Trang

29 tháng 5, 2014

Cơ hội cải cách thể chế kinh tế

TS Nguyễn Đức Thành (trưởng nhóm nghiên cứu) cho rằng, nguy cơ về một “cái bẫy của tự do hóa thương mại” đã rất rõ ràng.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Việt Nam hội nhập sâu, rộng hơn là cơ hội cho cải cách thể chế, tái cấu trúc kinh tế nhanh và mạnh hơn. Có như vậy mới tận dụng được cơ hội phát triển, thay vì dựa vào tài nguyên.
Đánh giá trên được các chuyên gia đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Thường niên kinh tế Việt Nam 2014, với chủ đề: Những ràng buộc đối với tăng trưởng, diễn ra sáng 29/5.
Nhóm tác giả đã chỉ ra hàng loạt ràng buộc với phát triển kinh tế của Việt Nam, như: Hệ thống tai chính, thị trường lao động, năng lượng, môi trường kinh doanh, kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính chưa hỗ trợ được doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp…
Đề cập việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế ASEAN; các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội giúp mở rộng thị trường xuất khẩu… Tuy nhiên, những yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ, sở hữu trí tuệ của hàng hóa, lao động, môi trường… là những khó khăn lớn đối với Việt Nam.
TS Lê Đăng Doanh đưa ra cảnh báo, khi hội nhập, Việt Nam phải cạnh tranh nhiều hơn. Do đó, TS Doanh cho rằng, cần rút ra bài học sau hội nhập WTO năm 2007, khi đó đầu tư nước ngoài tăng lên hơn 70 tỷ USD. “Tuy nhiên, thay vì cải cách thể chế kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của doanh nghiệp; ta lại đi ngược, đem vốn ào ạt đầu tư vào bất động sản (lên tới 1 triệu tỷ đồng). Các tập đoàn nhà nước lập ra rồi đa dạng hóa đầu tư vào tài chính, bất động sản… những lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước không nên làm. Để giờ bong bóng bất động sản chưa giải quyết được, nợ xấu ngày càng lớn”, ông Doanh nói.
TS Nguyễn Đức Thành (trưởng nhóm nghiên cứu) cho rằng, nguy cơ về một “cái bẫy của tự do hóa thương mại” đã rất rõ ràng. Đặc biệt, cải cách thể chế kinh tế trong nước chưa thực hiện được, khiến nhiều người hoài nghi về tiến trình hội nhập tiếp theo, đặc biệt TPP. “Hội nhập là cơ hội cho cải cách thể chế kinh tế nhanh và mạnh hơn. Có như vậy mới tận dụng được cơ hội phát triển, thay vì dựa vào nguồn tài nguyên”, TS Thành nói.

Theo Lê Hữu Việt
Tiền phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét