Trang

19 tháng 10, 2014

Thủ tướng: 'Nợ công tăng nhanh'

Tính cả số tiền vay đảo khoản cũ, vay để cho vay lại, tỷ lệ trả nợ từ ngân sách Nhà nước hiện ở mức 26,2%, cao hơn so với mức 25% cho phép trong chiến lược quản lý nợ công.
Thông tin nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra khi thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sáng 20/10.
thu-tuong-0-8474-1413771014.jpg
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn.
Dù không đưa ra số liệu cụ thể song người đứng đầu Chính phủ khẳng định hiện các tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Việt nam đều trong giới hạn cho phép. Tỷ lệ này, theo quy định hiện hành là không quá 65% GDP.
Theo báo cáo bổ sung của Ngân hàng Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội, nợ xấu của toàn hệ thống cả tổ chức tín dụng đến cuối tháng 8 đạt 3,9% tổng dư nợ, thấp hơn mức báo cáo trước đó.
Tuy vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định nợ công đang tăng nhanh trong thời gian gần đây. Theo đó, tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách của Chính phủ hiện tương ở mức 14,2%, vẫn trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công là không quá 25%. Tuy nhiên, nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.
Trước đó, trong phần mở đầu báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nhận định bối cảnh trong nước và quốc tế hiện trong giai đoạn phức tạp. Để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra cho cả năm, Chính phủ luôn bám sát các giải pháp đề ra theo nghị quyết của Quốc hội, hằng tháng có kiểm điểm, đánh giá, bổ sung...
Nhờ vậy, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm đã có chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, tốt hơn. Lạm phát cả năm dự kiến dưới 5%, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2013. Đến nay, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26% và dự kiến đạt 12-14% cho cả năm. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng tăng cao nhất từ trước đến nay.
Về thương mại, xuất khẩu của các doanh nghiệp tăng 13%, cán cân thương mại, cán cân thanh toán và vãng lai đều thặng dư. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 8,9 tỷ USD và dự kiến cả năm có thể đạt 12,5 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Những tín hiệu tích cực nêu trên giúp tăng trưởng kinh tế được cải thiện qua từng quý. Tính chung 9 tháng, GDP tăng 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước và ước cả năm đạt 5,8%. Tuy vậy, báo cáo của Chính phủ nhận định môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện chậm, sản xuất kinh doanh còn khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, số giải thể, ngừng hoạt động còn lớn.
Về tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là 3 lĩnh vực: đầu tư công, ngân hàng và doanh nghiệp Nhà nước, mặc dù có những chuyển biến tích cực (xử lý được 53% nợ xấu, cổ phần hóa hàng chục doanh nghiệp...) song vẫn bị đánh giá là chậm. Tốc độ đổi mới công nghệ của nền kinh tế chưa đạt yêu cầu, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP còn thấp, doanh nghiệp chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu...
Nhận định về tình hình 2015, Chính phủ cho rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng còn chậm, các nước lớn cạnh tranh gay gắt, tranh chấp chủ quyền biển đảo phức tạp... Bối cảnh này đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.
Với mục tiêu tăng cường ổn định vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014, Chính phủ dự kiến GDP có thể tăng 6,2%, lạm phát, bội chi khoảng 5% và kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.
Để đạt được những mục tiêu này, Thủ tướng đề xuất một số giải pháp chủ yếu như ổn định tỷ giá, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, tiếp tục thực hiện giá thị trường với xăng dầu, đẩy mạnh tái cơ cấu... Ngoài ra, để đảm bảo ngân sách, Chính phủ cũng xác định không tăng chi thường xuyên (ngoài lương), giám sát nợ công, nợ nước ngoài... trong giới hạn an toàn.
Chu-tich-QH-0-3375-1413775464.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tin tưởng việc lấy phiếu tín nhiệm đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp Quốc hội thay mặt cử chi đánh giá các chức danh lãnh đạo.
Trước báo cáo của Thủ tướng, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhận định kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã ổn định hơn, tăng trưởng trên đà phục hồi, thu ngân sách đạt khá. Tình hình xã hội cũng có nhiều chuyển biến, quốc phòng được tăng cường, cải cách tư pháp được tích cực triển khai...
Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, tổng cầu tăng chậm, tồn kho ở mức cao, sức tiêu thụ, hấp dẫn vốn và năng suất còn thấp. Nợ công, nợ doanh nghiệp chưa có giải pháp xử lý hiệu quả, bền vững. Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội.
Trong bối cảnh đó, nội dung kỳ họp lần này của Quốc hội có nhiều việc hệ trọng, trong đó có việc thông qua 18 luật, 3 nghị quyết, 12 dự luật khác. Ngoài ra, các đại biểu cũng thay mặt cử chi cả nước, lần thứ 2 thực hiện đánh giá các chức danh lãnh đạo thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, giám sát tối cao với chuyên đề tái cơ cấu nền kinh tế.
* Tiếp tục cập nhật
 Nhật Minh - Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét