệm vụ hay không.

Chỉ có 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ là kết quả sơ bộ được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương. Đây là một con số đầy ấn tượng (được cung cấp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày 20.9.2013).

Thế nhưng, cho dù con số này có ấn tượng đến đâu đi chăng nữa, thì cái chúng ta vẫn tin vào nhiều hơn là tính chất rất “sơ bộ” của nó.


Thật vậy, cứ nhìn vào kết quả chữa cháy tại Trung tâm thương mại Hải Dương ngày 15.9 vừa qua, hay kết quả quản lý giá sữa, quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm… chúng ta sẽ biết ngay các công chức đang hoàn thành nhiệm vụ như thế nào.



Chúng ta hiểu Bộ Nội vụ không lấy con số “chỉ 1% số công chức không hoàn thành nhiệm vụ” từ trên trần nhà xuống.



Đây là con số được tổng hợp từ báo cáo của các địa phương. Vấn đề là khi báo cáo, không biết các địa phương có cung cấp được chứng cứ gì về việc có đến 99% số công chức đã hoàn thành nhiệm vụ hay không, hay là họ cứ đưa đại các con số vào trong báo cáo mà không cần chứng minh gì cả?



Xác thực cho bằng được con số mà các địa phương cung cấp là rất quan trọng. Bởi vì rằng nếu chúng ta tổng hợp tất cả các con số được lấy từ trên trần nhà xuống, thì con số mà chúng ta có được cũng chỉ là một con số được lấy từ trên trần nhà xuống mà thôi. Một con số như vậy sẽ đánh lừa chúng ta, và dẫn dắt chúng ta đi lạc mất đường.



Các cơ quan dân cử ở nước ta đang tổ chức hoạt động giám sát, giải trình ngày một nhiều hơn. Các hoạt động này hy vọng sẽ góp phần làm minh bạch hóa chính sách, pháp luật cũng như hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.



Tuy nhiên, để hoạt động giám sát, giải trình thật sự hữu ích cho nền quản trị quốc gia, thì các số liệu được cung cấp cho Quốc hội ở trung ương và cho các cơ quan dân cử khác ở địa phương bắt buộc phải chính xác và khách quan.



Mà như vậy, thì chúng ta không thể không quan tâm đến chất lượng của hoạt động thống kê, hoạt động kế toán và kiểm toán; không thể không áp đặt một chế độ trách nhiệm rõ ràng, nghiêm khắc đối với việc cung cấp thông tin, số liệu và việc làm báo cáo.

Theo TS. Nguyễn Sỹ Dũng

Quốc hội không giao, Chính phủ vẫn làm


In
Nhiều văn bản hướng dẫn thi hành luật cần thì không có, nhưng một số điều khoản Quốc hội không giao quy định chi tiết nhưng Chính phủ vẫn ban hành. 

Đây là thực tế được Ủy ban Pháp luật chỉ ra tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa 13 đến hết tháng 7/2013.

Cơ quan thẩm tra cho biết, so với tổng số văn bản cần quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thì tính đến thời điểm này, mới có 76/228 văn bản (chiếm 33,3%) được ban hành. Trong khi quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “văn bản quy định chi tiết phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”. 

Ủy ban Pháp luật lưu ý, trong số các văn bản chưa được ban hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì có đến 46 văn bản quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính và 10 văn bản quy định chi tiết Bộ luật Lao động (sửa đổi), là hai luật có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. 
 
Thế nhưng, có luật, pháp lệnh của Quốc hội không giao quy định chi tiết nhưng Chính phủ vẫn ban hành văn bản quy định chi tiết các điều khoản không được giao trong luật. 

Ví dụ cụ thể là điều 4 nghị định về thu nhập miễn thuế, điều 6 nghị định về thu nhập tính thuế... liên quan đến nội dung của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ  rà soát tất cả các nội dung tương tự và báo cáo rõ hơn về vấn đề này cũng như nguyên nhân, hướng khắc phục.

Dẫn con số trên 67% văn bản cần mà chưa có, nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9 đề nghị cần phải rõ hơn về địa chỉ trách nhiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, ai cũng hiểu là khi luật đã ra đời thì phải hướng dẫn chi tiết, nên việc chậm trễ trên thuộc về ý thức trách nhiệm và năng lực. Ông Hiển đề nghị Ủy ban Pháp luật phải liệt kê ra tất cả các điều, khoản chưa có hướng dẫn để Quốc hội định ra thời gian phải hoàn thành.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng hết sức sốt ruột bởi bản thân luật đã có sự lạc hậu tương đối, thực tế có luật chưa đến ngày có hiệu lực đã phải sửa đổi bổ sung rồi, nên các văn bản hướng dẫn “phải gay gắt ngay từ đầu, càng gay gắt bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu vì cùng mục tiêu phục vụ là nhân dân”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải nhận một phần trách nhiệm trong việc chưa quan tâm thỏa đáng đến thẩm quyền giải thích pháp luật của mình.

Trách nhiệm của bộ trưởng đối với vấn đề này rất rõ, nhưng thực tế ta chưa xử lý cá nhân nào, bộ ngành nào chưa triển khai nghiêm túc việc thực hiện chủ trương tuân thủ pháp luật này,  Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.