Trang

14 tháng 12, 2014

'Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh'

 - Mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh bảo vệ lợi ích chính đáng của mình... Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được - Thủ tướng nói.

Chiều nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn ĐBQH TP Hải Phòng đã tiếp xúc với cử tri huyện An Lão, báo cáo kết quả kỳ họp QH.
Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, cử tri, chủ quyền, GDP, lạm phát, tái cơ cấu, cải cách hành chính, thủ tục
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cử tri huyện An Lão. Ảnh: VGP
Các cử tri đã nêu nhiều kiến nghị liên quan đến nguồn lực thực hiện chương trình nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, dạy nghề và tạo việc làm cho người người lao động nông thôn; đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, nhất là hàng nông sản, thủy sản, hoa quả; vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế liên quan đến quỹ đất nông nghiệp và việc làm của người nông dân; vấn đề bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nhất là chủ quyền trên vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thay mặt đoàn ĐBQH Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trân trọng tiếp thu các kiến nghị, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm của cử tri với những vấn đề lớn của đất nước cũng như những vấn đề sát sườn đến cuộc sống, việc làm, thu nhập của người dân.
Thủ tướng cho biết, năm 2014, bên cạnh những thuận lợi, nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cả về kinh tế, xã hội, bảo đảm độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước cũng như hậu quả của thiên tai, dịch bệnh.
Những khó khăn, thách thức đó không chỉ đe dọa đến hòa bình, ổn định mà còn đến cả nỗ lực phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của TƯ Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu toàn diện trên các mặt.
Bên cạnh giữ vững được ổn kinh tế vĩ mô được, kiểm soát được lạm phát, đạt mức tăng trưởng GDP khoảng 5,9%, bảo đảm được an sinh xã hội. Trong năm 2014, đất nước ta cũng giữ vững được ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; đẩy mạnh hoạt động hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết năm 2015, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục tăng cường ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt và căn cơ hơn. Tạo mọi thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,2%.
Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thực hiện 3 đột phát chiến lược, bao gồm hoàn thiện luật pháp, cơ chế, thể chế, chính sách; dành nguồn lực cho đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực... Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tập chung chỉ đạo cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Không thể vì lý do thủ tục hành chính mà môi trường kinh doanh của Việt Nam thấp hơn các nước ASEAN. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được điều này” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ tiếp tục đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội tốt hơn thông qua việc bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, phát triển y tế, giáo dục, tạo việc làm, giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó tiếp tục bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc theo tinh thần vừa hợp tác, vừa đấu tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng hợp tác và đấu tranh là 2 mặt trong quan hệ quốc tế thời đại ngày nay để đảm bảo hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng cũng như lợi ích chính đáng của mỗi quốc gia.
“Trong thời đại ngày nay, hội nhập, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng thịnh vượng là nhu cầu tất yếu của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, những mâu thuẫn về lợi ích buộc mỗi quốc gia phải đấu tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình, trong đó có những phạm trù hết sức thiêng liêng là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và bền vững. Không thể có bạn kiểu nhà tôi là nhà anh, của tôi là của anh được” - Thủ tướng chia sẻ.
PV

Hé lộ "hợp đồng nô lệ" trong showbiz Việt

 - Bản hợp đồng giữa bầu sô và các nghệ sĩ trẻ trong showbiz Việt là cuộc chiến không hồi kết, một khi mối quan hệ của hai bên đi tới chỗ "cơm không lành, canh không ngọt".

Sơn Tùng M-TP tiếp tục gây bão mạng khi liên tục bị dư luận mô xẻ từ câu chuyện đạo beat Chắc ai đó sẽ về đến nghi án tự động phá bỏ hợp đồng với công ty chủ quản VP. Theo sau đó là hàng loạt hội thảo, họp kín, công văn ngăn chặn từ chính người trong cuộc. Phải nói rằng áp lực quá lớn đang phủ xuống đầu một nghệ sĩ trẻ tuổi đôi mươi. Trên trang cá nhân, nam ca sĩ vẫn chứng tỏ được bản lĩnh khi xác nhận show, hẹn hò người hâm mộ với nhiều ý tưởng trình diễn táo bạo, bất chấp scandal đang bủa vây khắp nơi.
showbiz Việt, bầu sô, hợp đồng nô lệ, ca sĩ, PR
 
Sơn Tùng M-TP đang vướng mắc với công ty quản lý cũ.
"Tức nước sẽ vỡ bờ"
Vì đâu một hiện tượng âm nhạc Việt bị mang ra mổ xẻ, ném đá tơi bời? Hợp đồng ca sĩ- quản lý vốn đã lụi tàn kể từ khi trình truyền hình thực tế đổ bộ vào truyền hình Việt, nay tiếp tục lấm lem bởi chính người trong cuộc. Thói quen tìm mọi cách đổ vấy điều tiếng cho nhau thay vì tìm cách "ngồi lại" để tìm giải pháp phù hợp, khiến dư luận dậy sóng.
Có thể nói những ràng buộc hợp đồng ca sĩ với công ty chủ quản, dù có chặt chẽ đến đâu, vẫn dễ dàng bị phá bỏ nếu một trong hai bên bị thua thiệt hay vượt mặt nhau. Trong khi đó, sự phát triển liên tục của các show truyền hình thực tế đã có thể biến các bạn trẻ phút chốc thành sao đồng thời đẩy các công ty chuyên về đào tạo âm nhạc vào thế làm ăn bết bát.
Một số đơn vị đã phá sản, nhưng cũng có một số ít hoạt động cầm chừng, chủ yếu tập trung tại TP.HCM do có sự hậu thuẫn tốt về chuyên môn của các ca - nhạc sĩ nổi tiếng như: TĐ, HT, ĐT, QH, TB. Đây cũng là các nghệ sĩ thường chạy sô làm giám khảo cho các chương trình truyền hình thực tế, phần nào tạo được hiệu quả PR cho công việc.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hàng loạt công văn ngăn chặn từ đơn vị quản lý của ca sĩ Sơn Tùng MTP đã khiến nhiều ca sĩ trẻ trong giới cảm thấy e ngại. Không chỉ liên quan đến vấn đề pháp lý, bản chất công việc bị xử lý theo đúng cam kết khi bắt đầu, nhiều nghệ sĩ còn cho rằng việc "cơm không lành canh không ngọt" khiến người trong cuộc tung bằng chứng trước truyền thông, gây phản cảm và tạo tiền lệ xấu làm ảnh hưởng đến cả đôi bên.
Thế nhưng, như lời của một ca sĩ thì "tức nước sẽ vỡ bờ". Đây cũng là bài học cho các nghệ sĩ trẻ trước khi đồng ý tham gia đầu quân cho bất cứ công ty nào. Họ cần tuân thủ, suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký, nếu không muốn gây bão dư luận.
Đụng chuyện mới tá hỏa... nội quy
Trưởng thành từ cuộc thi ca hát chuyên nghiệp, lại được đào tạo bài bản, T.L không khó để được công ty A mời chào đầu quân. Qua vài vòng thảo luận, đại diện đơn vị này chốt lại mô hình góp vốn 50/50, để thay đổi hình ảnh, mẫu bài, thực hiện chiến lược PR cho nam ca sĩ. Thế nhưng với kiểu góp vốn này, được đơn vị đại diện thảo luận lợi nhuận chia đôi là một thiệt thòi. Nên T.L đã quyết định "chỉ làm bạn" sau một thời gian dài cân nhắc.
showbiz Việt, bầu sô, hợp đồng nô lệ, ca sĩ, PR
T.L từng từ chối hợp tác với công ty quản lý N vì cảm thấy hợp đồng quá khắc nghiệt.
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do nóng vội, gia đình ca sĩ trẻ CK đã quyết định kí vào hợp đồng với công ty chủ quản Q. Khi trở thành người nhà, giọng ca trẻ xuất thân từ chương trình ca hát trên HTV này mới té ngửa bởi hàng tá điều khoản nghiêm ngặt. Theo như người trong cuộc việc họ siết nội quy đến mức độ nào tuỳ theo độ nghe lời của nghệ sĩ.
Đã có trường hợp, nghệ sĩ phải biến mất khỏi showbiz vì vướng cam kết với đơn vị chủ quản, bị đơn vị chủ quản 'trừng phạt' do nghi án bắt show ngoài, đành phải ở ẩn. Tuy nhiên, không phải ở ẩn là yên thân. Nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn phải đến công ty mỗi ngày theo thời gian quy định. Ca sĩ K than vãn phải đến công ty mỗi ngày, sự nghiệp thì bị gián đoạn nhưng lỡ vướng hợp đồng nên đành chấp nhận.
K cho biết việc bị công ty "dìm" đã kéo dài lâu nay nhưng vẫn không có phương án gỡ bỏ. Đến công ty ngồi đến lúc hết hợp đồng mới thôi là một sự trừng phạt đáng sợ với những nghệ sĩ trẻ. 
Đinh Quý Anh

Tiêu tốn gần 10 tỷ đồng, dự án vẫn trên giấy

BTTD: Đau xót lắm thay !

Sau nhiều năm triển khai, dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc đã tiêu hết gần 10 tỷ đồng, nhưng công trình vẫn còn trên giấy. 
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Quảng Ngãi ngày 12/12, dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc được đại biểu đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Duy Nhân, Giám đốc Sở Lao động đặt câu hỏi: "Vì sao dự án có tính khả thi chưa cao mà Tỉnh cứ phê duyệt, cho khởi công vội vàng rồi để mãi không làm". 
Sau khi nêu vấn đề công trình đập dâng tiêu tốn hết gần 10 tỷ đồng và chậm tiến độ, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Ngọc Căng thẳng thắn hỏi: "Ai là người phải chịu trách nhiệm. Cần xác định rõ trách nhiệm, xử lý cá nhân liên quan đến khâu chuẩn bị đầu tư". Rút kinh nghiệm từ dự án này, ông Căng đề nghị thời gian tới UBND tỉnh cần đánh giá lại quy trình đầu tư, nhất là các công trình trọng điểm, tránh gây thất thoát, lãng phí.
12-12-Anh-1-Song-Tra-4137-1418392161.jpg
Hàng chục nghìn hộ dân Quảng Ngãi lo ngại cuộc sống bị xáo trộn lớn khi đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc xây dựng. Ảnh: Trí Tín.
Trả lời đại biểu, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, nguyên nhân dừng dự án là tổng mức đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp, Tỉnh chưa quyết định phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vốn.
Thừa nhận khuyết điểm với cử tri và đại biểu, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giải thích thêm, sở dĩ có tình trạng trên là do đơn vị tư vấn kém trong quản lý, năng lực kinh nghiệm. "Công trình khởi công nhưng sau đó vướng Nghị quyết 11 về chính sách đầu tư, khó khăn về mặt tài chính và còn nhiều phân vân về kỹ thuật nên dừng", ông Chữ nói. 
Theo Chủ tịch tỉnh, sau phiên chất vấn này, UBND tỉnh sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho dừng dự án với các lý do: Không có nguồn vốn, yếu tố kỹ thuật chưa cho phép. Mặt khác, trong cuộc họp ngày 27/9 vừa qua, Thủ tướng đã đồng ý cho phép tỉnh nghiên cứu nạo vét, chỉnh trị lòng sông và đầu tư hạ tầng hai bên bờ theo hình thức BT (đầu tư - chuyển giao). Về mặt xử lý kỹ thuật, UBND tỉnh sẽ đề xuất thuê chuyên gia, tư vấn nước ngoài giàu kinh nghiệm về chỉnh trị dòng sông, tính toán kỹ khi nào ổn định mới cho triển khai. 
Công trình đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) do Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Quảng Ngãi làm chủ đầu tư vào năm 2002. Mục tiêu của dự án là tạo mực nước dâng hợp lý cho đoạn sông Trà Khúc đi qua thành phố nhằm mang lại cảnh quan phục vụ du lịch và ngăn xâm nhập mặn vào mùa khô hạn…
Tháng 4/2004, dự án lại được duyệt hơn 60 tỷ đồng với thân đập làm bằng cao su. Năm 2009, dự án được xác định là công trình trọng điểm của tỉnh và điều chỉnh thành đập bê tông với tổng vốn hơn 225 tỷ đồng. Tháng 9/2010, công trình khởi công rầm rộ thế nhưng sau đó tiếp tục điều chỉnh bổ sung, nâng cấp. Chủ đầu tư thuê tư vấn lập lại thiết kế, đến nay công trình đã tăng vốn lên gần 450 tỷ đồng. 
Các chuyên gia về đập, thủy lợi phân tích, nếu đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ đập ngăn nước để tạo cảnh quan môi trường cho TP Quảng Ngãi thì khó đem lại hiệu quả kinh tế. Việc xây đập dâng ngăn nước trên một dòng sông thông thường gắn với nhiệm vụ giao thông, làm cầu nối hai bên bờ sông, tạo thuận tiện cho người dân khi đi lại. Còn vấn đề ngăn xâm nhập mặn vào mùa khô, nếu có thì đập dâng này chỉ có thể giảm xâm nhập mặn cho sông từ thân đập trở lên, còn phía hạ lưu của đập khó giải quyết được.
                                                                                                                     Trí Tín

Thiết bị y tế: Ruột Tàu lại gắn mác Tây

Thiết bị y tế: Ruột Tàu lại gắn mác Tây

Công tác quản lý mua sắm, nhập khẩu thiết bị y tế ở nước ta hết sức lỏng lẻo. Nhiều thiết bị không đảm bảo nhưng vẫn được sử dụng.

Trao đổi với chúng tôi về công tác kiểm định trang thiết bị y tế, các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều cho rằng đang có những kẽ hở cần nhanh chóng khắc phục. Bởi điều này liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người.
Bà Bùi Thị An, Ủy viên Ủy ban KH, CN&MT của Quốc hội:
Cần thanh tra tổng thể trang thiết bị y tế
Trong nhiều năm qua công tác quản lý mua sắm, nhập khẩu thiết bị y tế ở nước ta hết sức lỏng lẻo. Nhiều thiết bị không đảm bảo nhưng vẫn được sử dụng. Chưa kể có nhiều máy móc “ruột Tàu, nhưng lại gắn mác Tây”; hết hạn sử dụng nhưng lại được tân trang, chỉnh sửa làm mới.
Thiết bị y tế: Ruột Tàu lại gắn mác Tây (1)
Tất cả những cái đó là hết sức nguy hại. Bởi đã là thiết bị y tế thì kể cả những cái rất nhỏ như đo nhiệt kế, huyết áp, xi lanh cũng đều có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của con người… Đơn cử như khi nhiệt kế chất lượng không đảm bảo, báo từ không sốt thành có sốt, dẫn đến người dân phải uống thuốc. Hậu quả là người dân đang từ không ốm lại trở thành ốm.
Do đó, đã là thiết bị y tế thì đòi hỏi phải đạt chuẩn, phải được kiểm định rõ ràng của các cơ quan nhà nước. Có đủ điều kiện đạt chuẩn và được cấp phép thì mới được đưa vào hoạt động phục vụ việc khám chữa bệnh.
Ngoài ra cần có các quy định chặt chẽ về việc nhập khẩu trang thiết bị y tế. Khi nhập về thì phải xem xuất xứ, nguồn gốc có rõ ràng hay không. Sau đó nhập rồi thì phải tiến hành kiểm định xem nó có đúng, có đạt chuẩn hay không. Nếu không đạt chuẩn thì phải loại bỏ. Chúng ta cứ để mập mờ như hiện nay là rất nguy hại đến tính mạng, cũng như sức khỏe của người dân.
Tôi đề nghị Bộ Y tế cần tiến hành kiểm tra tổng thể các trang thiết bị y tế ở các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh hiện nay để xem thực trạng thế nào. Đối với những thiết bị không đảm bảo, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cần phải thay thế và loại bỏ.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng:
Không loại trừ chuyện lợi ích
Thiết bị y tế: Ruột Tàu lại gắn mác Tây (2)
Để xảy ra những bất cập, tiêu cực về trang thiết bị y tế như thời gian qua là có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và không loại trừ có câu chuyện lợi ích. Đến một cái cân dùng để cân hàng hóa ở chợ chúng ta còn yêu cầu phải kiểm định thì cớ gì những trang thiết bị y tế quan trọng, có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người lại không bắt buộc kiểm định. 

Đã đến lúc cần phải có những quy định quản lý chặt chẽ về trang thiết bị y tế. Ngoài việc bắt buộc phải kiểm định thì cũng cần phải xây dựng một cơ chế giám sát chặt chẽ của các tổ chức, xã hội và cộng đồng đối với hệ thống trang thiết bị y tế của bệnh viện. Vì nếu chỉ một mình Bộ Y tế giám sát, kiểm tra, đánh giá chất lượng của thiết bị thôi là chưa đủ, chưa bảo đảm khách quan. 

Còn nếu giao cho các bệnh viện kiểm tra chéo với nhau thì cũng chẳng thể bảo đảm được sự độc lập vì tâm lý “trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Do đó, cần phải có những quy định cho phép các tổ chức, xã hội được quyền giám sát độc lập trang thiết bị y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh.
Ngoài ra để hạn chế tình trạng các bệnh viện thiếu tin tưởng vào kết quả của nhau, bắt người dân phải xét nghiệm đi, xét nghiệm lại, tốn rất nhiều tiền, thì cần xây dựng trung tâm xét nghiệm chung. Khi đó, các bệnh viện có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của nhau để tạo thuận lợi và tiện ích cho bệnh nhân.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH:
Khó kiểm định tất cả thiết bị y tế nhập khẩu
Thiết bị y tế: Ruột Tàu lại gắn mác Tây (3)
Trao đổi với chúng tôi ngày 12/12, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói rằng, việc quy định kiểm định thiết bị y tế nhập khẩu là một vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, ông Tiên cho rằng, khó có thể quy định tất cả các thiết bị y tế khi nhập khẩu vào trong nước bắt buộc phải kiểm định, vì không đủ nhân lực, vật lực. 

Theo ông Tiên, có những thiết bị không cần thiết phải kiểm định khi nhập khẩu như dao, kéo…; chỉ những thiết bị, máy móc quan trọng thuộc nhóm A liên quan trực tiếp sức khỏe, tính mạng con người như: máy chụp chiếu, cộng hưởng từ, X-quang… mới bắt buộc phải kiểm định khi nhập khẩu. “Những máy móc đó rất quan trọng, có thể gây thiệt mạng con người nên đòi hỏi phải kiểm định chặt chẽ, rõ ràng. Nếu không kiểm định, dẫn đến nhập khẩu thiết bị không rõ ràng, chất lượng không tốt sẽ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân”, ông Tiên nói.
Về ý kiến cho rằng, do nghi ngờ chất lượng thiết bị y tế nên các bệnh viện thường không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau, làm người dân tốn nhiều tiền để xét nghiệm lại, ông Tiên nói rằng, điều đó là có. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần nguyên nhân, còn thực tế nhiều khi bệnh hôm nay có thể thế này, mai có thể khác đi. Do đó, có chụp chiếu lại thì mới có thể biết được diễn biến của bệnh, ông nói.
Để khắc phục những bất cập trên, ông Tiên cho hay, Bộ Y tế đang dự thảo nghị định về quản lý trang thiết bị y tế, trong đó dự kiến đề cập các quy định về kiểm định trang thiết bị y tế khi nhập khẩu. Sau khi Bộ Y tế trình và Chính phủ đồng ý, sẽ trình để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. “Sau khi Chính phủ trình sang, Ủy ban Các vấn đề xã hội sẽ thảo luận, thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là một vấn đề lớn nên sẽ phải thảo luận kỹ lưỡng”, ông Tiên nói.
Trước đó, Bộ KH&CN thanh tra, phát hiện nhiều thiết bị y tế quan trọng như: máy đo điện tim, máy đo điện não, nhiệt kế, huyết áp kế có nhiều sai số vượt mức cho phép. Những thiết bị này không đủ điều kiện về đo lường, nhưng vẫn được sử dụng để khám chữa bệnh.
Điều này cho thấy việc kiểm soát chất lượng đầu vào một số sản phẩm y tế của cơ quan chủ quản y tế chưa chặt chẽ, dẫn đến việc phân phối, trang bị cho các đơn vị y tế trực thuộc chưa được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng.
Theo Văn Kiên
Tiền Phong

Kêu gọi vốn xã hội vào xây dựng Cảng hàng không Long Thành?

Sẽ kêu gọi vốn xã hội vào xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thông tin này được đề cập tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 12/12/2014.

Đây là Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay ngành giao thông đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng. Số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng ba năm trở lại đây.

Từ năm 2012 về trước, chỉ có vỏn vẹn 22 dự án, với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng 49.605 tỷ đồng. Nhưng riêng năm 2013 ngành GTVT đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, con số sẽ còn cao hơn, ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. 

Nguồn vốn này không chỉ tập trung vào đường bộ, ngành GTVT sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác như tuyến đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, dự án đường thủy nội địa...

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, để có thể đạt được các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đã đề ra, yêu cầu nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là rất lớn. 

“Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết”.
Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau  nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành, đặc biệt là theo mô hình BOT và hợp tác công - tư (PPP).

Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kỳ vọng, việc hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐCP và Quyết định số 71/2010/QĐTTG và bổ sung các quy định mới, Chính phủ Việt Nam dự kiến ban hành một nghị định PPP mới về lĩnh vực này trong tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015 sẽ là một hành lang pháp lý mới tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể thời gian tới.


Khánh Nhi

Bức tranh nhiều màu sắc của kinh tế thế giới 2015

Bức tranh nhiều màu sắc của kinh tế thế giới 2015

Năm 2015 sẽ là năm của sự khác biệt và chia rẽ trên bình diện kinh tế toàn cầu, từ xu hướng phát triển, chính sách và thành tích của các nền kinh tế.

Khi mà năm mới chuẩn bị tới, những chia rẽ đó sẽ ngày càng khó để hòa hợp hơn và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đứng trước lựa chọn: vượt qua các trở ngại hay đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế.

Kinh tế thế giới năm tới sẽ bị chi phối bởi 4 nhóm quốc gia. Nhóm đầu tiên, do Mỹ dẫn đầu, sẽ tiếp tục có những bước tiến trong nâng cao hiệu suất của nền kinh tế. Thị trường lao động sẽ tươi sáng hơn với nhiều công việc được tạo ra đi kèm với việc tiền lương được cải thiện. Những lợi ích từ sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được phân phối công bằng hơn so với những năm vừa qua nhưng sự phân cách về giàu nghèo, mức độ thu nhập vẫn rất lớn.


Nhóm nước thứ 2, điển hình là Trung Quốc, giữ mức tăng trưởng ổn định và thấp hơn mức trung bình của những năm trước, đồng thời tiếp tục quá trình hoàn thiện cơ cấu của nền kinh tế. Các nước như Trung Quốc sẽ tiếp tục tái định hướng mô hình tăng trưởng để hướng tới sự phát triển bền vững hơn - một nỗ lực có thể đôi khi làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhưng không chệch hướng. Các nền kinh tế này sẽ nỗ lực tăng trưởng thị trường nội địa, nâng cao chất lượng các khung pháp lý, khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân và mở rộng quy mô của hoạt động quản lý nền kinh tế dựa trên yếu tố thị trường.


Nhóm thứ ba, dẫn dầu là các nước châu Âu, sẽ nỗ lực thoát khỏi tình trạng trì trệ, thực trạng đã gây nên những bất ổn chính trị xã hội tại một số nước và gây khó khăn cho việc ra các quyết sách của khu vực. Sự tăng trưởng èo uột, các nhân tố gây giảm phát và tình trạng nợ công sẽ gây cản trở cho hoạt động đầu tư, có thể dẫn tới những tác động tiêu cực hơn cho nền kinh tế. Ở một số nền kinh tế bị tác động mạnh nhất, tình trạng thất nghiệp, nhất là ở giới trẻ, sẽ vẫn ở mức cao đáng báo động và kéo dài.


Nhóm các nền kinh tế cuối cùng bao gồm các nước có nhiều yếu tố khó dự đoán, điển hình trong nhóm này là Nga. Nước này đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế, khả năng sụp đổ của đồng nội tệ, sự tháo chạy của dòng vốn và thiếu thốn hàng hóa do hoạt động nhập khẩu bị thắt chặt. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cần xử lý khéo léo vấn đề Ukraine, điều chỉnh quan hệ với phương Tây để xây dựng một nền kinh tế bền vững, đa dạng hơn.

Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp Moskva phải đối mặt với các vòng trừng phạt mới, đẩy nền kinh tế tới khó khăn hơn nữa và thậm chí có thể gây bất ổn chính trị, dẫn tới những vấn đề trầm trọng hơn không chỉ cho kinh tế Nga mà toàn khu vực.

Brazil là một nền kinh tế tiềm năng khác song cũng chứa đựng nhiều nhân tố có thể gây bất trắc. Tổng thống tái đắc cử Dilma Rousseff đã bật đèn xanh cho việc sẵn sàng cải thiện năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, trong đó phản đối chủ trương tập trung quyền lực. Những lợi ích tiềm tàng của chính sách mới này hiện chưa rõ ràng so với những thiệt hại và hậu quả ngoài mong muốn mà người dân phải gánh chịu. Nhưng nếu thành công, Brazil, cùng với Mexico, có thể sẽ gia nhập đội ngũ các nước ổn định tại Mỹ Latinh trong năm 2015, góp phần giúp khu vực vượt qua được những hiệu ứng bất lợi từ Venezuela, nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn do giá dầu giảm.


Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc này cũng được thể hiện qua cách các ngân hàng trung ương trên thế giới điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) đã ngừng gói kích cầu dài hạn quy mô lớn và khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong quý 4 của năm tới. Trái lại, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, và sẽ bơm vào thị trường trong quý đầu tiên của năm 2015 những gói giải pháp mới nhằm cân đối thanh khoản. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách kích thích tiền tệ hòng vực dậy nền kinh tế đã giảm phát suốt thời gian dài.

Theo Thái Nguyễn
Tin Tức

VN làm gì nếu TQ lập vùng cấm bay ADIZ?

Việt Nam không thể 'thoái thác trách nhiệm' lên tiếng nếu Trung Quốc có kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và việc 'thoái thác trách nhiệm' ấy là 'không thể, không được phép', theo ý kiến một nhà phân tích tình hình khu vực từ Hà Nội.

Trao đổi với BBC hôm 13/12/2014, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói:
"Như thông tin mà chúng ta được biết, Trung Quốc đã bí mật triển khai cái gọi là Vùng nhận diện Phòng không, cái đó tôi nghĩ là nếu Việt Nam không nhanh chóng lên tiếng cùng các lực lượng bảo vệ hay yêu chuộng hòa bình khác, kể cả các cường quốc bên ngoài như Mỹ hay Nhật Bản...
"Thì Việt Nam gần như là thoái thác trách nhiệm, mà Việt Nam là nước bị ảnh hưởng lớn nhất mà mình lại thoái thác gần như là điều không thể, không được phép.
"Cho nên tôi nghĩ thời điểm này là thời điểm Việt Nam không thể chậm trễ hơn được nữa, nó (là) tình thế bắt buộc...
"Chuyện ADIZ đã từng diễn ra ở Biển Hoa Đông liên quan đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc rồi, những hành xử như vậy của Trung Quốc thì kịch bản các nước phải như thế nào, tôi nghĩ Việt Nam chắc chắn cũng không ở ngoài.
"Chỉ có điều là cái tỷ phần hay tỷ lệ nghiêm trọng ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ cao hơn so với các nước kia, bởi vì các nước kia, Nhật Bản chẳng hạn chỉ là phần phía Nam của lãnh thổ Nhật Bản kéo dài mấy nghìn km thì cũng không phải là ảnh hưởng quá lớn.
"Nhưng đối với Việt Nam, toàn bộ mặt tiền Biển Đông của chúng ta (Việt Nam) kéo dài, toàn bộ diện tích Biển Đông 1 triệu km2, thì ảnh hưởng, đấy là không gian sinh tồn của mình trong tương lai, cho nên tôi nghĩ nếu Việt Nam không phản ứng quyết liệt vụ này thì sẽ rất là khó khăn.
"Chỉ có điều vấn đề của Việt Nam bây giờ là riêng Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề liên quan cái này hay không? Thì tôi nghĩ là trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hay là sự tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà cần phải kết hợp các lực lượng khác.
"Và tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa các sự đe dọa, hay là mối nguy từ phía Trung Quốc."

'Thao tác đầu tiên'

Nhận xét của ông Kế được đưa ra sau khi Việt Nam mới đây đã đệ trình Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Quốc tế một bản Tuyên bố chính thức về các quyền của Việt Nam ở Biển Đông để lưu ý cơ quan trọng tài này về các quyền của mình trong vụ kiện chủ quyền ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
Bình luận về ý nghĩa Việt Nam chọn thời điểm này để liên hệ với Tòa án quốc tế, nhà phân tích nói:
Giàn khoan Hải Dương 981
Có tin nói Trung Quốc đã 'bí mật thiết lập' vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông.
"Đây là một tính toán của Việt Nam mà tôi nghĩ là nếu không nhanh chóng lên tiếng một cách kịp thời như vậy, thì chắc chắn Việt Nam sẽ không có khả năng để đòi lại quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông...
"Tôi nghĩ trì hoãn tới thời điểm này Việt Nam có lẽ cũng đã tính toán kỹ, nhưng về tính toàn diện của yêu sách của Việt Nam, tôi nghĩ cũng chưa phải, bởi vì chắc chắn đây chỉ là thao tác đầu tiên mang tính chất đánh động thôi,
"Chứ chưa hẳn đã là một hệ thống pháp lý đầy đủ mà Việt Nam muốn đưa lên cho (Tòa án) Trọng tài Quốc tế.
"Thế còn về thời điểm tại sao lại vào hiện nay, tôi nghĩ có thể liên quan đến thái độ của Trung Quốc."
Trong bản Tuyên bố gửi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, Việt Nam đã thừa nhận cơ quan này có quyền tài phán với trường hợp của Philippines, điều đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam đề nghị Tòa án 'quan tâm đúng đắn' tới các quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như cho hay Việt Nam bác bỏ Đường 9 đoạn (hay Bản đồ đường Lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông và xem tuyên bố đơn phương này của Trung Quốc là không có 'cơ sở pháp lý'.

'Sai lầm hoàn toàn'

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng thời điểm của động thái đưa ra tuyên bố 'là quá muộn', ông nói:
"Vào thời điểm này, theo quan điểm của tôi, Việt Nam đưa ra cũng hơi muộn, chứ không phải là sớm sủa gì. Đây chắc chắn là một sự tính toán rất kỹ lưỡng và trong tình thế Việt Nam không thể nào phản ứng khác được...
"Chủ trương có thể can thiệp hay đệ trình các yêu cầu, yêu sách của mình lên Tòa án Trọng tài Quốc tế đó là chuyện Việt Nam cũng đã có chủ trương, chỉ có điều cho đến bây giờ có thể nói là một sự tính toán rất kỹ lưỡng.
"Thứ hai là có thể có những kết quả thương thảo, những vấn đề diễn biến phức tạp về giải quyết tranh chấp chủ quyền của Philippines với Trung Quốc liên quan đến Trường Sa.
"Thì nếu Việt Nam không lên tiếng, trong quá trình thương thảo, nếu như Tòa án Trọng tài Quốc tế mà lại có những quyết định nào đó có lợi cho một trong hai bên, bất kể là Trung Quốc hay Philippines hay một nước nào khác, Việt Nam lại không có tiếng nói, thì chắc chắn Việt Nam sẽ thua thiệt."
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Bảy với BBC, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế cũng bình luận và lưu ý về hai việc mà ông gọi là 'sách lược', 'chiêu bài' của Trung Quốc trong đối phó với Việt Nam trên Biển Đông, mà theo ông là việc cố thuyết phục Việt Nam 'cùng nhau khai thác' ở những khu vực địa điểm có tranh chấp hoặc đã đang bị biến thành vùng tranh chấp, bên cạnh việc tạo áp lực để tránh đưa các vụ việc tranh chấp đó ra quốc tế hay khu vực.
"Nếu nghe theo, cùng khai thác với Trung Quốc, thì thực ra chúng ta đã sai lầm hoàn toàn, quan điểm của tôi là không chấp nhận, một khi mà Trung Quốc không từ bỏ quan điểm chủ quyền thuộc về Trung Quốc, thì không thể cùng nhau khai thác được," nhà phân tích nói với BBC.