BTTD: Bệnh thành tích, bệnh hình thức đang bào mòn sức dân đến cùng cực.
Và hình ảnh phấn đấu thành xã nông thôn mới thực thụ bị tổn thương không phải do dân nghèo mà do cán bộ duy ý chí, chủ quan, áp đặt. Trong ảnh, anh Điệp nói 280.000 đồng tiền bão lụt ăn Tết thôn cũng thu để trừ tiền đường.
>> Không cho hát karaoke, đốt quán cho bõ ghét
Chính tuyên bố của Bí thư xã Lê Quốc Khanh: “Không có chủ trương miễn, giảm cho bất cứ ai” nên người bị tâm thần, hay bị chất độc da cam cũng bị nọc ra thu.
Không nộp kịp, họ “hành hạ” bằng cách đưa lên hệ thống loa đài của thôn xóm đọc ra rả từng buổi. Nhiều người uất quá mà buồn không chịu thấu. Ở các thôn, bao tiếng khóc tủi buồn cất lên.
Tận thu cả người bệnh tâm thần
Chúng tôi về Tân Thủy, những chuyện đau lòng cứ thế người dân gạt nước mắt mà kể. Họ kể trong chua xót, trong cay đắng, trong khổ đau. Có những người chúng tôi gặp, dường như họ không biết gì, chỉ nhìn lơ ngơ, ăn uống vô thức, nhưng sổ đinh của làng, của xã là một suất nộp như người bình thường.
Ông Trần Quang Toán ở làng Tân Bằng bị bệnh tâm thần từ 30 năm nay. Mọi sinh hoạt đều vô thức. Nhưng sổ hộ khẩu do ông làm chủ trong một căn nhà có 5 khẩu. Cạnh sổ hộ khẩu có cuốn sổ chẳng gia đình nào mong muốn, đó là sổ điều trị bệnh tâm thần.
Ông Toán, người bị tâm thần 30 năm nay cũng bị thôn xã ép gia đình nộp tiền triệu làm đường.
Sổ điều trị tâm thần của ông Toán.
Ông từng đi miền Nam, khi hết nhiệm vụ, trở về bản quán, bệnh tâm thần phát ra ngày mỗi nặng. Bà Ngô Thị Phách thấy thương, tác hợp với ông thành chồng vợ. Gia đình ông tính ra 5 khẩu.
“Thôn xóm cứ thế áp tới nộp. Tui xin giảm hoặc miễn cho ông Toán vì tâm thần, nhưng trên xã nói không được, còn sống là lo nộp. Tui đang đi vay tiền thì loa xóm, loa thôn oang oang ngày ba cử, réo tên người bị tâm thần ra, réo tên nhà tui ra là chưa nộp. Cứ nghe tiếng loa là ớn lạnh tóc gáy thôi chú ơi”- bà Phách kể.
Một người thần kinh khác, trẻ hơn ông Toán, tuy không có sổ trị bệnh tâm thần nhưng suốt ngày đi ngoài đường. Ấy là Trần Kim Tâm (33 tuổi) ở làng Tân Thịnh, con của cựu binh Trần Kim Thịnh. Nhà ông Thịnh có 7 khẩu, Tâm là đứa con bị nhiễm chất độc hóa học; bị thần kinh bẩm sinh, cứ đi lang thang đầu đường cuối xóm, ai cho gì ăn nấy, không cho thì về nhà lục lọi nồi niêu để ăn.
“Nhưng thôn cũng ép phải nộp. Tui nói con tui chả biết chi mà mần, chả biết chi mà lao động, phải hưởng trợ cấp nhà nước chất độc da cam thì thương tình tha cho cháu. Rứa mà trưởng thôn, cán bộ xã về xong chẳng đồng ý. Cứ rứa mà nộp 1,7 triệu đồng. Nhà tui nộp chậm vì không có tiền, thôn bắc loa lên loa như đấu tố.
Tủi quá, tui phải vay mượn chạy vạy, xóm làng cũng khó khăn cả nên vay khó lắm, nhưng cuối cùng cũng có mà nộp để khỏi réo lên loa”, bà Đinh Thị Lan, vợ ông Thịnh ứa nước mắt.
Ông Trị và vợ phải đi xe lăn nhưng thôn vẫn cấn trừ tiền từ thiện.
Con liệt sĩ, người già neo đơn, mồ côi cũng không tha
Ở làng Tân Hòa, vợ chồng ông Phan Quốc Trị, Lê Thị Hậu tàn tật, di chuyển phải đi xe lăn cả hai vợ chồng. Là con của liệt sĩ thời chống Pháp, nhưng khi làm đường, thôn thông báo hai vợ chồng ông còn nợ hai suất tiền với 340.000 đồng.
Chị Hậu nói:“Tui vay dạm trả được một nửa, còn một nửa tui nói cho tui mần mạn xong có là trả. Bão năm 2013 có suất từ thiện hỗ trợ vợ chồng tui 100.000 đồng, rứa là thôn nói không nhận chi hết, cấn trừ nợ tiền đường. Họ trừ ngang, không cho ký, không cho biết. Buồn lắm chú ạ”.
Bà Dương Thị Ích (83 tuổi) ở Tân Bằng già cả, neo đơn, ở một mình trong ngôi nhà nhỏ. Thôn vẫn áp giá tiền nộp đều như người giàu. Đến vách nhà bà Ích, trong thân người nhỏ thó, bà đang chăm chút mấy con gà con mới nở để chờ lớn mà bán rồi nộp cho thôn tiền làm đường. Bà Ích chả có tài sản gì, cứ có lứa gà vài ba con gầy nuôi bà kêu bán, bán để khi trưởng thôn kêu tên là bà phải có mặt mà nộp.
Đường thôn Tân Lỵ, nếu thoe hợp đồng ký giữa Chủ tịch xã với nhà thầu là hơn 1,1 tỷ đồng, mỗi khẩu phải nộp theo hợp đồng này là gần 3,6 triệu đồng. Nhưng dân phát hiện thực tế được chỉ 580m đã khống lên thành 1000m. Dân đòi lại thi công thì giá trị hơn 650 triệu đồng.
Bà Ích kể: “Chắt bóp được chi, nuôi con gà con chim thì bán mau mà nộp, không có họ kêu tên trên loa cực chi là cực, nhục chi mà nhục chú à. Tui nghèo chứ tui có muốn không ưng nộp mô”.
Cháu Dương Văn Thiện, bị lơ ngơ và quậy phá vô thức, phải có người trông coi, sảnh ra là chạy đập phá đủ thứ. Thôn bắt nộp như người bình thường. Đã thế, thôn còn cấm người nhà không để cho ai chụp hình.
“Mẹ cháu chết, chừ ở với bộ, khi thì về nhà ngoại, nhà o, nhà dì, có lên xin thôn miễn cho cháu nhưng trưởng thôn trừng mắt nói hắn có trợ cấp nhà nước thì lo mà nộp. Mỗi tháng cháu chỉ có mấy trăm ngàn, cũng chỉ đủ cho cháu ăn, chứ cháu làm được tiền thì nộp rồi”-một người thân của cháu gạt nước mắt kể.
Người dân gặp nhiều khó khăn với cách làm nông thôn mới ở Tân Thủy.
Cháu Dương Thị Huyền Trang, nhà nghèo, học giỏi, mẹ mất sớm nhưng xã, thôn vẫn ép nộp và đến ngay suất quà Tết bá tánh cho hai bố con cháu ăn Tết họ cũng bức thu không một lời nói lại.
Huyện chỉ đạo rốt ráo xã làm tà tà
Trước sự việc này, ông Nguyễn Quang Năm, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy đã có công văn hỏa tốc 950/UBND-VP gửi lãnh đạo tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn chỉ đạo không được cào bằng trong việc thu hút tiền xây dựng làm đường với các hộ dân.
Văn bản 950 này khẳng định: “Qua thông tin phản ánh của cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri và của nhân dân có một số xã, thôn trong quá trình huy động sức đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới, nhất là các công trình giao thông nông thôn như đường liên thôn, đường xóm... chưa thực sự dân chủ, thống nhất, có nơi huy động quá sức của dân, đặc biệt đối với một số đối tượng có hoàn cảnh khó khăn như hộ nghèo, cận nghèo, người bị tàn tật, người bị nhiễm chất độc hóa học...”
Công văn cũng yêu cầu: Trong việc huy động nội lực, sức đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới phải có sự bàn bạc dân chủ, công khai, thống nhất trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của nhân dân và được HĐND xã thông qua; đồng thời xem xét giảm mức đóng góp cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng đặc biệt để đảm bảo an sinh xã hội; tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc; đóng góp cào bằng, bình quân hộ, khẩu gây khó khăn cho một số hộ gia đình và không được huy động quá sức dân”.
Cháu Thiện, bị da cam, mồ côi mẹ cũng bị ép nộp tiền triệu như một lao động thực thụ.
Hiện các xã đang triển khai thực hiện chủ trương trên thì ở Tân Thủy, một số trưởng thôn ở Tân Lỵ, Tân Thái lại đi đe nẹt dân.
Anh Dương Văn Điệp ở Tân Lỵ bị trưởng thôn Dương Đăng Ái cùng bí thư chi bộ Trần Hữu Tài hạch sách không được nói cảnh nghèo khó, không được nói bị thu tiền từ thiện, không được nói chuyện làm đường có vống thêm, không được nói chuyện thôn thu tiền.
Anh Điệp kể: “Ông Ái nói “mi được hộ nghèo là do tau, mi đừng to mỏ. Mi là tau bóp là ngoắc ngoải”. Tui nói lại, phận tui nghèo là do số phận, răng do eng được? Nghèo thì Nhà nước trợ cấp là nhân văn của Nhà nước chơ chi của eng (anh). Còn cấm tui răng được, tui không chấp nhận như rứa được, trưởng thôn mà cấm dân nói là răng”.
Bà Nguyễn Thị Thoái kể: “Trưởng thôn, bí thư chi bộ đi ruồng bố dân cấm không được nói khó khăn, cấm không được nói nộp tiền bạc làm đường nặng nề. Nói rứa răng được. Thôn mần răng dân biết hết, ai ép dân như răng thôn biết hết. Cấm là cấm răng được”.
Bà Thoái cũng kể thêm: “Với trường hợp hộ bà Phạm Thị Lướt phải vay mượn tín dụng đen để nộp cả suất mẹ già bị bệnh thập tử nhất sinh, nộp xong mẹ bà Lướt mất. Trước khi nộp, có xin thôn giảm cho bà mà không cho. Chừ thì thôn không cho gặp bất cứ ai vì sợ bà Lướt nói về hoàn cảnh của mình”.
Ông Nguyễn Văn Hiệu, Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy khi nắm bắt thông tin này đã ngay lập tức điện thoại chỉ đạo chấm dứt những việc làm trái khoáy trên. Phó Chủ tịch xã Tân Thủy, Trần Văn Lương cũng có chỉ đạo các thôn để người dân sinh hoạt bình thường.
Bà Lượt buồn rầu nói mẹ bà gần mất cũng nọc ra nộp tiền.
Nhưng có một điều đau lòng hơn khiến người dân vô cùng phẫn nộ. Bởi trong khi người dân bị réo tên nộp cào bằng tiền làm đường thì ông Phan Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy đã cấu kết với nhà thầu là Công ty TNHH&TM Lý Loan nâng khống con đường 580m thành đường 1000m, với tiền thi công mỗi mét dài hơn 1,1 triệu đồng.
Theo lời bà Nguyễn Thị Thoái, chính bà đứng ra tố cáo sự việc, khi bại lộ mọi nhẽ, nhà thầu “bỏ chạy” còn ông Phan Quang Dũng hiện vẫn vô can.
Sự việc được UBND huyện Lệ Thủy kiểm tra và xác tín ông Dũng sai trái khi ký hợp đồng nâng khống để trục lợi tiền dân. Từ đó, con đường bê tông ở thôn Tân Lỵ được giao cho người dân thi công, tổng giá trị hơn 600 triệu đồng. Nếu thực hiện theo hợp đồng ông Dũng cấu kết với nhà thầu ký thì con đường hơn 1 tỷ đồng và sẽ bổ đầu mỗi suất đến 3,6 triệu đồng. Nếu người dân không phát giác, tiền dân phải hao mòn.
Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Lê Quốc Khanh, Bí thư xã Tân Thủy nói: “Không có chủ trương miễn, giảm cho bất cứ ai”.
Bài, ảnh: Quốc Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét