Trang

14 tháng 12, 2014

Kêu gọi vốn xã hội vào xây dựng Cảng hàng không Long Thành?

Sẽ kêu gọi vốn xã hội vào xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thông tin này được đề cập tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông” được Bộ Giao thông vận tải đang tổ chức tại Hà Nội sáng ngày 12/12/2014.

Đây là Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng và hấp dẫn nguồn vốn tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông. 

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay ngành giao thông đã huy động khoảng 160 nghìn tỷ đồng để triển khai 65 dự án, công trình từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Dự kiến năm 2014, ngành GTVT sẽ đạt mức giải ngân kỷ lục lên đến 100 nghìn tỷ đồng. Số vốn này chủ yếu được huy động trong khoảng ba năm trở lại đây.

Từ năm 2012 về trước, chỉ có vỏn vẹn 22 dự án, với tổng mức đầu tư khiêm tốn khoảng 49.605 tỷ đồng. Nhưng riêng năm 2013 ngành GTVT đã huy động được 24 dự án, với tổng mức đầu tư khoảng 68.563 tỷ đồng. Năm 2014, số vốn thu hút cũng được 42.572 tỷ đồng. Dự kiến năm 2015, con số sẽ còn cao hơn, ở mức khoảng 45.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, dự kiến sẽ có một nguồn vốn lớn, lên đến khoảng 235 nghìn tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào giao thông. 

Nguồn vốn này không chỉ tập trung vào đường bộ, ngành GTVT sẽ tập trung kêu gọi vốn xã hội hóa ở nhiều lĩnh vực khác như tuyến đường sắt Bắc Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án cảng biển, dự án đường thủy nội địa...

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, để có thể đạt được các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng đã đề ra, yêu cầu nhu cầu nguồn vốn đầu tư từ nay đến năm 2020 là rất lớn. 

“Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, Chính phủ Việt Nam xác định việc huy động nguồn vốn từ khối doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước là hết sức cần thiết”.
Trong thời gian vừa qua, nhiều quy định pháp lý liên quan về chính sách xã hội hóa, kêu gọi đầu tư cũng như các quy định trong việc quản lý đầu tư xây dựng theo các hình thức đầu tư khác nhau  nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đã được ban hành, đặc biệt là theo mô hình BOT và hợp tác công - tư (PPP).

Bộ GTVT đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực GTVT, tham gia vào quá trình chuyển nhượng quyền khai thác và thuê lại các công trình kết cấu hạ tầng đã hoàn thành.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường kỳ vọng, việc hợp nhất Nghị định 108/2009/NĐCP và Quyết định số 71/2010/QĐTTG và bổ sung các quy định mới, Chính phủ Việt Nam dự kiến ban hành một nghị định PPP mới về lĩnh vực này trong tháng 12/2014 hoặc đầu tháng 1/2015 sẽ là một hành lang pháp lý mới tạo cơ sở để Việt Nam tiếp tục hợp tác trong các dự án cụ thể thời gian tới.


Khánh Nhi

Bức tranh nhiều màu sắc của kinh tế thế giới 2015

Bức tranh nhiều màu sắc của kinh tế thế giới 2015

Năm 2015 sẽ là năm của sự khác biệt và chia rẽ trên bình diện kinh tế toàn cầu, từ xu hướng phát triển, chính sách và thành tích của các nền kinh tế.

Khi mà năm mới chuẩn bị tới, những chia rẽ đó sẽ ngày càng khó để hòa hợp hơn và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu đứng trước lựa chọn: vượt qua các trở ngại hay đối mặt với nguy cơ bất ổn kinh tế.

Kinh tế thế giới năm tới sẽ bị chi phối bởi 4 nhóm quốc gia. Nhóm đầu tiên, do Mỹ dẫn đầu, sẽ tiếp tục có những bước tiến trong nâng cao hiệu suất của nền kinh tế. Thị trường lao động sẽ tươi sáng hơn với nhiều công việc được tạo ra đi kèm với việc tiền lương được cải thiện. Những lợi ích từ sự tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được phân phối công bằng hơn so với những năm vừa qua nhưng sự phân cách về giàu nghèo, mức độ thu nhập vẫn rất lớn.


Nhóm nước thứ 2, điển hình là Trung Quốc, giữ mức tăng trưởng ổn định và thấp hơn mức trung bình của những năm trước, đồng thời tiếp tục quá trình hoàn thiện cơ cấu của nền kinh tế. Các nước như Trung Quốc sẽ tiếp tục tái định hướng mô hình tăng trưởng để hướng tới sự phát triển bền vững hơn - một nỗ lực có thể đôi khi làm thị trường tài chính toàn cầu chao đảo nhưng không chệch hướng. Các nền kinh tế này sẽ nỗ lực tăng trưởng thị trường nội địa, nâng cao chất lượng các khung pháp lý, khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân và mở rộng quy mô của hoạt động quản lý nền kinh tế dựa trên yếu tố thị trường.


Nhóm thứ ba, dẫn dầu là các nước châu Âu, sẽ nỗ lực thoát khỏi tình trạng trì trệ, thực trạng đã gây nên những bất ổn chính trị xã hội tại một số nước và gây khó khăn cho việc ra các quyết sách của khu vực. Sự tăng trưởng èo uột, các nhân tố gây giảm phát và tình trạng nợ công sẽ gây cản trở cho hoạt động đầu tư, có thể dẫn tới những tác động tiêu cực hơn cho nền kinh tế. Ở một số nền kinh tế bị tác động mạnh nhất, tình trạng thất nghiệp, nhất là ở giới trẻ, sẽ vẫn ở mức cao đáng báo động và kéo dài.


Nhóm các nền kinh tế cuối cùng bao gồm các nước có nhiều yếu tố khó dự đoán, điển hình trong nhóm này là Nga. Nước này đang phải đối mặt với sự suy thoái kinh tế, khả năng sụp đổ của đồng nội tệ, sự tháo chạy của dòng vốn và thiếu thốn hàng hóa do hoạt động nhập khẩu bị thắt chặt. Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cần xử lý khéo léo vấn đề Ukraine, điều chỉnh quan hệ với phương Tây để xây dựng một nền kinh tế bền vững, đa dạng hơn.

Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp Moskva phải đối mặt với các vòng trừng phạt mới, đẩy nền kinh tế tới khó khăn hơn nữa và thậm chí có thể gây bất ổn chính trị, dẫn tới những vấn đề trầm trọng hơn không chỉ cho kinh tế Nga mà toàn khu vực.

Brazil là một nền kinh tế tiềm năng khác song cũng chứa đựng nhiều nhân tố có thể gây bất trắc. Tổng thống tái đắc cử Dilma Rousseff đã bật đèn xanh cho việc sẵn sàng cải thiện năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, trong đó phản đối chủ trương tập trung quyền lực. Những lợi ích tiềm tàng của chính sách mới này hiện chưa rõ ràng so với những thiệt hại và hậu quả ngoài mong muốn mà người dân phải gánh chịu. Nhưng nếu thành công, Brazil, cùng với Mexico, có thể sẽ gia nhập đội ngũ các nước ổn định tại Mỹ Latinh trong năm 2015, góp phần giúp khu vực vượt qua được những hiệu ứng bất lợi từ Venezuela, nền kinh tế đang gặp không ít khó khăn do giá dầu giảm.


Bức tranh kinh tế nhiều màu sắc này cũng được thể hiện qua cách các ngân hàng trung ương trên thế giới điều hành chính sách tiền tệ. Ngân hàng trung ương Mỹ (FED) đã ngừng gói kích cầu dài hạn quy mô lớn và khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất trong quý 4 của năm tới. Trái lại, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ, và sẽ bơm vào thị trường trong quý đầu tiên của năm 2015 những gói giải pháp mới nhằm cân đối thanh khoản. Trong khi đó, Ngân hàng Nhật Bản dự báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách kích thích tiền tệ hòng vực dậy nền kinh tế đã giảm phát suốt thời gian dài.

Theo Thái Nguyễn
Tin Tức

VN làm gì nếu TQ lập vùng cấm bay ADIZ?

Việt Nam không thể 'thoái thác trách nhiệm' lên tiếng nếu Trung Quốc có kế hoạch thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông và việc 'thoái thác trách nhiệm' ấy là 'không thể, không được phép', theo ý kiến một nhà phân tích tình hình khu vực từ Hà Nội.

Trao đổi với BBC hôm 13/12/2014, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế từ Đại học Quốc gia Hà Nội nói:
"Như thông tin mà chúng ta được biết, Trung Quốc đã bí mật triển khai cái gọi là Vùng nhận diện Phòng không, cái đó tôi nghĩ là nếu Việt Nam không nhanh chóng lên tiếng cùng các lực lượng bảo vệ hay yêu chuộng hòa bình khác, kể cả các cường quốc bên ngoài như Mỹ hay Nhật Bản...
"Thì Việt Nam gần như là thoái thác trách nhiệm, mà Việt Nam là nước bị ảnh hưởng lớn nhất mà mình lại thoái thác gần như là điều không thể, không được phép.
"Cho nên tôi nghĩ thời điểm này là thời điểm Việt Nam không thể chậm trễ hơn được nữa, nó (là) tình thế bắt buộc...
"Chuyện ADIZ đã từng diễn ra ở Biển Hoa Đông liên quan đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc rồi, những hành xử như vậy của Trung Quốc thì kịch bản các nước phải như thế nào, tôi nghĩ Việt Nam chắc chắn cũng không ở ngoài.
"Chỉ có điều là cái tỷ phần hay tỷ lệ nghiêm trọng ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ cao hơn so với các nước kia, bởi vì các nước kia, Nhật Bản chẳng hạn chỉ là phần phía Nam của lãnh thổ Nhật Bản kéo dài mấy nghìn km thì cũng không phải là ảnh hưởng quá lớn.
"Nhưng đối với Việt Nam, toàn bộ mặt tiền Biển Đông của chúng ta (Việt Nam) kéo dài, toàn bộ diện tích Biển Đông 1 triệu km2, thì ảnh hưởng, đấy là không gian sinh tồn của mình trong tương lai, cho nên tôi nghĩ nếu Việt Nam không phản ứng quyết liệt vụ này thì sẽ rất là khó khăn.
"Chỉ có điều vấn đề của Việt Nam bây giờ là riêng Việt Nam có thể giải quyết được vấn đề liên quan cái này hay không? Thì tôi nghĩ là trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc, hay là sự tìm kiếm một sự cân bằng với Trung Quốc, thì Việt Nam không thể chỉ dựa vào sức mình mà cần phải kết hợp các lực lượng khác.
"Và tôi hoàn toàn tán thành một chủ trương là phải lựa chọn các đối tác an ninh ở khu vực để cân bằng sức mạnh, hay để vô hiệu hóa các sự đe dọa, hay là mối nguy từ phía Trung Quốc."

'Thao tác đầu tiên'

Nhận xét của ông Kế được đưa ra sau khi Việt Nam mới đây đã đệ trình Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) của Quốc tế một bản Tuyên bố chính thức về các quyền của Việt Nam ở Biển Đông để lưu ý cơ quan trọng tài này về các quyền của mình trong vụ kiện chủ quyền ở Biển Đông giữa Philippines với Trung Quốc.
Bình luận về ý nghĩa Việt Nam chọn thời điểm này để liên hệ với Tòa án quốc tế, nhà phân tích nói:
Giàn khoan Hải Dương 981
Có tin nói Trung Quốc đã 'bí mật thiết lập' vùng nhận dạng phòng không ADIZ trên Biển Đông.
"Đây là một tính toán của Việt Nam mà tôi nghĩ là nếu không nhanh chóng lên tiếng một cách kịp thời như vậy, thì chắc chắn Việt Nam sẽ không có khả năng để đòi lại quyền hợp pháp của mình ở Biển Đông...
"Tôi nghĩ trì hoãn tới thời điểm này Việt Nam có lẽ cũng đã tính toán kỹ, nhưng về tính toàn diện của yêu sách của Việt Nam, tôi nghĩ cũng chưa phải, bởi vì chắc chắn đây chỉ là thao tác đầu tiên mang tính chất đánh động thôi,
"Chứ chưa hẳn đã là một hệ thống pháp lý đầy đủ mà Việt Nam muốn đưa lên cho (Tòa án) Trọng tài Quốc tế.
"Thế còn về thời điểm tại sao lại vào hiện nay, tôi nghĩ có thể liên quan đến thái độ của Trung Quốc."
Trong bản Tuyên bố gửi Tòa án Trọng tài Thường trực quốc tế, Việt Nam đã thừa nhận cơ quan này có quyền tài phán với trường hợp của Philippines, điều đã bác bỏ quan điểm của Trung Quốc.
Ngoài ra, Việt Nam đề nghị Tòa án 'quan tâm đúng đắn' tới các quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như cho hay Việt Nam bác bỏ Đường 9 đoạn (hay Bản đồ đường Lưỡi bò) của Trung Quốc trên Biển Đông và xem tuyên bố đơn phương này của Trung Quốc là không có 'cơ sở pháp lý'.

'Sai lầm hoàn toàn'

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng thời điểm của động thái đưa ra tuyên bố 'là quá muộn', ông nói:
"Vào thời điểm này, theo quan điểm của tôi, Việt Nam đưa ra cũng hơi muộn, chứ không phải là sớm sủa gì. Đây chắc chắn là một sự tính toán rất kỹ lưỡng và trong tình thế Việt Nam không thể nào phản ứng khác được...
"Chủ trương có thể can thiệp hay đệ trình các yêu cầu, yêu sách của mình lên Tòa án Trọng tài Quốc tế đó là chuyện Việt Nam cũng đã có chủ trương, chỉ có điều cho đến bây giờ có thể nói là một sự tính toán rất kỹ lưỡng.
"Thứ hai là có thể có những kết quả thương thảo, những vấn đề diễn biến phức tạp về giải quyết tranh chấp chủ quyền của Philippines với Trung Quốc liên quan đến Trường Sa.
"Thì nếu Việt Nam không lên tiếng, trong quá trình thương thảo, nếu như Tòa án Trọng tài Quốc tế mà lại có những quyết định nào đó có lợi cho một trong hai bên, bất kể là Trung Quốc hay Philippines hay một nước nào khác, Việt Nam lại không có tiếng nói, thì chắc chắn Việt Nam sẽ thua thiệt."
Trong cuộc trao đổi hôm thứ Bảy với BBC, Tiến sỹ Khoa học Lương Văn Kế cũng bình luận và lưu ý về hai việc mà ông gọi là 'sách lược', 'chiêu bài' của Trung Quốc trong đối phó với Việt Nam trên Biển Đông, mà theo ông là việc cố thuyết phục Việt Nam 'cùng nhau khai thác' ở những khu vực địa điểm có tranh chấp hoặc đã đang bị biến thành vùng tranh chấp, bên cạnh việc tạo áp lực để tránh đưa các vụ việc tranh chấp đó ra quốc tế hay khu vực.
"Nếu nghe theo, cùng khai thác với Trung Quốc, thì thực ra chúng ta đã sai lầm hoàn toàn, quan điểm của tôi là không chấp nhận, một khi mà Trung Quốc không từ bỏ quan điểm chủ quyền thuộc về Trung Quốc, thì không thể cùng nhau khai thác được," nhà phân tích nói với BBC.

12 tháng 12, 2014

Giá dầu lao dốc xuống đáy mới chưa đến 58 USD/thùng

Giá dầu lao dốc xuống đáy mới chưa đến 58 USD/thùng

Trong tuần này giá dầu WTI giảm 12% trong khi dầu Brent hạ 10% - tuần giảm thứ 10 liên tiếp.

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 12/12 do Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo nhu cầu dầu thế giới lần thứ 4 liên tiếp trong vòng 5 tháng trở lại đây.
Trên sàn giao dịch Nymex, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 1 đóng cửa phiên hôm qua mất 2,14 USD tương đương 3,6% còn 57,81 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 5/2009. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên sàn ICE trong khi đó giảm 1,83 USD tương đương 2,9% xuống 61,85 USD/thùng.
Trong tuần này giá dầu WTI giảm 12% trong khi dầu Brent hạ 10% - tuần giảm thứ 10 liên tiếp. Kể từ mức đỉnh cao của năm là 107,26 USD/thùng thiết lập ngày 20/6 thì giá dầu đến nay đã giảm 46%.
Hôm qua, IEA công bố báo cáo cho thấy cơ quan này giảm dự báo 230.000 thùng dầu/ngày đối với tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ năm 2015. 
IEA đồng thời tăng dự báo sản lượng của các nước ngoài OPEC thêm khoảng 200.000 thùng/ngày, tức năm 2015 sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày so với năm nay lên 57,8 triệu thùng/ngày. Cơ quan này nhận xét sản lượng dầu của Mỹ - vốn đang ở mức cao của 3 thập kỷ - sẽ tiếp tục tăng trong năm tới.
Theo các chuyên gia, về ngắn hạn thì triển vọng giá dầu rất yếu khi nguồn cung mạnh hơn cầu.
Kể từ ngày 26/11 – trước ngày OPEC quyết định giữ nguyên hạn mức sản lượng ở 30 triệu thùng/ngày – đến nay giá dầu đã giảm khoảng 20%. Việc Saudi Arabia, Iraq và Kuwait – 3 thành viên lớn nhất của OPEC – lần lượt giảm giá bán dầu cho các khách hàng châu Á làm tăng khả năng rằng các nước này đang cố tranh nhau thị phần.

Ngọc Toàn
Theo Infonet/Bloomberg

Sáu năm cha theo con trai liệt tứ chi đến trường

Dù nắng hay mưa, suốt 6 năm qua, ông Huynh đều đặn theo con trai liệt tứ chi bẩm sinh đến trường học tập với ước mơ trở thành người có ích cho xã hội. 
11-12-Anh-2-Sau-nam-cong-con-den-truong.
Suốt sáu năm qua, hàng ngày ông Huynh cõng con trai đến trường học tập hy vọng chắp cánh ước mơ cho cậu học trò nghèo. Ảnh: Trí Tín.
Chiều ngày đông se lạnh, ông Lương Bá Huynh lặng lẽ cõng con trai đến trường THCS Nghĩa Thương (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) học tập. Ở phía sau, cậu bé Lương Bá Hiệp vòng hai cánh tay co quắp ra phía trước ngực cha, hai chân buông thõng, teo tóp.
Ông Huynh nhớ như in năm 2002, con trai lọt lòng bụ bẫm, đôi mắt sáng ngời, hai vợ chồng tràn ngập hạnh phúc. Niềm vui chưa được bao lâu thì bệnh viện kết luận cháu bị liệt bẩm sinh tứ chi. "Chạy chữa khắp nơi, sức cùng lực kiệt, cuối cùng tôi đành chấp nhận số phận con trai mình bại liệt”, ông Huynh nói.
Lúc Hiệp tròn 6 tuổi, ngồi trên xe lăn trước hiên nhà, thấy những đứa trẻ cùng trang lứa đến trường, cậu bé nằng nặc đòi đi học. "Nghe con khóc bảo muốn đi học mà vợ chồng nhìn nhau ái ngại. Hai bàn tay con co quắp không cầm nắm được vật gì huống chi cầm bút, sách vở", bà Cường (mẹ của Hiệp) nhớ lại.
11-12-Anh-1-Sau-nam-cong-con-d-8823-2223
Cậu bé Lương Bá Hiệp ngồi học ở lớp 6D, trường THCS Nghĩa Thương. Ảnh: Trí Tín.
Những ngày dài sau đó, vợ chồng ông Huynh nhìn thấy đứa con tật nguyền cố tập cầm chiếc bút chì vẽ những nét nguệch ngoạc vào tờ giấy nháp bỏ đi của chị gái rồi dán lên trên tường nhà mà đau lòng. Vậy là người cha mạnh dạn đến trường mẫu giáo trong thôn để xin cho con đi học. 
Sau khi được nhận vào lớp mẫu giáo, sau buổi học trở về nhà không ai nhắc nhở nhưng cậu bé say sưa tập viết, vẽ mà không để ý gì đến những chương trình hoạt hình từng yêu thích trước đó trên tivi.
Khi lên bậc Tiểu học, do trường cách nhà hơn 4 km nên ông Huynh không thể cõng con đi bộ được nữa, đành cải tiến chiếc xe đạp cũ kỹ, bọc lót phía sau một chiếc gối mềm để chở con. Ông Huynh kể, có bữa đi giữa đường xe bị hỏng nên trễ giờ học, thằng bé khóc hờn dỗi cả ngày. “Dù nắng hay mưa, thằng út không chịu nghỉ bữa nào. Ngay cả ngày đám cưới chị cả của nó mà tôi cũng phải chở nó đến trường học chứ không thì nó quấy khóc hoài”, ông Huynh cho hay. 
Suốt 6 năm qua, năm nào cậu bé Hiệp cũng xếp loại học sinh khá. Cô giáo Lê Thị Sang, giáo viên trường THCS Nghĩa Thương chia sẻ, dẫu sinh ra trong gia đình nghèo khó, bản thân lại khuyết tật, nhưng em Hiệp đã trở thành tấm gương sáng về lòng ham học, ý chí nghị lực vượt qua số phận đáng để mọi người khâm phục
Tạm gác mọi công việc, hàng ngày ông Huynh dành trọn thời gian đưa con ngày hai lượt đến trường và về nhà. Cậu bé càng lớn, lớp học ở trên tầng lầu, ông Huynh oằn lưng cõng con lên xuống cầu thang. Trong khi đó mẹ cậu bé ngày nào cũng thức dậy từ mờ sáng theo các xe tải rong ruổi khắp nơi bưng bê gạch, ngói thuê cho các công trình xây dựng, thu nhập bấp bênh. 
Ông Huynh bảo rằng, vốn quý nhất của mỗi người là học vấn, tri thức. Cuộc đời luôn có luật bù trừ. Hai vợ chồng khổ cực đến bao nhiêu đi nữa mà cậu con trai khuyết tật học hành nên người đã là hạnh phúc.
Đằng đẵng nhiều năm qua vợ chồng ông Huynh đã không ngừng lao động nuôi ba con học hành, hai con gái đã tốt nghiệp đại học ra trường chờ xin việc làm. Giờ hai vợ chồng ông lại dồn sức chăm lo cho cậu con trai út khuyết tật vững chí đến trường. "Ước mơ của con là học thật giỏi và có đôi chân như các bạn để ba đỡ vất vả phải cõng con đến trường mỗi ngày", cậu bé Hiệp nói. 
Trí Tín

Nga tuyệt vọng đỡ đòn phạt của phương Tây?

(Tin tức 24h) - Nỗ lực đối phó lạm phát của Nga không làm tình hình sáng sủa thêm, thậm chí đồng Rúp còn tạo kỷ lục mới với mức rớt thê thảm.

Ngân hàng Trung ương Nga ngày 11/12 đã quyết định nâng lãi suất cơ bản lần thứ 5 trong năm nay, từ mức 9,5% lên 10,5%, gấp đôi so với hồi tháng một, nhằm đối phó lạm phát.
Lần gần đây nhất là 6 tuần trước, cơ quan này nâng lãi từ 8% lên 9,5%. Website của Ngân hàng Trung ương Nga cho biết sẽ còn tiếp tục động thái này "nếu nhận thấy rủi ro lạm phát tăng cao".
Ngay sau tuyên bố của Ngân hàng Trung ương Nga được phát đi, đồng Rúp rớt giá xuống mức thấp chưa từng có trong lịch sử so với đồng USD, với 55,46 Rúp đổi 1 USD.
So với thời điểm đầu năm, đồng Rúp hiện đã mất giá khoảng 40% so với đồng USD.
Giới phân tích đánh giá, việc tăng lãi suất cho thấy sự lựa chọn ngày càng thu hẹp đối với các nhà hoạch định chính sách Nga sau khi đã chi khoảng 80 tỷ USD từ đầu năm để bảo vệ tỷ giá. 
Theo nhận định của CNN, động thái mới của Ngân hàng Trung ương Nga sẽ càng chồng thêm thách thức cho nền kinh tế đang trên đà suy giảm. 
Lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của các gia đình Nga tăng vọt
Lạm phát tăng cao khiến chi tiêu của các gia đình Nga tăng vọt
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina nói rằng, dòng vốn bị rút khỏi Nga sẽ tới 120 tỷ USD trong năm tới và cũng ở mức tương tự trong năm nay.
Bà này dự báo, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng ở mức gần 0% trong năm 2015-2016 và lạm phát sẽ vào khoảng 10% trong 3 tháng đầu năm sau.
Nhiều nhà kinh tế cũng dự đoán kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới, nhất là khi không có dấu hiệu cho thấy các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ sớm được dỡ bỏ. 
Giá dầu toàn cầu lao dốc cũng là đòn giáng mạnh lên Nga, do kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực năng lượng. Xuất khẩu dầu khí còn đóng góp gần một nửa ngân sách Nga. Giá dầu hiện vào khoảng 61 USD một thùng, giảm gần 40% so với 100 USD hồi tháng 6.
Ngày 10/12, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết Chính phủ nước này đang đàm phán với các công ty lớn về việc bán ra ngoại tệ của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Mátxcơva cũng hối thúc các nhà xuất khẩu chuyển đổi tiền từ ngoại tệ sang Rúp để hỗ trợ cho tỷ giá đồng nội tệ.
Khó khăn chồng khó khăn nhưng người đứng đầu Chính phủ Nga vẫn tỏ ra khá bình thản. Ông Medvedev cho biết, cho biết dù nội tệ giảm giá là đòn giáng mạnh vào tiêu dùng - động lực chính giúp Nga hồi phục qua khủng hoảng 2008, chẳng có lý do gì để phải "kích động đặc biệt" cả.
"Tất cả chúng ta cần phải kiên nhẫn vượt qua thời kỳ khó khăn này và nhìn về tương lai", ông nói.
Thậm chí, Thủ tướng Nga bày tỏ tin tưởng rằng trong một vài năm tới, Nga sẽ tự túc lương thực thực phẩm và sẽ không cần nhập khẩu sản phẩm nước ngoài.
Ông Medvedev có lạc quan tếu hay không vẫn còn phải chờ thời gian trả lời, nhưng riêng năm nay Nga mất khoảng 140 tỷ USD mỗi năm vì giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây, theo ước tính của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov.
Khải An (Tổng hợp)

Người Việt chưa giàu nhưng "sang": Chơi ngông vì... sĩ diện hão

(Tin tức thời sự) - "Chúng ta cứ đưa ra các khẩu hiệu như miền núi phải tiến kịp miền xuôi, nông thôn phải tiến kịp thành thị, nhưng làm thì ngày càng chậm"

Đó là nhận định TS Phạm Tiến Bình – Giảng viên, Tiến sĩ Kinh tế - Đại học kinh tế - Đại học QGHN với Đất Việt.
Trưởng giả học làm sang
PV:- Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp nhận chứng nhận khu nghỉ dưỡng, nhà hàng sang trọng bậc nhất thế giới. Những thương hiệu đắt tiền bậc nhất về xe hơi, thời trang, trang sức… cũng đang hiện diện ở Việt Nam. Điều này có thể coi nghịch lý khi Việt Nam vẫn thuộc top các nước nghèo, mức lương trung bình chỉ nhỉnh hơn Lào và Campuchia? Ông bình luận như thế nào về điều này?
TS Phạm Tiến Bình:- Thứ nhất, việc này theo tôi thể hiện sự phân chia giàu nghèo hiện nay, ở đất nước ta quá lớn, thứ hai, người Việt ta luôn muốn thể hiện cho người khác biết là mình giàu, mình có của. 
Giả dụ đáng lẽ ra chưa cần đến mức sang như vậy, hoặc trong điều kiện VN cũng chưa nên sử dụng xe sang như vậy, thì cũng đã sử dụng, để chứng minh sự giàu có, đẳng cấp. 
Đặc biệt, với mặt bằng kinh tế, đến 90% người dân làm nông nghiệp. Chưa kể, ở nông thôn người nông dân vẫn phải lao động vất vả, rồi hệ thống trường học, bệnh viện, các công trình công cộng tối thiểu vẫn còn quá thiếu thốn, đặc biệt vùng sâu vùng xa.
Trong khi, cứ nêu cao khẩu hiệu, "miền núi phải tiến kịp miền xuôi, nông thôn phải tiến kịp thành thị", cứ đặt ra như vậy, nhưng làm thì ngày càng chậm, thậm chí khoảng cách lại ngày càng xa hơn.
Để thấy rằng, về mặt kinh tế thì VN thuộc vào TOP cuối cùng, còn ăn chơi thì rơi vào TOP đầu, để thấy nhìn tổng thể thực ra không có gì đáng mừng.
PV:- Đồng ý rằng những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng sang trọng nhằm tới mục tiêu phục vụ khách nước ngoài. Thế nhưng phải hiểu như thế nào về những chiếc xe hơi có một không hai trên thế giới, trào lưu đua nhau xây trụ sở… như cung điện đã được chính các đại biểu Quốc hội phản ánh, những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm “kiểu đại gia” của nhiều cán bộ dự án…? Bằng kinh nghiệm của mình, ông có thể phân tích, ai là những người được xài sang ở Việt Nam?
TS Phạm Tiến Bình:- Ở đây, nó cũng giống như câu chuyệnhai người nhận đấu thầu một công trình, nhưng đơn vị nào nhận đấu thầu giá thấp thì không được, giá cao thì mới được.
Lý do tại sao?
Bởi vì làm như thế thì không có hiệu quả, nó sẽ trở thành tâm lý rất nguy hiểm. Thứ nhất, dùng tiền ngân sách thì sẽ thiết kế được cực kỳ to, hoành tráng, cực kỳ an toàn chắc chắn, có thể đội giá lên rất cao. Thứ hai, người có liên quan xây dựng các công trình này sẽ có cơ hội giàu theo, nói đúng với một danh từ hiện nay hay dùng là "tham nhũng".
Tôi khẳng định không có một công trình công cộng nào được xây dựng bằng vốn ngân sách, mà không hoành tráng quá mức cần thiết, giá cả bao giờ cũng đắt hơn nếu như cùng tính giá của một công trình được xây dựng tương tự. Cho nên đây là 1 cái thuộc về vấn nạn của VN.
Tôi cũng biết, bộ phận xài sang hiện nay của VN, là những người có chức, có quyền được cấp duyệt các dự án, các công trình có thể "tham nhũng", thì mới được hưởng lợi.
PV:- Trở lại vấn đề GDP, mức lương trung bình thấp, nhiều chuyên gia đã lý giải đó là do Việt Nam có nền kinh tế gia công, khai thác và bán tài nguyên thô. Vậy phải hiểu sự “sang” này có nguồn gốc từ đâu? Có phải điều đáng mừng khi chúng ta có nhiều người “sang” đến thế, trong khi mức sống của đại đa số người dân vẫn vô cùng chật vật?
TS Phạm Tiến Bình:- Hiện nay, xuất hiện nhiều vấn đề, một là, các cụ ngày xưa đã từng cho rằng, người Việt có suy nghĩ "trưởng giả học làm sang", tức là dù chưa đến mức đó nhưng sỹ diện, muốn ra điều ta rất sang, nên phải cố thể hiện, cách làm này vẫn đúng cho đến hiện tại.
Đây cũng là vấn nạn, là tư duy của lãnh đạo nhiệm kỳ, nếu được vào một vị trí trong nhiệm kỳ này, thì phải làm cái gì hơn người lãnh đạo nhiệm kỳ trước, mặc dù không cần thiết. Nhưng đó lại là nguồn gốc quan trọng, là con đường duy nhất có thể tham nhũng.
Sự phân biệt giàu - nghèo quá rõ ràng
Sự phân biệt giàu - nghèo quá rõ ràng
Chả những vậy, cứ với cách làm của người Việt như hiện nay, thì vẫn mãi chỉ là anh công nhân, mãi là anh bốc vác, làm thuê, ăn lương, không thể khá lên được.
Và câu chuyện này diễn ra, thì không có gì để vui mà còn đáng buồn. Khi bắt đầu có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới thì có người nông dân, công nhân nào đến được hay không, hay chỉ có những hội nghị này, hội nghị kia rồi đốt tiền ngân sách vào đó.
Tôi khẳng định, những người có nhận thức đều thấy buồn về điều này, chứ không ai có thể tự hào, có thể vui được.
Người Việt có tư tưởng sĩ diện
PV:- Việt Nam không làm được cái bỏ bao bì Samsung nhưng tỷ lệ số người sử dụng những loại điện thoại đắt tiền như vậy cao hơn nhiều so với những nước có mức thu nhập trung bình cao hơn. Đó có phải là một sự phản chiếu mờ những sự “sang” của đại gia hay của những người đặc tuyển nói trên? Phải lý giải việc một đất nước chưa giàu mà đã tâm lý phổ biến là xài… “sang” như Việt Nam như thế nào?
TS Phạm Tiến Bình:- Phong tục tập quán từ xưa của người VN là rất sĩ diện. Thấy người này có, mình không có, thì cũng phải sĩ với người yêu, với bạn bè, với tầng lớp cấp trên.
Bây giờ ra đường mà dùng điện thoại đen trắng Nokia, hay Samsung, bao giờ cũng bị mắng, bị nói là lạc hậu, cổ hủ, bây giờ thì phải dùng smartphone. Đó chính là bệnh sĩ kinh niên, khó chữa, không bằng lòng cuộc sống hiện tại.
Đáng chê trách hơn cả, đó là, tiền học thêm, nâng cao tri thức thì không có, nhưng phải bằng được có tiền để mua điện thoại sang cho bằng bạn, bằng bè.
Theo tôi, một là, nó cũng do hệ thống giáo dục, hệ lụy văn hóa từ bé, hai là, hãy nhận thức nhìn lên trên, không nhìn xuống dưới, khi có vị trí, có chức quyền, thì chỉ nên nghĩ tới chuyện vơ vào.
PV:- Ông bình luận như thế nào về ý kiến, nền kinh tế tiêu thụ iPhone 6 nhưng không làm được nổi một chiếc ốc vít ô tô cũng như người đi bán máu để mua trang sức, dần dần sẽ suy kiệt và chết yểu? Có thể thay đổi tâm lý “sang” này của người Việt hay không? Vì sao ạ?
TS Phạm Tiến Bình:- Từ xưa các cụ đã có những bài học dạy cho những người "vung tay quá trán", đến nay tôi thấy vẫn nguyên giá trị.
Nếu như quốc gia không có thì phải đi vay để làm, còn đối với cá nhân, nếu như bố mẹ không cho tiền, thì cũng bằng mọi cách lừa bố mẹ để có Iphone, cuối cùng trở thành nếp sống.
Chúng ta đã quên mất bài học, bằng lòng với những gì mình có, cho nên bây giờ sự phô trương, đã trở thành vấn nạn, mà nó ở cấp độ nào thì cũng có hại như nhau, dù cấp độ quốc gia, tỉnh, huyện, xã hay cá nhân cũng vậy. Nó hoàn toàn có hại chứ không có lợi.
Tất cả đều rơi vào tình trạng, không lo trau dồi tay nghề, trau dồi những kiến thức cần thiết để kiếm tiền, từ đó có được những thứ mình muốn, mà chỉ quan tâm đến tiêu xài.
Tôi cho rằng, những người dùng Iphone 6 mà chưa có công ăn việc làm, thì cũng chỉ vì chưa phải bỏ sức lao động ra đi xúc đất, bóc vác, để kiếm được mấy chục nghìn một ngày, nên chưa biết quý, biết trân trọng đồng tiền, mà chỉ biết tiêu xài hoang phí.
Bây giờ, chỉ đơn giản đặt một phương trình "Tài sản = nợ phải trả + vốn tự có", tài sản càng to thì bên kia vốn tự có phải to hơn nợ phải trả thì sẽ cân bằng được. Thế nhưng, trong phương trình hiện nay thì tài sản VN ngày càng to, nhưng vốn tự có càng ngày càng nhỏ, còn nợ phải trả càng ngày càng to.
Và cái nguồn gốc tâm lý xài sang này, trước đây xuất phát từ công tử Bạc Liêu lấy tiền đốt trứng, muốn tỏ ra mình giàu có, tâm lý này giờ đã ảnh hưởng ra tận cả nước, tuy nhiên, cháu mấy đời của công tử bạc Liêu giờ phải đi xe ôm kiếm ăn.
Để giáo dục lại, thì chúng ta phải quay trở lại cả 1 hệ thống từ truyền thông cho đến những bài hát, bài học đưa vào nội dung, để người dân thấy quý sức lao động, tiết kiệm ngay trong những khoản chi tiêu nhỏ nhất, sao cho phù hợp với sức lao động, với thu nhập mà mình có, đừng có mang công mắc nợ để mà làm sang.
Thử hỏi trong một gia đình nghèo nhưng phải dùng Iphone, quốc gia nghèo, sống bằng bán tài nguyên thô, thì phương trình kia có cân bằng được hay không?
Tôi chỉ cần lấy ngay ví dụ, hai người cùng có một chiếc xe, giá tiền như nhau, thế nhưng, một anh nợ bằng 0, vốn tự có bằng tài sản chiếc xe; còn 1 anh thì tiền nợ bằng tiền xe, vốn tự có bằng 0. Vậy ai biết, anh nào nợ, anh nào không, tất cả chỉ là hình thức.
- Xin cảm ơn TS đã chia sẻ với Đất Việt!
  • Thanh Huyền