Trang

20 tháng 1, 2016

Lòng tham của người Việt

Vnexpress

Trận hôi của mà tôi chứng kiến ở Hà Nội 30 năm trước làm cho tôi bắt đầu nghi ngờ đức thật thà, chất phác và sự tử tế của người Việt mà chúng tôi thường được dạy.
Hôm đó là một ngày hè năm 1986. Tôi đi xe đạp trên con đường Láng Hạ bây giờ. Hồi đó nó còn là con đường đất gồ ghề, đầy ổ gà. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia ngày nay lúc bấy giờ là bãi rác hôi hám. Trên con đường này có nhiều xe tải chở các thùng gỗ đóng hàng của những người du học hoặc làm việc ở Liên-xô gửi về bằng đường biển và được nhận ở một kho hải quan nằm trên đường Láng.
Một chiếc xe tải như thế chạy ngay qua tôi, lắc lư trên những ổ gà. Bỗng thùng xe bị bung ra, một số thùng gỗ rơi xuống, vỡ tung. Bàn là, quạt máy, nồi hầm, chậu nhôm, dây may-xo... vung vãi ra đường. Đó là những loại hàng hoá mà người Việt ở Liên-xô tiết kiệm tiền học bổng, chịu khó lao động kiếm thêm để "đánh" gửi về nước. Những mặt hàng sinh hoạt như vậy thời đó ở nước ta rất khan hiếm.
Hàng chục người đang đi xe đạp, đi bộ gần đó lao đến. Một trận hôi của kinh hoàng xảy ra ngay trước mắt tôi. Anh lái xe la hét, van xin, ngăn cản, nhưng bất lực. Họ quá đông và quá... hứng khởi. Tôi cũng không làm gì được để giúp anh. Tôi bị bất ngờ và sốc đến mức chỉ há hốc mồm nhìn những con người hả hê từ đám đông đi ra, tay xách nách mang các "chiến lợi phẩm". Họ lấy hết, chỉ trừ một ít đồ to nặng như tủ lạnh, một người không thể bưng đi được. Trên mặt họ, tôi thấy sự hứng khởi, sự mãn nguyện, bất kỳ cảm xúc vui vẻ nào, tuyệt nhiên không có sự hổ thẹn, ý thức tội lỗi nào hết. Tôi rùng mình. Vào khoảnh khắc đó, trong tôi, một niềm tin thiêng liêng từ những trang sách, bài học đạo đức đã bị sứt mẻ, vỡ vụn theo mấy chiếc thùng gỗ. Ai cũng tham gia hôi của. Người ta ngang nhiên, hồ hởi ăn cướp những cái của người khác, thế mà gọi là "thật thà", "chất phác", "tử tế" ư? Sau 30 năm, tôi vẫn nhớ như in vụ hôi của này. Nó ám ảnh tôi.
Ai đó có thể nói, thời đó người dân nghèo, thiếu thốn nên họ cư xử như thế. Vậy phải giải thích thế nào về việc hàng nghìn người dân "hôi" sạch xe bia bị đổ trên cầu Bến Thuỷ ngày 26/11/2011, về vụ "hôi" bia tương tự ngày 4/12/2013 ở Biên Hoà? Vì dân nghèo không có tiền mua bia ư? Họ có tiền mua xe máy cơ mà? Khi xem video do camera giao thông ghi lại vụ ở Biên Hoà, tôi lại thấy đa số người đi đường và sống hai bên đường ở Biên Hoà lao vào "hôi" bia, giống y hệt cảnh tôi nhìn thấy ở Hà Nội năm 1986. Trong các vụ cháy nhà, cháy ki-ốt bán hàng, cháy chợ ở các địa phương nước ta, hôi của gần như là phần không thể thiếu. Người dân đã có cuộc sống đầy đủ hơn, hàng hoá không còn khan hiếm, nhưng "tính hôi của" không thay đổi mấy.
Chúng ta ghét cay ghét đắng các quan tham. Nhưng quan từ đâu mà ra? Họ cũng từ dân ra, hết nhiệm kỳ quan lại về làm dân. Họ là con, là chồng hoặc vợ, là bố hoặc mẹ, là ông hoặc bà trong các gia đình dân. Quan có từ trên trời rơi xuống đâu? Nếu quan nào đó tham, phải chăng người đó đã có sẵn máu tham từ trước khi làm quan, từ khi là dân? Khi một người có sẵn máu hôi của, thì khi làm quan, tham nhũng cũng là một kiểu hôi của với mức độ lớn hơn, hình thức tinh vi hơn mà thôi. Tôi không tin rằng khi còn làm dân thì họ chưa có máu tham, đến khi làm quan mới đổ đốn ra. Quan mà giữ được thanh liêm trong một xã hội mà sự tử tế bị "mất giá" trên diện rộng, khi họ nắm nhiều quyền trong tay, mà lương của họ thì thấp hơn lương chuyên viên ở các doanh nghiệp trung bình, kể ra cũng khó. Để quan bớt tham, không có cách nào khác cách "4 Không" mà Singapore và nhiều nước khác làm: sao cho quan không muốn tham, không cần tham, không dám tham, không thể tham những gì không phải của mình.
Nhưng với người dân chúng ta thì sao? Cần làm gì để chế ngự lòng tham và tẩy sạch dòng máu tham? Không phải chỉ đối với của cải, mà đối với nhiều thứ khác. Vượt đèn đỏ là "cướp" đường, "cướp" sự an toàn giao thông. Chen hàng, xô đẩy là "cướp" thời gian, "cướp" cơ hội của người khác. Bán thực phẩm, hàng hoá độc hại là "cướp" sức khoẻ của đồng loại. Nhiều hành vi xấu xa xảy ra ở nước ta, tạo thành một xã hội kém văn minh, kém an toàn có chung một nguồn gốc là "lòng tham".
Khi nào nước ta không còn xảy ra những vụ người dân hôi của, nhiều hành vi xấu xa khác sẽ biến mất theo. Khi đó, chắc chắn chính quyền cũng sẽ liêm chính hơn. Cần phải làm bất kỳ điều gì để lấy lại giá trị đã bị mất đi rất nhiều của sự tử tế.
Lương Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét