Trang

25 tháng 5, 2014

VN yêu văn hóa, chi hơn 10.000 tỷ cho nhà hát

(Tin tức thời sự) - Tới năm 2030, 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới và trùng đại tu, ít nhất cũng trên nghìn chỗ.
Đó là nội dung trong dự thảo "Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" được Bộ VHTT&DL đề cập.
Theo đó, sẽ xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn từ 2.000 - 2.500 ghế, với trang thiết bị hiện đại chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu.
Trong đó, tại thành phố Hà Nội, TP.HCM xây mới công trình nhà hát có quy mô lớn từ 2.500 - 3.000 ghế. Đồng thời, xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm và các thành phố là trung tâm vùng, trung tâm công nghiệp, dịch vụ lớn.
Đồng thời, 20 nhà hát bị xuống cấp hư hỏng cũng sẽ được nâng cấp, cải tạo, hiện đại hóa trang thiết bị kỹ thuật .
Cũng theo Đề án này, tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới trên toàn quốc là 106 rạp. Cụ thể xây mới 2 trung tâm điện ảnh đa năng tại thành phố Hà Nội, TP.HCM với quy mô khoảng 1.500 ghế, mỗi cụm rạp có từ 8 - 10 phòng chiếu và có thể bố trí một số rạp chiếu phim công nghệ 3D, 4D và các dịch vụ văn hóa tổng hợp khác, đảm bảo có thể tổ chức liên hoan phim quốc tế và trong nước.
Ngoài ra, Đề án này nêu rõ, tại các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá có quy mô lớn, hiện đại đủ điều kiện để tổ chức các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012-2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng (chiếm 60,2%), còn các nguồn huy động khác 4.300 tỷ đồng (chiếm 39,8%).
Thế nhưng, thử nhìn lại, tại Hà Nội hiện đã có Trung tâm Hội nghị quốc gia với 5.000 chỗ ngồi mà đang gần như "đắp chiếu", một năm sáng đèn sân khấu với số đêm đếm được trên đầu ngón tay.
Rồi ở Đà Nẵng, dù Cung văn hóa thể thao Tiên Sơn (khoảng 6.000 chỗ) tuy không phải là nhà hát theo đúng nghĩa, song với thực tế hiện nay, chắc chắn nó cũng đáp ứng phần nào, tại sao không tận dụng mà phải xây mới.
Một ví dụ cụ thể, ngay ở Hà Nội, nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, chúng ta cũng đã quyết định tân trang rạp Đại Nam và rạp Công Nhân, vậy mà đến nay, cả hai nhà hát cũng không thể hoạt động hết công suất.  Hay cho đến các trung tâm triển lãm lớn như Giảng Võ, Bảo tàng lịch sử, hiện nay cũng có mấy người ghé qua, những khu đất dành cho triển lãm chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Sẽ nâng cấp các nhà hát tại HN, TPHCM, Đà Nẵng
Sẽ nâng cấp các nhà hát tại HN, TPHCM, Đà Nẵng
Chả những vậy, cách đây chưa lâu, Bộ VHTT&DL đã khiến người dân "mắt tròn mắt dẹt" về đề án “Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó, nổi bật lên là kế hoạch xây dựng thêm 3 phim trường cổ trang tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Điều đáng nói, là trước đó, phim trường Cổ Loa vốn đã được đầu tư tới hơn 100 tỷ đồng, nhưng bây giờ để không. Nào thì, dù trường quay Cổ Loa đã phục vụ cho một số bộ phim như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô song những bối cảnh dựng lên cho các phim này phần nhiều là bằng xốp, nên chỉ một thời gian sau đã xuống cấp. Xây lại hỏng, hỏng lại xây, xin hỏi mấy bác văn hóa, tiền ở đâu ra, chẳng ngân sách nhà nước thì ở đâu?
Thế là còn chưa kể đến, kế hoạch định đăng cai tổ chức Asiad 18 của Bộ VHTT&DL vừa mới bị rút cách đây không lâu.
Vì có quá nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi cũng như sự tính toán kỹ lưỡng của con số nói 150 triệu USD, nên các lãnh đạo mới nghĩ đến việc xin rút đăng cai. Ban đầu, Bộ văn hóa còn kiên quyết khẳng định sẽ tổ chức được với số tiền đó, may là có sự vào cuộc phản đối gay gắt nên ý tưởng chơi sang này mới được dừng lại.
Giờ thì Bộ văn hóa lại đưa ra một đề án sang không kém, hơn 10 nghìn tỷ đồng chỉ để nâng cao, mở rộng thêm số ghế cho hàng loạt các nhà hát. Ờ thì nâng cấp là chuyện tốt cần làm, nhưng hiệu suất sử dụng có đạt hay không mới là cái cốt lõi cần phải tính kỹ trước khi nâng cấp.
Dân nghi ngờ là dĩ nhiên bởi lẽ họ đã chứng kiến quá nhiều dự án được xây dựng trên cơ sở tính cua trong lỗ tính gỗ trên rừng...và trên thực tế, tiếc thay cái điều dân khả nghi lại hoàn toàn trúng phóc, thử nhìn lại những công trình trùng tu, nâng cấp, xây mới mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long mà xem. Đấy là chưa kể cái vụ hoang tàng định xắn tay áo xô đốt nhà táng giấy Asiad 18 suýt nữa thì thành hiện thực đấy nhé.
Thái Linh
Đất Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét