Trang

4 tháng 6, 2014

Việt Nam chọn mua rẻ, bán rẻ: Phải trả giá thế nào?


(Thị trường) - Chính sách mua rẻ bán rẻ thể hiện cách làm ăn dựa vào kinh tế tài nguyên, tư tưởng chụp giật, không tính toán làm ăn lâu dài.
GS TS Đặng Đình Đào nêu quan điểm trước thực tế thời gian vừa qua hoạt động thu mua các mặt hàng nông sản, thủy sản, lúa gạo của VN diễn ra tình trạng mua rẻ, bán rẻ, ép giá làm khó nông dân.
Về lĩnh vực khai thác khoáng sản cũng xảy ra tình trạng tương tự khi các tài nguyên như than, bauxite, titan... đều xuất khẩu với mức giá rất thấp. Đặc biệt, thị trường của chính sách mua rẻ bán rẻ lại chủ yếu là Trung Quốc đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ.
Thua thiệt
PV: - Thời gian vừa qua, cá tra của Việt Nam dù chi phối thị trường vẫn bị kiện vì bán giá rẻ. Lúa gạo của Việt Nam vẫn chịu thua để thương lái Trung Quốc ép giá, mặc dù trên thực tế, Trung Quốc đang phụ thuộc vào lúa gạo VN vì TQ đang thiếu một lượng lớn lúa gạo. Đứng ở góc độ kinh tế, đây có coi là một nghịch lý không thưa ông? Phải hiểu nghịch lý này như thế nào?
GS TS Đặng Đình Đào: - Đây là một thực tế không bình thường, rất đáng lo ngại và cần phải có hướng giải quyết, điều chỉnh ngay vì VN đã để các thương lái TQ thao túng, lũng đoạn thị trường. Nguyên nhân do các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, quản lý thị trường đã buông lỏng quản lý.
Nhiều mặt hàng, sản phẩm TQ khống chế, ép giá, rõ ràng VN sẽ thua thiệt lớn bởi TQ cũng biết chắc mình rất cần thị trường TQ vì TQ là thị trường gần gũi về vị trí địa lý và là thị trường dễ tính hơn các thị trường Châu Âu, Mỹ…
Hơn nữa, chất lượng và mẫu mã của gạo VN để đáp ứng thị trường của các nước phát triển như Nhật, EU… khó khăn vì chất lượng vẫn còn thấp hơn so với gạo Thái Lan vì vậy Việt Nam có thiên hướng xuất sang thị trường TQ là chủ yếu và đây cũng là điều bất lợi cho VN.
Nên chiến lược xuất khẩu đến năm 2020, nhà nước có chủ trương chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
Vấn đề này mặc dù đã được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo và nhiều thông tin phản hồi từ thị trường các nước nhưng tình trạng gạo kém chất lượng vẫn xảy ra. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp của VN vẫn còn manh mún, đầu tư cho khoa học công nghệ chưa tương xứng.
GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội - Ảnh: Nguyên Thảo
GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội - Ảnh: Nguyên Thảo
Chủ trương biện pháp là phổ biến những giống lúa có chất lượng tốt hơn với quy mô sản xuất lớn hơn để ổn định nguồn hàng xuất khẩu từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa làm được nhiều.
Ngay cả thị trường trong nước khi được mùa lại rớt giá, thu nhập từ lúa gạo của người nông dân trong chuỗi cung ứng sản phẩm rất thấp, điều này làm cho nông dân phải chịu thua thiệt, chính những điều này làm cho động lực cải tiến và nâng cao chất lượng trong sản xuất nông nghiệp hạn chế.
Thực tế này đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các bộ, ngành, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cần quan tâm hơn, đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp để nông nghiệp phát triển xứng đáng hơn so với tiềm năng vốn có của nó ở Việt Nam.
Chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn là phù hợp và đúng đắn nhưng lại còn tùy thuộc vào từng địa bàn, vùng trồng lúa còn manh mún khó thực hiện cơ giới hóa sản xuất trên quy mô lớn để đảm bảo năng suất và chất lượng. Hiện tại, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là theo hộ gia đình, mô hình hợp tác xã còn rất hạn chế, đây cũng là nguyên nhân làm cho chất lượng gạo khó cạnh tranh với gạo Thái Lan.
Giải bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế hộ trong chuỗi cung ứng gạo lúa là bài toán cần được hóa giải và rất cần thiết hiện nay, nhà nước cần đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhiều hơn ở các vùng, địa bàn mà trong chuỗi cung ứng các sản phẩm lúa gạo, người nông dân vẫn còn thua thiệt rất nhiều, chính ngay các thương lái, các doanh nghiệp vẫn còn ép giá người nông dân.
Cho nên cần có những nghiên cứu của nhà nước, các ngành một cách căn cơ để giúp người nông dân nâng cao chuỗi giá trị, để họ có thể gắn bó lâu dài với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.
Hiện nay, nông sản của VN phụ thuộc khá lớn vào thị trường TQ nên phải từng bước tháo gỡ điều này. Muốn tháo gỡ, vấn đề quan trọng, lâu dài là chính từ chất lượng, mẫu mã và an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Mới đây, một số mặt hàng hóa qủa của VN được một số thị trường chấp nhận như thanh long được khẩu sang New Zealand là một tín hiệu tốt. VN cần phải gia tăng thị trường xuất khẩu mới thay vì xuất khẩu sang TQ, nhất là trong bối cảnh diễn biến trên biển Đông phức tạp, rõ ràng sẽ rất khó khăn cho Việt Nam.
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ tất cả các quốc gia giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Nhập siêu từ Trung Quốc so với tổng nhập siêu từ các nguồn khác giai đoạn 2000 - 2013. Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Việc các doanh nghiệp thu mua sản phẩm của nông dân với giá thấp là không công bằng, không đứng trên lợi ích, trách nhiệm xã hội để cùng người nông dân giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Với thu nhập thực tế trong nông nghiệp như hiện nay mà các doanh nghiệp lại còn mua với một cái giá rất rẻ là điều khó chấp nhận, tình trạng này đang diễn ra ở không ít doanh nghiệp.
Rõ ràng cần có chế tài nhất định buộc doanh nghiệp, các thương lái phải thực hiện, không thể thu gom bất kỳ ở đâu và với cái giá nào cũng được, cần có sự quản lý của nhà nước về thu gom hàng, không thể để các doanh nghiệp, thương lái ép giá đối với người nông dân một cách tùy tiện!
PV: - Trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Các tài nguyên thiên nhiên như than, bauxite, titan… đều xuất khẩu với mức giá rất thấp, chưa kể lại xin đủ thứ ưu đãi về thuế, phí. Các chuyên gia đã chỉ thẳng thực trạng xuất khẩu nông sản giá rẻ dẫn đến thu mua của người dân giá rẻ, nông dân phải bỏ ruộng.
Trong trường hợp của khoáng sản kể trên, phải phân tích như thế nào? Chính sách đào tài nguyên bán giá rẻ đó sẽ gây thiệt hại cho ai, và vì sao nó tồn tại được lâu đến tận hôm nay, khi mà theo nhiều dự báo, Việt Nam đã sắp hết một số loại khoáng sản?
GS Đặng Đình Đào: - Thực tế này cần phải ngăn chặn, hạn chế không thể kéo dài được. Trong lúc các doanh nghiệp hủy hoại môi trường, những tài sản không tái tạo được lại xuất khẩu với giá thấp, với cách làm như vậy, trong tương lai không xa VN sẽ nhập lại những sản phẩm đã xuất rẻ với một cái giá rất đắt.
Cần phải có các biện pháp cứng rắn với hệ thống pháp luật đồng bộ để quản lý thay vì chỉ tuyên truyền. Giai đoạn xuất khẩu khoáng sản, tài nguyên thô đã qua rồi, cần có những tính toán, biện pháp ngăn chặn không thể tràn lan được.
Một ví dụ diễn ra thời gian vừa qua là việc sản xuất bauxite tại 2 dự án Tân Cơ, Nhân Rai giữa 2 bộ Công thương và Bộ Tài chính vẫn còn đối kiến không thống nhất. Rõ ràng cần xem xét lại cách thức giải quyết vấn đề.
Khi Bộ Tài chính có ý kiến không đồng tình với những ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện việc khai thác bauxite nhưng Bộ Công thương vẫn bảo vệ quan điểm. Trong lúc cơ chế quản lý bộ chủ quản vẫn chưa có sự thay đổi thì rõ ràng khó có thể lý giải một cách thuyết phục không có lợi ích nhóm ở đây.
Chính vì vậy, cần có sự tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản lý kinh doanh của doanh nghiệp mới giải quyết cơ bản những điều này.
Phải trả giá
PV: - Thị trường của chính sách mua rẻ, bán rẻ, xuất khẩu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Đây là sự phụ thuộc hay lệ thuộc, thưa ông? Tư duy “bán rẻ, bán nhiều” đang chi phối nền kinh tế Việt Nam trong khi thị trường xuất khẩu chủ yếu lại là Trung Quốc tiềm ẩn những rủi ro nào?
GS Đặng Đình Đào: - Chính sách mua rẻ, bán rẻ, xuất khẩu thô và nhập khẩu các sản phẩm đã qua chế biến, máy móc của Việt Nam thể hiện cách làm ăn dựa vào kinh tế tài nguyên, tư tưởng "chụp giựt" trong kinh doanh, không tính toán làm ăn lâu dài theo quy tắc thị trường.
Thương nhân Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu vào Việt Nam. Ảnh: China Daily
Thương nhân Trung Quốc vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu vào Việt Nam. Ảnh: China Daily
Qua những sự việc trên cũng nói lên một điều, việc xúc tiến tìm kiếm thị trường để mở rộng thị trường mới vẫn còn nhiều yếu kém nên vẫn lệ thuộc vào thị trường TQ.
Có nhiều ý kiến TQ nhập khẩu than của VN về chỉ để sau này mới dùng còn VN lại ồ ạt xuất sang TQ. Vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp phải tính đến việc đầu tư khoa học và công nghệ để có thể sản xuất được mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tránh tình trạng xuất khẩu thô, giá rẻ và nhập về sản phẩm đã qua chế biến với giá đắt. Kéo dài tình trạng này sẽ là vấn đề đáng báo động.
Thực tế hiện nay, vấn đề vốn là một khía cạnh khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước nhưng điều quan trọng hơn là tập quán, kiểu làm ăn dựa vào kinh tế tài nguyên đã ăn sâu trong các doanh nghiệp Việt Nam.
Dựa vào kinh tế tài nguyên thường mang lại lợi nhuận nhanh hơn cho doanh nghiệp, thay vì phải nghiên cứu ứng dụng KHCN vào sản xuất chế biến các sản phẩm có hàm lượng KHCN cao. Nguồn tài nguyên bao giờ cũng có giới hạn và đến một lúc sẽ cạn kiệt và VN lại phải dùng đô la để nhập về chính những sản phẩm mà chúng ta đã xuất khẩu trong tương lai không xa.
Quan hệ VN và TQ trên biển Đông hiện đang căng thẳng, cách ứng xử của TQ rất ngang ngược thì rõ ràng các nhà hoạch định chính sách thị trường, thương mại cần tỉnh táo và có sự chuẩn bị để định hướng lại thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, không để hàng hóa Việt Nam bị lệ thuộc vào thị trường của một nước.
Chạy theo hàng giá rẻ, Việt Nam đã phải trả giá một thời kỳ nhập khẩu các thiết bị máy móc cho các nhà máy xi măng Lò đứng của TQ, bây giờ là đến lượt các nhà máy điện cũng là máy móc của TQ nhập với giá rẻ nhưng chất lượng kém. Chính vì ham rẻ nên VN phải trả giá.
PV- Trong bối cảnh dư luận đang đặt ra vấn đề thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế Trung Quốc, việc loại bỏ tư duy “bán rẻ, bán nhiều” cho Trung Quốc có tác động như thế nào trong mục tiêu trên? Và để làm được như vậy, giải pháp cụ thể phải đặt ra là gì?
GS Đặng Đình Đào: - Khi trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng gần 30% thì những chính sách, biện pháp hạn chế thì rõ ràng trong giai đoạn đầu sẽ có ảnh hưởng, tác động đến hoạt động kinh tế thương mại của Việt Nam.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị nếu không khi mà thị trường với TQ biến động theo chiều hướng không thuận lợi sẽ có những tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp VN còn phụ thuộc rất lớn vào thị trường TQ nên cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trong dài hạn buộc các doanh nghiệp phải có sự chuyển đổi, tái cơ cấu lại quá trình sản xuất các sản phẩm, xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với điều kiện mới.
Trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2011 - 2020 và cả trong nhiệm vụ, giải pháp xuất nhập khẩu năm 2014 đã xác định là phải tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng hiệu quả các cơ hội thị trường và đối với nhóm hàng nông thủy sản cần phải nâng cao năng suất.
Chất lượng và giá trị gia tăng để tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu nông sản, giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô …là những nhiệm vụ quan trọng cần được thực hiện có hiệu quả trong các ngành và các địa phương, doanh nghiệp hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyên Thảo (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét