Trang

20 tháng 10, 2014

Có dấu hiệu tiêu cực trong việc đình chỉ vụ án tham nhũng

Đánh giá về công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp có dấu hiệu tiêu cực. Việc thay đổi sang tội danh nhẹ hơn hoặc không phải tội tham nhũng vẫn xảy ra. 
Sáng 20/10, trình bày báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2014, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá tình hình tham nhũng trong khu vực công còn rất nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nhất là trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, quản lý sử dụng đất đai, quản lý vốn và tài sản của Nhà nước. Vẫn còn bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái về đạo đức, lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng.
“Tình trạng vòi vĩnh nhận hối lộ vẫn diễn ra, trong đó có cả cán bộ làm công tác bảo vệ pháp luật. Vì vậy một số người dân vẫn mang nặng tâm lý đưa hối lộ để nhanh được việc. Đặc biệt, thực trạng cơ quan tổ chức và người dân tố cáo tham nhũng vẫn rất ít”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Nhận định công tác phát hiện xử lý tham nhũng vẫn là khâu yếu, đã kéo dài nhiều năm, ông Hiện cho rằng dù đã có nhiều giải pháp nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Số vụ tham nhũng phát hiện còn ít, chủ yếu ở cấp xã phường, nhiều vụ án lớn được điều tra truy tố xét xử năm nay đều đã được phát hiện ra từ những năm trước.
Ngoài ra, việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp có dấu hiệu tiêu cực. Việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải tội tham nhũng vẫn xảy ra. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu chưa tương xứng với số vụ việc, vụ án tham nhũng đã đưa ra xử lý; thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Số vụ án tham nhũng cơ quan thanh tra chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cũng cho rằng tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn diễn ra gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp.
Tổng thanh tra cho rằng việc tự phát hiện tham nhũng của cơ quan, tổ chức còn yếu. Cán bộ công viên chức, người dân tố cáo tham nhũng ít, thiếu cơ chế hữu hiệu để bảo vệ và khuyến khích, khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm toán thiếu chế tài cụ thể, đủ mạnh để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành.
“Tham nhũng ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích. Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước - thiệt hại lớn nhưng giá trị tài sản thu hồi thấp”, ông Tranh nói.
Theo phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu năm 2013 của Tổ chức minh bạch quốc tế (TI): So với các nước được khảo sát trong khu vực Đông Nam Á, người Việt Nam ít có khả năng tố cáo tham nhũng và ít từ chối đưa hối lộ nhất, cụ thể: Có 38% số người được khảo sát sẵn sàng tố cáo tham nhũng, chỉ có 27% người dân được hỏi từng từ chối đưa hối lộ.
Về chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013 (CPI 2013 - Chỉ số cảm nhận tham nhũng xếp hạng 177 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận về mức độ tham nhũng trong khu vực công), Việt Nam xếp hạng 116 trên tổng số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số 31/100, tăng 7 bậc so với năm 2012. 
Nam Phương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét