Trang

23 tháng 6, 2015

"Cảnh giác với pháo đài ngầm Trung Quốc ở Biển Đông"


(GDVN) - "Kết luật của riêng tôi là, ngay bây giờ Trung Quốc sẽ áp dụng một chiến lược pháo đài (ngầm) ở Biển Đông", Bernand D. Cole nói.
Tàu ngầm Trung Quốc, hình minh họa. Ảnh: Chinamil.com.cn.
The Sydney Morning Herald ngày 23/6 đưa tin, một số nhà phân tích quốc phòng và an ninh cho rằng trong nhiều tháng qua, Trung Quốc bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông (khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) đã đánh động các quan chức Mỹ cũng như các nước láng giềng Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, điều gì đang xảy ra dưới nước ở Biển Đông cũng rất đáng lo ngại.
Trung Quốc có một hạm đội tàu ngầm khá lớn, trong đó có cả các tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo. Việc mở rộng tuyên bố chủ quyền (vô lý, phi pháp) của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể được sử dụng để tạo ra một khu vực trú ẩn nước sâu, hoặc là một pháo đài dưới nước ở Biển Đông cho lực lượng tàu ngầm Trung Quốc trú ẩn, tránh bị phát hiện. Biển Đông sẽ là một nơi rất tốt để tàu ngầm Trung Quốc ẩn náu, giáo sư Carl Thayer từ Úc bình luận.
Đáy Biển Đông có những nơi sâu hàng ngàn mét, với những hẻm núi dưới nước có thể giúp tàu ngầm dễ dàng ẩn náu, tránh bị phát hiện. Nguy cơ xung đột, đối đầu ở Biển Đông dự kiến sẽ là trọng tâm Đối thoại Chiến lược Mỹ - Trung tại Washington ngày 23/6 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương. Tuần trước Bắc Kinh thông báo "sắp bồi lấp" xong ở Biển Đông, nhưng đã không được các quan chức Mỹ chào đón.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel lưu ý rằng hoạt động tiếp tục xây dựng các cơ sở trên đảo nhân tạo, bao gồm căn cứ quân sự là hành vi gây rắc rối của Trung Quốc, đi ngược lại mục tiêu làm giảm căng thẳng ở Biển Đông. "Đó là lý do tại sao chúng tôi luôn yêu cầu Trung Quốc ngừng bồi lấp, xây dựng và chắc chắn không quân sự hóa thêm các tiền đồn ở Biển Đông", ông Daniel Russel nhấn mạnh.
Theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh coi Biển Đông là "tài sản chiến lược" vị nó bảo vệ sườn phía Nam của Trung Quốc, bao gồm một căn cứ tàu ngầm ở Tam Á đảo Hải Nam. Hải quân Trung Quốc đã xây dựng hầm ngầm dưới nước và lặng lẽ điều động một số tàu ngầm đến đây, bao gồm cả tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Tính đến năm ngoái Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, trong đó 5 tàu ngầm chạy động cơ hạt nhân và ít nhất 3 chiếc có thể phóng tên lửa đạn đạo.
Cổng vào căn cứ tàu ngầm Trung Quốc tại Tam Á chụp từ vệ tinh, nguồn: Daily Mail.
Chưa dừng lại, Bắc Kinh có kế hoạch bổ sung thêm 5 chiếc tàu ngầm có thể phóng tên lửa đạn đạo nữa, theo báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái. Tháng Tư năm nay trong một cuộc họp báo ở Washington, Đô đốc William Gortney, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bắc Mỹ khi bình luận về lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đã nói: "Bất cứ khi nào một quốc gia đã phát triển vũ khí hạt nhân và các bệ phóng có thể đe dọa đến Hoa Kỳ đều là mối quan tâm của tôi."
Trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc đã tăng cường khả năng răn đe hạt nhân trước sự phát triển lĩnh vực này tại Mỹ và Nga. Chương trình tàu ngầm của họ là một phần quan trọng thúc đẩy chiến lược hạt nhân. Tên lửa đạn đạo JL2 phóng từ tàu ngầm Trung Quốc không thể chạm đất Mỹ từ Biển Đông. Nhưng Bắc Kinh hy vọng sẽ cải thiện tầm bắn của những tên lửa này, đó là lý do tại sao giới phân tích tin rằng Trung Quốc xem Biển Đông là thành trì cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân của mình.
Bernard D. Cole, một giáo sư từ Học viện Chiến tranh Hoa Kỳ từng là sỹ quan hải quân về hưu cho biết, Liên Xô từng phát triển các "pháo đài ngầm" trong Chiến tranh Lạnh khi tình báo Moscow cảnh báo, người Mỹ dễ dàng theo dõi các tàu ngầm của họ dưới đáy đại dương. Vì vậy Liên Xô đã tạo ra các căn cứ ngầm dưới đáy biển cho tàu ngầm hoạt động bí mật càng gần (căn cứ) Mỹ càng tốt. Một căn cứ đã được tạo ra dưới đáy biển Bạch Hải và một cái còn lại ở biển Okhotsk phía Bắc Nhật Bản.
Tàu ngầm Trung Quốc được biết đến là tương đối ồn và dễ bị phát hiện nên khó có thể giữ bí mật khi hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Nhưng một khi Trung Quốc cải thiện được tầm bắn của các tên lửa, họ có thể không cần di chuyển tàu ngầm ra khỏi Biển Dông mà vẫn đe dọa trả đũa được Mỹ.
"Kết luật của riêng tôi là, ngay bây giờ Trung Quốc sẽ áp dụng một chiến lược pháo đài (ngầm) ở Biển Đông", Bernand D. Cole nói với The Sydney Morning Herald. Còn giáo sư Carl Thayer và các nhà phân tích khác thì cho rằng, Trung Quốc vin nhiều lý do để bồi lấp đảo nhân tạo ở Biển Đông. Một trong những mục đích chính của Bắc Kinh là để uy hiếp láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét