Trang

21 tháng 1, 2016

Rúp Nga giảm sâu chưa từng thấy do dầu mất giá


Tình trạng “tuột dốc không phanh” của giá dầu đang khiến Nga ngày càng khó đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái...

Rúp Nga giảm sâu chưa từng thấy do dầu mất giá
Từ đầu năm đến nay, đồng Rúp mất giá 9%, mạnh hơn đồng tiền của bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác.
AN HUY
Tỷ giá đồng Rúp Nga đã giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại trong phiên giao dịch ngày 20/1 khi giá dầu sụt sâu bào mòn nguồn thu của quốc gia dầu tài nguyên dầu lửa này. Tình trạng “tuột dốc không phanh” của giá dầu đang khiến Nga ngày càng khó đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Theo tin từ Bloomberg, có thời điểm trong phiên ngày 20/1, tỷ giá đồng Rúp so với USD giảm 3,2%, còn 81,07 Rúp đổi 1 USD. Mức đáy này là sâu hơn mức thấp kỷ lục trước đó thiết lập vào tháng 12/2014 khi thị trường tài chính Nga chao đảo mạnh.

Trong đợt mất giá “kinh hoàng” vào cuối năm 2014 của đồng Rúp, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã can thiệp vào thị trường để cứu tỷ giá, ngăn sự lan rộng của cuộc khủng hoảng niềm tin vào nước Nga do lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow liên quan tới vấn đề Ukraine. 

Tuy nhiên, trong đợt mất giá này của đồng nội tệ, Thống đốc CBR Elvira Nabiullina nói đồng Rúp đang giao dịch ở mức tỷ giá hợp lý và không cần tới sự hỗ trợ.

Từ đầu năm đến nay, đồng Rúp mất giá 9%, mạnh hơn đồng tiền của bất kỳ nền kinh tế mới nổi nào khác. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ bằng một phần so với mức giảm 25% của giá dầu thô Brent tại thị trường London. 

Giá dầu giảm chóng mặt suốt từ mùa hè năm 2014 đến nay đã khiến số tiền tính bằng đồng nội tệ mà Nga thu được từ bán mỗi thùng dầu rớt về mức thấp nhất kể từ năm 2010. Nguồn thu giảm sút buộc Chính phủ Nga phải cân nhắc các biện pháp thắt chặt chi tiêu để tránh cạn kiệt quỹ dự phòng.

“Nếu giá dầu giảm về mức 25 USD/thùng, đồng Rúp có thể rớt giá tới mức 83 Rúp đổi 1 USD”, ông Vadim Bit-Avragim, nhà quản lý quỹ thuộc Kapital Asset Management LLC ở Moscow, nhận định. “Đồng Rúp hiện vẫn khá mạnh nếu so với giá dầu. Đây vẫn chưa phải là kịch bản xấu nhất”. 

Phiên ngày 20/1, giá dầu thô WTI tại Mỹ và Brent tại London có lúc đồng loạt giảm về dưới ngưỡng 27 USD/thùng. Trong 12 tháng qua, giá dầu Brent “bốc hơi” 42%.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn cùng ngày, Thống đốc CBR Nabiullina cho biết sẽ không can thiệp vào thị trường tiền tệ trừ phi biến động tỷ giá đồng Rúp đe dọa sự ổn định của ngành ngân hàng Nga. 

“Đồng Rúp đang tiến gần tới mức tỷ giá căn bản. Chúng tôi sẽ chỉ can thiệp nếu nhận thấy có rủi ro đối với ổn định tài chính. Hiện tại chưa có những rủi ro như thế”, bà Nabiullina nói.

Việc giới đầu tư bán tháo đồng Rúp là một phần trong cuộc bán tháo rộng lớn đang “uy hiếp” các thị trường mới nổi. Ngày 20/1, một thước đo tỷ giá 20 đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Chứng khoán châu Á cũng rớt xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm.

GDP của Nga đã suy giảm liên tục kể từ quý 1/2015 do tác động của giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo các chuyên gia được Bloomberg khảo sát ý kiến, GDP của Nga sẽ giảm 0,5% trong năm nay, còn thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 3% GDP.

Đồng Rúp mất giá khiến Nga khó hạ thêm lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng, bởi mức lãi suất thấp hơn có thể châm ngòi cho lạm phát tăng mạnh trở lại. Tháng 12 vừa qua, lạm phát của Nga đã giảm xuống 12,9%, mức thấp nhất trong 1 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét