Trang

16 tháng 3, 2015

TQ hung hăng hơn trên Biển Đông

'Hỏa lực mồm' hung hăng hơn khi nói về Biển Đông

(Tin tức 24h) - Sau một thời gian 'giảm nhiệt', dàn 'hỏa lực mồm' của Trung Quốc tiếp tục 'khai hỏa' và thể hiện thái độ hung hăng hơn khi nói về tình hình Biển Đông.

Trong bài viết của tác giả Lương Phương (một giáo sư thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc) đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 13/3 đã thể hiện thái độ hung hăng khi nói về biển Hoa Đông và đặc biệt là Biển Đông.
Theo nội dung bài viết, hiện nay, Trung Quốc đã phần nào "chiếm được chủ động" và thường xuyên đến vùng biển đảo Senkaku/Điếu Ngư để tiến hành "tuần tra, bảo vệ chủ quyền". Vì vậy, Trung Quốc "đã tiến một bước lớn" trong vấn đề này. Chỉ có như vậy thì chưa đủ, bước tiếp theo Trung Quốc còn phải "phát triển vũ khí trang bị" nhằm vào đối thủ mạnh Nhật Bản".
Trong khi đó, Lương Phương kiêu căng ngạo mạn cho rằng, Nhật Bản không giống các nước xung quanh Biển Đông, các nước xung quanh Biển Đông là "nước nhỏ", hơn nữa vũ khí trang bị của họ "tương đối lạc hậu", tất cả vũ khí của những "nước nhỏ" này cộng lại thì chỉ "một Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc cũng thừa khả năng trừng trị".
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên 'hỏa lực mồm' của Trung Quốc thể hiện thái độ hung hăng và tự phụ như vậy khi nói về Biển Đông. Cuối năm 2013 và trong năm 2014, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện thái độ tương tự.
Học giả Lương Phương.
Học giả Lương Phương.
Hồi đầu năm 2014, Hàn Thi Huyên - một bình luận viên đặc biệt của tờ Hoàn Cầu đã có bài phân tích sặc mùi hiếu chiến và khiêu khích khi cho rằng giới chức Bắc Kinh sẽ "khai đao" với Philinpines nhằm thêm mục đích dọa nạt Việt Nam.
Hàn Thi Huyên vốn là cái tên khá nổi trong giới blog hiếu chiến, "hỏa lực mồm Trung Quốc". Thông tin trên các trang từ điển bách khoa Trung Quốc cho biết Hàn Thi Huyên trẻ hơn nhiều so với cánh học giả diều hâu tướng tá quân đội Trung Quốc, là "nhà thơ" và Bình luận viên đặc biệt của Thời báo Hoàn Cầu, Nhân Dân nhật báo.
Trước đó, trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á đầu tiên trên cương vị ngoại trưởng, Vương Nghị cũng từng cao giọng "cảnh báo một số thế lực, quốc gia cá biệt chớ gây chuyện, khuấy căng thẳng Biển Đông", Thời báo Hoàn Cầu cũng hùa theo giọng Vương Nghị khi lên tiếng kêu gọi "Philippines và Việt Nam nên phối hợp với thiện chí của Trung Quốc" ở Biển Đông.
Trong khi đó, Bắc Kinh liên tục có những hành động ngang ngược, bất chấp mọi nguyên tắc và thông lệ của luật pháp quốc tế khi phái tàu quân sự bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam khi đang đánh bắt tại Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam hay cướp đoạt quyền kiểm soát của Philippines tại bãi cạn Scarborough giữa ban ngày?
Bắc Kinh cũng từng hùng hổ kéo 4 tàu chiến ra bãi James chỉ cách bờ biển Malaysia 80 km đánh dấu lãnh địa cái gọi là đường lưỡi bò (đường chữ U, đường 9 đoạn) phi lý và phi pháp?
Xã luận trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 4/5 cao giọng "khuyên" Philippines và Việt Nam phải xem như Trung Quốc đang có "thiện chí" trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, "ngoan ngoãn" đàm phán tay đôi với Bắc Kinh, "chớ lôi kéo các thế lực bên ngoài vào Biển Đông".
Bài xã luận cũng khẳng định một khi diễn biến trên Biển Đông càng căng thẳng thì Philippines và Việt Nam càng "thiệt thòi".
Và Trung Quốc đã chứng tỏ tuyên bố mình đưa ra không phải là lời nói suông khi nước này đã hung hăng đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông vào ngày 1/5/2014 bất chấp luật phát quốc tế và việc Việt Nam điều tàu chấp pháp ra phản đối và ngăn chặn.
Và vụ việc chỉ kết thúc vào tối 15/7/2014 khi Trung quốc tuyên bố chính thức rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi đảo Tri Tôn thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Hiện nay, Trung Quốc đang 'tích cực' tiến hành thay đổi hiện trạng trên Biển Đông bằng việc xây dựng trái phép đảo nhân tạo, các công trình kiên cố trên những hòn đảo nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam bất chấp sự phản đối của Việt Nam và dư luận quốc tế.
Hãng Reuters ngày 8/3/2015 dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng việc Bắc Kinh xây dựng các công trình ở Trường Sa là "cần thiết", đồng thời lên tiếng tố ngược các nước liên quan. "Chúng tôi không chấp nhận những lời nhận xét vô căn cứ về việc xây dựng trên đất của mình", Reuters dẫn lời ông Vương cho biết.
Theo những lời lẽ của Vương Nghị, các công trình ở Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành là "cần thiết" và "không nhằm vào bên nào". Bộ trưởng Trung Quốc cũng cáo buộc các nước liên quan khác "xây dựng trái phép trên đất của người khác".
Trước đó, phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng “các hoạt động liên quan đến xây dựng do Trung Quốc thực hiện trên các đảo chủ yếu là để cải thiện điều kiện sống của nhân viên tại đó”.
Bà Hoa Xuân Oánh cũng nhắc lại lập trường “Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi” tại các hòn đảo mà nước này đang san lấp trái phép ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu “các nước bên ngoài” không được đưa ra nhận xét về hoạt động liên quan của Trung Quốc.
Phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh được đưa ra trong bối cảnh dư luận quốc tế ngày càng có nhiều ý kiến phản đối Trung Quốc cải tạo và san lấp trái phép nhiều bãi đá ngầm thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma.
Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Gạc Ma.
Trong khi đó, có dự báo một cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc với một hoặc nhiều quốc gia Đông Nam Á liên quan tới tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông có khả năng xảy ra với tỷ lệ 50 – 50 trong năm 2015.
Theo Hội đồng các mối quan hệ nước ngoài (CFR) của Mỹ tại Washington, tranh chấp hàng hải trên Biển Đông là 1 trong 10 cuộc giao tranh mà Mỹ ưu tiên ngăn chặn trong năm 2015.
Trong khi đó, Trung tâm Hành động ngăn chặn thuộc CFR đã nâng từ mức thấp lên trung bình trong thang độ khả năng các tranh chấp lãnh thổ và thẩm quyền trên Biển Đông leo thang thành xung đột.
CFR cho rằng hiệp ước quốc phòng giữa Washington và Manila có thể dẫn tới một cuộc chiến giữa Trung Quốc – Philippines liên quan tới hoạt động khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên tại Bãi Cỏ Rong hoặc các ngư trường tại bãi cạn Scarborough.
Chính việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đông Nam Á không thể giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông thông qua con đường ngoại giao, rất có thể làm mất đi giá trị của các quy định quốc tế trong việc kiểm soát tranh chấp hàng hải và tạo ra cuộc đua vũ trang bất ổn trong khu vực, CFR nhận định.
Ngọc Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét