Trang

1 tháng 6, 2014

Vốn hàng nghìn tỷ, lãi vài trăm triệu đồng

Hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vốn chủ sở hữu trên 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ mang về cho cổ đông công ty mẹ khoản lãi vài trăm triệu đồng hoặc chịu lỗ sau những tháng kinh doanh đầu năm.
Cuối tháng Năm, hàng trăm doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với nhiều kết quả khác nhau. Trong số những công ty có quy mô vốn từ 1.000 tỷ đồng trở lên, 20 đơn vị thu lãi chỉ từ vài trăm triệu đồng cho đến dưới 10 tỷ đồng. Có những đơn vị quy mô vốn lớn nhưng chịu lỗ cả trăm tỷ đồng.
Dẫn đầu số này phải đến Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) với khoản lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 106 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp cũng chỉ thu về 619 triệu đồng ở khoản mục này.
Xét về doanh thu thuần, Masan vẫn dẫn đầu danh sách khi thu về 2.715 tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên mỏ Núi Pháo đóng góp doanh thu cho tập đoàn với 440 tỷ đồng chỉ tính riêng trong tháng Ba. Hiện trên sàn chứng khoán, Masan được giới đầu tư đánh giá là một trong những đơn vị thuộc hàng blue-chip và có tầm ảnh hưởng lớn. Vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3 của Masan lên tới 14.790 tỷ đồng.
Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, Mã CK: VCG) cũng vừa báo lỗ sau thuế công mẹ tới 16,4 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, đơn vị này lãi gần 79 tỷ đồng.
VCG-4164-1401423612.jpg
Vốn chủ sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng, Vinaconex vừa báo lỗ cả chục tỷ đồng trong quý I. Ảnh: VCG
Theo giải thích của ông Vũ Quý Hà - Tổng giám đốc Vinaconex trong văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, biến động về lợi nhuận của doanh nghiệp ba tháng đầu năm chủ yếu do kết quả kinh doanh các đơn vị thành viên thấp. “Đặc biệt Công ty Vận tải Vinaconex lỗ 94,9 tỷ đồng do ghi nhận khoản lỗ vì bán tàu biển”, ông Hà nêu rõ trong văn bản.
Trên sàn chứng khoán, Vinaconex cũng được xem là một trong nhưng đơn vị có tầm ảnh hưởng lớn với vốn chủ sở hữu 5.605 tỷ đồng. Cổ phiếu VCG do công ty niêm yết đang giao dịch ở rổ HNX30 và là một trong những mã được giới đầu tư ưa chuộng nhất những tháng đầu năm 2014, khối lượng khớp lệnh trên 125 triệu đơn vị.
Ngoài những đơn vị trên, sàn chứng khoán cũng vừa đón nhận hàng loạt doanh nghiệp có quy mô vốn nghìn tỷ đồng chịu lỗ ngay quý I. Đa phần những đơn vị này thuộc lĩnh vực bất động sản như Đầu tư Nam Long, Quốc Cường Gia Lai, Cổ phần Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương…
Lạc quan hơn những doanh nghiệp trên, một số công ty niêm yết khác kinh doanh có lãi ba tháng đầu năm. Tuy vậy, so với mức vốn chủ sở hữu cả nghìn tỷ đồng, lợi nhuận thu về chỉ chiếm phần rất nhỏ với vài trăm triệu đồng.
Trường hợp của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã CK: PDR) là ví dụ điển hình với khoản lãi sau thuế 235 triệu đồng. Tại ngày 31/3, vốn chủ sở hữu Bất động sản Phát Đạt lên tới 1.427 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận năm nay công ty đặt ra cũng tương đối thách thức, cao gấp 13 lần so với 2013.
Chia sẻ với VnExpress, ông Võ Tấn Thành – Phó tổng giám đốc Đầu tư của Bất động sản Phát Đạt khẳng định “quý III công ty sẽ có doanh thu và tạo lợi nhuận”. Nguồn chủ yếu đến từ dự án Everrich 3, trong đó lãnh đạo này dự kiến tiền đất nền có thể thu xong hết trong năm nay, còn tiền nhà phải kéo dài sang năm sau.
Nhiều doanh nghiệp tên tuổi khác trên sàn chứng khoán cũng chỉ thu về số ít lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ, chưa đầy 1% so với vốn chủ sở hữu khủng. Chẳng hạn Tập đoàn Đại Dương với lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 538 triệu đồng hay Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) báo lợi nhuận gần 4,5 tỷ đồng.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Nghiên cứu Phân tích kinh tế tại Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn Hà Nội (SHF) cho rằng kết quả kinh doanh quý I vừa qua chưa thực sự như kỳ vọng vì sức cầu của người dân thời điểm đầu năm quá thấp. “Phải nói là kém nhất trong vòng 5-6 năm trở lại đây. Những người mua cổ phiếu một số doanh nghiệp trong đợt vừa rồi có lẽ chỉ nhằm mục đích kỳ vọng”, ông Đức giải thích.
Theo chuyên gia này, thông thường quý III, IV mới là thời điểm để doanh nghiệp bứt phá, đồng thời phù hợp với chu kỳ tăng trưởng GDP. “Quan trọng nhất là quý III vì đó là lúc doanh nghiệp chuyển từ trạng thái kém sang tốt. Nếu quý III ổn thì quý IV cũng tốt theo”, chuyên gia này chia sẻ.
Về các doanh nghiệp bất động sản, ông Đức cũng cho rằng kết quả kinh doanh ba tháng đầu năm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động công ty nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định tình hình cả năm 2014. Chuyên gia này đánh giá các công ty địa ốc có nhiều cơ hội lạc quanh hơn cùng kỳ năm trước.
“Năm 2012 ngành bất động sản hầu như không làm gì được nhiều. Tới năm 2013 mới triển khai tiếp, tôi thấy nhiều dự án của các công ty đang được hoàn thiện và giao nhà. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngành địa ốc năm nay”, ông Đức nói.
Tường Vi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét