(Quan hệ quốc tế) - Khủng hoảng Ukraine đã đẩy mạnh sự phân rã của EU, và càng khiến Mỹ bộc lộ những toan tính sai lầm mang tính hệ thống
Bao giờ tái chiến?
Ngày 19/3, quân đội Anh bắt đầu thực hiện sứ mệnh huấn luyện quân đội cho Ukraine với 35 quân nhân. Đồng thời, Mỹ cũng bắt đầu gửi đi số quân gần gấp 10 lần như vậy để tiến hành huấn luyện binh lính Ukraine.
Các bài khóa luyện được tập trung vào nâng cao kỹ năng chiến đấu, kỹ chiến thuật trên chiến trường cho binh lính, nâng cao khả năng chỉ huy, đọc diễn biến cuộc chiến cho các sĩ quan.
Và chưa dừng ở đó, binh lính Mỹ, Anh còn có những bài huấn luyện để quân đội Ukraine làm quen với... vũ khí phương Tây. Từ các loại vũ khí được lính Anh, Mỹ mang đến và cả những loại vũ khí hạng nặng sẽ được học qua các giáo trình điện tử.
Hành động này cho thấy sự ủng hộ ngày càng cao mà Mỹ, Anh cũng như một số quốc gia phương Tây dành cho Kiev. Việc giới thiệu, huấn luyện binh sĩ Ukraine làm quen với vũ khí mới còn hứa hẹn rằng phương Tây đang lên kế hoạch viện trợ vũ khí cho Kiev.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, khá tách biệt với cuộc khủng hoảng Ukraine cũng đã cho Kiev vay 50 triệu USD, một số tiền như muối bỏ bể so với nhu cầu của Ukraine, nhưng nó lại thể hiện Kiev ngày càng có nhiều bạn bè và những sự tương trợ.
Máy bay Tu-22M3 của Nga ở bán đảo Crimea, Nga ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự cho khu vực này |
Những sự hậu thuẫn đó đã cho thấy Kiev vô cùng nôn nóng trong tăng cường binh lực đối đầu với lực lượng ly khai.
Họ cũng khéo léo nhường phần nổ súng cho phe ly khai, khi cho ra đời luật tự trị áp đặt cho Donbass mà theo thủ lĩnh Donetsk thì "có cũng như không". Thậm chí, cả Donetsk và Lugansk đã dọa sẽ phát động chiến dịch quân sự để đáp trả hành động này. Tuy nhiên, tiếng súng vẫn chưa nổ.
Mỹ cũng giúp Kiev một cái cớ, khi ngày 20/3, Người phát ngôn Nhà Trắng Mỹ đã khẳng định: "Quân đội Nga xuất hiện ở Crimea sẽ khiến các đàm phán hòa bình sụp đổ." Hoặc Bộ Ngoại giao Mỹ thì lên tiếng: "Còn quân đội Nga ở Crimea, sẽ không có hòa bình nào cho Ukraine."
Quân đội Nga đã ở Crimea hơn một năm qua, và lực lượng này càng ngày càng mạnh lên. Các bên Nga-Mỹ, ly khai - Kiev đều đã bên miệng hố chiến tranh, vậy khi nào sẽ nổ súng?
Mục đích thực sự
Để trả lời câu hỏi đó, bản thân Washington cũng không thể giải đáp, bởi chiến tranh không phải là mực đích thực sự Mỹ muốn ở Ukraine.
Cái Mỹ cần ở đây là tạo ra một sức ép lớn, một sự căng thẳng thực sự, để EU không thể dỡ bỏ các lệnh cấm vận lên Nga, và duy trì tư thế kiểm soát đồng minh này, ngăn chặn nguy cơ phân rã ngày càng cao từ EU.
Ngay tại cuộc họp thượng đỉnh của EU, ngày 20/3, liên minh này đã không thể thống nhất được việc gia tăng các biện pháp trừng phạt lên Nga. Cuối cùng họ phải đi đến quyết định duy trì các biện pháp đang có thêm 6 tháng và gắn các biện pháp này với thỏa thuận Minsk.
Cụ thể, nếu Minsk đổ vỡ, EU sẽ quyết định gia tăng trừng phạt lên Nga. Tuy nhiên, dù Minsk có đổ vỡ thì liên minh châu Âu sẽ tiếp tục họp để quyết định, chứ không áp dụng tự động việc gia tăng trừng phạt.
Những điều đó để thấy nội bộ EU đã phân rã trong việc đối đầu với Nga. Đến lúc này, họ lo nhiều đến lợi ích của họ hơn là vì những lý do đẹp đẽ như vì dân chủ Ukraine, vì chống lại nước Nga xâm lược... như đã đưa ra từ khi bắt đầu các biện pháp trừng phạt.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk: "Trừng phạt Nga hay không còn phụ thuộc vào thỏa thuận Minsk" |
Trong khi đó, Mỹ thừa hiểu rằng nếu viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine sẽ chỉ dẫn đến một cuộc chiến tranh cục bộ dài hơi, hao tốn tiền của mà Mỹ lúc đó không thể tránh khỏi tư thế của người đứng mũi chịu sào. Mỹ đã nhìn thấy trước vũng lầy, chắc chắn họ sẽ tìm mọi cách để né vũng lầy ấy.
Từ đó để thấy, Mỹ thực chất đang cố xốc dậy tinh thần cấm vận của EU, o ép, làm suy yếu, cô lập triệt để nước Nga chứ không phải nhảy vào cuộc đánh đối kháng trực tiếp với Nga.
Nhưng mục đích này của Mỹ cũng rất khó thực hiện bởi nguyên nhân xuất phát từ những người đồng minh châu Âu đang kiệt quệ của họ. Các thành viên EU tiếp tục lao đao vì nợ, vì kinh tế không tăng trưởng.
Trong khi Đức - đầu tàu kinh tế của châu Âu, thủ lĩnh tượng trưng của châu Âu đang mâu thuẫn với Mỹ.
Một công ty tình báo tư nhân của Mỹ đã lên tiếng về việc những gì Washington tiến hành ở Ukraine chỉ nhằm ngăn chặn mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí hình thành liên minh trong tương lai giữa Đức - Nga.
Thậm chí Mỹ còn đe dọa sẽ cắt thông tin tình báo cho Đức trước việc các chính khách của Berlin ngày càng có nhiều cuộc tiếp xúc với kẻ đào tẩu Edward Snowden - hiện đang tị nạn tại Nga.
Việc EU ngày càng muốn tách khỏi cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn thể hiện ở chỗ, bản thân chính quyền Kiev, từ Tổng thống Poroshenko đến Thủ tướng Yatsenyuk đã liên tiếp kêu gọi EU gia tăng trừng phạt Nga và ly khai Donbass. Tuy nhiên những gì thể hiện ở hội nghị thượng đỉnh EU vừa diễn ra đã cho thấy châu Âu thực sự không quan tâm đến những gì Ukraine kêu cứu.
Chính sự phân rã và mối quan tâm hàng đầu của EU lúc này là lợi ích của họ, không phải lợi ích của Ukraine hay Mỹ khiến cho mục đích duy trì cuộc đối đầu Nga-EU của Washington vô cùng khó thực hiện.
Cảnh điêu tàn ở Lugansk |
Mỹ đang sai lầm toàn cục?
Hiện trang kinh tế Nga đang ra sao? Đồng ruble trượt giá khiến tỷ lệ lạm phát của Nga tăng cao kỷ lục. Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev ngày 19/3 cho biết tỷ lệ lạm phát tại nước này đã lên tới 17%, mức cao nhất từ trước đến nay và cảnh báo tỷ lệ này sẽ tiếp tục ở mức cao trong một vài tháng tới.
Trong khi giá dầu thô trên thế giới vẫn đang giữ mức giá thảm hại, và các chuyên gia nhận định giá dầu sẽ còn tiếp tục tại vị cho đến cuối năm 2015. Điều đó cho thấy kinh tế Nga khó có thể vực lại như thời kỳ hoàng kim của giá dầu.
Những dấu hiệu đó khiến những quốc gia thân Mỹ, những chính khách phái diều hâu cho rằng không sớm thì muộn Điện Kremlin với Putin sẽ suy yếu, cơ hội để có một cách mạng màu ở Nga gần kề, và nước Nga sụp đổ một lần nữa sẽ là điều không xa.
Tuy nhiên, đó là những tư duy khá lạc quan, bởi Moscow đang làm tất cả các chính sách có thể để vực dậy đất nước. Họ thắt lưng buộc bụng, tiết giảm chi tiêu công, cải cách hành chính... Đồng thời, Tổng thống Nga Putin tiếp tục kêu gọi người Nga ở nước ngoài hướng về quê hương, đồng thời mở rộng các hợp tác thương mại với các cường quốc phía Đông như Trung Quốc, Ấn Độ.
Họ cũng có những động thái nhằm vực dậy lòng tin của đồng minh của mình, khi ký kết liên minh quân sự với Nam Ossettia, kêu gọi thành lập liên minh tiền tệ với một loạt quốc gia thân cận.
Có thể thấy rằng Moscow đang muốn hình thành một sự bảo trợ từ kinh tế đến quân sự cho những nước láng giềng, và đó thậm chí còn là một chiêu bài mở rộng lãnh thổ đầy toan tính. Khi minh chứng là Nam Ossettia đang đệ đơn xin được Moscow chấp thuận cho sáp nhập vào lãnh thổ Nga.
Ukraine đang được binh lính Anh, Mỹ huấn luyện |
Nga đang thể hiện mình là một đối thủ đầy khó chịu, bất chấp sự cấm vận, thiệt hại. Bởi đơn giản, không phải một mình Nga chịu thiệt, EU cũng đang lao đao vì những đòn trừng phạt đó. Và hơn nữa, giá dầu giảm chỉ chứng minh kinh tế cả thế giới suy thoái, tiệm cận khủng hoảng. Tất nhiên trong bối cảnh như thế, sự thiệt hại sẽ chẳng trừ quốc gia nào.
Hiện tại, Nga đang trong mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc. Họ coi Bắc Kinh như cứu cánh của nguồn đầu tư nước ngoài trong khi bị châu Âu cấm vận. Đồng thời, EU cũng đang bắt đầu hợp tác với Trung Quốc, tham gia nhiều tổ chức tài chính của mà Bắc Kinh đứng vai trò chủ xị.
Hoàn toàn có thể khẳng định rằng nếu tiếp tục duy trì trừng phạt, Trung Quốc sẽ trở thành cầu nối để EU và Nga tiếp tục hợp tác với nhau. Và tất nhiên, khi đó thì cấm vận đang bị lách luật, và người trục lơi nhiều nhất là Trung Quốc chứ không ai khác.
Nga suy yếu, đồng minh châu Âu của Mỹ suy yếu, nhưng kẻ thù của Mỹ là Trung Quốc bỗng dưng ngư ông đắc lợi. Cần chú ý rằng Washington đang chuyển trục châu Á - Thái Bình Dương để kìm chế Bắc Kinh.
Khủng hoảng Ukraine đang cho thấy Mỹ có một loạt sai lầm mang tính toàn cục: đồng minh suy yếu và phân rã, kẻ thù quan trọng nhất thì mạnh lên từng ngày. Với Ukraine, Mỹ đang bế tắc và chẳng khác nào tự vác đá ghè chân mình.
- Đỗ Minh Tú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét