Việc Canada từ chối gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho các mặt hàng sữa không thuần túy là quyết định vì lợi ích kinh tế. Rõ ràng là sự từ chối của Canada xuất phát từ mục tiêu chính trị.
Tín Nguyễn – Tin@vnn360.com
Với sự đóng góp của Tiến sĩ Luật Kevin Bảo Lênguyễn và Hải Trần
Cuối cùng thì cuộc đối thoại cấp bộ trưởng giữa 12 quốc gia đàm phán TPP đã không thể có được một kết quả mỹ mãn. Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất trong quá trình đàm phán TPP là việc Canada từ chối xóa bỏ thuế quan áp dụng cho các sản phẩm làm từ sữa. Sự khước từ này nhằm bảo hộ cho nông dân Canada chuyên sản xuất các sản phẩm làm từ sữa, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ mức thuế suất 296% đánh vào các mặt hàng sữa nhập khẩu vào Canada.
Tuy nhiên lợi ích lớn nhất mà Canada nhận được nếu như nước này đồng ý gỡ bỏ hoàn toàn thuế quan cho các sản phẩm sữa là việc người tiêu dùng có thể mua sữa với mức giá thấp hơn rất nhiều (do yếu tố cạnh tranh trong hoạt động thương mại). Theo cách này, thặng dư tiêu dùng (consumer surplus) sẽ tăng lên đáng kể vì với mức giá thấp hơn thì sẽ càng nhiều người mua. Thặng dư tiêu dùng tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiển nhiên là, lợi ích kinh tế được tạo ra bởi gia tăng thặng dư tiêu dùng lớn gấp nhiều lần lợi ích có được từ các nhà sản xuất sữa Canada. Nói cách khác, Canada sẽ được lợi nhiều hơn nếu đồng ý gỡ bỏ thuế quan đối với các sản phẩm sữa. Vậy nguyên nhân thực sự của việc này là do đâu?
Điều này buộc chúng ta phải quay lại với dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, vấn đề đã gây mâu thuẫn lớn giữa Mỹ và Canada trong thời gian gần đây. Vào đầu năm nay, tổng thống Obama đã phủ quyết dự luật đường ống dẫn dầu Keystone XL mặc dù dự luật này đã được thông qua bởi Quốc hội trước đó. Nếu được thông qua, dự luật sẽ cho phép tập đoàn Trans Canada thiết lập hệ thống dẫn dầu dài 875 dặm (1400 km) có chức năng vận chuyển dầu cát từ Alberta (Canada) đến tiểu bang Nebraska rồi nối vào các đường ống chạy tới Texas.
Đối với Canada, dự án dẫn dầu Keystone đem lại lợi ích kinh tế rất lớn đối với nước này. Theo phân tích của Hiệp hội Đường ống Năng lượng Canada (Canadian Energy Pipeline Association), dự án ống dẫn dầu sẽ mang lại 1298 ngàn tỷ USD cho nền kinh tế Canada và giải quyết tình trạng phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng. Nếu dự án đường ống dẫn dầu được thông qua, Canada sẽ hưởng lợi 51.95 tỷ USD vào mỗi năm.
Tuy nhiên, đối với Hoa Kỳ, chính dự án đường ống dẫn dầu này đã gây chia rẽ Quốc hội, Nhà Trắng và các tổ chức dân sự vì môi trường của Mỹ. Nhận định về lợi ích và thiệt hại mang lại bởi dự án ống dẫn dầu này là nguyên nhân chính gây ra sự căng thẳng giữa Quốc hội và Nhà Trắng. Phe Dân Chủ và các nhà bảo vệ môi trường cho rằng dự án này sẽ gia tăng phát thải carbon vào môi trường và làm tồi tệ hơn tình trạng ấm lên toàn cầu. Trong khi đó, phe Cộng Hòa và những người ủng hộ dự án lại cho rằng dự án này sẽ đem lại việc làm cho công dân Mỹ. Cụ thể hơn, theo số liệu báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì dự án này sẽ đem lại trên 42.000 việc làm (bao gồm những công việc liên quan trực tiếp và gián tiếp đến dự án này) trên khắp nước Mỹ. Hơn thế nữa, dự án đường ống dẫn dầu Keystone sẽ đem lại 3000 tỷ USD cho GDP Hoa Kỳ, đồng thời đáp ứng nhu cầu năng lượng và bảo đảm sự ổn định cho an ninh năng lượng Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, dù phe Cộng Hòa chiếm đa số trong Quốc hội Mỹ đã thành công trong việc đệ trình dự luật lên Nhà Trắng để chờ phê duyệt, tổng thống Obama đã phủ quyết dự luật, làm trì hoãn dự án. Ông Obama cho rằng dự án xây dựng đường ống mang lại lợi ích cho Canada nhiều hơn cho Mỹ. Chính việc phủ quyết dự luật này đã làm mâu thuẫn quan hệ Mỹ-Canada và ảnh hưởng đến quá trình đàm phán TPP giữa hai nước.
Như vậy, việc Canada từ chối gỡ bỏ hàng rào thuế quan cho các mặt hàng sữa không thuần túy là quyết định vì lợi ích kinh tế. Rõ ràng là sự từ chối của Canada xuất phát từ mục tiêu chính trị. Biết được Hoa Kỳ, Úc và New Zealand muốn tiếp cận thị trường sữa của mình, Canada hiểu rất rõ ảnh hưởng của mình trong việc kí kết thành công TPP. Tuy nhiên, tính toán chính trị luôn nhằm vào mục tiêu đạt được lợi ích nhất định. Nếu Canada chịu gỡ bỏ toàn bộ thuế quan và cho phép trao đổi thương mại tự do đối với các mặt hàng sữa từ nước ngoài thì ít nhất quốc gia này phải giành được lợi ích khác đủ để bù đắp cho sự nhượng bộ của mình. Đó chính là lợi ích từ dự án ống dẫn dầu Keystone XL.
Có thể thấy rằng quan hệ song phương giữa Canada và Mỹ sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết thúc hiệp định TPP. Nếu Mỹ và Canada đạt được thỏa thuận khởi động dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, đàm phán TPP sẽ trở nên dễ thở hơn và khả năng kí kết thành công hiệp định sẽ rõ ràng hơn bao giờ hết. Ngược lại, nếu Mỹ và Canada thất bại trong việc đẩy nhanh dự án ống dẫn dầu Keystone XL thì Canada sẽ không bao giờ chịu gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm sữa và điều này sẽ kéo theo sự cự tuyệt của các quốc gia khác đối với TPP. New Zealand và Úc sẽ không bao giờ chịu ký vào một hiệp định thương mại mà trong đó, các mặt hàng sữa của các quốc gia này phải hứng chịu thuế suất nặng nề. Ngược lại, Mỹ lại càng không thể loại Canada ra khỏi cuộc chơi TPP vì lợi ích kinh tế giữa hai quốc gia này đã liên kết chặt chẽ với nhau. Theo ước tích trong năm 2012, nhập siêu của Mỹ từ Canada lên đến 324.2 tỷ USD trong khi xuất siêu của Mỹ sang Canada đạt được 292.4 tỷ USD.
Những đổ vỡ trong quá trình đàm phán TPP chính là bước lùi đối với chính quyền Obama dù rằng ông đã được Quốc hội trao Quyền Đàm phán nhanh (fast-track authority). Do vậy, đàm phán TPP sẽ phải kéo dài sang tận năm 2016 và phụ thuộc rất nhiều vào chính quyền mới của Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử tổng thống. Ưu tiên về thương mại cho chính quyền mới của Hoa Kỳ nên nhắm tới việc đẩy mạnh tiến trình đàm phán TPP và hoàn thành việc kí kết hiệp định thương mại này. Trong đó, giải quyết mâu thuẫn với Canada sẽ là chìa khóa giải quyết những bất đồng giữa hai quốc gia trong quá trình đàm phán TPP.
Giới thiệu chung về hiệp định TPP và quá trình đàm phán
TPP là một hiệp định thương mại bao gồm 12 quốc gia thuộc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Hiệp định này nhằm thúc đẩy việc trao đổi thương mại và đầu tư giữa 12 quốc gia bằng việc cắt giảm các rào cản thuế quan, thiết lập cơ chế đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, áp dụng chặt chẽ những điều khoản bảo vệ môi trường và xây dựng cơ chế giải quyết những bất đồng giữa nhà đầu tư và chính phủ của nước sở tại. 12 quốc gia trong quá trình đàm phán tham gia hiệp định này đóng góp 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới. TPP bao gồm hơn 20 chương đề cập đến các điều khoản về điều kiện lao động, nghiêm cấm săn bắn và buôn lậu động vật hoang dã, nhân quyền và trao đổi thương mại.
TPP được hứa hẹn sẽ là mô hình điển hình cho hoạt động kinh tế trong thế kỷ 21 này. Tuy nhiên, để đưa TPP đi vào hoạt động, các nước tham gia bắt buộc phải có những cải cách tư pháp, cơ cấu nền kinh tế và tiêu chuẩn lao động đúng với tiêu chuẩn do TPP đề ra. Chính vì sự khác biệt về pháp luật và cơ cấu nền kinh tế giữa các nước tham gia đàm phán nên vòng đàm phán tại Hawaii đã không đạt được những tiến triển đáng kể trên những vấn đề còn rất nhiều bất đồng giữa các nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét