Trang

2 tháng 8, 2014

Nguyên Ngọc và "Lời nguyền Tây Nguyên"

Tây Nguyên và sự phát triển của VN

Cập nhật: 10:40 GMT - thứ bảy, 2 tháng 8, 2014
Ông Nguyên Ngọc nói con người đã gây "tội ác" ở Tây Nguyên
Lời nguyền Tây Nguyên không phải là lời của tác giả của 'Đất nước đứng lên' và 'Rừng xà nu'.
Nhưng tôi không khỏi có cảm giác đó chính là những gì ông muốn nói khi được hỏi về sự phát triển của vùng cao nguyên ở Việt Nam trong cuộc gặp tình cờ tại miền nam nước Pháp.
Chính xác hơn ông Nguyên Ngọc nói về "lời nguyền tài nguyên".
"Cái quan điểm phát triển lấy tài nguyên làm chính vẫn chưa thay đổi trong phát triển ở Việt Nam và chúng tôi khẳng định đó là con đường phát triển sai," ông nói.
"Người ta có cái gọi là ‘lời nguyền tài nguyên’ thì Việt Nam hiện đang lâm vào lời nguyền tài nguyên.
"… Một là dựa vào đó là đường lối phát triển rất dở. Hai là thường anh có cảm giác vô tận [về tài nguyên].
"Nhưng những phát triển trong những năm vừa qua cho thấy nó không vô tận chút nào.
"Rừng Tây Nguyên bây giờ hết rồi, không còn gì cả, không vô tận tí nào cả."
Chúng tôi bắt đầu câu chuyện sau bữa ăn trưa tại khuôn viên một trường đại học ở Toulouse, nơi ông và một số bạn bè gặp mặt.
"Rừng Tây Nguyên bây giờ hết rồi, không còn gì cả, không vô tận tí nào cả."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Tôi hỏi ông về việc thí điểm khai thác bauxite ở Tây Nguyên với nhà máy ở Tân Rai, Lâm Đồng đã đi vào hoạt động trong khi nhà máy ở Nhân Cơ, Đắk Nông cũng đang chuẩn bị hoàn thành.
Nhà văn nói 10 lý do không nên làm bauxite mà ông và kỹ sư mỏ Nguyễn Thành Sơn đưa ra trong một bài viết phản đối khai thác bauxite "đang dần dần bộc lộ hết".
Về kinh tế đang "rất lỗ" do cách tính chi phí đầu vào mà ông gọi là "ăn gian", không liệt kê đủ các chi phí trong tính toán ban đầu.
Vì thế việc khai thác bauxite không mang lại hiệu quả kinh tế dù đã được giảm một số loại thuế.
Về vận tải, việc vận chuyển đang diễn ra trên đường 20, đường "dân sinh" từ Đà Lạt qua Lâm Đồng và về thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyên Ngọc nói mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe với trọng tải thiết kế 40 tấn đi trên đường với những cây cầu chỉ chịu được 25 tấn.
Sự lưu thông của các xe tải hạng nặng này cũng dễ gây tai nạn.
Về môi trường, ông nói, đã có "tai nạn bùn đỏ gây chết người."
Đắc Nông và Lâm Đồng có lượng mưa nhiều nhất ở Tây Nguyên và thêm nữa mưa dồn dập trong 2 tháng trong năm gây nguy cơ vỡ hồ chứa bùn đỏ.

Khách hàng Trung Quốc

Nhưng điều khiến nhà văn gắn bó và hiểu biết Tây Nguyên lo ngại không kém là sự liên quan của Trung Quốc tới khai thác bauxite.
Hiện Bắc Kinh là khách hàng duy nhất của Hà Nội trong việc bán nguyên liệu sản xuất nhôm từ hai nhà máy thí điểm khiến việc ép giá có thể xảy ra.
Bên cạnh đó nhà văn cũng có những lo ngại về an ninh khi nói về khai thác bauxite:
"Về mặt quốc phòng rất nguy hiểm. Từ xưa người ta đã nói ai làm chủ Tây Nguyên sẽ làm chủ toàn bộ khu vực Nam Đông Dương…
Nhà văn Nguyên Ngọc nói Trung Quốc 'ráo riết' vào các dự án bauxite
"Một mặt Biển Đông như thế, một mặt ở phía tây mà có bất ổn nữa thì rất nguy hiểm.
Ông nói việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông vừa qua cũng là dịp nhìn lại vấn đề bauxite.
"Vì sao họ cứ chăm chăm họ đòi vào làm bauxite? Thực ra vì bauxite ở Tây Nguyên. Nếu bauxite ở chỗ khác chưa chắc họ đã vào đâu.
"Và có điều rất lạ là trong ký kết giữa ông Nông Đức Mạnh với Trung Quốc thì nói từng nhà máy ở Tây Nguyên… như vậy tỏ ra Trung Quốc rất ráo riết vào mấy nhà máy bauxite ở Tây Nguyên.
"Trong khi đó nhu cầu về bauxite của họ ở Tây Nguyên là không lớn, thì họ có mục đích khác."
Ông nói ông hy vọng các nhà lãnh đạo Việt Nam thấy rõ "âm mưu" của Trung Quốc ở Tây Nguyên hơn qua việc họ hạ đặt giàn khoan.

'Dân tộc điêu tàn'

Về tái định cư người dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi các dự án bauxite, ông Nguyên Ngọc nói Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có yêu cầu nơi tái định cư phải tốt hơn chỗ cũ hoặc ít nhất bằng chỗ cũ nhưng điều này không được thực hiện trên thực tế.
Ông nói với BBC:
"Tôi đã đến mấy làng, ví dụ làng của Tập đoàn Than khoáng sản làm cho người K’Ho ở đây thì không tài nào mà sống được.
"Mình thấy cũng không sống được chứ chưa nói là họ với văn hóa của họ.
"Ví dụ ở những nhà xây bê tông chật hẹp, xa nơi chăn nuôi… thậm chí gà vịt cũng không chăn được.
"Rẫy của họ rất xa, họ đi làm café, cao su, lúa …. rất xa.”
Nhà văn cũng lo ngại việc mất môi trường sống và văn hóa của người thiểu số sẽ để lại hậu quả "nguy hiểm."
"Ta biết một dân tộc mất văn hóa thì sẽ điêu tàn," ông nói.

'Tội ác' của con người

Trên thực tế việc khai thác bauxite chỉ là một trong các lý do khiến văn hóa của người thiểu số ở Tây Nguyên lụi tàn.
Ông Nguyên Ngọc nói cuộc "đại di dân" lên Tây Nguyên khiến người Kinh từ chỗ là người thiểu số trước đây giờ chiếm tới 80% dân số và nói thêm về ảnh hưởng của việc di dân này:
Người Kinh đã khiến người dân tộc thành thiểu số trên quê hương họ
"Từ tập quán canh tác, văn hóa, cách sống đều thay đổi hết.
"Nó đảo lộn đột ngột như vậy tai hại vô cùng cho tất cả các phương diện ở đó.
"Người Tây Nguyên hàng ngìn đời đã có phương thức canh tác để giữ gìn tự nhiên…
"Nhưng người Kinh có tập quán canh tác khác – đó là phá rừng.
"Người Tây Nguyên nhìn rừng là môi trường sống của họ.
"Thực ra cũng không phải là môi trường nữa mà là toàn bộ cuộc sống của họ.
"Người Kinh nhìn vào rừng là thấy gỗ."
"Người Tây Nguyên nhìn rừng là môi trường sống của họ. Thực ra cũng không phải là môi trường nữa mà là toàn bộ cuộc sống của họ. Người Kinh nhìn vào rừng là thấy gỗ."
Nhà văn Nguyên Ngọc
Theo nhà văn, việc tàn phá rừng đã khiến "về cơ bản rừng tự nhiên không còn ở Tây Nguyên" và điều này ảnh hưởng cả tới đồng bằng sông Cửu Long do nước ở phía tây Tây Nguyên đổ vào sông Mekong.
“Ở đời cái gì cũng có cái ngưỡng, khi nào chưa đến cái ngưỡng đó thì mình có thể quay lại," ông nói.
“Nhưng mà vượt qua ngưỡng đó thì không thể quay lại được nữa.
“Tôi nghĩ ở Tây Nguyên có những điều hoặc là mấp mé ngưỡng, hoặc là quá ngưỡng rồi.
“Ví dụ rừng tôi sợ không khôi phục được nữa, văn hóa tôi sợ không khôi phục được nữa, tự nhiên ở đó rất khó.
“Thí dụ tôi nói thế này, voi, tôi ở trong rừng mấy chục năm tôi biết mà, voi nó hiền lành lắm, con vật rất hiền lành, voi nó quay lại nó tấn công con người.
“Bây giờ voi rất nguy hiểm, không còn bao nhiêu. Thỉnh thoảng cả vùng rộng lớn chỉ còn một con voi mà nó phá và giết người nữa cơ.
“Thì vì sao? Vì nó mất môi trường sống.
“Mình làm cho thiên nhiên trở nên thù địch với con người. Nó cực kỳ nguy hiểm.
“Tôi sợ Tây Nguyên vượt ngưỡng, khó quay trở lại.”
Ông coi những gì xảy ra ở Tây Nguyên là "tội ác" của con người.

Thay đổi 'bất ngờ'

Nhưng cũng không vì thế mà nhà văn bi quan về khả năng có thay đổi tích cực ở Việt Nam.
Biểu tình phản đối Trung Quốc nhân kỷ niệm 35 năm cuộc chiến Việt - Trung
Thay đổi bất ngờ có thể diễn ra ở Việt Nam theo nhà văn Nguyên Ngọc
Ông nhận định:
"Thường khi mình thấy nó càng bế tắc đến cùng cực thì lúc đó rất dễ xảy ra thay đổi.
"…Thứ hai thường thay đổi nó cũng rất bất ngờ…
"Bây giờ thấy rất bế tắc, chưa thấy có nhân tố nào, nhân vật nào, chưa thấy biểu hiện nào để thay đổi.
"Nhưng thường thường nó diễn ra thì một là nó diễn ra theo những cách bất ngờ, ở những nơi bất ngờ và vào những lúc bất ngờ."
Ông cũng nhìn điều mà ông gọi là sự "bành trướng trắng trợn hơn và hung hăng hơn" của Trung Quốc như một cơ hội để Việt Nam thay đổi.
"Thách thức đó bộc lộ ra hết những nhếch nhác, hư hỏng của cơ chế, những vấn nạn của xã hội và chính cái đó thúc đẩy sự thay đổi," ông nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét