Báo Lao Động ngày 10-11.8 có loạt bài điều tra “Công nhân điêu đứng vì nạn bảo kê, trấn lột hoành hành”, thông tin về tình trạng côn đồ bức hiếp công nhân tại Bình Dương.
Làm tiền công nhân chưa đủ, côn đồ còn ngang nhiên tấn công, phá hoại tài sản của doanh nghiệp.
Người lao động lương thiện đi làm đổ mồ hôi sôi nước mắt, lại phải đem tiền cúng nộp cho đám du thủ du thực. Bất công là ở đây chứ ở đâu xa.
Những ai có trách nhiệm hãy lắng tai nghe một công nhân nói, để thấy mình đã vô trách nhiệm với dân như thế nào: “Tôi bỏ xứ lên đây làm việc, hằng tháng còn gửi tiền về nuôi con nhỏ, mẹ già. Nhiều lúc tức muốn khóc bởi con mình thèm một cây kem 5.000 đồng cũng không dám ăn, vậy mà hằng tháng mình phải đóng cho bọn chúng 100.000 - 200.000 đồng. Nhưng nếu mình không đóng, lỡ bọn chúng đánh đập, mình không làm việc được thì không chỉ mình chết, mà con mình cũng đói luôn”.
Vài trăm nghìn đồng của công nhân là đồng tiền lầm than mà có. Công nhân là tầng lớp nghèo của xã hội, lại phải gánh chịu thêm nạn trấn lột của côn đồ.
Có người cắn răng chịu đựng vì không còn cách nbào khác để bảo vệ mình. Có người bị côn đồ đánh, sợ hãi quá phải bỏ việc như trường hợp anh Bạch Hoàng Anh - quản lý sản xuất của Cty Vĩnh Hưng Đạt.
Công nhân bị trấn lột, bị chặn đánh, không yên tâm làm việc, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Côn đồ còn tấn công cả doanh nghiệp, đập phá máy chấm công, hăm dọa bảo vệ, doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.
“Địa bàn quá rộng nên trước mắt là doanh nghiệp phải tự bảo vệ tài sản của mình là chính”, đó là câu trả lời của đại diện chính quyền địa phương, nơi xảy ra vụ côn đồ tấn công Cty Vĩnh Hưng Đạt. “Trước mắt” là bao nhiêu ngày, trong khi nạn côn đồ bảo kê trấn lột công nhân xảy ra đã nhiều năm.
Người dân, doanh nghiệp đóng thuế để nuôi bộ máy chính quyền hoạt động, một trong những công việc mà chính quyền phải làm là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Những người có trách nhiệm tại tỉnh Bình Dương hãy đặt mình vào trường hợp của người lao động đang bị côn đồ uy hiếp, đang nơm nớp lo sợ bị hành hung, mới thấy họ đau khổ như thế nào.
Những người có trách nhiệm tại tỉnh Bình Dương hãy đặt mình vào trường hợp chủ doanh nghiệp, sẽ thấy không thể an tâm đầu tư vào một địa phương mà côn đồ lộng hành hiếp đáp người lương thiện bất chấp pháp luật như vậy.
Hãy dẹp nạn côn đồ bảo kê tại các khu công nghiệp từ trong trứng nước, mới ngăn chặn những cuộc phá hoại bùng phát dẫn đến mất kiểm soát như từng xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét