Trang

3 tháng 7, 2014

Thêm cơ hội cho nhà đầu tư và TTCK


Thêm cơ hội cho nhà đầu tư và TTCK

Quỹ ETF nội đang thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT và kỳ vọng tạo thêm tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán (TTCK), giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.

Hàng loạt cuộc hội thảo, giới thiệu về ETF (quỹ hoán đổi danh mục - Exchange Traded Fund) đã được các sở giao dịch chứng khoán (GDCK), công ty chứng khoán (CTCK) liên tục triển khai tới nhà đầu tư (NĐT) trong vài tháng trở lại đây và dự kiến ra đời vào quý III năm nay. 

Quỹ ETF nội đang thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT và kỳ vọng tạo thêm tính hấp dẫn cho thị trường chứng khoán (TTCK), giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.
Cơ hội cho NĐT nhỏ
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc bộ phận Phân tích - Đầu tư CTCK Bảo Việt (BVSC), ETF (dạng quỹ mở) sẽ quy đổi chứng chỉ quỹ (CCQ) lấy rổ danh mục chứng khoán theo đúng cơ cấu của quỹ. Tùy vào mục đích khi thành lập, các quỹ ETF có thể đầu tư bám theo các chỉ số cụ thể, như các cổ phiếu có vốn hóa lớn, nhỏ; chỉ số ngành; nhóm cổ phiếu tăng trưởng.
Thông thường, các quỹ ETF đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn được niêm yết trên TTCK bởi có tính thanh khoản cao hơn như VN30 hay HNX30. Chẳng hạn trên thị trường sơ cấp, quỹ ETF phát hành CCQ theo lô lớn (tối thiểu 100.000 CCQ), nên thường chỉ các NĐT tổ chức hoặc đại lý phát hành trực tiếp mua, sau đó các CCQ này được phân phối trên thị trường thứ cấp như một mã cổ phiếu riêng lẻ. Do vậy NĐT nhỏ lẻ có thể tham gia trên thị trường thứ cấp, có nghĩa dễ mua cũng dễ bán.
Những ưu điểm khi đầu tư vào quỹ ETF có thể nhận thấy như, do đầu tư theo chỉ số nên việc đa dạng hóa danh mục, phân tán rủi ro tốt hơn so với đầu tư vào quỹ thông thường (dạng quỹ đóng); tính công khai minh bạch cũng cao hơn khi giá trị tài sản ròng (NAV) được công bố hàng ngày, thậm chí giá trị tài sản ròng tham chiếu (iNAV) được cập nhật 15 giây/lần theo giá thị trường của chứng khoán cơ cấu; thanh khoản tốt hơn. Một điểm đáng lưu ý của việc thu hút vốn ngoại với quỹ ETF chính là room.
Nếu như quỹ đóng room cho nước ngoài bị giới hạn, thì với quỹ ETF lại không giới hạn do mục tiêu hướng tới của NĐT ngoại là triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp chứ không phải sở hữu doanh nghiệp (NĐT ngoại nắm tỷ lệ sở hữu vượt room khi bán lại không nhận được cổ phiếu mà bằng tiền với giá tại thời điểm giao dịch).
Theo Thông tư 229 hướng dẫn thành lập quỹ ETF, các thành viên lập quỹ (AP) được phép đặt lệnh mua và bán đồng thời. Câu hỏi đặt ra là như vậy họ sẽ đặt lệnh nhanh tay hơn và liệu có gây thiệt thòi cho NĐT nhỏ? Theo ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC, việc cho phép các AP được đặt lệnh mua và bán nhằm tránh việc giá CCQ giảm xuống sâu so với NAV. Với việc 15 giây công bố iNAV cũng sẽ giúp NĐT có thông tin cập nhật, tránh bán thấp hơn NAV của CCQ. Đây là ưu điểm nhằm khắc phục nhược điểm so với quỹ đóng, tránh được việc như năm 2011 thị giá CCQ quỹ đóng thấp hơn 50-60% NAV.
Cẩn trọng rủi ro

Thêm cơ hội cho nhà đầu tư và TTCK (1)Với lượng tiền nhỏ, NĐT rất khó phân bổ cổ phiếu của mình theo rổ chỉ số nào đó, nên việc đầu tư mua CCQ ETF là phù hợp. Mặt khác, xét về lý thuyết đầu tư, nếu không thắng được thị trường thì nên theo thị trường, như đầu tư theo chỉ số sẽ bám sát tăng, giảm. Chẳng hạn như ETF xây dựng trên VN30 thì sự biến động của VN30 phản ánh đúng danh mục đầu tư mong muốn và khi VN30 tăng danh mục đầu tư cũng sẽ tăng. 
Thêm cơ hội cho nhà đầu tư và TTCK (2)

Ông Nhữ Đình Hòa
Tổng giám đốc BVSC
Theo ông Bình, khi tham gia đầu tư vào CCQ ETF, NĐT cũng sẽ phải đối mặt với những rủi ro. Đó là rủi ro hệ thống đối với chỉ số mô phỏng, tức khi chỉ số giảm NĐT cũng sẽ gánh chịu thua lỗ; sai số mô phỏng khi chênh lệch giữa tỷ suất lợi nhuận của ETF và chỉ số cơ sở do sự biến động của thị trường hoặc các hoạt động chia, tách, sáp nhập, nhất là khi thị trường thiếu thanh khoản; rủi ro về tỷ giá đối với NĐT nước ngoài.
Bên cạnh đó, NĐT nắm giữ CCQ ETF không có các quyền đối với chứng khoán thành phần, mà chính công ty quản lý quỹ mới đóng vai trò là cổ đông của các cổ phiếu cơ cấu và được các quyền liên quan như tham dự đại hội cổ đông, nhận cổ tức, cổ phiếu thưởng…
Ngoài ra, NĐT còn đối mặt với rủi ro từ thời điểm phát hành CCQ đến khi niêm yết, nếu có độ trễ và trong giai đoạn này sẽ không giám sát được nhà điều hành quỹ có thực hiện đúng điều lệ và thực tế có chênh NAV với chứng khoán cơ sở hay không.
Tuy nhiên, theo một đại diện Sở GDCK Hà Nội (HNX), NĐT sở hữu CCQ vẫn có thể được nhận cổ tức nếu mã chứng khoán trong danh mục trả cổ tức. Tuy nhiên, tỷ lệ trả cổ tức sẽ thấp hơn do phải trừ đi các chi phí, vì nguồn thu chính của quỹ ETF Việt Nam đến từ cổ tức của các cổ phiếu trong danh mục (chứng khoán cơ sở) và khoản chênh lệch mua bán lại cổ phiếu, CCQ. Mặt khác, nếu quỹ không trả cổ tức mà tiếp tục đầu tư vào chứng khoán thì trong bất kỳ trường hợp nào đây cũng là tài sản của NĐT.
Theo dự kiến, trong quý III năm nay, quỹ ETF nội đầu tiên sẽ tiến hành IPO và niêm yết trên sàn GDCK. Để chuẩn bị cho các quỹ ETF giao dịch, hiện HOSE và HNX đã sẵn sàng cho việc này. Theo bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc HNX, hiện HNX đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng để sẵn sàng giao dịch ETF. Từ năm 2013, HNX đã chuẩn bị cho giao dịch thứ cấp các CCQ và đã chạy thử với gần 80 CTCK. Trung tâm lưu ký cũng đã xây dựng hệ thống và chạy thử.
Theo đại diện HNX, các đơn vị đăng ký dự kiến sẽ dùng chỉ số HNX30. Còn về lâu dài, HNX sẽ tạo thêm các chỉ số mới để làm hàng hóa cho các ETF hoạt động.
Theo Hà My
Sài gòn Đầu tư tài chính

5 kịch bản cho biển Đông


-Với bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng có năm kịch bản cho tranh chấp Biển Đông trong 10 năm tới.
TQ không đưa được chứng cứ nào
Trước luật pháp quốc tế, chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý là yếu tố thuyết phục nhất.
Tuy nhiên, chuyên gia luật pháp quốc tế cũng nhận định, trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trên đất liền hay trên biển, khả năng để các bên có chứng lý lịch sử có giá trị pháp lý không cao.
Theo Nuno Sergio Marques Antunes, chuyên gia Bồ Đào Nha về tranh chấp hàng hải quốc tế, “tranh chấp dựa duy nhất trên lập luận pháp lý ... tương đối hiếm. Tuyệt đại đa số các cuộc tranh chấp lãnh thổ thiếu lập luận pháp lý có ý nghĩa. Trong phần lớn các trường hợp, những lập luận không mang tính pháp lý nổi bật hơn”.
Mỗi bên trong tranh chấp lãnh thổ phải tận dụng tất cả chứng cứ nghiêm túc bất kể hình thức nào, như Brian Taylor Sumner, chuyên gia Mỹ về luật pháp quốc tế khẳng định bao gồm 9 loại khác nhau, trong đó có chứng cứ lịch sử.
biển Đông
Chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Trung Quốc, dựa vào cổ sử hay ngay cả dựa vào các sự kiện xảy ra trong 60 năm qua chứa đựng nhiều sai lầm, lắm lúc với chủ đích để đánh lừa dư luận.
Trong khi một số học giả phương Tây, do dựa vào một phần hay toàn phần cổ sử của Trung Quốc, để đưa quan điểm thuận lợi cho nước này, giới nghiên cứu của Việt Nam đã phân tích những thiếu sót nghiêm trọng trong cổ sử Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa- Trường Sa của Trung Quốc.
Trong tác phẩm tiếng Anh xuất bản cuối năm 2013, Wu Shicun sử dụng các lập luận sau để biện minh cho đòi hỏi chủ quyền biển đảo trên Biển Đông: Trung Quốc là nước khám phá, nước đặt tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, nước nhận triều cống từ phong kiến Việt Nam, VNDCCH từng công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc, CHXHCNVN chỉ kế thừa duy nhất từ VNDCCH, v.v.
Thử xem các lập luận này có giá trị đến đâu?
Trước tiên, nếu cho rằng Trung Quốc là nước khám phá hay nước đặt tên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa nên có chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, thì lập luận này không thỏa mãn các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế về quyền chiếm hữu đề cập ở trên.
Đồng thời, do là nước nhận triều cống từ phong kiến Việt Nam cho đến năm 1885, nên có chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa bị bác bỏ dựa trên chứng cứ lịch sử và dựa trên vụ kiện giữa Pháp và Anh về khu vực Minquiers-Ecrehos.
Lập luận nữa cho rằng, do VNDCCH từng công nhận chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa thuộc Trung Quốc và do CHXHCNVN chỉ kế thừa duy nhất từ VNDCCH nên Trung Quốc có chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, bị bác bỏ, dựa trên sự không thích ứng của nguyên tắc ngăn chặn (estoppel), quyền kế thừa của quốc gia theo luật pháp quốc tế và chứng cứ lịch sử trong quan hệ quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn 1954-1976.
Ngoài thoả mãn hai tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế trước thời điểm của Công ước Berlin, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam trong tư liệu cổ phương Tây, trong hơn 200 năm từ đầu thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX đặc biệt thoả mãn tiêu chuẩn nêu lên trong Công ước năm 1885 về nhận thức của cộng đồng thế giới đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Trái lại, cho đến ngày nay, Trung Quốc không trình bày được chứng cứ lịch sử nào thuận lợi cho đòi hỏi chủ quyền của họ từ nguồn tư liệu cổ phương Tây trước thế kỷ XX.
Trung Quốc đề cập đến hai sự kiện: Kuo Sung-tao, Đại sứ Trung Hoa đầu tiên ở Anh vào khoảng năm 1876-1877 tuyên bố Hoàng Sa thuộc Trung Hoa, và Trung Hoa phản đối và ngăn chặn đoàn khảo sát Đức thực hiện công tác đo đạc ở Hoàng Sa và Trường Sa năm
1883.
Bên cạnh không có tư liệu độc lập kiểm chứng tính chính xác về tuyên bố của Kuo Sung- tao. Thực tế cho thấy năm 1885, Đức phổ biến bản đồ chi tiết khu vực Hoàng Sa mà họ đã khảo sát trong các năm 1881-1883.
So sánh với Trung Quốc, chứng cứ lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam rõ ràng, vững chắc hơn.
Tuy nhiên, do sự gián đoạn gần 20 năm trong nỗ lực nghiên cứu chủ quyền và giới thiệu nghiên cứu chủ quyền trước dư luận thế giới, và nhằm đảm bảo tính khoa học và nghiêm túc của nó, hồ sơ chứng cứ chủ quyền của Việt Nam còn cần sự quan tâm của giới chuyên gia và nghiên cứu, như người viết đề nghị năm 2011:
“Để khắc phục thiếu sót trong quá khứ, và để loại bỏ lỗ hổng trong lập luận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, nhà nước Việt Nam nên khẩn trương hỗ trợ giới nghiên cứu (độc lập cũng như trực thuộc bộ máy chính quyền), thúc đẩy tham khảo tư liệu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và từ các nguồn khác (kể cả ngoài nước), chuyển dịch những nghiên cứu đúng đắn từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài (cụ thể như tiếng Anh, tiếng Hoa), tư vấn chuyên gia ở ngoài nước về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, đào tạo lớp người trẻ với chuyên môn nghiệp vụ cao, v.v.
5 kịch bản
Vào cuối tháng 9 năm 1975, trong cuộc họp giữa lãnh đạo hai nước, khi Bí thư Thứ nhất đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình thừa nhận có tranh chấp và đề nghị hai nước thảo luận sau. Nhưng, sau gần 40 năm, tranh chấp vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
biển Đông
Ảnh: Hoàng Sang (chụp từ Hoàng Sa)
Với bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng có năm kịch bản cho tranh chấp Biển Đông trong 10 năm tới:
Kịch bản thứ nhất, Trung Quốc sử dụng vũ lực để đánh chiếm một phần hay toàn bộ quần đảo Trường Sa, nhằm “giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020” như học giả Trung Quốc khẳng định và các nguồn thông tin khác cho biết.
Trong tranh chấp biển đảo, Trung Quốc từng sử dụng vũ lực với Đài Loan vào thập niên 1950, và sử dụng vũ lực với Việt Nam vào thập niên 1970 và thập niên 1980.
Cuộc phiêu lưu quân sự mới của Trung Quốc ở Trường Sa, nhằm kiểm soát toàn bộ các đảo, đá trong phạm vi “đường lưỡi bò”, sẽ gây mất an ninh, ổn định trên Biển Đông, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hải của Mỹ, Nhật, Ấn Độ, v.v.
Không ai ngạc nhiên với nhận định là Trung Quốc đã theo sát diễn biến ở Ukraine và Crimea để đánh giá phản ứng và biện pháp đối phó của Mỹ và Liên hiệp Châu Âu đối với Nga.
Tuy nhiên, do khác biệt lớn với sự sáp nhập của Crimea vào Nga, kịch bản này đưa đến hậu quả kinh tế, quân sự, chính trị, v.v. có khả năng cao nằm ngoài mức dự đoán của lãnh đạo Trung Quốc.
Kịch bản thứ hai, Trung Quốc đồng ý để các toà án quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông. Do sự yếu kém của Trung Quốc trong chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền, do hành động sử dụng vũ lực năm 1974 và 1988 để chiếm đóng các đảo, đá ở Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, và do chưa hội đủ điều kiện thuận lợi cho nguyên tắc “quieta non movere”, Trung Quốc phản đối luật hoá hay quốc tế hóa vấn đề biển Đông, kiên trì với chủ trương “đàm phán song phương”, “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu rõ rằng họ mất nhiều hơn được khi phải đối diện với các toà án quốc tế.
Kịch bản thứ ba, Trung Quốc không sử dụng vũ lực nhưng tiếp tục chiến thuật kéo dài thời gian giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Dựa trên các nguyên tắc đã nêu lên trong luật pháp quốc tế, Trung Quốc củng cố vị trí của họ trên Biển Đông nhằm chiếm đóng vĩnh viễn các đảo hiện đang kiểm soát bất hợp pháp. Đây là kịch bản thuận lợi cho Trung Quốc và bất lợi cho Việt Nam, nếu Việt Nam không sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới.
Thực tế cho thấy Trung Quốc đã thành công trong hơn 20 năm qua khi áp lực nước có tranh chấp với Trung Quốc thực hiện “đối thoại hoà bình”, cho đến khi Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS đầu năm 2013.
Kịch bản thứ tư, Trung Quốc đẩy mạnh chiến thuật “tằm ăn dâu” trên Biển Đông. Họ tiếp tục hành xử chủ quyền ở các khu vực đang chiếm đóng bất hợp pháp, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực tranh chấp, áp lực nước có tranh chấp với Trung Quốc thực hiện “đối thoại hoà bình” hay đi theo chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” ở khu vực “tranh chấp” mới.
Kịch bản này giúp cho Trung Quốc mở rộng ranh giới “đường lưỡi bò” nhưng họ không thể dự đoán được mọi phản ứng, bao gồm khả năng xung đột quân sự có giới hạn, với thành viên khối ASEAN, với Mỹ hay các đồng minh khác của Mỹ.
Kịch bản này bất lợi trên nhiều mặt cho Việt Nam. Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.200 km để kiểm soát, các đảo của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp sẽ trở thành vĩnh viễn của Trung Quốc, khu vực thuộc EEZ của Việt Nam, trở thành khu vực “tranh chấp” với Trung Quốc, nếu Việt Nam không sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc trong thời gian tới.
Kịch bản thứ năm, Trung Quốc đàm phán nghiêm chỉnh với Việt Nam (và với các nước ASEAN có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc) để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đây là kịch bản thuận lợi nhất cho Việt Nam và các nước khác nhưng bất lợi cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Các sự kiện liên quan đến Biển Đông từ đầu năm 2013 cho đến hôm nay cho thấy tình hình không cho phép Việt Nam chần chừ, trì hoãn trong nỗ lực giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tận gốc rễ.
Còn nữa
  • Thái Văn Cầu
(Tác giả là  Chuyên gia Khoa học Không gian, sống tại Mỹ)

TQ và Hàn Quốc phản đối Bắc Hàn


Cập nhật: 07:20 GMT - thứ năm, 3 tháng 7, 2014
Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân đã tới Seoul
Trung Quốc và Hàn Quốc đã tái khẳng định lập trường phản đối các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Đây được cho là sự kiện làm mất mặt Bắc Triều Tiên, khi lần đầu tiên một lãnh đạo Bắc Kinh thăm Seoul trước Bình Nhưỡng.
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nói cả hai nước đều đồng ý rằng việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên nên được “hiện thực hóa bằng mọi biện pháp”.
Tuyên bố trên đưa ra sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra sau khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa tầm ngắn ra biển. Năm ngoái, Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ ba và có thông tin cho rằng nước này có thể đang chuẩn bị cho vụ thử lần thứ tư.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nam Hàn trong chuyến thăm với chủ đề Bắc Hàn cao trên nghị trình thảo luận song phương.
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo Trung Quốc tới thăm Seoul trước khi thăm Bình Nhưỡng, và việc này diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc-Bắc Triều Tiên nguội lạnh ít nhiều.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và cũng là quốc gia được xem có ảnh hưởng lớn nhất tới Bắc Hàn.
Thế nhưng trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã ngày càng tỏ ra hết kiên nhẫn với nước láng giềng khó tin tưởng của mình.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã thử hạt nhân lần ba và hiện đang có tin một cuộc thử lần bốn đang được cân nhắc.
Ông Tập và Tổng thống Nam Hàn Park Geun-hye được trông đợi sẽ thảo luận quan hệ kinh tế, và hai bên cũng đang tìm cách ký một thỏa thuận tự do thương mại.
Các quan ngại chiến lược rộng lớn hơn cũng sẽ được thảo luận. Cả Trung Quốc và Nam Hàn hiện đang có căng thẳng với Nhật Bản về một số vấn đề lịch sử. Tuy nhiên Seoul, giống Tokyo, là đồng minh của Washington.
Các nước Đông Nam Á hiện có căng thẳng chủ quyền với Trung Quốc đang xích lại gần Hoa Kỳ và Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ với Hàn Quốc.

'Không tin nhau'

Trung Quốc được xem là đồng minh chính của Bắc Hàn.
Chủ tịch Trung Quốc được cho là có quan hệ tốt với Tổng thống Park.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra chỉ một ngày sau khi Bắc Hàn bắn hỏa tiễn tầm ngắn xuống biển giữa hai bên Bắc Nam.
Trước chuyến đi, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói rằng chính sách của nước này luôn luôn là thúc đẩy giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Tập và bà Park sẽ "trao đổi tất cả quan điểm" về chủ đề hạt nhân và đàm phán sáu bên nhằm thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ tham vọng hạt nhân vốn đang đình trệ.
Một chủ đề quan trọng hàng đầu đối với Trung Quốc là duy trì ổn định ở Bắc Hàn. Bắc Kinh lo ngại rằng nếu như chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ thì sẽ có một làn sóng người tỵ nạn tràn qua biên giới và sẽ có một nước Triều Tiên thống nhất liên minh với Hoa Kỳ.
Bởi vậy dường như ông Tập Cận Bình sẽ không lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Bình Nhưỡng.
Một bài bình luận trên hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã hôm thứ Năm 3/7 chỉ trích điều mà hãng này gọi là sự "ngờ vực và thù địch" giữa Mỹ và Bắc Hàn, bị cho đã dẫn đến tình trạng căng thẳng nhiều năm nay trên bán đảo Triều Tiên.
"Trung Quốc và Nam Hàn là hai nước có quan tâm tự nhiên và to lớn đối với vấn đề Triều Tiên."
Bài bình luận viết: "Trong bối cảnh ảm đạm này, cần nhất là Seoul hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh nhằm đẩy mạnh hợp tác trong vấn đề quan hệ khu vực".

Tứ kết World Cup 2014: Tin vào “cửa dưới”


Thứ năm, 03/07/2014 15:28
Đánh giá 
Facebook Twitter Google Myspace

Vòng tứ kết World Cup 2014 trở nên rất khó đoán khi các đội bị đánh giá là “cửa dưới” đều đã có những màn trình diễn thuyết phục hơn ở các vòng đấu trước.

Đánh giá chuẩn xác nhất về sự chênh lệch trong các cặp đấu… chính là các nhà cái. Và tỉ lệ chấp mà họ đưa ra cho thấy vòng tứ kết năm nay diễn ra tương đối cân bằng. Ngoại trừ Costa Rica bị đánh giá yếu hơn hẳn Hà Lan, các cặp đấu còn lại, cửa thắng của các đội “cửa dưới” như Pháp, Colombia và Bỉ đều không quá thấp.


Brazil được đánh giá cao hơn Colombia nhờ có những ngôi sao nổi tiếng hơn và có lợi thế sân nhà. Tuy nhiên, đến thời điểm này của giải đấu, Colombia rõ ràng có những trận đấu thuyết phục hơn nhiều so với Selecao. 

Đó là cơ sở gần như duy nhất để tin rằng Colombia sẽ tạo ra bất ngờ? Có lẽ không. Thực tế, Colombia đã có cho riêng họ con đường đi khá bằng phẳng suốt từ đầu giải. Ở vòng bảng, họ rơi vào bảng đấu vừa tầm với những đội tuyển thuộc diện trung bình ở World Cup như Hy Lạp, Bờ Biển Ngà và Nhật Bản. Vào vòng 1/8, với đội bóng ngang cơ Uruguay, Colombia lại gặp lợi thế lớn khi đối thủ không có ngôi sao số 1 Luis Suarez.

Cơ sở để tin nhiều hơn vào Colombia là sự yếu kém của chính Brazil. Đội chủ nhà đã luôn ra sân mà gần như chấp đối thủ 1 người ở vị trí trung phong, hơn nữa, điểm yếu lớn nhất của Selecao nằm ở 2 cánh lại là nơi Colombia có vũ khí mạnh nhất. Hãy tưởng tượng, nếu Alves và Marcelo tiếp tục chơi tệ như các trận đấu đã qua, những cầu thủ chạy cánh đầy tốc độ của Colombia như Cuadrado; Armero, Zuniga và Ibarbo sẽ trở nên nguy hiểm như thế nào, đặc biệt khi họ còn sự trợ giúp đắc lực của “số 10” James Rodriguez.
Điều tương tự diễn ra ở cặp Argentina và Bỉ. Argentina cho thấy sự phụ thuộc thái quá vào Lionel Messi bên cạnh sự kém cỏi của HLV Alejandro Sabella trong việc điều chỉnh chiến thuật. Bỉ dù bị đánh giá thấp hơn, nhưng có được sự đồng đều cần thiết ở cả 3 tuyến và đặc biệt, có được sự linh hoạt của HLV trẻ tuổi, Marc Wilmots. Suốt từ đầu giải đấu, Argentina đã luôn phải thi đấu chật vật, dù các đối thủ của họ còn yếu hơn Bỉ vài lần, và người ta đang chờ xem, liệu cái duyên chiến thắng của Messi và các đồng đội có còn xuất hiện khi họ gặp phải một chướng ngại lớn như Quỷ đỏ.

Cặp đấu cân bằng nhất là Đức và Pháp. Đức được coi là một trong ba ứng cử viên vô địch lớn nhất từ đầu giải, và không ngạc nhiên khi họ vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao hơn một chút. Tuy vậy, giống Argentina và Brazil, màn trình diễn của Đức đến giờ vẫn chưa thuyết phục được số đông. Điều này ngược lại với Pháp, đội đã và đang cho thấy hình ảnh đầy quyến rũ dưới thời Didier Deschamps. 

Đức hiện giờ có lẽ chỉ hơn Pháp ở yếu tố kinh nghiệm, tuy nhiên, nếu Joachim Low tiếp tục áp đặt chiến thuật tiki-taka cho họ và không sử  dụng một trung phong đúng nghĩa trên sân, việc Đức phải dừng bước ở vòng Tứ kết rất dễ xảy ra.

Cặp đấu còn lại cũng là cặp đấu duy nhất mà đội "cửa trên" có ưu thế nhìn thấy được, khi Hà Lan được đánh giá cao hơn hẳn “ngựa ô” Costa Rica. Đây là điều khá dễ hiểu, bởi Hà Lan đang cho thấy sự lì lợm rất đáng sợ. Khác với các đội “cửa trên” khác, Hà Lan hiếm khi chủ động tấn công dồn ép đối phương khi khai cuộc, và điều này ảnh hưởng rất lớn đến chiến thuật của Costa Rica.

Các chiến thắng của Costa Rica ở vòng bảng, khi họ gặp Uruguay và Ý đều đến ở vị thế cửa dưới. Khi họ được phép chịu trận và chờ cơ hội phản công chớp nhoáng. Ngay khi bị đánh giá cao hơn một chút, Costa Rica đã gặp vô vàn khó khăn và suýt bị loại trước Hy Lạp ở vòng 1/8. Vì lẽ đó, không khó để hình dung, Costa Rica có thể sẽ rất lúng túng khi Hà Lan… nhường bóng cho họ ở trận đấu sắp tới. 
Bongdaso

2 tháng 7, 2014

Biển Đông: Máy bay trinh sát Mỹ lại lượn quanh giàn khoan

(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Trong ngày, máy bay Mỹ tiếp tục xuất hiện trên khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Máy bay trinh sát Mỹ lại xuất hiện ở khu vực giàn khoan Trung Quốc
Theo thông tin mới nhất vừa được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cập nhật chiều 2/7, trong ngày, máy bay Mỹ tiếp tục xuất hiện trên khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Đây là lần thứ hai các tàu Việt Nam đang hoạt động trên biển Hoàng Sa ghi nhận sự xuất hiện của máy bay Mỹ.
Cụ thể, trong ngày 2/7, các tàu Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục ghi nhận máy bay EP-3 của Mỹ bay qua khu vực giàn khoan Hải Dương-981 ở độ cao khoảng 3.000m.
Ngoài ra, tính tới 16h ngày 2/7, lực lượng Cảnh sát biển cũng phát hiện 4 lần máy bay Trung Quốc bay qua khu vực giàn khoan.
Máy bay và tàu Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa
Máy bay và tàu Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa
Đáng chú ý, trong số này có cả máy bay chiến đấu J11 bay ở độ cao khoảng 3.000m. Ngoài ra, cảnh sát biển cũng phát hiện 2 lần máy bay Y-8X từ Lĩnh Thủy xuống khu vực giàn khoan và ngược lại; một lần máy bay trực thăng không rõ số hiệu từ Du Lâm xuống khu vực giàn khoan và bay về Du Lâm.
Cùng ngày, phía Trung Quốc đã sử dụng 118 tàu hoạt động quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981.
Cụ thể, theo ghi nhận từ thực địa có tới 6 tàu quân sự (trong đó có 2 tàu hộ vệ tên lửa không rõ số hiệu, 2 tàu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 751, 756 và 2 tàu quét mìn số hiệu 840, 843). Trung Quốc cũng huy động 42 tàu hải cảnh; 3 tàu hải giám; 2 tàu hải tuần; 17 tàu kéo; 15 tàu vận tải; 33 tàu cá.
Như vậy so với ngày 1/7, Trung Quốc đã tăng thêm 1 tàu tên lửa tấn công nhanh và 1 tàu hải cảnh.
Khi các tàu CSB 9001, 9002, 8003, 4032, 4033, 4034 tiến gần vào giàn khoan khoảng từ 10- 11,5 hải lý thì tàu của Trung Quốc, với số lượng vượt trội so với phía Việt Nam, tổ chức thành các nhóm tàu (mỗi nhóm từ 4-8 tàu các loại) trên các hướng tiếp cận để ngăn cản quyết liệt, bật còi uy hiếp, phun nước, sẵn sàng đâm va ở khoảng cách gần nhất là 40m đối với tàu CSB 4033, không cho tàu Việt Nam tiếp cận gần giàn khoan.
Buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế
Trong một diễn biến khác, tối 2/7, tại Trụ sở Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Philippines Albert F. del Rosario cho rằng những hành động mang tính chất gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vô nhân đạo của Trung Quốc gần đây đang làm cho tình hình Biển Đông xấu đi từng ngày, đặc biệt là hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương- 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam, sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực đối với các lực lượng thực thi pháp luật và ngư dân của Việt Nam.
Đây là những hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các Bên trên Biển Đông (DOC).
Bộ trưởng Albert F. del Rosario cho rằng những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông vừa qua là nhằm phục vụ cho mục tiêu tuyên bố và hiện thực hóa “đường 9 đoạn” bất hợp pháp, mở rộng chủ quyền phi pháp của nước này trên thực tế. Bộ trưởng cho biết Philippines đã và tiếp tục phối hợp cùng cộng đồng quốc tế, có các biện pháp và hành động buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario.
Đồng ý với nhận định về tình hình Biển Đông đang xấu đi từng ngày do việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, có những hành động vi phạm nghiêm trọng, nhất là việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không có cách nào khác, các nước có chủ quyền trên Biển Đông, các nước ASEAN phải đấu tranh, ngăn chặn hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia của Trung Quốc, kể cả đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế;
Kêu gọi cộng đồng quốc tế phê phán và phản đối Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động gây hấn, vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm DOC, yêu cầu Trung Quốc thực thi nghiêm túc DOC tiến tới ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền
Tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng, ngày 2/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết Đảng, Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển Việt Nam.
Việc Trung Quốc bất chấp đạo lý, pháp lý, bất chấp thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao, quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đã ngang nhiên đưa và hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981  trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, gây tác động nhất định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực.
Việc làm này của Trung Quốc đã làm cả dân tộc ta phẫn nộ, lên án; Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc đã đoàn kết, chung sức, nhất trí, đồng lòng, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta cũng đã làm hết sức mình để gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Thủ tướng một lần nữa khẳng định lập trường kiên quyết của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan hạ đặt trái phép ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Các giải pháp đề ra trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo được sự đồng tình ủng hộ của toàn dân tộc, của cộng đồng quốc tế. Các nước trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và phê phán, lên án các hành vi sai trái, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc và đến nay chưa có một quốc gia nào ủng hộ việc làm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; không chấp nhận, không khuất phục một sự áp đặt, de dọa, lệ thuộc nào đó, chúng ta đã, đang và sẽ làm như vậy.
Thủ tướng cũng cho biết Nhà nước đang khẩn trương chuẩn bị, củng cố hồ sơ pháp lý để sẵn sàng đưa ra các cơ quan tài phán quốc tế về những hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở vùng biển của Việt Nam.
Trung Quốc hung hăng phô diễn cơ bắp
Trước đó, Bộ trưởng Truyền thông Úc Malcolm Turnbull đã nói rằng hành động phô diễn sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông gây cảm giác bất an cho khu vực và sẽ khiến Bắc Kinh phải trả giá.
Ông cho rằng chính sách hiện nay của Trung Quốc gây phản tác dụng, cho thấy nước này “phô diễn cơ bắp với một, nhiều hoặc tất cả các nước láng giềng của họ tại những thời điểm khác nhau”.
Ông khẳng định hậu quả của những hành động này là đang khiến “các nước láng giềng của Trung Quốc trở nên gần Mỹ hơn bao giờ hết”, trong khi Trung Quốc không có bất kỳ đồng minh nào trong khu vực ngoài CHDCND Triều Tiên.
Nếu căng thẳng ở Biển Đông dẫn đến một cuộc xung đột có sự tham gia của Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc không thể tránh khỏi tình trạng bị suy giảm, khiến giới lãnh đạo Trung Quốc gặp nhiều vấn đề. “Trung Quốc có nhiều thứ để mất”, ông Turnbull cảnh báo.
Theo dõi những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, hai chuyên gia Mỹ về an ninh châu Á Abe Denmark và Dan Blumenthal nhận định với chuyên san The National Interest (Mỹ) rằng Trung Quốc đã thay đổi đáng kể cách nhìn nhận về bản thân và vai trò của họ trong 15 năm qua, gây ra những tác động trực tiếp đến các nước láng giềng.
  Tàu hải cảnh và giàn khoan Hải Dương-981 của TQ hoạt động phi pháp trong vùng biển
Tàu hải cảnh và giàn khoan Hải Dương-981 của TQ hoạt động phi pháp trong vùng biển
Ông Blumenthal ủng hộ quan điểm rằng những gì Trung Quốc đang làm chẳng khác gì những hành vi của Mỹ trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi tìm kiếm bá quyền ở biển Caribe và châu Mỹ.
Còn ông Denmark cho rằng Trung Quốc tự xem mình là một cường quốc đang lên không còn yếu như trước. Điều này có nghĩa giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng họ luôn ở thế mạnh trong một cuộc xung đột leo thang.
Do đó, Trung Quốc không ngần ngại tìm cách củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông, tăng cường khả năng bảo vệ những tuyên bố đó và tìm kiếm nguồn tài nguyên dưới đáy biển.
Lan Phương 

Đường lún, nứt: Đổ hết cho xe quá tải nhằm... "chạy tội"?

(Tin tức thời sự) - Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực hệ thống trong ngành GTVT từ khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công, thí nghiệm, cả chủ đầu tư đều là một.
TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông chia sẻ trong cuộc trao đổi với PV.
PV: Hàng loạt tuyến đường giao thông quan trọng dù mới khánh thành hay đã sử dụng nhiều năm liên tiếp xảy ra hiện tượng lún, nứt nghiêm trọng, từ Quốc lộ 3, Quốc lộ 5, Quốc lộ 18 đến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM-Long Thành - Dầu Giây, Đại lộ Đông Tây... Ông nhìn nhận tình trạng này như thế nào?
TS Phạm Sanh: Những tuyến đường đã sử dụng nhiều năm xảy ra hiện tượng hư hỏng là chuyện thường xảy ra, do vật liệu bị lão hóa, do môi trường khai thác, do bảo trì, thậm chí do bất khả kháng.
Riêng những tuyến đường giao thông quan trọng mới vừa khánh thành đã xảy ra hiện tượng lún nứt thì đúng là quá bất thường. Tình trạng này khá nghiêm trọng cần báo động, do nền kinh tế Việt Nam cũng chưa phải là phát triển khá và ổn định, tiêu chuẩn kỹ thuật thì Việt Nam có thua kém nước nào, suất đầu tư công trình cầu đường Việt Nam khá cao so trong khu vực và trên thế giới, hiện tượng đường vừa làm xong đã hư ngày càng nhiều chưa có điểm dừng và những chuyên gia cầu đường thì không thiếu nhưng thiếu ý kiến thống nhất về nguyên nhân và cách xử lý.
Tiến sĩ Phạm Sanh
Tiến sĩ Phạm Sanh
PV: Tình trạng đường lún, nứt xảy ra nhiều và nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phải thốt lên rằng đường càng làm càng lún, thậm chí càng làm tốt, càng không ăn bớt thì lại càng lún. Phải hiểu nghịch lý này ra sao thưa ông?
TS Phạm Sanh: Có lẽ các nhà báo hiểu lầm ý Bộ trưởng hoặc Bộ trưởng hiểu lầm ý chuyên gia trong một cuộc họp hay hội thảo đó. Hiện tượng đường càng làm càng lún thì có, nhưng càng làm tốt càng không ăn bớt (nhựa đường?) mà càng lún thì quá nguy hiểm và có phần khôi hài.
Hiểu nghịch lý này thế nào? Trường hợp vị chuyên viên nói đùa thì không cần bàn, nhưng nếu vị này nói thật (mà chắc là nói thật, vì cấp dưới ai dám đùa với Bộ trưởng Bộ GTVT) thì do lỗi thiết kế quá kém không tính đúng hàm lượng nhựa trong cấp phối bê tông nhựa (BTN), thi công và giám sát thì cứ nhắm mắt không làm đúng quy trình thi công là phải thí nghiệm và thi công mẫu một số đoạn.
PV: Nhiều hội thảo tầm cỡ được tổ chức để tìm kiếm nguyên nhân và giải pháp, nhiều thử nghiệm đã được tiến hành, nhưng đường lún vẫn cứ lún. Đến mức các cụm từ: đường lún nứt hay ruộng bậc thang đã trở thành những cụm từ thông dụng dùng để mô tả các tuyến đường tại Việt Nam. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lún, nứt mặt đường?
TS Phạm Sanh: Hiện tượng lún nứt mặt đường phổ biến vừa rồi là hiện tượng lún theo vệt bánh xe (rutting), một dạng hư hỏng thường xảy ra cho kết cấu áo đường BTN nóng. Cụ thể thêm thì mặt đường bị lún do các lớp vật liệu mặt đường, móng đường, thậm chí nền đường bị biến dạng (thẳng đứng hoặc ngang) theo vệt bánh xe chạy cố định trên làn đường hẹp, mưa đọng lại theo vệt lún, nhiệt độ thay đổi…, càng làm vệt lún càng sâu và rộng.
Có nhiều nguyên nhân gây ra lún vệt bánh xe, có thể do khảo sát địa chất sơ sài, dự báo lưu lượng và thành phần xe tải nặng chạy không đúng, do thiết kế thiếu kinh nghiệm tính toán kết cấu và cấp phối BTN sai, thậm chí không nắm vững tiêu chuẩn và các phương pháp tính toán, nhưng cũng có thể do đơn vị thi công sử dụng vật liệu không đúng tiêu chuẩn (nhất là đá dăm cấp phối và BTN nóng) và đầm nén kém chất lượng.
Một đoạn quốc lộ 5 bị lún nghiêm trọng
Một đoạn quốc lộ 5 bị lún nghiêm trọng
Các nguyên nhân xe quá tải chạy nhiều hoặc biên nhiệt độ thay đổi lớn, chỉ là nguyên nhân “phụ họa” vì nếu do nguyên nhân này thì lỗi vẫn do khảo sát thiết kế hoặc thi công và ít ra con đường sau khánh thành phải vài ba năm sau mới hư.
Nhiều hội thảo chuyên ngành đưa ra các nguyên nhân do xe quá tải chạy nhiều hoặc biên nhiệt độ thay đổi lớn nhưng không phân tích sâu, theo tôi không khách quan, dễ gây hoang mang và nhằm “chạy tội”.
Tại sao nhiều hội thảo tầm cỡ được tổ chức để xác định nguyên nhân và giải pháp, nhiều thử nghiệm được tiến hành nhưng đường lún vẫn cứ lún? Có lẽ các chuyên gia trong hội thảo cố phân tích nguyên nhân theo chuyên ngành hẹp của mình, ít thực tế (người thực tế lại bị nhóm lợi ích và các đơn vị có trách nhiệm về sự cố công trình chi phối), sợ trách nhiệm, đông quá cũng loãng, kết cấu mặt đường BTN đòi hỏi kiến thức rộng và sâu, thiếu các chuyên gia đầu đàn thực sự biết gắn kết giữa các mảng: thí nghiệm vật liệu, khảo sát, thiết kế, thi công và giám sát.
Như vậy nguyên nhân bao trùm mọi nguyên nhân chính là vấn đề chất lượng, và nếu chất lượng không đảm bảo suốt cả quá trình đầu tư xây dựng chính là do con người. Đã xuất hiện hiện tượng tiêu cực hệ thống trong ngành GTVT từ khảo sát, thiết kế, giám sát, thi công, thí nghiệm, cả chủ đầu tư đều là một.
Giải quyết tốt vấn đề con người, tiến hành kiểm định bài bản để xác định đâu là nguyên nhân bản chất, tính toán mô hình và làm thử nghiệm trước khi sửa chữa đại trà, chắc chắn sẽ hạn chế hiện tượng lún vệt bánh xe.
Trước đây, chúng ta đã làm nhiều con đường BTN từ Nam chí Bắc, nay vẫn tốt; như vậy không nên đổi thừa do tiêu chuẩn lạc hậu, do vật liệu, do xe tải nặng chạy, do trời đất nóng lạnh…
PV: Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố, nếu công trình kém chất lượng, nếu đường còn hằn lún thì người chịu trách nhiệm trực tiếp về dự án sẽ bị bãi chức. Ông đánh giá thế nào về tuyên bố này của Bộ trưởng?
TS Phạm Sanh: Tuyên bố của Bộ trưởng Đinh La Thăng rất chính xác, hiệu quả cao và hợp lòng dân. Như trên tôi đã phân tích, lỗi chính do con người và chính là con người lãnh đạo. Cứ cách chức vài vị giám đốc dự án hoặc chủ đầu tư thì con số đường bị lún ngay sau khi khánh thành sẽ mất dần theo các vị này.
Tất nhiên, các cơ quan chức năng tham mưu cho Bộ trưởng cũng phải thực tế bổ sung cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có hoặc có nhưng chưa phù hợp và đưa ra các quy định quản lý kiểm soát chất lượng công trình GTVT kịp thời.
PV: Trong khi người dân đã phải gánh gần chục loại phí để tham gia giao thông, trong có có phí bảo trì đường bộ thế nhưng phí vẫn đóng, cước vận tải vẫn tăng mà đường vẫn cứ hỏng. Như thế liệu có công bằng cho người dân? Chúng ta có nên dừng thu phí những tuyến đường cao tốc đang lún, nứt không đảm bảo chất lượng?
TS Phạm Sanh: Phí vẫn đóng, cước vận tải vẫn tăng mà đường mới làm vẫn cứ hỏng, làm sao có sự công bằng cho người dân trong lúc lĩnh vực GTVT là một lĩnh vực đặc thù, người dân không có nhiều sự lựa chọn.
Tuy nhiên nếu vì công trình đường cao tốc không đảm bảo chất lượng mà chúng ta dừng thu phí trên các tuyến đường cao tốc thì cũng không nên, chỉ trừ trường hợp quá nguy hiểm dễ gây tai nạn giao thông phải đóng đường. Lý do chúng ta vẫn đang cần tiền cho chi phí bảo trì, tiền thu hồi vốn cho nhà đầu tư, kinh phí mở rộng nâng cấp các con đường khác trên khắp cả nước.
Và xác định lỗi do ai, do đơn vị nào gây ra thì cá nhân, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm bồi hoàn (cả cơ quan quản lý Nhà nước) theo quy định trong hợp đồng và theo luật định, như thế mới là công bằng đúng nghĩa.
Thành Luân (Thực hiện)

Những câu hỏi cũ chờ những câu trả lời mới

Đăng Bởi  - 

Vải thiều đang trông đợi nhiều vào người tiêu dùng trong nước. Ảnh TL
Vải thiều đang trông đợi nhiều vào người tiêu dùng trong nước. Ảnh TL
Nông dân nước ta mỗi khi thấy lãnh đạo nào đến thăm địa phương cũng ra rả “trồng cây gì, nuôi con gì” là lại nẫu cả ruột gan - vì thật lòng người dân mong chờ có câu giải đáp, chứ không muốn nghe những câu hỏi được đặt ra!
Nỗi ám ảnh của người nông dân
Đối với người lãnh đạo ngành nông nghiệp, nhiều người dân đặt ra các câu hỏi: Nông lâm, thủy sản xuất khẩu hàng chục tỉ USD/năm nhưng có mặt hàng nào có sức cạnh tranh - hội nhập, có thương hiệu hay không? Người dân ăn lương thực và thực phẩm do nông dân ta trồng có sạch không? Làm sao biết? Về chính sách đã đề xuất cho Chính phủ có lợi cho nông dân và Nhà nước được những thứ gì cụ thể?
Tâm lý và tác phong tiểu nông của người nông dân đã dẫn đến sự phát triển nông nghiệp một cách tự phát, như trường hợp trồng điều rồi lại chặt điều, trồng tiêu rồi lại chặt tiêu. Mới đây là trường hợp nông dân bị chi phối bởi thương lái Trung Quốc, thậm chí những người nông dân nhẹ dạ bị họ lừa đặt mua giá cao những loại sản phẩm “quái chiêu” như đỉa, lá điều khô, lá vải, nụ hoa thanh long, xoài non… làm cho nông nghiệp phát triển lộn xộn, kém hiệu quả. 
Vai trò quản lý của Nhà nước ở đâu? 
Suốt một thời gian dài, chúng ta đã không chú ý đúng mức đến nhiệm vụ công nghiệp hóa lĩnh vực nông nghiệp, hiện đại hóa cho người nông dân, một yếu tố cấu thành của lực lượng sản xuất nông nghiệp nên người nông dân vẫn dường như giẫm chân tại chỗ ở trình độ người tiểu nông.
Sản xuất của người nông dân bị ứ thừa chủ yếu do các nguyên nhân: Sản xuất không theo định hướng thị trường, nói cách khác là thiếu thông tin, thiếu vai trò Nhà nước một cách hữu hiệu. Vai trò Bộ Công thương và nhất là thương vụ mờ nhạt. Doanh nghiệp chưa tham gia tìm kiếm và xác lập thị trường (thậm chí với những ngành hàng Việt Nam chiếm số lượng áp đảo cần phải kiến tạo thị trường cho riêng mình).
Kiểu buôn bán của ta vẫn theo kiểu có gì bán nấy. Nông dân loay hoay theo tín hiệu thị trường ngắn hạn vì có ai lo cho thông tin đâu. Doanh nghiệp chỉ đầu tư vào công đoạn lãi nhanh, rủi ro thấp, hầu như rất ít có doanh nghiệp đầu tư khâu sản xuất. 
Việt Nam sản xuất quy mô nhỏ nên mẫu mã, chất lượng không đồng đều, vệ sinh an toàn thực phẩm kém. Ví dụ như sản phẩm cá ngừ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (dùng làm món sashimi), do phẩm chất quá kém nên chỉ bán được với mức giá bằng 10% so với những sản phẩm cùng loại của các nguồn khác. 
Công nghiệp chế biến và bảo quản của ta quá yếu. Vấn đề là tỉ lệ chế biến và chế biến sâu quá thấp. Do vậy, có lẽ cần nghiên cứu mô hình sản xuất/chế biến.
Để giúp người nông dân không phải lo “được mùa, mất giá” cần nắn lại ngay cái nếp “nông nghiệp thành tích”, “nhờ trời” để trở thành nông nghiệp thị trường và nông nghiệp hàng hóa.Hãy nhẩm kỹ lại lời của tiền nhân đã dạy “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, hãy thống kê bằng VND hoặc bằng USD, hãy đoạn tuyệt với cách tính bằng tấn (nghe số tấn dễ “phổng mũi” lắm)! 
Kinh nghiệm của chuyên gia người Việt sinh sống nhờ nuôi tôm ở quần đảo Hawaii cho biết thoạt kỳ thủy ở những đảo này (1970-1980) họ nuôi và bán ra thị trường loại tôm chất lượng hàng đầu trên thế giới. Qua thập niên 1990 họ chuyển sang chuyên bán tôm giống (gọn nhẹ, lời hơn), sau đó, họ lại xoay tiếp sang chuyên sản xuất và bán ra thị trường “tôm bố mẹ” với giá mấy trăm USD/cặp. Vậy là họ đã “thiên biến vạn hóa”, liên tục “leo thang”, không chịu “giẫm chân tại chỗ”, nhất quyết làm chủ, tung hoành thị trường bằng thế mạnh riêng.
Chờ những câu trả lời mới
Ở Việt Nam, cần phải đẩy mạnh đa dạng thị trường, tăng cường đầu tư cho bảo quản và chế biến. Hình thành doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn, cho phép doanh nghiệp tích tụ ruộng đất. Tại sao ta có thể thu hồi đất cho công nghiệp mà không thể thể làm cho nông nghiệp, đó là chưa kể tích tụ đất đai không làm thay đổi mục đích sử dụng như chuyển sang công nghiệp. Nhà nước cần hỗ trợ cho cơ sở hạ tầng, chính sách tích tụ đất đai, vốn vay.
Nông dân khi đó là cổ đông của doanh nghiệp, họ góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Kêu gọi FDI trong bảo quản, chế biến, công nghệ cao, thay đổi tư duy về nông nghiệp: là ngành mang tính kinh tế - xã hội và thậm chí chính trị rất cao, như vậy mới có đầu tư xứng đáng với đóng góp của nông nghiệp. Cần chuyển chức năng quản lý xuất nhập khẩu nông sản từ Bộ Công thương về Bộ NN&PTNT.
Cách đây nửa thế kỷ ở nước ta rầm rộ vận động “phong trào hiến kế”, còn bây giờ cái gì cũng phải XIN! Bỏ ngay thói quen “gà què ăn quẩn cối xay” và cung cách “buôn thúng bán bưng” chỉ quen bán ở những chợ “thượng vàng, hạ cám”, “có sao bán vậy” ở những “chợ tả-pí-lù”, để đĩnh đạc bước vào những siêu thị. Trong khi nơi này, nơi kia phô trương những “lò ươm tạo các doanh nghiệp” mà quên rằng nông dân chính là doanh nghiệp lớn nhất!
Để đáp ứng được các điểm kể trên, phải đi vào phẩm chất hàng hóa: PHẨM và CHẤT.  Mới đây, trên kênh truyền hình VTV1 Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân có trả lời những câu hỏi của bà con về những sản phẩm nông nghiệp, trong đó có mục cá ngừ Việt Nam và cả về cách bảo quản trái cây để xuất khẩu (cụ thể là vải thiều). Khoa học sẽ nghiên cứu theo 2 hướng: Chuẩn bị các sản phẩm chiến lược lâu dài đồng thời đáp ứng đặt hàng của doanh nghiệp.
Thời gian qua chúng ta đổ lỗi nhiều cho khoa học kỹ thuật, nhưng lỗi lớn hơn phải là của khoa học quản lý. Do vậy, có lẽ điều trước tiên cần nghiên cứu và xác định cho ra Mô hình tổ chức sản xuất trong bối cảnh AFTA và TPP với kinh tế họ quy mô nhỏ là chủ lực.
Nhà bác học A. Einstein có nhận xét rất chí lý: “Những câu hỏi cũ luôn cần có những câu trả lời mới”! Hy vọng, trước hết ở các nhà quản lý có tư duy mới và thực tế để giúp người nông dân thoát khỏi cảnh thu nhập quá thấp lại luôn bị ám ảnh phải “nuôi con gì, trồng cây gì”?
Tô Văn Trường